Barack Obama - Người viết tiếp những trang mới trong quan hệ Việt - Mỹ
Cập nhật: 22.05.2016 01:40
Rạng sáng ngày mai 23/5 theo giờ Việt Nam, phi cơ chở lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ - Tổng thống Barack Obama, sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài mở đầu chuyến thăm Việt Nam của ngài Tổng thống Mỹ. Truyền thông Việt Nam và quốc tế đeo bám sự kiện này hơn mười ngày qua và vẫn sẽ là tâm điểm dư luận đa chiều trong nhiều ngày tới.
(Conglydaiviet) - Rạng sáng ngày mai 23/5 theo giờ Việt Nam, phi cơ chở lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ - Tổng thống Barack Obama, sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài mở đầu chuyến thăm Việt Nam của ngài Tổng thống Mỹ. Truyền thông Việt Nam và quốc tế đeo bám sự kiện này hơn mười ngày qua và vẫn sẽ là tâm điểm dư luận đa chiều trong nhiều ngày tới.

Nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ

Kể từ ngày Mỹ bỏ cấm vận(03/02/1995) và bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sau 20 năm hai bên cùng nhau nỗ lực, quá khứ đau thương đã được gác lại như tuyên bố chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2015. 

Ngoại giao song phương ở tầm cao nhất đã hướng tới đổi mới về chất và lành mạnh hóa quan hệ Việt - Mỹ. Nếu chuyến thăm Việt Nam năm 2000 của cựu Tổng thống Bill Clinton được coi là chuyến đi hòa giải, thì chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của cựu Tổng thống Bush lại được coi là sự mở đường cho giao thương và văn hóa tăng trưởng một cách ngoạn mục. Và lần này, trên quan điểm "xoay trục - tái cân bằng" khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama là để tiếp tục khẳng định việc nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ vì nó là một giá trị thuộc danh mục ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hướng về châu Á.

Ông Barack Obama - cựu luật sư, cựu giáo sư giảng dạy Luật Hiến pháp tại Đại học Chicago và là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đón tiếp người lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam tại Nhà trắng bằng một tuyên bố chưa có tiền lệ: Hoa Kỳ công nhận sự khác biệt giữa đôi bên, công nhận thể chế chính trị và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với điều đặc biệt này, các sử gia của hai quốc gia và nhân loại có dịp biên chép một sự kiện trọng đại về quan điểm chính trị - pháp quyền mới mà Tổng thống Barack Obama là tác giả. 

Lịch trình và nội dung làm việc dày đặc rất nhiều vấn đề có tính chiến lược, dài hạn và nóng bỏng của Tổng thống Mỹ trong những ngày thăm Việt Nam đã được Nhà trắng thông báo chính thức trước khi phi cơ của ngài tổng thống cất cánh. Những nội dung được Tổng thống Mỹ quan tâm và muốn luận bàn với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng rất rõ ràng, sòng phẳng: căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, tăng trưởng thương mại song phương thông qua phê chuẩn và thực hiện TPP, nhân quyền và tự do tôn giáo, cải cách pháp luật và hệ thống tư pháp...và Việt Nam không còn e ngại vì đã có sự đồng thuận và sẵn sàng cởi mở để tháo gỡ những hoài nghi và xác lập lòng tin sâu sắc của cả hai phía.

Việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ được đề cập

Vào năm 1984, cố Tổng thống Mỹ Ronal Reagan ký lệnh cấm các cơ quan, tổ chức và công ty Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ronal Reagan là người luôn quan ngại các quốc gia cộng sản, ông ta không muốn một Việt Nam mạnh lên ở khu vực Đông Nam Á bằng cơ hội tiếp cận công nghệ quốc phòng tiến tiến của Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh này, hệ thống tên lửa của Hoa Kỳ đặt tại quốc gia đồng minh Philippines đã từng đưa Việt Nam vào một trong những đích ngắm.

Chiến tranh lạnh kết thúc, Việt Nam gia nhập ASEAN và hội nhập sâu rộng quốc tế, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, lợi ích mà nhân dân hai nước nhận được liên tục gia tăng rất ngoạn mục. Nếu so với trước năm 1995 Việt Nam chưa bán chính thức được một món hàng nào vào thị trường Hoa Kỳ và hiện nay quan hệ thương mại song phương cán lên con số trên dưới 45 tỉ đô la, thì quả là một con số đáng khâm phục.

