Tìm hiểu Hệ thống pháp luật của Đảo quốc Singapore
Cập nhật: 03.10.2014 05:01
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, việc tìm hiểu và nắm bắt pháp luật nước ngoài là một việc làm hết sức cần thiết và có ích cho công cuộc làm ăn của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Conglydaiviet trân trọng giới thiệu bài viết của TS Phạm Trí Hùng về Hệ thống pháp luật của đất nước Singapore, thông tin bài viết là nguồn tư liệu quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Chính quyền, luật pháp và truyền thống pháp lý của Đảo quốc sư tử nổi tiếng là giàu có và xinh đẹp.
(Conglydaiviet) - Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, việc tìm hiểu và nắm bắt pháp luật nước ngoài là một việc làm hết sức cần thiết và có ích cho công cuộc làm ăn của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Conglydaiviet trân trọng giới thiệu bài viết của TS Phạm Trí Hùng về Hệ thống pháp luật của đất nước Singapore, thông tin bài viết là nguồn tư liệu quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Chính quyền, luật pháp và truyền thống pháp lý của Đảo quốc sư tử nổi tiếng là giàu có và xinh đẹp.

1. Sơ lược về Singapore

Singapore là quốc đảo ở Đông Nam Á với diện tích 639,1 km2 và thủ đô là Thành phố Singapore.Dân số Singapore vào khoảng 4 triệu người với 77% là người Trung Hoa, 14% là người Mã Lai, 8% là người Ấn Độ và 1% là người lai Âu Á và người có nguồn gốc khác.

Vào thế kỷ thứ XIV, hòn đảo nhỏ nhưng có vị trí chiến lược này được mang cái tên mới là "Singa Pura" ("Thành phố Sư tử"). Theo truyền thuyết, khi đặt chân lên hòn đảo, vị Hoàng tử Palembang của Đế quốc Sri Vijayan đã trông thấy một con thú mà Ngài nhầm tưởng là con sư tử nên Singapore hiện đại ngày nay có tên gọi là Thành phố Sư tử.

Đến năm 1819 Singapore thuộc sở hữu của Quốc vương Johore (nay là một bang của Malaysia). Năm 1824 theo Hiệp định hữu nghị và hợp tác giữa Anh và Johore, Singapore được nhượng cho Anh.

Sau Thế chiến thứ II, Sinagpore vẫn là thuộc địa của Vương quốc Anh. Sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã giúp SingaporeMalaysia. Do những khác biệt lớn về chính trị, Singapore tách ra khỏi Liên bang và từ ngày 9 tháng 8 năm 1965 trở thành một nước Cộng hoà độc lập. 

Giành được quyền tự trị vào năm 1959, thành một quốc gia độc lập trong Khối thịnh vượng chung. Trong những năm 1963 – 1965 Singapore là một bang trong Liên bang Singapore theo Hiến pháp 1963 là nước Cộng hoà nghị viện với chế độ chính trị cực quyền. Từ lúc tuyên bố độc lập đến nay, Đảng Hành động Nhân dân liên tục cầm quyền. Có khoảng 20 đảng phái khác được đăng ký chính thức ở Singapore nhưng các đảng phái này không có vai trò đáng kể trong đời sống chính trị của đất nước.

2. Hệ thống các cơ quan nhà nước Singapore

Quyền lập pháp ở Singapore thuộc về Nghị viện với 83 nghị sỹ và Tổng thống. Nghị viện được bầu bằng hình thức phổ thông trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm. Nghị viện chỉ có thể được giải tán bởi Tổng thống theo đề nghị của Thủ tướng. Ngoài thủ tục bầu cử Nghị sỹ thông thường còn có thủ tục bầu cử theo nhóm đại diện cho nhóm gồm từ ba đến sáu người trong đó bắt buộc phải có một đại diện dân tộc thiểu số, trước hết là người Malay. 

Từ năm 1990 Nghị viện Singapore có thêm 10 Nghị sỹ đề cử với nhiệm kỳ 2 năm được Chủ tịch Nghị viện đề cử từ những công dân có nhiều công lao, đóng góp với đất nước và được Tổng thống thông qua. Các Nghị sỹ đề cử này có đầy đủ các quyền, đặc quyền và nghĩa vụ của Nghị sỹ trừ quyền bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp, tuyên bố bất tín nhiệm và thông qua ngân sách. Ở Singapore cũng có quy định về Nghị sỹ không qua bầu cử cho phép bốn đại diện của các đảng đối lập có số phiếu cao nhất qua bầu cử Nghị viện (nhưng không đủ điều kiện để có số ghế trong Nghị viện) trở thành Nghị sỹ.

