Bài học từ việc Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng khiến CIA hối lộ bất thành
Cập nhật: 25.03.2017 11:16
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu - một người khổng lồ của Châu Á đã khắc sâu hình ảnh của mình trong trái tim người dân Singapore và Tổ quốc Singapore của ông. Di sản vĩ đại và tầm ảnh hưởng của ông đối với người dân và đảo quốc Singapore mãi mãi tồn tại cùng lịch sử thăng trầm của đảo quốc sư tử. Điều đó không chỉ vì ông là nhà lập quốc, mà còn vì những đóng góp của ông cho sự phát triển phồn vinh của đảo quốc.
(Conglydaiviet) - Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu - một người khổng lồ của Châu Á đã khắc sâu hình ảnh của mình trong trái tim người dân Singapore và Tổ quốc Singapore của ông. Di sản vĩ đại và tầm ảnh hưởng của ông đối với người dân và đảo quốc Singapore mãi mãi tồn tại cùng lịch sử thăng trầm của đảo quốc sư tử. Điều đó không chỉ vì ông là nhà lập quốc, mà còn vì những đóng góp của ông cho sự phát triển phồn vinh của đảo quốc.

Sinh thời, ông Lý Quang Diệu đóng góp cho đất nước Singapore ở nhiều khía cạnh trong những vị thế và vai trò khác nhau. Khi ra đi, ông Lý Quang Diệu đã để lại rất nhiều bài học cho hậu thế từ những quyết định của mình trong quá trình điều hành và quản lý đất nước. Tựu trung lại trong những bài học đó là ông luôn đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết.

Từ việc lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến cho xã hội đến việc chọn Israel là quốc gia hỗ trợ Singapore xây dựng lực lượng quân đội chính quy thời lập quốc, chọn Nhật Bản là hình mẫu phát triển, từ việc quyết định kết nối bang giao với Mỹ trước khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc, cho dù ông là người gốc Hoa và 2/3 dân số Singapore thời lập quốc là người Hoa.

Trong khuôn khổ bài viết này, xin được giới thiệu bài học về ứng xử tuyệt vời của ông Lý Quang Diệu trong ngoại giao quốc tế, mà qua đó bất cứ ai cũng phải cảm phục lẽ sống vì nước vì dân của ông. Đó là những ứng xử, hành xử của ông Lý Quang Diệu trong vụ việc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hối lộ ông nhằm che giấu một sự thất bại của họ.

Thủ tướng Lý Quang Diệu không những khiến CIA hối lộ không thành mà còn phải ngậm quả đắng

Gần đây, CIA đã mở kho lưu trữ các tài liệu được giải mật của mình, trong số các tài liệu mật đã được duyệt bởi CIA Records Search Tool (CREST), có tài liệu liên quan đến vụ việc CIA đưa hối lộ ông Lý Quang Diệu nhằm che giấu việc làm bị cho là đáng xấu hổ của họ, tuy nhiên CIA đã không thuyết phục được nhà lãnh đạo Singapore.

Vụ việc diễn ra vào năm 1960, khi một nhân viên CIA đã bị bắt vì cố mua thông tin từ một sĩ quan tình báo Singapore. Trước sự việc bị bại lộ, CIA đã đề nghị trả cho Thủ tướng Lý Quang Diệu 3,3 triệu USD (ngày nay tương đương với 25 triệu USD) để mong ông Lý Quang Diệu giữ kín chuyện này. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Singapore đã từ chối, yêu cầu CIA nâng số tiền lên gấp 10 lần và chuyển thành viện trợ phát triển chính thức cho Singapore. Đương nhiên là CIA không có khả năng làm điều đó.


Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nổi tiếng là người đáp trả mạnh mẽ những quan điểm, hành động gây bất bình và mang bất lợi cho đất nước của ông. Vụ việc CIA hối lộ ông Lý Quang Diệu bị phanh phui vào tháng 1/1961, ngay trước khi Tổng thống Kennedy nhậm chức. Thừa kế vấn đề này khi tiếp quản chính quyền từ cựu Tổng thống Eisenhower, Tổng thống Kennedy đã đề nghị bồi thường danh dự cho ông Lý Quang Diệu dưới hình thức viện trợ nước ngoài cho Singapore.

Bên cạnh đó, ngày 15.4.1961, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk cũng có thư xin lỗi ông Lý Quang Diệu và cam kết trong nhiệm kỳ của Tổng thống Kennedy, Nhà Trắng sẽ chấn chỉnh các hoạt động tình báo và sẽ có hình thức kỷ luật điệp viên tình báo vi phạm, khi đã xúc phạm danh dự của ông Lý Quang Diệu.

Năm 1965, vì bất bình với nhiều hành động của Mỹ, trong một bài diễn văn, Thủ tướng Lý Quang Diệu kêu gọi Washington không nên che giấu những “sự việc nhạy cảm" của người Mỹ ở châu Á và tuyên bố Singapore không bao giờ cho phép người Mỹ thay thế người Anh tiếp quản Singapore và duy trì căn cứ quân sự trên đảo quốc này. Ông Lý Quang Diệu cũng đã nhắc lại vụ việc CIA hối lộ ông nhưng không thành công.

Ngay lập tức Đại sứ Mỹ tại Malaysia James D. Bell và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert J. McCloskey đã kịch liệt bác bỏ việc CIA đưa hối lộ nhà lãnh đạo Singapore. Đáp lại, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cho công bố bức thư xin lỗi của Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk gửi ông ngày 15.4.1961.

