Bất cập trong quản lý nhà nước: Án lệ Metro - Việt Nam là nạn nhân đặc biệt
Cập nhật: 11.05.2015 11:27
Chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp hai doanh nghiệp FDI đã bị thanh tra Tổng cục Thuế phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến chuyển giá, trốn thuế. Theo đó, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) bị truy thu hơn 500 tỷ đồng tiền thuế, còn Honda bị truy thu 182 tỷ đồng. Trao đổi với báo giới, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, điểm ngắm sắp tới là các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn chuyển giá khác.
(Conglydaiviet) - Chỉ trong vòng một tuần, liên tiếp hai doanh nghiệp FDI đã bị thanh tra Tổng cục Thuế phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến chuyển giá, trốn thuế. Theo đó, Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) bị truy thu hơn 500 tỷ đồng tiền thuế, còn Honda bị truy thu 182 tỷ đồng. Trao đổi với báo giới, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, điểm ngắm sắp tới là các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn chuyển giá khác.

Việt Nam là nạn nhân


Các chuyên gia kinh tế không tỏ ra bất ngờ trước những sự kiện này bởi thông tin về chuyển giá đã có từ lâu và các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến vấn đề này. Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, chuyển giá là "bài" làm ăn thường xuyên của các công ty nước ngoài.

"Các doanh nghiệp nước ngoài vào các nước chậm phát triển bao giờ cũng tìm cách kiếm lợi nhuận. Nước sở tại yếu về năng lực, trình độ, chưa tham gia thương trường nhiều nên hiểu biết ít, các doanh nghiệp lại là công ty đa quốc gia nên họ hoàn toàn có thể tính giá cao sản phẩm nhập vào nước đó để làm thành nguyên liệu, còn phần lợi nhất họ sẽ tìm nước nào có chính sách thuế thấp nhấp để đạt lợi nhuận ở đấy.

Chuyện ấy là bình thường và Việt Nam cũng là một nạn nhân. Vấn đề ở chỗ: nạn nhân bị đòn nặng hay nhẹ là do bản thân có chuẩn bị trước kiến thức và đội ngũ để tìm ra việc đó hay không, lực lượng thi hành nghiêm túc hay có tham nhũng hay không".

Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, vấn đề nằm ở chỗ quản lý của Việt Nam chưa chặt chẽ để cho doanh nghiệp ngoại lợi dụng kẽ hở và chuyển giá.

"Khi doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá, về mặt lợi ích quốc gia Việt Nam không được gì cả, nhất là không thu được thuế thu nhập doanh nghiệp. Những nhà chuyên môn, quản lý về kinh tế luôn hiểu được rằng nếu thua lỗ thì không ai có thể liên tục mở rộng sản xuất. Thế nhưng khi thấy doanh nghiệp lỗ mà vẫn tiếp tục xin mở rộng kinh doanh, các nhà quản lý vẫn cho phép. Ở đây có sự không bình thường!

Nếu như không có chuyện tập đoàn Berli Jucke (BJC) của Thái Lan mua Metro có lẽ câu chuyện cũng chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ mà thôi. Chỉ đến khi các cơ quan quản lý vào quyết liệt người ta mới thấy hóa ra điều này không phải là tin đồn mà có thật".

Ông Thắng cũng chỉ rõ, việc nhiều "ông lớn" FDI chuyển giá đã gây ra nhiều hậu quả: Việt Nam mở cửa cho doanh nghiệp FDI vào nhưng họ không có trách nhiệm gì với ngân sách của Việt Nam, lợi thì họ thu và quan trọng hơn, họ đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế cạnh tranh không cân bằng.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế đều đặn, nếu bị phát hiện lập tức bị xử lý nghiêm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI trốn thuế lớn trong một thời gian và được dư luận cảnh báo từ lâu.

"Điều này gióng lên hồi chuông cho thấy cách quản lý của Việt Nam không đơn thuần là lỏng lẻo nữa mà có nhiều khuất tất. Nó làm cho luật pháp của Việt Nam không nghiêm và bị doanh nghiệp nước ngoài coi thường. Doanh nghiệp này chuyển giá được thì doanh nghiệp khác cũng tìm cách để chuyển giá. Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần thay đổi cách quản lý, tuyển chọn, kiểm tra, kiểm soát lực lượng được phân công làm việc trong lĩnh vực này.

Việt Nam cũng cần rà soát lại cơ sở pháp lý để không bị lợi dụng nữa. Nếu phát hiện tình trạng thông đồng, ăn chia, vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại lợi ích quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp phải lâp tức trừng trị, không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế mà cả về mặt hình sự", ông Thắng nhấn mạnh.