Nghị viện Singapore họp một năm 2 kỳ, ở kỳ họp thứ hai xem xét thông qua ngân sách quốc gia trong năm tới. Các dự thảo luật được thảo luận ba lần và được thông qua bằng bỏ phiếu đa số thông thường (quá ½ số Nghị sỹ). Dự thảo luật được Nghị viện thông qua có hiệu lực khi được Tổng thống xem xét, công bố. 

Các dự thảo luật còn được xem xét bởi Hội đồng Tổng thống về quyền của người thiểu số về tính đảm bảo nguyên tắc bình đẳng đối với các cộng đồng thiểu số và tôn giáo, về các đảm bảo Hiến pháp nói chung. Hội đồng này gồm 21 thành viên do Tổng thống chỉ định theo đề nghị của Chính phủ (10 thành viên được chỉ định suốt đời, 10 thành viên và Chủ tịch Hội đồng có nhiệm kỳ 3 năm). Nếu Hội đồng không chấp nhận, dự thảo Luật phải được thay đổi hay phải được Nghị viện thông qua với đa số tuyệt đối (quá 2/3 số Nghị sỹ). Thẩm quyền của Hội đồng không gồm việc xem xét các dự thảo luật liên quan đến tài chính, an ninh và trật tự xã hội,; các dự thảo luật được Thủ tướng công bố là “Khẩn”.

Người đứng đầu nhà nước Singapore là Tổng thống, trước đây được Nghị viẹn bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Theo Hiến pháp sửa đổi năm 1991 Tổng thống được bầu phổ thông trực tiếp với nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống có một số các quyền hạn đại diện, hành pháp và tổ chức. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng từ số Nghị sỹ và hoạt động với sự tư vấn của Chính phủ.

Quyền hành pháp ở Singapore thực tế thuộc Chính phủ – đứng đầu là Thủ tướng. Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể trước Nghị viện. Nếu đa số Nghị sỹ mất tín nhiệm đối với Thủ tướng và Chính phủ, Tổng thống có thể tuyên bố bãi nhiệm Thủ tướng và giải tán Chính phủ.

3. Hệ thống pháp luật Singapore

3.1. Khái quát về hệ thống pháp luật Singapore

Hệ thống pháp luật Singapore gần như hoàn toàn chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh, chỉ trừ một số vấn đề mang tính cá nhân đối với cộng đồng Hồi giáo, Ấn Độ giáo và người Hoa chịu sự điều chỉnh của Luật Hồi giáo, Luật Ấn Độ giáo và phong tục của người Hoa.

Vào thời kỳ đầu của chế độ thuộc địa, Bản Hiến chương thứ hai về công lý của Anh năm 1826 được coi là hiến chương đưa pháp luật và hệ thống tư pháp Anh vào các nước thuộc vùng eo biển (Penang, Malacca, Singapore). Bản Hiến chương này đồng thời khẳng định: việc tiếp nhận chung đối với pháp luật Anh chỉ đúng khi đáp ứng yêu cầu: thứ nhất, các đạo luật Anh liên quan đến chính sách chung thì được áp dụng chung; thứ hai, các đạo luật được đem áp dụng phải phù hợp với tập quán, tôn giáo cũng như pháp luật của địa phương. Như vậy, ngay cả đạo luật được áp dụng chung cũng vẫn có thể phải sửa đổi để tránh gây bất bình đẳng và áp bức đối với dân bản địa . Các chế định pháp luật Anh liên quan đến hôn nhân gia đình được sửa đổi để áp dụng chung (ví dụ như sửa quy định về chia thừa kế suốt đời để đảm bảo không vi phạm nguyên tắc tự do chuyển nhượng đất). Nhiều ngành luật được pháp điển hoá, một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ được thông qua.

