TP.Đà Nẵng xử phạt biệt thự, biệt phủ xây dựng trái phép
Cập nhật: 29.01.2015 10:13
(Conglydaiviet) - Cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử lý đối với công trình nhà ở của thiếu tướng Phan Như Thạch(nguyên Giám đốc Công an Quảng Nam) và doanh nhân kinh doanh khai thác vàng Ngô Văn Quang theo hướng buộc các chủ nhân các biệt thự, biệt phủ phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép.
 
Phải thừa nhận một thực tế rằng vấn nạn xây dựng trái phép công trình nhà ở tại Việt Nam đang ở trong vòng rối rắm khi người dân thì tự do tùy tiện còn cơ quan quản lý nhà nước thì thiếu sự chuyên nghiệp, minh bạch và sâu sát.

Cho nên sau khi công trình xây dựng trái phép hoàn tất, chủ nhân dọn đến ở, thay vì mãn nguyện và hạnh phúc, thì họ lại đối mặt với chính quyền và luật pháp mà kết cục là hối tiếc và đắng cay. Vụ việc xây dựng biệt thự, biệt phủ tại TP. Đà Nẵng của tướng Thạch và doanh nhân Quang là vài ví dụ điển hình cho hàng nghìn trường hợp khác đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Điều đáng tiếc ở đây, trước hết sự đáng trách phải dành cho các khổ chủ. Họ đều là những người có địa vị cao trong xã hội, thừa khả năng để tiếp cận, hiểu biết về pháp luật và chính sách. Nhưng rồi sự tùy tiện đã chiến thắng tính kỷ luật để cho sự bất chấp ngự trị, vì thế giờ đây phải đối mặt với sự chê bai của dư luận và nhận trách nhiệm về hành động phạm luật. Xây nhà là đã sự tốn kém, giờ đây bị buộc tháo dỡ cũng không thể là không tốn kém. Chưa kể việc phải ôm tiền đi đóng phạt thật sẽ chẳng đặng đừng vì quãng đời còn lại sẽ khó đưa câu chuyện buồn đi vào quên lãng. Thật là lãng phí và còn gì cay đắng hơn khi một công trình kiến trúc đẹp đẽ, ưng ý bị hủy hoại và san phẳng, của bỏ đi mà không hốt lại được chút nào? 

Nhưng sự đáng trách vẫn phải dành cho các cơ quan và cán bộ có trách nhiệm trong quản lý nhà nước đã không đủ quyết tâm ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu. Bản chất của hoạt động thực thi luật pháp không bao giờ mang tính nửa vời, qua loa và bạc nhược. Một khi sự nể nang, kính sợ và ngại đụng chạm xuất hiện thì đó chính là rào cản ngăn bước chân của người thi hành công vụ. Và như vậy, luật pháp bắt đầu bị khinh nhờn.

Câu chuyện về hai khổ chủ ở Đà Nẵng là bài học cay đắng cảnh báo cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự. Xử sự hợp với luật pháp như thế nào để mãi mãi về sau luôn vui vẻ và bình an thật ra chẳng hề là việc khó khăn lắm vậy.

Thấy được những hệ lụy đó, để sự lo lắng và rối rắm ngày một tiết giảm, rất cần lắm nhiều sự thay đổi về văn hóa pháp lý trong ứng xử mỗi ngày vào từng mỗi việc của mỗi cá nhân và tổ chức. Trách nhiệm công dân một mặt cần phải được đánh thức, mặt song hành cần phải được hướng dẫn và giám sát thường nhật.

Hoàn thiện luật pháp là rất quan trọng, nhưng để cho luật pháp vận hành và phát huy hiệu quả thực chất thì mới là điều quan trọng và đáng quan tâm hơn. Cho nên, một khi luật pháp và hoạt động quản lý nhà nước trở nên dễ tiếp cận, rõ ràng, công khai và công chính sẽ tạo thành sức mạnh ngăn chặn những hành động đi ngược luật pháp. Lúc ấy câu chuyện xảy ra tại Đà Nẵng sẽ không còn là sự bận tâm của nhà nước và công luận, bởi không ai dại gì lại cố mà đi theo vết xe đổ trên con đường phạm luật.

CONGLYDAIVIET