(Conglydaiviet) - Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự vận hành phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các nhà lập pháp Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu để sửa đổi chính sách và pháp luật hình sự nhằm tháo gỡ thêm nhiều rào cản. Thể hiện nội dung này, Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi theo hướng tăng hình phạt tiền - hạn chế hình phạt tù - đối với các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động kinh tế...
Tiền là hình phạt chính
Theo dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện), người phạm tội buôn lậu ở nhiều mức độ vẫn có thể nộp tiền phạt thay cho án tù phải chịu. Với chủ trương “tăng mức phạt tiền là hình phạt chính”, ban soạn thảo dự luật đã nâng và mở rộng khung phạt tiền đối với tội danh này.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự (BLHS) cho phép người phạm tội buôn lậu bị kết án từ sáu tháng đến ba năm được nộp tiền phạt (từ 10-100 triệu đồng) thay thế, các mức án cao hơn không thể thay bằng tiền... Nhưng dự luật lần này thì khác, ngoài nâng số tiền phạt nói trên lên ba lần (30-300 triệu đồng) còn cho phép người bị kết án trên ba năm tù được nộp tiền thay thế.
Cụ thể, người phạm tội buôn lậu trong khung hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm thì có thể nộp tiền phạt từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng để thay thế; bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm thì số tiền này phải từ trên 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng... Trường hợp pháp nhân phạm tội này thì mức tiền phạt cao gấp ba lần cá nhân.
Đối với tội trốn thuế cũng vậy. Hiện nay, nếu phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Nhưng theo dự luật, người phạm tội mức này có thể nộp phạt với số tiền từ ba đến năm lần số tiền trốn thuế thì sẽ thoát án tù...
Không chỉ với tội buôn lậu, trốn thuế mà hầu hết các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động kinh tế (chẳng hạn như tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội sản xuất buôn bán hàng cấm, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội kinh doanh trái phép, tội đầu cơ, lừa dối khách hàng, cho vay nặng lãi...) người phạm tội đều có thể nộp tiền phạt thay cho án tù.
Tuy nhiên, cũng có những quy định ngoại lệ, tiền không thể thay cho tù, nếu phạm tội buôn lậu mà vật phạm pháp có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị phạt tù 12-20 năm, hoặc chung thân. Hay với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới nếu hàng phạm pháp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn thì sẽ bị phạt tù 5-10 năm chứ không thể nộp tiền thay án tù được.
Bỏ và thêm một số tội danh
Ngay đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dự luật cũng xử lý theo hướng giảm nhẹ hình phạt tù, tăng hình phạt tiền. Nhưng đáng nói hơn, dự luật đã “mạnh dạn” bỏ một số tội danh lâu nay ám ảnh giới doanh nhân, chẳng hạn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo ban soạn thảo, những hành vi phạm tội trong lĩnh vực quản lý kinh tế đã có những tội phạm cụ thể xử lý. Việc bỏ tội danh này sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong chính sách hình sự. Một cán bộ của Bộ Tư pháp nói: “Không nên quy định một tội danh làm cái túi để xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào khi không đủ căn cứ để truy cứu về một tội danh cụ thể khác”.
Đối với tội kinh doanh trái phép, dự luật đã phải quy định lại nội hàm cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014. Hiện nay, người nào kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký bị coi là trái phép. Nhưng theo dự luật thì tới đây sẽ khác, đó là, chỉ khi kinh doanh những lĩnh vực mà Nhà nước cấm kinh doanh, kinh doanh không đủ điều kiện trong trường hợp pháp luật quy định phải có điều kiện (gây hậu quả nghiêm trọng) mới bị coi là kinh doanh trái phép.
Dự luật cũng loại tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế ra khỏi Bộ luật Hình sự, nhằm đảm bảo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh nhiều hành vi trong hoạt động kinh doanh gây tổn hại cho xã hội, doanh nghiệp, cá nhân mà pháp luật hình sự chưa quy định tội danh nên dự luật lần này đã bổ sung. Theo đó, dự luật đã quy định về tội cố ý làm trái quy định về cạnh tranh. Đặc biệt, dự luật quy định nhiều tội danh mới trong lĩnh vực bảo hiểm như tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm, tội gian lận trong bảo hiểm xã hội, trong bảo hiểm y tế, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động...
Vấn đề pháp nhân
Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là vấn đề hoàn toàn mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Theo dự luật, pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Dự luật cũng quy định cụ thể pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 15 tội cụ thể.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân và khung hình phạt dành cho pháp nhân căn cứ theo khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân.
Vậy hình phạt nào sẽ được áp dụng cho các pháp nhân phạm tội? Đó là phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn (hoặc vĩnh viễn) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (hoặc vĩnh viễn). Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung như công khai bản án, quyết định của tòa án; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn...
Tòa án cũng có thể quyết định áp dụng đối với pháp nhân phạm tội một hoặc một số biện pháp tư pháp như buộc bồi thường thiệt hại; buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.
Pháp nhân phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu khắc phục toàn bộ hậu quả hoặc đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
15 tội cụ thể mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (Theo dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi):
(1) Tội gây ô nhiễm môi trường; (2) Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; (3) Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; (4) Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; (5) Tội hủy hoại rừng; (6) Tội buôn lậu; (7) Tội trốn thuế; (8) Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; (9) Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; (10) Tội thao túng giá chứng khoán; (11) Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động(dự kiến bổ sung); (12) Tội tài trợ khủng bố; (13) Tội rửa tiền; (14) Tội nhận hối lộ; (15) Tội đưa hối lộ.
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online