Trong quá trình xây dựng nền tư pháp độc lập và đại phương hoá hệ thống pháp luật của mình, pháp luật Anh được tiếp nhận ở Singapore một cách đặc thù nghĩa là bằng các diều khoản hay các đạo luật quy định rõ việc tiếp tục áp dụng pháp luật Anh trong một số lĩnh vực riêng biệt. 

Điều 5 Luật Dân sự Singapore quy định việc áp dụng pháp luật Anh trong lĩnh vực thương mại đồng thời cũng nói rõ “các đạo luật Anh sẽ là đối tượng sửa đổi, bổ sung trong những trường hợp cần thiết”. Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự Singapore cũng quy định: “Đối với những vấn đề tố tụng hình sự chưa được điều chỉnh bằng quy phạm nào thuộc bộ luật này hay thuộc các đạo luật khác tại thời điểm chúng có hiệu lực tại Singapore thì luật tố tụng hình sự đang có hiệu lực ở Anh sẽ được áp dụng cho Singapore trừ khi nó mâu thuẫn với Bộ luật này”. 

Một con đường khác để pháp luật Anh thâm nhập vào Singapore là việc Nghị viện ban hành lại các đạo luật của Anh theo đúng nguyên văn câu chữ hoặc chỉ thay đổi vài điều khoản, ví dụ như Luật trọng tài năm 1950. Theo hình mẫu pháp luật Anh thông qua Pháp lệnh (Ordinance) về thời hiệu năm 1959.

Bên cạnh pháp luật Anh, Singapore đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh theo mô hình của các nước khác phù hợp hơn với điều kiện thực tế của mình ví dụ như thông qua Bộ luật Hình sự, Luật về chứng cứ theo hình mẫu của các Bộ luật thuộc địa Ấn Độ; thông qua Luật về quyền đất đai năm 1956, Pháp lệnh về các quan hệ công nghiệp năm 1960 và Luật về công ty năm 1967 theo mô hình của Australia.

Năm 1979, Nghị viện Singapore đã sửa đổi Điều 5 Luật Dân sự theo hướng loại trừ việc tiếp nhận các đạo luật Anh trong lĩnh vực thương mại trong một số trường hợp: khi các đạo luật đó là hệ quả trực tiếp của các công ước, hiệp định quốc tế mà Singapore không phải là thành viên, khi đã có một đạo luật khác của Singapore với cùng mục đích như đạo luật của Anh. 

Tuy nhiên những sửa đổi này cũng vẫn chưa giải quyết được triệt để tính không xác định của phạm vi tiếp nhận pháp luật Anh. Vì cho rằng việc Anh tham gia Liên minh châu Âu sẽ làm cho xu hướng phát triển pháp luật thương mại của Anh ngày càng không còn phù hợp với Singapore nên tháng 11 năm 1993, Nghị viện Singapore đã ban hành Đạo luật về áp dụng pháp luật Anh với những nội dung chính: tuyên bố xoá bỏ Điều 5 Luật Dân sự, chấm dứt việc tiếp nhận một cách tự động các đạo luật tương lai của Anh về thương mại; xác lập danh mục các đạo luật Anh được áp dụng tại Singapore đồng thời nói rõ phạm vi áp dụng chúng ; chuyển hoá một số điều khoản của các đạo luật ban hành trước 1826 liên quan đến sở hữu, uỷ thác, bảo hiểm, thừa kế…vào các đạo luật tương ứng hiện hành của Singapore; khẳng định các án lệ và Luật Công bằng của Anh đã từng là một bộ phận của pháp luật Singapore trước khi Luật này có hiệu lực thì vẫn sẽ tiếp tục là một bộ phận của pháp luật Singapore, đồng thời có thể được sửa đổi tuỳ theo yêu cầu cụ thể và bằng con đường lập pháp. 

Đạo luật về áp dụng pháp luật Anh 1993 có ý nghĩa cách mạng nhằm loại bỏ sự không rõ ràng trong việc áp dụng pháp luật Anh ở Singapore, làm giảm bớt sự phụ thuộc của pháp luật thương mại Singapore vào pháp luật Anh và vào hoạt động lập pháp tương lai của Anh .

Ở Singapore vẫn áp dụng hoàn toàn học thuyết pháp lý của Anh, thừa nhận án lệ là nguồn quan trọng của luật. Án lệ của Anh, của Malaysia, của Ấn Độ và các nước trong Khối Thịnh vượng chung “có hiệu lực thuyết phục” được Toà án Singapore tiếp nhận trong thực tiễn xét xử .