Nhưng có một mặt hàng mà việc mua bán giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn rất nhiều rào cản vì một đạo luật cấm cản đã rất lạc hậu: vũ khí Mỹ. Thực ra thì vấn đề này không hề đơn giản, ngay như các đồng minh của Hoa Kỳ cũng vậy, để mua được vũ khí tối tân của Mỹ không phải là chuyện dễ, vì lẽ tự nhiên là nước Mỹ không muốn cho ai mạnh hơn mình và càng không muốn người khác sử dụng vũ khí Mỹ để chống lại nước Mỹ. Hoa Kỳ chỉ thích đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ đồng minh để tự mình làm chủ và tùy ý sử dụng mà không muốn trao nó vào tay người khác dù là kẻ rất thân cận.

Ai cũng thừa nhận sức mạnh toàn diện của Hoa Kỳ ngoài nguồn lực kinh tế thì công nghệ quốc phòng hiện đại bậc nhất thế giới đã góp sức trở thành một bộ đôi sức mạnh chưa quốc gia nào địch nổi. Quân đội Mỹ có mặt và đủ khả năng tác chiến khắp nơi trên thế giới là nhờ vũ khí tân tiến nhất và khi nhân loại bước sang thế kỉ 21 thì người ta chưa tìm ra quốc gia nào có đủ năng lực tác chiến toàn diện như vậy. 

Dù thầm lặng hay công khai thì ai cũng biết hiện đang có nhiều quốc gia đang nóng lòng thèm khát vị trí siêu cường của nước Mỹ. Và hiện nay, Trung Quốc hiện là một quốc gia quyết tâm đeo đuổi rất quyết liệt. Hoa Kỳ ý thức rất rõ điều này và chiến lược xoay trục là nhằm vào ngăn chặn sự trỗi dậy của một Trung Hoa mưu mô, hung hãn.

Mỹ sẽ không dễ bán vũ khí cho bất cứ ai dù kẻ ấy có tiền hay có rất nhiều tiền. Việc Mỹ bán vũ khí cho ai luôn là một chủ đề nhạy cảm, vì nó gắn liền với an ninh sức mạnh Mỹ, với lợi ích và những cuộc chơi do Mỹ phát động và chỉ đạo. Chủ đề này từng gây chia rẽ chính giới Mỹ trong nhiều thập kỷ qua và đến nay vẫn luôn là như vậy.

Trong bối cảnh biển Đông dậy sóng, các quốc gia liên quan(như Việt Nam, Philippines) rõ ràng là yếu thế trước một Trung Quốc mạnh bạo nói một đằng nhưng làm một nẻo. Chỉ có Hoa Kỳ đủ điều kiện lên tiếng một cách dứt khoát và hành động một cách công khai, cụ thể. Hoa Kỳ nên lập một phòng tuyến trực tiếp để phòng ngừa, bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh hay nên gián tiếp giúp gia tăng năng lực cho các quốc gia mà Mỹ tin cậy để đủ sức đối đầu trước sức mạnh Trung Hoa đang là bài toán chờ Tổng thống Barack Obama hóa giải.

Hiện đã có nhiều giới chức Mỹ ủng hộ cho việc hủy bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và đã có những kiến nghị cụ thể với Nhà trắng. Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama là một dịp để hai bên thảo luận nhằm tiến tới thời điểm hợp lý để lệnh cấm vận được chính thức hủy bỏ. Có thể sự dự liệu và chuẩn bị sẵn của phía Mỹ là đã có, tuy nhiên Tổng thống Mỹ sẽ còn phải chờ kết quả thảo luận song phương với các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trước khi đưa ra quyết định. Nếu chưa có tuyên bố chính thức thì chắc chắn ông Obama cũng sẽ định liệu thời hạn và những điều kiện cụ thể với người đồng cấp phía Việt Nam. 

Tự mình là một chuyên gia về luật pháp, ông Barack Obama thừa hiểu cơ chế pháp lý để ông xử lý sự vụ bằng việc ban ra một lệnh mới mà cả hai bên chấp nhận được tại một thời điểm thích hợp. Nhiều chuyên gia tin rằng ông Obama sẽ không để cho người kế nhiệm ghi điểm trước khi ông rời Nhà trắng khi thời gian còn lại của ông không còn nhiều.