Trước tuyên bố của Tổng cục Thuế sẽ thanh tra thêm nhiều doanh nghiệp bị nghi vấn nằm trong diện chuyển giá, PGS.TS Phạm Tất Thắng khẳng định đây là điều đáng mừng và lẽ ra phải được thực hiện từ sớm hơn.

"Nhưng có còn hơn không vì chỉ sau sự kiện Metro được mua thì Việt Nam mới thức tỉnh. Chính sách của Việt Nam là mở rộng cửa để thu hút FDI nhưng chưa tìm được phương pháp quản lý phù hợp và có thể trong trường hợp cụ thể nào đó nó có lợi ích nhóm. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra gian dối thì phải xử lý.

Đây là vấn đề lâu dài chứ không chỉ là giai đoạn trước mắt, với một vài doanh nghiệp. Một khi đã tìm ra được doanh nghiệp chuyển giá, chứng minh được sai phạm thì chắc chắn Việt Nam sẽ thu hồi được tiền thuế thất thoát. Không có gì khó khăn trong việc này!".

Tuy nhiên, Ths Bùi Ngọc Sơn lại tỏ ra không mấy tin tưởng đối với việc truy thu thuế bởi đây là một quá trình dài, phải chứng minh được doanh nghiệp ngoại chuyển giá và có phán quyết của toà án, nếu làm không cẩn thận, doanh nghiệp ngoại có thể kiện ra toà quốc tế và khi đó sẽ rất rắc rối.

"Các nền kinh tế đang phát triển thường bị thao túng vì tham nhũng, yếu kém về bộ máy lập pháp, hành pháp. Ở Việt Nam, xử để đưa ra phán quyết đã khó, kỹ thuật thu hồi còn khó hơn. Thu bao nhiêu, ai thu, thu về đâu, bằng cách nào, thu rải ra trong nhiều năm hay tuỳ theo từng tình huống mà làm... tất cả phải có sự chuẩn bị nếu không, có những công ty đã gian lận quá nhiều khi bị truy thu thuế với số lượng lớn họ có thể bỏ công ty đi luôn. Chưa kể việc truy xét  trách nhiệm để xảy ra chuyển giá lại đòi hỏi hệ thống luật phát phải rõ ràng, trong khi đối với Việt Nam điều này hơi khó.

Quy cho bộ nào, khâu  nào... thực ra hoàn toàn có thể làm được. Giai đoạn đầu có thể không quy được nhưng nếu tìm ra được đầu mối yếu nhất ở khâu nào có thể nâng cấp lên. Tuy nhiên, luật pháp của Việt Nam chưa phát triển, quy trách nhiệm cụ thể không dễ, có chăng sẽ được đưa vào tội thiếu kinh nghiệm quản lý.

Thực tế có những thứ chính quyền có thể không đồng ý nhưng người ta lại có giấy viết tay thành ra không làm không được. Ở nước ngoài, báo chí đã phanh phui ra thì lập tức họ làm rõ từng chi tiết một, ai gây ra lỗi lập tức phải ra đi.

Ví dụ trường hợp của Deutsche Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất và có sức ảnh hưởng mạnh nhất thế giới vừa bị phạt 2,5 tỷ USD vì thao túng lãi suất. Người ta không quan tâm chuyện sống chết của ngân hàng nhưng đã gây ra tổn thất lớn thì phải chịu phạt nặng. Dĩ nhiên, mức phạt ấy có hiệu lực ngăn chặn hay không lại là chuyện khác.

Tôi không rõ mức phạt hơn 500 tỷ đồng của Metro dựa trên cái gì, nhưng tổng số vốn của Metro hàng trăm triệu đô la thì 500 tỷ tiền phạt đối với họ có lẽ không có nghĩa gì", ông Sơn phân tích.

PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, qua sự kiện Metro, Honda hay những vụ việc sau này, Việt Nam sẽ phát hiện được lỗ hổng của pháp luật để lấp lại.

"Dĩ nhiên lấp chỗ này người ta sẽ lại tìm chỗ khác, bởi thế việc hoàn thiện hệ thống luật pháp cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Phải tìm bằng được cán bộ nào ở phía Việt Nam có hành động thông đồng hoặc vô trách nhiệm để xảy  ra chuyển giá để xử lý theo pháp luật, đồng thời tổ chức lại hệ thống theo dõi, quản lý của Việt Nam.

Cũng cần tuyên truyền để các doanh nghiệp FDI khác hiểu rằng, Việt Nam không trù dập hay gây khó cho họ, ngược lại vẫn hoan nghênh các doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam. Làm được những điều này sẽ tạo ra một môi trường bình đẳng, tuân thủ pháp luật. Đó là nguyên tắc của WTO, hội nhập quốc tế và cũng là nguyên tắc của Việt Nam".

Nguồn baodatviet
conglydaiviet thay đổi tiêu đề