3.2. Luật Dân sự và các ngành luật liên quan

Trong các quan hệ dân sự – pháp lý ở Singapore chủ yếu sử dụng các quy phạm thông luật Anh, trừ một số chế định pháp lý cá nhân được diều cỉnh bởi phong tục và luật của các cộng đồng cụ thể.

Năng lực pháp lý của các chủ thể Luật Dân sự được quy định bởi các văn bản pháp lý dựa trên thông luật Anh. Độ tuổi có thể đăng ký kết hôn dành cho người Hồi giáo là 16 tuổi, với các cộng đồng người và tôn giáo khác là 18 tuổi. Luật Hợp đồng và Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Singapore về cơ bản theo hình mẫu của pháp luật Anh. Luật Đất đai của Singapore đồng thời dựa trên pháp luật Anh và pháp luật Australia (về đăng ký bất động sản).

Vấn đề đăng ký kết hôn và ly hôn đối với các cộng đồng không phải là Hồi giáo điều chỉnh bởi Hiến chương về phụ nữ (Women’s Charter) 1961. Hiến chương dành cho phụ nữ các quyền bình đẳng với đàn ông trong tất cả các lĩnh vực, quy định chế độ đăng ký kết hôn bắt buộc và cấm đàn ông lấy nhiều vợ. Có thể tổ chức kết hôn theo phong tục của người Hoa hay người Ấn Độ là nhưng đồng thời phải tuân theo các quy định của Hiến chương. Quy định về ly hôn ở Singapore về cơ bản theo hình mẫu của pháp luật Anh chỉ khác ở chỗ để nộp đơn xin ly hôn cần có ít nhất 7 năm sống riêng. Vấn đề kết hôn và ly hôn của người Hồi giáo hoàn toàn theo Luật Hồi giáo, theo đó đàn ông được phép lấy nhiều vợ và có thể đơn phương tuyên bố ly hôn.

Quan hệ sở hữu trí tuệ ở Singapore được điều chỉnh bởi Luật về quyền tác giả 1987, Luật về Thương hiệu (theo hình mẫu của Luật về Thương hiệu Anh 1887), Luật về Nhãn hiệu (theo hình mẫu Luật về Nhãn hiệu Anh 1938), Luật về sáng chế 1994. Pháp luật Singapore trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hoàn toàn tương ứng với các chuẩn mực quốc tế hiện dại và có điểm khác biệt về xử lý nghiêm ngặt đối với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Luật Lao động của Singapore quy định quyền thành lập công đoàn, quy định về thoả ước lao động tập thể và quyền đình công. Quy định về quyền đình công ở Singapore không được sử dụng từ sau 1986 do thủ tục trọng tài hoà giải phức tạp trước khi đình công. Chính phủ Singapore tham gia tích cực vào điều chỉnh quan hệ lao động và quan hệ cộng đồng xã hội. Luật về việc làm quy định 44 giờ làm việc 1 tuần. Theo mức độ bảo trợ xã hội đối với người lao động, Singapore đứng thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản.

Theo Pháp lệnh về quyền dân sự (Civil Law Ordinance) ở Singapore các quy định của Luật Kinh doanh của Anh về tất cả các vấn đề liên quan đến công ty hợp danh, công ty, ngân hàng và hoạt động ngân hàng, hợp đòng đại lý, vận chuyển, bảo hiểm thương mại trực tiếp có hiệu lực nếu pháp luật Singapore không có quy định khác. Bên cạnh việc sử dụng trực tiếp pháp luật Anh như Luật về hợp danh 1890, Luật về chi phiếu 1882…Singapore cũng đã thông qua các luật của mình như Luật về công ty (dựa trên hình mẫu của Luật về công ty của Malaysia 1967), Luật về phá sản (dựa trên Luật về phá sản Anh năm 1914).

Từ 1965, pháp luật kinh tế của Singapore hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích các sáng kiến cá nhân. Trong những năm 1990, ở Singapore hình thành cơ sở pháp lý khá hoàn chỉnh cho các hoạt động miễn thuế (off shore).

