(Conglydaiviet) - Từ câu chuyện tình hình Biển Đông trong những ngày qua trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, với tư cách là chuyên gia hiểu biết sâu rộng, TS Trần Công Trục nêu quan điểm cá nhân ông về những lo lắng, thậm chí rất bức xúc, thất vọng khi tiếp cận những thông tin, phát biểu, bình luận… về Biển Đông, trong đó còn tồn tại những sai phạm, hớ hênh rất nguy hiểm, bất lợi cho công cuộc đấu tranh gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông...
Theo dõi tin tức về Biển Đông những ngày qua, cá nhân tôi rất mừng khi thấy truyền thông nước nhà bám sát mọi sự kiện, thường xuyên đưa tin, cập nhật các diễn biến và bình luận xung quanh vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên cũng có lúc cá nhân tôi cảm thấy rất lo lắng, thậm chí rất bức xúc, thất vọng khi tiếp cận những thông tin, phát biểu, bình luận… về Biển Đông, trong đó còn tồn tại những sai phạm, hớ hênh rất nguy hiểm, bất lợi cho công cuộc đấu tranh gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông.
Những sai phạm, hớ hênh này xuất phát từ những động cơ khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết đều bắt nguồn từ sự yếu kém về trình độ, kiến thức, năng lực, từ sự thiếu hụt về thông tin, nhất là những khái niệm khoa học tự nhiên, pháp lý, chính trị, lịch sử cơ bản, về quan điểm, chủ trương, chính sách của Việt Nam cũng như của các bên liên quan.
Bên cạnh có nhiều tiếng nói có tầm, có tâm, đầy sức thuyết phục được cộng đồng chia sẻ, có tác dụng tích cực trong cuộc đấu tranh phức tạp hiện nay, vẫn còn những quan điểm thể hiện sự hoài nghi, thậm chí lo sợ một cách vô lý mà tôi xin được chia sẻ ở đây để cùng nhau rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong thời gian tới.
Một là không hiểu, không biết hoặc không nắm chắc chính sách, chủ trương, quan điểm cơ bản của Nhà nước Việt Nam ở Biển Đông.
Ngày 6/6 báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ đưa tin một tàu dầu khí Trung Quốc xuất hiện cách bờ biển Bình Thuận 40 hải lý. Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sáng nay 6-6, vào khoảng 7 giờ 15 phút, Tàu thăm dò Dầu khí Tân Hải 517 (Binhai517) của tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở khu vực tây nam đảo Phú Quý (Bình Thuận), cách đảo vào khoảng 20 hải lý và bờ chừng 40 hải lý (nằm giữa bờ và đảo).”
Cũng thông tin này trên tờ Tuổi trẻ cho hay: “Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, tàu Tân Hải 517 đang trên đường di chuyển đến Vịnh Thái Lan. Cảnh sát biển Việt Nam vẫn đang cho tàu theo dõi hành trình của tàu Tân Hải , tuy nhiên chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển 1982, tàu bè nước ngoài có quyền di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước. Trước đó, sáng 6-6 tàu thăm dò dầu khí mang tên Tân Hải (Bin Hai) 517 đã xuất hiện tại vùng biển Bình Thuận. Vị trí tàu Tân Hải 517 xuất hiện cách đảo Phú Quý khoảng 20 hải lý về phía tây nam, cách bờ biển Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 40 hải lý.”
Ngày 7/6 tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh bình luận tiếp: “Sao không bắt giữ tàu dầu khí Trung Quốc?” Lý do được phóng viên đưa ra là: “Trên thực tế, tàu Tân Hải 517 chưa có bất kỳ dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo Công ước Luật Biển 1982, tàu bè các nước có quyền qua lại vô hại qua lãnh hải của nước khác. Lãnh hải là khoảng cách 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Nôm na là từ bờ, từ chỗ nước tiếp giáp với đất liền hay từ chỗ nhô lên khi thuỷ triều xuống.”
Sự thật là, nếu đúng như hải trình được 2 báo đã đưa thì con tàu Trung Quốc này đã xâm phạm VÙNG NỘI THỦY của Việt Nam theo “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam” ngày 12-11-1982.
Theo đó, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối từ điểm AO (nằm trên đường thẳng nối đảo Thổ Chu của Việt Nam đến đảo Polo Wai của Căm-pu-chia) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị) có tọa độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này”.
Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 tiếp tục công nhận tuyên bố về đường cơ sở này vẫn có hiệu lực pháp lý.
