Quốc hội không ra nghị quyết về Biển Đông là mắc nợ với nhân dân
Cập nhật: 01.04.2016 02:25
(Conglydaiviet) - Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc Hội khóa 13, tại phiên thảo luận ngày 28 - 29/3 nhiều đại biểu mạnh dạn lên tiếng về những vấn đề đặc biệt hệ trọng của đất nước trong thời gian qua chưa được quan tâm để có những quyết định mạnh mẽ trong đó tồn tại nổi bật về mặt đối ngoại là tình hình Biển Đông. Khi tình hình Biển Đông đang hết sức "nóng", theo Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long (Dak Nông), Quốc hội không ra được Nghị quyết về Biển Đông lần này là mắc nợ với nhân dân.
(Conglydaiviet) - Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc Hội khóa 13, tại phiên thảo luận ngày 28 - 29/3 nhiều đại biểu mạnh dạn lên tiếng về những vấn đề đặc biệt hệ trọng của đất nước trong thời gian qua chưa được quan tâm để có những quyết định mạnh mẽ trong đó tồn tại nổi bật về mặt đối ngoại là tình hình Biển Đông. Khi tình hình Biển Đông đang hết sức "nóng", theo Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long (Dak Nông), Quốc hội không ra được Nghị quyết về Biển Đông lần này là mắc nợ với nhân dân.

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 28.3, Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long (Dak Nông) cho rằng, chưa bao giờ trong 70 năm qua tình hình Biển Đông lại nóng như thời gian qua. Tuy nhiên, trước tình hình đó, Quốc hội đã không ra được nghị quyết về tình hình Biển Đông.

“Đó là món nợ lớn của Quốc hội với nhân dân” – Đại biểu Long cho biết.

Đồng tình với những nhận định trên, theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), trước tình hình hiện nay, hoạt động ngoại giao Quốc hội phải có sức tác động trực tiếp đến người dân, để người dân yên tâm, nhất là người dân đi biển.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nhân dân đánh giá những phản ứng của Quốc hội với tình hình Biển Đông chưa đúng tính chất, mức độ, chưa phản ánh đúng tình hình.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội khóa tới cần phải lưu ý đến vấn đề này.

Trước đó, trong phiên thảo luận vào sáng 28.3, đại biểu Võ Thị Dung (TP.Hồ Chí Minh) cũng đánh giá rằng, mối lo về ngoại xâm là mối lo lớn của đất nước trong năm qua.  

Theo bà Dung, mối lo đó xuất phát từ việc Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta. Trước kia Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, gần đây chiếm thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa và ngày càng lấn tới.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho hay, vấn đề Biển Đông luôn thu hút sự chú ý quan tâm của mọi người, từ lãnh đạo tới người dân.

“Tuy nhiên, nói lãnh đạo không quan tâm đến Biển Đông thì cũng không hoàn toàn chính xác, tôi biết vấn đề này luôn nhận được sự chú ý đặc biệt của những người có trách nhiệm. Trong báo cáo của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc tại Quốc hội cũng có nói nhiều đến vấn đề Biển Đông và bày tỏ nhất quán quan điểm của nước ta về vấn đề này” – tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Theo tướng Nguyễn Quốc Thước, kỳ họp lần này chủ yếu là tổng kết nên không phải lúc nào cũng bàn sâu về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Quốc hội cũng cần phải thông tin đến người dân về vấn đề nóng này để người dân yên tâm, tin tưởng.

'Mất Hoàng Sa có nhiều lý do, trong đó có lý do 'tin bạn mất bò''

Trước tình hình Biển Đông đang ngày một nóng, đại biểu Vũ Công Tiến cũng đã bày tỏ quan điểm trước vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội.

“Năm 1974 mất Hoàng Sa có nhiều lý do nhưng tôi cho rằng trong đó có lý do “tin bạn mất bò”. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, vì thế những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng”, ông Tiến nói.

Đồng thời, ông Tiến cũng hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình.

Trong khi đó đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị trong 5 năm tới, Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Theo đại biểu này, cần tập trung xây dựng thế trận các tỉnh thành, ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực, tăng cường phòng thủ biển đảo.

“Cần xây dựng các nghiệp đoàn có tàu lớn, lấy dân quân biển, dự bị động viên làm nòng cốt và cùng với các lực lượng xây dựng các thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển. Tăng cường trang bị cho các đồn biên phòng ven biển, nhất là các loại tàu ở vùng khơi, vùng gần bờ”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị rằng cần thể chế hóa hơn nữa để tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng, nhất là quốc phòng kết hợp với làm kinh tế.

Conglydaiviet tổng hợp từ Nguồn: motthegioi