Tố tụng dân sự ở Singapore được điều chỉnh bởi Quy định của Toà án Tối cao năm 1970 và Quy định của Toà áp cấp dưới 1970. Quan hệ trọng tài thương mại quốc tế được điều chỉnh bởi Luật về Trọng tài Thương mại quốc tế 1994. Nhìn chung, tố tụng dân sự và tố tụng trọng tài ở Singapore được xây dựng trên cơ sở pháp luật Anh.

3.3. Pháp luật về công ty

Singapore áp dụng khá triệt để hệ thống pháp luật Anh. Một trong những nguyên tắc của việc áp dụng hệ thống pháp luật Anh ở Singapore là áp dụng đến chừng mực mà chưa mâu thuẫn với tập quán và pháp luật của Singapore. Chính vì vậy, nguồn luật công ty của Singapore chủ yếu dựa vào các văn bản pháp luật về công ty của Anh và Úc. Tuy nhiên, luật công ty của Singapore hiện nay cũng chứa đựng nhiều điểm khác so với luật công ty hai nước trên.

Nguồn chủ yếu của luật công ty của Singapore là Paprtnership Act 1890 và Compaines Act, Business Registration Act, Security Act. Theo các văn bản pháp luật này thì ở Singapore có các loại hình doanh nghiệp sau:

- Doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ)

- Hợp danh

- Công ty

Theo Luật đăng ký kinh doanh (Luật số 32) thì một cá nhân nào hay một nhóm những cá nhân có thể thành lập doanh nghiệp một chủ (công ty), hợp danh thông qua cơ chế đăng ký với cơ quan đăng ký được máy tính hoá. Các thông tin đăng ký tại đây đều được cung cấp cho bất kỳ ai quan tâm.

"Công ty " hợp danh không được có quá 20 thành viên, loại trừ đối với các (Công ty) hợp doanh hành nghề được điều chỉnh theo luật. Để đăng ký thì chủ sở hữu duy nhất hay thành viên (công ty) hợp danh phải có đơn tới cơ quan đăng ký để được kiểm tra xem tên dự tính của doanh nghiệp hay (công ty) hợp danh có thích hợp không. Doanh nghiệp một chủ và (công ty) hợp danh không là pháp nhân. Chủ sở hữu và thành viên của thành viên hợp danh chịu trách nhiệm cá nhân đối với hoạt động của doanh nghiệp và (công ty) hợp danh. Doanh nghiệp một chủ và (công ty) hợp danh không có nghĩa vụ phải nộp báo cáo tài chính hàng năm. Nhưng thời hạn đăng ký của 2 loại hình doanh nghiệp này là 01 năm và được gia hạn hàng năm. Một công ty có thể tham gia với tư cách là thành viên hợp danh.

i) Doanh nghiệp tư nhân trong luật của Singapore

Doanh nghiệp tư nhân trong luật của Singapore không được điều chỉnh bởi các quy định cụ thể, riêng biệt. Doanh nghiệp tư nhân được coi là doanh nghiệp của cá nhân. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch với tài sản khác của chủ doanh nghiệp. Khi tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự, chủ doanh nghiệp tư nhân được đối xử như thể nhân. Vì vậy, không có những quy định riêng cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Khi chủ doanh nghiệp của cá nhân. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có sự tách bạch với tài sản khác của chủ doanh nghiệp. Khi tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự, chủ doanh nghiệp tư nhân được đối xử như thể nhân. Vì vậy, không có những quy định riêng cho chủ doanh nghiệp tư nhân. Khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì doanh nghiệp đương nhiên chấm dứt sự tồn tại.

ii) Hợp danh trong pháp luật Singapore

Trong đời sống pháp lý Singapore, hợp danh được điều chỉnh bởi Luật hợp danh năm 1890 của Anh. Việc áp dụng đạo luật này của Anh được thực hiện thông qua Đạo luật năm 1993 của Singapore về áp dụng pháp luật Anh. Về cơ bản, hợp danh trong pháp luật Singapore và hợp danh trong pháp luật Anh không khác nhau đáng kể.

Dưới đây là một số quy định chủ yếu về hợp danh:

- Hợp danh là thoả thuận giữa những người tiến hành kinh doanh nhằm thu lợi. Như vậy, theo định nghĩa này thì hai dấu hiệu đặc trưng của hợp danh là sự tồn tại của việc kinh doanh và sự thoả thuận giữa nhiều người tham gia việc kinh doanh vì lợi nhuận. Mục đích lợi nhuận là tiêu chí cơ bản cho việc xác định hợp danh.

