Trưởng đoàn luật sư Philippines lên tiếng trước thềm phán quyết
Cập nhật: 30.06.2016 07:59
Theo lịch trình dự kiến, ngày 12/7 tới đây Tòa án trọng tài Quốc tế sẽ ra phán quyết xử vụ kiện đường lưỡi bò do Trung Quốc tùy tiện vẽ ra và Philippines là bên khởi kiện. Trong trường hợp Trung Quốc phản đối phán quyết, điều này đồng nghĩa họ “tự tuyên bố là một quốc gia nằm ngoài vòng pháp luật”, Reuters dẫn lời Trưởng đoàn luật sư cho Philippines.
(Conglydaiviet) - Theo lịch trình dự kiến, ngày 12/7 tới đây Tòa án trọng tài Quốc tế sẽ ra phán quyết xử vụ kiện đường lưỡi bò do Trung Quốc tùy tiện vẽ ra và Philippines là bên đâm đơn khởi kiện. Trong trường hợp Trung Quốc phản đối phán quyết, điều này đồng nghĩa họ “tự tuyên bố là một quốc gia nằm ngoài vòng pháp luật”, Reuters dẫn lời Trưởng đoàn luật sư cho Philippines.

Ông Paul Reichler, Trưởng đoàn luật sư cho Philippines, cho biết ông tự tin rằng Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye sẽ ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vào ngày 12/7 tới. Sau 3 năm rưỡi đấu tranh cho Manila, ông Reichler nói không tò mò đối với phán quyết và sẽ chỉ biết quyết định của tòa vào phút cuối. Đây sẽ là phán quyết có quy mô nhất của PCA trong lịch sử, nó sẽ “tước đi bất cứ căn cứ pháp lý nào đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, ông nói. 

Trong trường hợp Trung Quốc phản đối phán quyết, điều này đồng nghĩa họ “tự tuyên bố là một quốc gia nằm ngoài vòng pháp luật”. Vị luật sư dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sức ép tuân thủ phán quyết từ các bên liên quan khác, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia. “Khi đó, Trung Quốc sẽ nhận ra họ sẽ mất nhiều hơn là được từ một tình trạng hỗ loạn, vô kỷ cương”, ông Reichler.

Paul Reichler trở thành trưởng đoàn luật sư cho Philippines sau cuộc thi tìm kiếm luật sư toàn cầu do chính quyền Manila tổ chức. Ông được mệnh danh là "Ngài Toà án Thế giới", vì ông góp mặt với tư cách luật sư tại 6 trong 15 vụ kiện chưa xử ở tòa PCA. Với danh tiếng là “dũng sĩ diệt người khổng lồ”, ông Reichler thường đại diện cho nước nhỏ đấu lại nước lớn. 

Năm 1986, ông đã giúp Nicaragua thắng Mỹ trong vụ kiện về việc tài trợ phiến quân chống lại chính quyền cánh tả lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ). Mỹ đã phải trao cho Nicaragua gói viện trợ kinh tế 500 triệu USD, đổi lại quốc hội Nicaragua bãi bỏ điều luật yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại theo phán quyết của ICJ. Những phát biểu này được ông đưa ra chỉ vài giờ sau khi PCA thông báo sẽ ra phán quyết vào khoảng 11:00 giờ sáng giờ CEST (4:00 giờ chiều theo giờ Hà Nội) vào ngày 12/7/2016.

Phản ứng trước thông báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Một lần nữa, tôi nhấn mạnh tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện và vấn đề liên quan. Tòa không nên tổ chức điều trần hoặc ra phán quyết. Philippines đơn phương đệ đơn kiện là trái luật pháp quốc tế". Theo ông Hồng, về vấn đề lãnh thổ và bất đồng liên quan các đường trên biển, Trung Quốc "không chấp nhận cách giải quyết từ bên thứ ba, không chấp nhận mọi nghị quyết ép buộc Trung Quốc".

Tại Manila, thư ký truyền thông Tổng thống Philippines Herminio Coloma Jr. nói nước này "chờ đợi một phán quyết công bằng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen thì tái khẳng định Mỹ ủng hộ PCA. "Chúng tôi ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp" ở Biển Đông, bao gồm sử dụng cơ chế pháp lý quốc tế như tòa trọng tài, bà nói. Trước đó, Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Mỹ “thổi lửa” vụ tranh chấp, và cảnh báo các bên “giữ mồm giữ miệng” trong các chỉ trích. 