Không những vậy, ông Lý Quang Diệu còn đe dọa sẽ công bố toàn bộ các báo cáo và tài liệu liên quan đến âm mưu của CIA, thậm chí có cả kế hoạch phát băng ghi âm các cuộc thẩm vấn và các cuộc họp trên đài phát thanh Singapore, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục phủ nhận sự việc đưa hối lộ của CIA.

Ông Lý Quang Diệu lên tiếng: "Nếu người Mỹ phủ nhận, tôi sẽ phải tiết lộ thêm chi tiết, giống như các điệp vụ của James Bond và Goldfinger, nhưng đó không phải là điều tốt đẹp gì, mà đầy ghê tởm và khó chấp nhận". Ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh: "Người Mỹ phải biết nhân vật mà họ đang trao đổi tại Singapore là người không bao giờ bị cuốn vào những vụ tai tiếng”.

Xấu hổ vì những sai lầm của CIA và cách hành xử thiếu tế nhị của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ McCloskey đã nhanh chóng rút lại lời phát biểu và rút ra bài học cho mình trong ứng xử với nhà lãnh đạo Singapore, theo The New York Times.

Thủ tướng Lý Quang Diệu luật hoá việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc của những người đại diện quyền lực nhân dân

Việc Thủ tướng Lý Quang Diệu từ chối nhận hối lộ của CIA và hoá giải vấn đề một cách tuyệt vời, mang lại lợi ích cho đất nước Singapore khi chính quyền Tổng thống Kennedy trả ơn bằng viện trợ phát triển cho Singapore. Đây là một bài học sâu sắc của Thủ tướng Lý Quang Diệu về lòng yêu nước, lòng trung thành với tổ quốc, tuy nhiên đó chỉ là lãnh đạo nêu gương mà thôi.

Dường như nhà lập quốc Singapore đã tìm cách biến bài học đó thành nguyên tắc để buộc những người đại diện cho quyền lực nhân dân phải thực hiện, chứ không chỉ thấm nhuần tư tưởng và theo gương lãnh đạo. Và có thể nhận diện nguyên tắc quy định tất cả nghị sĩ Quốc hội Singapore phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình là luật pháp hoá bài học sâu sắc đó của ông Lý Quang Diệu.

Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Singapore, trung thành với Tổ quốc sẽ không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh, sẽ không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn. Việc thể hiện lời thề về lòng trung thành với Tổ quốc là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của chế độ chính trị tại Cộng hòa Singapore. Có thể xem đây là cội nguồn cho đoàn kết dân tộc và từ đó làm nên những kỳ tích của đảo quốc này, theo Straits Times. Tất cả nghị sĩ Quốc hội Singapore phải tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc trước khi thực hiện trách nhiệm của mình

Có thể thấy rằng, nếu tất cả vì Tổ quốc - Tổ quốc là trên hết - thì những mâu thuẫn chính trị gần như sẽ bị xóa nhòa và điều đó làm cho người ta có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Người ta cống hiến trong niềm tự hào thì đương nhiên sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Một nghị sĩ Quốc hội có thể có lỗi với đảng phái chính trị của mình vì có nhiều lợi ích của đảng phái không phải là lợi ích của đất nước. Một nghị sĩ Quốc hội có thể có lỗi với người dân ở nơi mà mình đại diện - đơn vị bầu cử - vì lợi ích vùng miền trong nhiều trường hợp không hoàn toàn tương đồng với lợi ích quốc gia. Một nghị sĩ Quốc hội có thể có lỗi với chính quyền vì nhiều khi lợi ích của chính quyền không hoàn toàn là lợi ích dân tộc.

Tuy nhiên, một nghị sĩ Quốc hội chỉ có lỗi với Tổ quốc nếu không trung thành. Như vậy, với nguyên tắc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc của từng nghị sĩ Quốc hội, tất cả những lợi ích mang tính cục bộ địa phương hay bè phái, đảng phái chính trị đều không thể chi phối đối với việc họ thực quyền và nghĩa vụ đại diện cho quyền lực của nhân dân.  

Việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ áp dụng cho những người đứng đầu các cơ quan quyền lực nhà nước, như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Nghị viện…, chứ không áp dụng với tất cả những nghị sĩ dân bầu. Điều đó chứng tỏ không có sự bình đẳng. Ở Singapore, điều đó đã được khắc phục.

Có thề thấy, ở Mỹ - quốc gia có trình độ cao về xây dựng pháp luật - sẽ không thể xảy ra tình trạng chính phủ phải ngưng hoạt động vì thiếu ngân sách chi cho hoạt động của bộ máy hành pháp, nếu tất cả các nghị sĩ và dân biểu hai viện Quốc hội Mỹ đều tuyên thệ trung thành với Tổ quốc. Bởi lẽ nguyên nhân khiến chính phủ của Tổng thống Obama phải ngưng hoạt động là do mâu thuẫn đảng phái chính trị gây ra.

Trung thành với Tổ quốc không chỉ là vấn đề liên quan đến an ninh chính trị hay chủ quyền quốc gia như nhiều người hay giới hạn phạm vi của khái niệm này. Trung thành với Tổ quốc còn liên quan đến cơ chế đảm bảo lợi ích của nhân dân. Vì vậy, những hành động làm phương hại đến vấn đề này đều bị xem là hại dân hại nước, là phản bội Tổ quốc.

Ngày nay, người dân Singapore tự hào về một đất nước Singapore phát triển và phồn vinh, người dân có mức sống cao và đời sống xã hội ổn định. Đó là những thành quả của sự đoàn kết xã hội, của những chính sách hợp thời của chính phủ, của trí tuệ và tâm huyết của nhà lãnh đạo lập quốc Lý Quang Diệu.

Nguồn: motthegioi