- Số lượng thành viên tối thiểu của hợp danh là 2 và tối đa là 20. Các hợp danh có thành viên với số lượng từ 21 trở lên được gọi là công ty cho dù không đăng ký như là công ty.

- Thành viên của hợp danh theo quy định của pháp luật Singapore có thể bao gồm thể nhân và pháp nhân. Đối với pháp nhân thì việc tham gia hợp danh phải kèm theo điều kiện là điều lệ của các pháp nhân đó không hạn chế việc tham gia hợp danh. Công dân, pháp nhân của các nước bị coi là thù địch thì không được tham gia hợp danh. Vị thành niên có thể được tham gia hợp danh song không bị buộc phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ của hợp danh mặc dù tài sản của vị thành niên có thể dùng để trang trải công nợ của hợp danh nêú như tài sản của các thành viên khác trong hợp danh không đủ để trang trải các khoản nợ.

- Hợp danh có thể được thành lập thông qua việc ký thoả thuận thành lập hoặc được thành lập thông qua việc cùng bắt đầu thực hiện hành vì kinh doanh nhằm thu lợi nhuận. Tuy nhiên việc thành lập hợp danh chủ yếu được thực hiện thông qua việc ký hợp đồng thành lập bởi vì hợp đồng ấy sẽ là văn bản điều chỉnh quanh hệ nội bộ giữa các thành viên của hợp danh.

- Các hợp danh cần được đăng ký tại cục đăng ký.

- Việc kết nạp các thành viên mới của hợp danh phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên. Thành viên ra khỏi hợp danh có thể đề cử người kế tục mình và trong trường hợp đó hợp danh phải kết nạp người đề cử này. Người được đề cử không phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ mà hợp danh đã phải gánh chịu trước khi người được đề cử tham gia hợp danh trừ phi người này chịu trước khi người được đề cử tham gia hợp danh trừ phi người này chấp nhận chịu trách nhiệm về khoản nợ đó.

- Hợp danh đựơc thành lập với thời hạn nhất định sẽ chấm dứt hoạt động khi thời hạn kết thúc. Tuy nhiên, các bên có thể tiếp tục tiến hành hoạt động của hợp danh mặc dù thời hạn đã kết thúc. Hợp danh được thành lập với mục đích thực hiện hoạt động nhất định nào đó sẽ chấm dứt nếu như hoạt động đó đã được thực hiện. Hợp danh được thành lập vô thời hạn thì hợp danh sẽ chấm dứt nếu một thành viên thông báo cho các thành viên khác về việc rút khỏi hợp danh. Nếu hợp danh được thành lập bằng văn bản thì chỉ cần một thành viên thông báo văn bản về việc ra khỏi hợp danh khi đó hợp danh sẽ chấm dứt.

-Luật pháp của Singapore có những quy định chi tiết về trách nhiệm của các thành viên trong hợp danh, những hành vi được coi là hợp pháp, có tác dụng ràng buộc hợp danh và những hành vi bị coi là bất hợp pháp không có giá trị ràng buộc pháp nhân. Trách nhiệm của các thành viên của hợp danh là liên đới và không phân chia trong trường hợp hợp danh chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái , còn trách nhiệm đối với các khoản nợi và nghĩa vụ hợp đồng là trách nhiệm liên đới.

- Mặc dù hợp danh không phải là pháp nhân song luật pháp Singapore vẫn cho phép hợp danh khởi kiện nhân danhmình cũng bị kiện với tư cách là hợp danh. Tất cả các thànhviên có thể đứng đơn khởi kiện hoặc để cho một thành viên thay mặt khởi kiện. Những người khác kiện hợp danh có thể khởi kiện trực tiếp chống bất cứ thành viên nào hoặc chống hợp danh.

- Tài sản được đóng góp cho hợp danh hoặc có được qua giao kết nhân danh hợp danh được coi là tài sản của hợp danh. Tài sản của hợp danh được quản lý và sử dụng tuyết đối vì mục đích của hợp danh. Tài sản trong hợp danh có thể là tài sản hợp danh cũng có thể là tài sản của thành viên. Xác định phần tài sản nào của hợp danh và tài sản nào thành viên sẽ được thực hiện căn cứ vào hợp đồng thành lập hợp danh.