Cụ thể là Hòn Hải nằm trong nhóm đảo Phú Quý có tọa độ 9058’0 / 109005’0 chính là điểm A6 trên đường cơ sở được dùng tính chiều rộng lãnh hải mà Nhà nước Việt Nam công bố năm 1982 đến nay vẫn đang có hiệu lực pháp lý.
Như vậy, tàu Tân Hải 517 Trung Quốc đã đi qua giữa đảo Phú Quý và bờ biển Việt Nam là hoàn toàn là đi trong VÙNG NỘI THỦY của Việt Nam.Con tàu này đã vi phạm Điều 10 Luật Biển Việt Nam quy định chế độ pháp lý của nội thủy: Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thuỷ như lãnh thổ đất liền.
Đường cơ sở 1982 và các khái niệm pháp lý cơ bản của Luật Biển Việt Nam được báo Nam Định – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Nam Định đăng tải để tuyên truyền giáo dục cho người dân. Nguồn: baonamdinh.
Có thể do người đưa tin mắc lỗi về mặt nghiệp vụ, nhưng điều đáng nói là nguồn tin cung cấp cho 2 tờ báo trên không thể không biết thế nào là vùng nội thủy, thế nào là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế đã được Nhà nước Việt Nam công bố bao năm nay. Đây là một nhầm lẫn hết sức nguy hại.
Rõ ràng khi tàu Tân Hải 517 thuộc 1 tập đoàn nhà nước Trung Quốc, thực hiện “nhiệm vụ nhà nước” đi qua vùng nội thủy của ta nếu đúng như 2 tờ báo phản ánh, mà ta không có biện pháp đấu tranh trên thực tế theo đúng thủ tục pháp lý nhằm buộc con tàu đó phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, ngoài việc chỉ cử tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển ra theo dõi không thôi là không thích hợp;
Còn trên phương diện ngoại giao, pháp lý nếu không chính thức phản đối hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ này thì vô hình chung chính chúng đã đã phủ nhận chính đường cơ sở mà Nhà nước Việt Nam tuyên bố rộng rãi trước thế giới. Như vậy, liệu Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Biển quốc tế 1982 có được tôn trọng và có hiệu lực không?
Tất nhiên ai cũng biết để thực thi pháp luật, để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta trên biển trong tình hình hiện nay là vô cùng phức tạp, khó khăn, không phải cứ muốn là có thể làm ngay được.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta lại vô tình hay cố ý tìm lý do “biện hộ” cho hành vi xâm phạm chủ quyền mà con tàu Trung Quốc gây ra khi ngang nhiên đi qua vùng nội thủy của Việt Nam, rằng con tàu này có quyền tự do hàng hải qua vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS 1982. Chắc chắn ai cũng biết điều này sẽ gây tác hại như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay.
Bởi vì, Trung Quốc đang triển khai nhiều mũi tiến công để thực hiện cuộc “xâm lược mềm” trong Biển Đông. Mỗi đường đi nước bước của họ ở Biển Đông đều có tính toán kỹ lưỡng. Nhìn thoáng qua tưởng chừng như vô hại như vụ hạ đặt giàn khoan 981 năm nay, vụ tàu Tân Hải 517 đi vào vùng nội thủy. Nếu ta không lên tiếng phản đối, sau này ra trước bàn đàm phán hoặc cơ quan tài phán quốc tế, ta sẽ ăn nói làm sao?
Nhân đây, tôi cũng xin có thêm một bình luận nữa với hoạt động nghiệp vụ của báo Tuổi trẻ. Tôi đã có rất nhiều lần thẳng thắn góp ý kiến về việc khi đưa tin các hoạt động trên vùng biển mà tên gọi đã trở thành một nội dung rất được quan tâm với những động cơ khác nhau. Thậm chí Trung Quốc còn sử dụng tên gọi để nhận vơ hầu hết vùng biển này là của họ, đến nỗi có người goi đó là một “cuộc xâm lăng” bằng việc đặt tên.
Vì vậy, người ta rất thận trọng và cảnh giác khi sử dụng tên gọi cho vùng biển này để tránh đi những sơ hở mà Trung Quốc có thể khai thác nhằm phục vụ cho mục đích của họ trên mặt trận tuyên truyền…Việt Nam gọi vùng biển này bằng tên riêng là Biển Đông. Đó là tên gọi truyền thống và cũng là tên gọi chính thức của Nhà nước Việt Nam đối với vùng biển này, đã được thể hiện trong hầu hết các văn bản, tài liệu đối nội đối ngoại.