Diễn biến vụ kiện:
 
Ngày 22/1/2013: Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện đối với Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”.

Tây Philippines là tên mà Philippines đặt cho vùng biển tranh chấp, Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Ngày 19/2/2013: Trung Quốc nộp note verbale “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Nam Hải”, từ chối tham gia vụ kiện và trả lại thông báo của Philippines.

Tuy nhiên theo điều 9 Phụ lục VII UNCLOS, việc một bên từ chối không tham gia không thể là rào cản cho Tòa Trọng tài tiến hành xét xử.

Ngày 27/8/2013: Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra Thông cáo báo chí yêu cầu Phillipines nộp Bản tranh tụng.

Ngày 30/3/2014: Philippines đệ trình lên Tòa Bản Tranh tụng bao gồm 10 chương đưa ra phân tích pháp lý và bằng chứng của nguyên đơn, đồng thời bảo vệ lập trường là Tòa Trọng tài có quyền phán quyết trong vụ kiện này.

- Bản tranh tụng của Philippines nhìn chung liên quan đến ba vấn đề chính. Một là vấn đề pháp lý về tuyên bố chủ quyền Đường 9 đoạn của Trung Quốc (Nine-dash line hoặc Đường lưỡi bò). Hai là danh nghĩa pháp lý của các đảo đá trong vùng tranh chấp. Ba là hoạt động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

- Philippines cũng bổ sung đảo Ba Bình (Itu Aba) trong Bản Tranh tụng của mình.

Ngày 3/6/2014: Đây là hạn cuối cùng Tòa Án đưa ra cho Trung Quốc đệ trình Bản phản biện của bị đơn. Trung Quốc từ trước vẫn duy trì quan điểm không tham gia vào vụ việc và vì thế, cũng không đệ trình Bản phản biện của bị đơn.

Ngày 06/12/2014: Hoa Kỳ đưa ra Báo cáo về Giới hạn trên biển về Đường 9 đoạn, trong đó xem xét các lập trường lịch sử của các bên và bác bỏ việc “thực thi liên tục” hoặc “thực thi có hiệu quả” chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trong khu vực trên.

Ngày 07/12/2014: Trung Quốc đưa ra “Tuyên bố về Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện mà Philippines khởi xướng trước Tòa Trọng Tài”. Quan điểm của Trung Quốc gói gọn trong ba điểm.

- Thứ nhất bản chất vụ kiện là chủ quyền đối với một số cấu trúc địa lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS.

- Thứ hai Trung Quốc và Philippines có thỏa thuận song phương giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng đàm phán nên việc Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế là Philippines vi phạm nghĩa vụ quốc tế.

- Thứ ba, kể cả nếu như vấn đề tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, đây vẫn là trường hợp phân định biển của hai quốc gia (rơi vào phạm vi Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc loại trừ tất cả tranh chấp phân định biển ra khỏi thẩm quyền bắt buộc của Tòa Trọng tài).

Ngày 11/12/2014: Việt Nam đưa ra Tuyên bố về chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời yêu cầu Tòa trọng tài “cân nhắc đến lợi ích và quyền lợi pháp lý của Việt Nam”.

Từ 7-13/7/2015: Theo lộ trình, Tòa Trọng tài tổ chức hai phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc tại La Haye.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Albert del Rosario phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Đường lưỡi bò trên Biển Đông bằng luận cứ lịch sử, đồng thời lên án Trung Quốc làm tổn hại đến môi trường biển trong khu vực, bao gồm việc phá hủy rặng san hô và đánh bắt cá bằng chất độc hại đe dọa sinh vật biển quý hiếm.

Ngày 29/10/2015: Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra “Tuyên bố (Phán quyết) về quyền tài phán và thừa nhận” đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tòa không bác bỏ quyền tài phán với bất cứ luận điểm nào trong Bản Tranh tụng của Philippines.

Ngày 21-22/3/2016: Trong một động thái bất ngờ, Đài Loan đưa ra Tuyên bố Amicus curiae về Quan điểm về chủ quyền của Đài Loan tại Đảo Itu Aba (Ba Bình). Theo đó hòn đảo này có vùng biển 200 hải lý (bao trùm lên hầu hết các hòn đảo còn lại đang tranh chấp ở Biển Đông).

Nguồn: bizLIVE