Luật Singapore quy định các thành viên có nghĩa vụ trung thành với hợp danh và phải xử sự một cách ngay tình không được cạnh tranh với hợp danh thông qua hoạt động khai báo cáo cho các thành viên về tình hình thu nhập và lợ nhuận khi hoạt động dưới danh nghĩa thành viên của hợp danh. Nguyên tắc, lợi nhuận, và thua lỗ được phân chia đều giữa thành viên hợp danh. Tuy nhiên, nguyên tắc này có thể không có hiệu lực nếu có thoả thuận rõ ràng hoặc có sự ngầm định khác giữa các thành viên của hợp danh.

Những thành viên sử dụng tài sản của hợp danh vì mục đích cá nhân có thể bị các thành viên khác kiện vì vi phạm nguyên tắc trung thành và ngay tình đối với hợp danh.

iii) Công ty trong hệ thống pháp luật của Singapore

Theo Luật công ty (Luật số 50) thì 2 hay nhiều người có thể thành lập công ty hoạt động vì mục đích hợp pháp thông qua việc họ ký vào thoả thuận thành lập công ty và tuân thủ quy định đăng ký. Trong mọi trường hợp một công ty phải có ít nhất 2 thành viên, trừ khi công ty này là một công ty con thuê 100% sở hữu của một công ty khác. Nếu công ty trong quá trình hoạt động mà còn lại một thành viên và công ty vẫn tiếp tục hoạt động hơn tháng thì thành viên này bị coi là phạm luật công ty và phải chịu trách nhiệm về tất cả những khoản nợ xảy ra trong công ty thì việc sở hữu cổ phiếu của công ty là điều kiện bắt buộc.

Luật quy định có 3 hình thức công ty:

Công ty trách nhiệm hữu hạn theo cổ phiếu: trách nhiệm của các thành viên công ty là hữu hạn và chỉ hạn chế tới giá đã được thanh toán hay chưa được thanh toán cổ phiếu mà họ nắm giữ (nếu có). Đây là hình thức công ty thông thường được thành lập để thực hiện công việc kinh doanh vì mục đích sinh lợi.

Công ty trách nhiệm hữu hạn theo bảo lãnh: trách nhiệm của các thành viên công ty là hữu hạn và chỉ hạn chế tới giá trị mà họ cam kết cá nhân đóng góp vào tài sản của công ty trong trường hợp giải thể.

Công ty trách nhiệm vô hạn: các thành viên công ty chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của công ty.

Luật công ty Singapore chia các công ty thành công ty cổ phiếu giao dịch hạn chế (private company) và công ty cổ phiếu giao dịch rộng rãi (public company). Công ty cổ phiếu giao dịch hạn chế không được quá 50 thành viên, không được phát hành cổ phiếu và trái nợ cho công chúng và không được nhận tiền gửi của công chúng. Công ty này cũng có thể hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu. Ngược lại, công ty có cổ phiếu giao dịch rộng rãi không bị ràng buộc bởi những quy định này. Pháp luật Singapore cho phép một công ty có cổ phiếu giao dịch hạn chế có thể chuyển đổi thành công ty có cổ phiếu giao dịch rộng rãi và ngược lại, khi công ty thoả mãn các điều kiện và yêu cầu về thủ tục chuyển đổi.

Theo luật công ty, các công ty nước ngoài có thể cũng có thể chọn việc thành lập chi nhánh công ty để kinh doanh thay việc phải thành lập một công ty.

Về danh nghĩa, các thành viên là người có quyền lực lớn trong công ty. Bộ máy quản lý, điều hành công ty phải chịu trách nhiệm trước các thành viên của công ty. Các vấn đề quan trọng nhất của công ty sẽ do đại hội cổ đông quyết định hoặc cho phép. Với tư cách là sở hữu chủ đối với công ty trong phạm vi phần vốn góp vào công ty, các thành viên có những quyền, lợi ích và nghĩa vụ gắn liền với tư cách của chủ sở hữu. Bên cạnh đó, các thành viên của công ty có quyền kiện phát sinh, tức là kiện nhân danh công ty trong những trường hợp nhất định; quyền tiếp cận các tài liệu, sổ sách của công ty.