Biển Đông phải viết hoa cả hai từ, không phải Đông là danh từ riêng nên mới viết hoa, còn biển là danh từ chung nên phải viết thường. Đây là tên gọi được Chính phủ ta đăng ký chính thức với các cơ quan, tổ chức quốc tế bằng văn bản. Cá nhân tôi mỗi khi đọc thấy bản tin nào viết “biển Đông” đều có gọi điện góp ý, tuy nhiên không hiểu sao họ vẫn không sửa.
Đặc biệt khi dịch tên Biển Đông sang tiếng nước ngoài, về mặt pháp lý chúng ta phải ghi là “Biển Đông sea” hoặc “Bien Dong Sea”, không phải “East Sea” như một số tài liệu đang lưu hành hiện nay. Tôi có tìm hiểu lý do tại sao các tờ báo này không sửa chữa được, có nhà báo cho biết, vì đây là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo địa phương…Thế mới biết, không phải việc gì cũng được tuân thủ theo đúng pháp luật, mặc dù khẩu hiệu ở đâu cũng có thể thấy: Sống và làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật!
Hai là có những quan điểm tỏ ra thiếu tự tin đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông dẫn đến tình trạng lúng túng khi xử lý các tình huống.
Trong thời gian gần đây dư luận Việt Nam sôi sục dõi theo những diễn biến mới nhất trên Biển Đông khi Trung Quốc liên tục leo thang bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp 7 bãi đá họ xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay.
Khi cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại, đặc biệt là Hoa Kỳ đã có những động thái can thiệp ngăn chặn Bắc Kinh leo thang bành trướng trên Biển Đông, dư luận nhiều người phấn khởi cho rằng đó là điều kiện thuận lợi cho ta. Tuy nhiên cũng có những lo ngại về việc Mỹ can thiệp vào Biển Đông là vì lợi ích của họ chứ không phải giúp Việt Nam.
Phải khẳng định rằng, Mỹ can thiệp vào Biển Đông đầu tiên là vì lợi ích địa chính trị, vị thế cường quốc toàn cầu cũng như các lợi ích kinh tế – thương mại của họ. Mặt khác bản thân Việt Nam nhiều lần đã khẳng định rõ, Việt Nam không liên kết nước này để chống nước kia. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Sự quan tâm, can thiệp của Mỹ vào Biển Đông nếu đặt trong bối cảnh hiện nay thì có thể có những yếu tố có lợi nào đó giúp cho cuộc đấu tranh chung của các nước trong khu vực nhằm ngăn chặn những hành xử bất chấp pháp lý và đạo lý của Trung Quốc.
Mọi động thái trong quan hệ quốc tế hiện đại của bất kỳ quốc gia nào bao giờ cũng xuất phát từ lợi ích của chính quốc gia, dân tộc đó, điều này không có gì sai, chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng các xu thế quốc tế có lợi nhất cho ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo là điều chúng ta cần lưu tâm và đừng bỏ lỡ.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngày nay thực tế Hoàng Sa và 7 bãi đá ở Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, vốn chúng không thích hợp cho đời sống con người và không có đời sống kinh tế riêng, nên theo UNCLOS 1982 , không thể được hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.
Mặt khác, 7 bãi đá và rặng san hô ở Trường Sa hoàn toàn ngập dưới mực nước biển khi thủy triều lên mà Trung Quốc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý dành cho các đảo. Vì vậy Mỹ có quyền đi qua phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi lấp là có thể hiểu được. Tất nhiên chúng ta không ủng hộ bất kỳ bên nào lợi dụng để gây đối đầu, xung đột vũ trang.
Khi nói về căng thẳng trên Biển Đông, quan điểm của các nước phương Tây cũng như truyền thông quốc tế đều gọi khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là “vùng biển tranh chấp“. Hơn ai hết, chúng ta là phải công khai giải thích cho dư luận quốc tế biết bản chất của thực trạng tranh chấp ở đây là gì, ai tranh chấp với ai, tranh chấp vào thời điểm nào?
Chúng ta biết rằng chí ít là từ thế kỷ 17, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ khi chúng con là đất vô chủ (res- nullius).Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sực, rõ ràng, hòa bình và liên tục, phù hợp với các nguyên tắc của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.
Giữa và cuối thế kỷ 20 khi tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều biến động lớn về chính trị, một số nước trong khu vực đã nhảy vào chiếm đóng, thậm chí là cất quân xâm lược các đảo, bãi đá và rặng san hô trong 2 quần đảo của Việt Nam, điển hình là Trung Quốc. Như vậy là Trung Quốc và một số bên “nhảy vào tranh chấp” với Việt Nam, Hoàng Sa và Trường Sa không phải đất vô chủ!
