Biển Đông: Trung Quốc âm mưu và sẽ hành động trước khi PCA ra phán quyết
Cập nhật: 09.04.2016 09:11
Thời gian Tòa án trọng tài quốc tế(PCA) ra phán quyết vụ kiện tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc đang dần rút ngắn. Nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã liên tục chạy đua bằng nhiều hành động gây hấn thay vì "thúc đẩy hòa bình" như họ từng rêu rao. Theo đánh giá của dư luận quốc tế thì trước khi tòa trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc có thể đưa trái phép phóng viên quốc tế tới đảo Phú Lâm hoặc đá Chữ Thập.

(Conglydaiviet) - Thời gian Tòa án trọng tài quốc tế(PCA) ra phán quyết vụ kiện tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc đang dần rút ngắn. Nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã liên tục chạy đua bằng nhiều hành động gây hấn thay vì "thúc đẩy hòa bình" như họ từng rêu rao. Theo đánh giá của dư luận quốc tế thì trước khi tòa trọng tài ra phán quyết, Trung Quốc có thể đưa trái phép phóng viên quốc tế tới đảo Phú Lâm hoặc đá Chữ Thập.

Chinatimes Đài Đoan ngày 6/4 cho rằng, trước khi Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang có kế hoạch tổ chức đưa trái phép một đoàn phóng viên quốc tế lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để tham quan.

Đồng thời Bắc Kinh tuyên bố mở (trái phép) tuyến đường hàng không dân dụng từ Hải Nam đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa nhằm mục đích khẳng định “chủ quyền”.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị, sớm nhất là vào tháng 5/2016 sẽ triển khai. Khi đó, đoàn phóng viên nước ngoài sẽ ngồi máy bay dân dụng từ Hải Nam bay tới đảo Phú Lâm.

Nhưng có quan điểm cho rằng, Trung Quốc có thể tổ chức cho phóng viên quốc tế đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong thời gian tổ chức “Lưỡng hội” năm nay, Trung Quốc ám chỉ rằng, sẽ cân nhắc tổ chức (trái phép) cho phóng viên nước ngoài tham quan các đảo đá ở Biển Đông.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã bắt đầu vận hành trạm hải đăng trên đá Xu Bi, một trong những đảo nhân tạo họ bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Với công trình hải đăng ở đá Xu Bi, nước này cũng giữ luận điệu tương tự khi cho rằng hải đăng này sẽ giúp các hoạt động lưu thông trên biển của tàu thuyền quốc tế thuận lợi hơn.

Động thái của Trung Quốc trên Biển Đông vấp phải sự phản đối gay gắt của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới tổ chức tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ bày tỏ quan ngại về hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, Ngoại trưởng nhóm G7 cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình tại Biển Hoa Đông, nơi tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản gần khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Nguồn tin trên cho biết thêm Ngoại trưởng nhóm G7 cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, cũng như xác nhận cam kết về tự do hàng không trong bối cảnh có tin cho rằng Trung Quốc có thể lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Nguồn: DVO
conglydaiviet sử lại tiêu đề