Luật công ty của Singapore quy định tất cả các công ty được thành lập tại Singapore phải có ít nhất hai giám đốc và một trong hai giám đốc đó phải là người có nơi cư trú thường xuyên ở đây. Các công ty thành lập ở Singapore cũng phải có ít nhất một thư kí là người có nơi cư trú thường xuyên ở Singapore.

Giám đốc công ty ở Singapore có nhiều loại. Giám đốc điều hành (executive directors); giám đốc không điều hành (nonexecutive directors); giám đốc thế vị (alternate directors) và giám đốc "de- facto". Giám đốc điều hành là loại giám đốc phổ biến nhất trong bộ máy điều hành của công ty.Giám đốc không điều hành là giám đốc không làm việc đầy đủ thời gian cho công ty và không tham gia điều hành công ty. Những chức danh nàythường mang tính chất danh dự. Giám đốc thế vị là người được thay giám đốc trong các phiên họp và hành động nhân danh giám đốc. Giám đốc "de- fatco" là người hành động với tư cách là giám đốc mặc dù chưa bao giờ được bầu hoặc được cử làm giám đốc. Các giám đốc đầu tiên phải được ghi rõ trong văn bản thành lập công ty. Cách thức bầu giám đốc hoặc chỉ định giám đốc điều lệ công ty quy định.

Theo luật của Singapore, các giám đốc công ty có nghĩa vụ hành động trung thực vì lợi ích của công ty, không được đặt mình vào vị trí mà trong đó trách nhiệm của mình và lợi ích của công ty mâu thuẫn với nhau; Sử dụng tài sản và quyền hạn được giao để thực hiện những mục đích của công ty; phải hành động một cách thận trọng, hợp lý trong việc điều hành công ty.

Trong các công ty của Singapore vốn được cấu trúc từ vốn góp và vốn vay. Vốn góp của công ty thể hiện trong các cổ phần. Cổ phiếu là phần góp vốn của thành viên công ty, là phần sở hữu của họ được xác định theo tỉ lệ trong toàn bộ tài sản của công ty.

Cổ phiếu trong công ty của Singapore được chia thành hai loại: Cổ phiếu dự phần (equyty share) và cổ phiếu ưu thế (preferential share) tương đương với cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu tiên trong luật công ty ở một số nước. Theo định nghĩa của luật công ty Singapore ,cổ phiếu ưu tiên là cổ phiếu không chứa đựng quyền bỏ phiếu và chỉ cho phép hưởng lợi tức hạn chế theo tỷ lệ đã xác định. Cổ phiếu cổ phần là cổ phiếu không thuộc diện cổ phiếu ưu tiên.

Vốn cổ phần của công ty ở Singapore được phân loại thành vốn điều lệ (authorized capital), vốn phát hành (issued capital) và vốn đã nộp (paid-up capital). Vốn điều lệ là giá trị tối đa của các cổ phiếu mà công ty được phép phát hành. Vốn điều lệ này có thể thay đổi trong trường hợp công ty phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc mệnh giá của cổ phiếu bị tăng hoặc giảm.Vốn phát hành là giá trị toàn bộ của cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành. Vốn phát hành được ghi nhận trong bảng cân đối tài chính của công ty chứ không được thể hiện trong điều lệ văn bản thành lập công ty. Do cổ phiếu phát hành không phải lúc nào cũng được trả hết cho nên vốn thực của công ty có thể ít hơn giá trị các cổ phiếu đã phát hành. Phần giá trị các cổ phiếu mà cổ đông đã trả cho công ty khi mua cổ phiếu được gọi là vốn đã nộp.

TS Phạm Trí Hùng

Đăng lại từ Nguồn: luatminhkhue

(Conglydaiviet: Chỉ lược trích để đăng tải phần nội dung chính của bài viết nhằm mục đích phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu về Nhà nước và pháp luật nước ngoài, không nhằm mục đích thương mại. Thông tin bài viết chỉ dùng tham khảo, Quý khách hàng và bạn đọc khi nắm bắt thông tin này và muốn vận dụng cần tham khảo ý kiến tác giả Phạm Trí Hùng và chuyên gia tư vấn)