Bởi vậy chúng ta cần phải hiểu rất rõ điều này để giải thích rõ ràng trước dư luận quốc tế, phản ứng kịp thời và thích hợp trước các động thái xâm phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi thăm Việt Nam đã kêu gọi các bên bao gồm Việt Nam ngừng các hoạt động xây dựng, cải tạo ở Trường Sa, chúng ta nên hiểu đề xuất này thế nào và phản ứng ra sao?
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm Việt Nam đặt vấn đề “Việt Nam nên ngừng xây dựng, cải tạo ở Trường Sa”. Ts Trần Công Trục cho rằng, chúng ta có nghĩa vụ giải thích với ông ấy rằng, đó là lãnh thổ Việt Nam bị các bên xâm lược hoặc chiếm đóng bất hợp pháp. Cần thiết và nên trao cho ông Carter bộ hồ sơ chứng lý của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Reuters.
Đầu tiên phải khẳng định Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, các bên nhảy vào tranh chấp và chiếm đóng bất hợp pháp, biến vùng biển đảo không tranh chấp thành có tranh chấp.
Cần thiết ta có thể cung cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các bên quan tâm hồ sơ chứng lý của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Đó mới là việc chúng ta cần và nên làm, nên khẳng định dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế. Chúng ta không thừa nhận tình trạng tranh chấp chủ quyền, trong đó Việt Nam là một bên tranh chấp ngang bằng với các bên tranh chấp khác.
Thứ hai, từ thế kỷ 17 người Việt đã có các hoạt động xác lập, thực thi chủ quyền và khai thác kinh tế ở 2 quần đảo này. Trên các đảo có các điểm định cư, trú ẩn và đóng quân canh phòng của nhà nước Việt Nam. Việc chúng ta củng cố các công trình quân sự, dân sự ở đây là hết sức bình thường, hoàn toàn không phải câu chuyện “phá vỡ hiện trạng” hay “vi phạm DOC” như Trung Quốc tuyên truyền hoặc quan điểm của một số bên khác.
Chúng ta cần khẳng định những điều chúng ta làm mới là bình thường, đúng đắn, được luật pháp cho phép.
Trung Quốc xâm lược 6 bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và bãi Vành Khăn năm 1995 là một sự thật. Do đó kẻ cướp không thể đòi bình đẳng với chủ nhà để ngụy biện rằng, Việt Nam xây dựng được thì họ cũng xây dựng được.
Mặt khác, cái Trung Quốc đang xây dựng và bồi lấp là làm thay đổi hoàn toàn diện mạo, cấu trúc các thực thể ở quần đảo Trường Sa chứ không đơn giản là củng cố, cơi nới. Điều này thì chính Mỹ đã thừa nhận.
Việc làm của Việt Nam hoàn toàn không mâu thuẫn gì với DOC hay các quy định của luật pháp quốc tế. Xin nhắc lại một lần nữa, Hoàng Sa và Trường Sa không phải đất vô chủ mà là lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam đang bị một số bên chiếm đóng bất hợp pháp!
Do đó cái gọi là “tranh chấp” ở đây là người ta nhảy vào tranh chấp với Việt Nam chứ người Việt không tranh giành của ai.
Từ bài học lịch sử của Tổ tiên ta trong ứng xử với Trung Quốc, cũng như với những bài học đương đại trong quan hệ với Trung Quốc, người Việt Nam ta luôn luôn có thiện chí và rất khiêm tốn, nhưng không hèn yếu, bạc nhược, đầu hàng…Chúng ta biết phát huy thế mạnh của mình, bởi chúng ta có bản lĩnh và có chân lý, không có gì đáng ngại.
Chỉ ngại chính chúng ta còn chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, chưa nắm rõ, hiểu thấu về các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, dẫn đến sự thiếu tự tin, thậm chí là lo lắng đến mức vô lý, ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ: đất, biển, trời của Tổ tiên để lại. Tôi mong rằng, chúng ta không nên chỉ biết có nhiệt huyết, nhiệt tình mà cần phải học hỏi để có kiến thức, kinh nghiệm, có bản lĩnh vững vàng. Có như vậy, chúng ta mới không bao giờ bị liệt vào hàng ngũ của “những kẻ phá hoại” trong cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, gian khổ này….
Tiến sĩ Trần Công Trục
Nguồn nguyentandung.org