Giả sử rằng một lệnh hủy bỏ cấm vận được ban ra nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Việt Nam sẽ có thể xuất tiền mua ngay vũ khí Mỹ. Theo qui định của luật pháp Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama có đủ thẩm quyền hủy bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng để việc bán vũ khí diễn ra thì phải đạt được đa số đồng thuận của các nghị sĩ của cả hai viện trong Quốc hội Mỹ. Khi đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là các cơ quan có thẩm quyền đệ trình kế hoạch chi tiết thông qua các cuộc điều trần và chất vấn công khai.

Việt Nam mạnh lên chắc chắn có lợi cho Mỹ

Trước một Trung Quốc liên tục hung hăng trên biển Đông qua nhiều thủ đoạn, trực tiếp đe dọa gây bất ổn cho hòa bình và an ninh khu vực, thách thức và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ cùng các đồng minh, trong khi Việt Nam là một láng giềng yếu thế đang có nhiều bất đồng với Trung Quốc, thì chuyến thăm Việt Nam lần này chắc chắn ông Obama sẽ phải đưa ra những tuyên bố hoặc quyết định mạnh bạo. Ông vốn đã từng tuyên bố mạnh mẽ rằng rằng các bên tranh chấp phải tôn trọng luật pháp quốc tế, nước Mỹ sẽ không chấp nhận nước lớn hiếp đáp nước nhỏ, tự do hàng hải quốc tế phải được thực thi. Điều đó cho thấy ngài Tổng thống Mỹ đã đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp biển đảo.

Truyền thông Trung Quốc dành sự theo dõi sát sao trước, trong và sau chuyến thăm Việt Nam của ông Obama. Biết rằng không thể lung lạc hay bịt miệng Tổng thống Mỹ, nhưng những giọng lưỡi khích bác, dè bỉu của giới chức Bắc Kinh về quan hệ Việt - Mỹ vẫn luôn hòa cùng với những tuyên bố nửa vời và sáo rỗng. Rằng là "Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm và mong muốn quan hệ Việt - Mỹ có lợi cho hòa bình và an ninh quốc tế" - lời của một quan chức ngoại giao Trung Quốc đã được phát đi trong cái cười nửa méo miệng.

Việt Nam chắc chắn muốn mình phải mạnh, phải giàu dựa trên phát huy nội lực và tiếp nhận sự ủng hộ của đối tác và bè bạn quốc tế. Đó là nền tảng để bảo vệ độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ, không phải cúi đầu hay van nài ai cả. Sức mạnh thực chất của một quốc gia không nên có nguồn gốc lệ thuộc hay vay mượn và xin xỏ, nhưng nếu quốc gia từ bỏ việc tiếp nhận khôn khéo các nguồn lực từ bên ngoài thì đó không phải là giải pháp thông minh.

Việt Nam đã tự đứng vững và vươn mình ra thế giới với nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn của một quốc gia trong suốt mấy chục năm qua mà không cần dựa vào vũ khí Mỹ. Nhưng nay thế cuộc đã thay đổi toàn diện, sức mạnh của Việt Nam cũng phải thay đổi về chất và phương tiện. Vũ khí tân tiến của Mỹ, một khi lệnh cấm vận hủy bỏ lại thêm cơ hội cho Việt Nam gia tăng năng lực quốc phòng trước nhiều tình huống thách thức đang rất khó lường, khó đoán. 

Ông Obama hiểu rõ vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Một Việt Nam mạnh lên không chỉ có lợi cho Việt Nam mà chắc chắn cũng sẽ có lợi cho Mỹ. Việc gia tăng thương mại hai chiều bằng cách sớm phê chuẩn để triển khai hỗ trợ Việt Nam thực hiện TPP, hỗ trợ cải cách luật pháp, gia tăng đầu tư, hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải là những trọng điểm thúc đẩy sự tin cậy hướng tới các giá trị bền vững cả hai bên cùng mong muốn. Vị tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ sớm tỏ bày bằng những chính sách và giải pháp cụ thể. Và như thế, ông Barack Obama lại thêm dịp nối dài những trang mới đem lại hy vọng đẹp lành trong quan hệ Việt - Mỹ./.  

LS Nguyễn Phúc Lưu