Vụ sập cầu Ghềnh - Đồng Nai: 3-5 tháng nữa mới khôi phục được đường sắt Bắc - Nam
Cập nhật: 20.03.2016 10:23
Cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Liên quan đến vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, tối 20.3, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường.
(Conglydaiviet) - Cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Liên quan đến vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh, tối 20.3, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường.

- Xin Thứ trưởng cho biết hậu quả của vụ tai nạn đường thủy khi một sà lan chở vật liệu xây dựng lưu thông trên sông Đồng Nai đâm sập hai nhịp cầu Ghềnh khiến hệ thống đường sắt Bắc - Nam tê liệt hoàn toàn?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Sau khi vụ việc cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai bị sập, Bộ Giao thông vận tải đã cử đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường để khảo sát và chỉ đạo công tác khắc phục. Hiện toàn bộ hệ thống đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu vực này đã không thể sử dụng được nữa. Chúng tôi đang tích cực thực hiện các giải pháp như thông báo kịp thời đến toàn bộ hành khách đi tàu, sắp tới chỉ dừng lại ở ga Biên Hòa, sau đó chúng tôi sẽ chuyển tải từ ga Sài Gòn qua ga Biên Hòa và ngược lại.

Thứ hai là trục vớt và đưa ra các phương án xây dựng cầu mới. Để làm được điều này, ngay trong ngày mai, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để khảo sát thực địa, đồng thời tiến hành lai dắt chiếc tàu gây tai nạn vào vị trí an toàn để tránh tình trạng tàu này trôi và tiếp tục gây tai nạn; phối hợp với các đơn vị tư vấn để lên phương án trục vớt các dầm cầu bị đâm gãy chìm dưới sông, cũng như đánh giá hư hại của dầm cầu để đưa ra phương án xử lý; phối hợp với tỉnh Đồng Nai để phân luồng tuyến đường thủy đi qua khu vực trên. Đối với tàu dưới 1.000 tấn, chúng tôi đang phối hợp để khảo sát phân luồng những tàu này lưu thông vào những luồng phù hợp. Có thể trong 2 - 3 ngày tới, nhóm công tác của Bộ Giao thông vận tải sẽ công bố các phương án trên.

- Công tác điều tra vụ việc trên được tiến hành như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án để phục vụ công tác điều tra vì vụ việc trên làm ảnh hưởng rất lớn đến tài sản quốc gia.

- Xin Thứ trưởng cho biết qua vụ việc này thì công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các trụ mố cầu đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Vấn đề này, lâu nay Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) đã thực hiện việc cắm các phao tiêu, khung bảo vệ các dự án, các trụ cầu để dẫn luồng cho các tàu đi vào đúng luồng, tránh va đập. Vì đây là những cây cầu đã xây dựng quá lâu. Việc xây dựng các trụ chống va xô đã được chúng tôi tính đến, đối với những cầu mới xây sau này chúng tôi đã làm, tuy nhiên đối với những cây cầu cũ, thời gian tới chúng tôi sẽ cho khảo sát lại để tiến hành xây dựng các trụ chống va đập.

- Để đảm bảo lưu thông cho tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng như tình trạng quá tải hành khách tại các ga hiện nay, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện những phương án nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Đối với đường sắt, đây là ngành vận tải đặc thù, do đó việc xây dựng các cầu tạm hay các cầu phao sẽ không thể thực hiện được, vì nó yêu cầu một sự ổn định rất cao và chịu tải trọng rất lớn. Do đó, phương án hiện nay đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam là phải dừng lại ở ga Biên Hòa, sau đó trung chuyển. Chúng tôi cũng đang khảo sát các trụ mố cầu bị đâm gãy, vì bản thân các mố trụ này đang rất tốt, do đó nếu đảm bảo chúng tôi sẽ làm lại các thân trụ. Song song với đó sẽ làm hai thân trụ mới và thi công hai nhịp cầu thép mới để thay thế cho hai nhịp cầu bị đâm gãy. Thời gian ít nhất khoảng từ 3 - 5 tháng mới có thể khắc phục xong để tuyến đường sắt Bắc - Nam lưu thông trở lại.

- Hiện nay việc trung chuyển hành khách từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần và ga Sài Gòn đang được tiến hành. Tuy nhiên công tác này chưa được phối hợp kỹ do đó vẫn xảy ra tình trạng lộn xộn và hành khách la ó. Việc này thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Sự việc diễn ra vào trưa nay, do đó ngành đường sắt và Bộ Giao thông vận tải chưa kịp thời làm việc với tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để điều tiết, trung chuyển hết các hành khách bị mắc kẹt lại tại ga Biên Hòa được. Ngay chiều hôm nay, công tác trung chuyển đã được tiến hành, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đầy đủ đối với toàn bộ hành khách được. Tuy nhiên, bắt đầu từ đêm nay và ngày mai, chúng tôi sẽ giải tỏa toàn bộ và đáp ứng yêu cầu trung chuyển cho hành khách. Trường hợp xấu nhất, nếu không đủ phương tiện để vận chuyển, chúng tôi sẽ bố trí chỗ ăn chỗ nghỉ, đảm bảo tốt cho hành khách.

- Qua sự cố này, Bộ Giao thông vận tải có rút ra những bài học gì đối với việc quản lý, bảo vệ các hệ thống cầu?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng như chống va đập cho các trụ cầu thì Bộ Giao thông vận tải cũng như Cục Đường thủy nội địa đã có rất nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ tàu, chủ thuyền trên cả nước. Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của các chủ cơ sở vận tải, chủ tàu và người điều khiển phương tiện đường thủy là hết sức quan trọng.

Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi cũng có các cơ quan chức năng để điều tiết, phân luồng 24/24 giờ đối với các vị trí nhạy cảm, đặc biệt đối với những nơi có lượng tàu thuyền lưu thông lớn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các trụ chống va xô là hết sức cần thiết, vì nếu lỡ tàu thuyền có va vào đó cũng không ảnh hưởng đến cầu.

Nguồn: motthegioi
conglydaiviet sửa lại tiêu đề