Đề xuất giảm tiền nộp của Viettel: Chính phủ nên bác bỏ
Cập nhật: 06.01.2015 11:49
Tại hội nghị tổng kết 2014 của Chính phủ ngày 29/12/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (Viettel) trong năm 2014 lợi nhuận trước thuế khoảng 42 nghìn tỷ, Viettel phải nộp ngân sách nhà nước 70% lợi nhuận sau thuế, đây là con số quá cao. Vì vậy Bộ trưởng Thanh kiến nghị: “Chính phủ nên giảm tỷ lệ nộp vào ngân sách của Viettel để họ có thể dùng khoản đó đầu tư cho một số đơn vị mua sắm trang thiết bị, vũ khí, số còn lại để đầu tư ra nước ngoài”.
(Conglydaiviet) - Tại hội nghị tổng kết 2014 của Chính phủ ngày 29/12/2014, trong một phần bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (Viettel) trong năm 2014 doanh thu đạt trên 196 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 42 nghìn tỷ, 70% lợi nhuận sau thuế của Viettel phải nộp về ngân sách nhà nước. Theo Bộ trưởng Thanh, thì đây là con số quá cao. Từ đó mà Bộ trưởng Thanh kiến nghị: “Chính phủ nên giảm tỷ lệ nộp vào ngân sách của Viettel để họ có thể dùng khoản đó đầu tư cho một số đơn vị mua sắm trang thiết bị, vũ khí, số còn lại để đầu tư ra nước ngoài”.

Bộ trưởng có quyền xin giảm phần trích nộp cho Doanh nghiệp trực thuộc Bộ?

Phải nói rằng đây là sự kiện hiếm thấy khi phát biểu công khai của một chính khách thuộc hàm Bộ trưởng. Cũng có thể có các Bộ trưởng khác đã từng hành động theo kiểu cách đó, nhưng đề xuất công khai có lẽ Bộ trưởng Thanh là người đầu tiên. Việc nói thẳng, nói thật là điều bình thường và nên là thường xuyên nhưng điều đề xuất thì cần phải bàn lại.

Ai cũng biết Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (Viettel) là Doanh nghiệp trực thuộc và chịu sự quản lý của Bộ quốc phòng. Thành công, thành quả và thành tích của Viettel thể hiện trên nhiều mặt trong nhiều năm qua đối với nền kinh tế nước nhà là rất đáng biểu dương, trân trọng. Nhưng điều này chưa bao giờ là cơ sở pháp lý để xin giảm mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, vì pháp luật Việt Nam chưa bao giờ định ra cơ chế đó cho các loại hình doanh nghiệp. Dù rằng pháp luật không cấm việc xin nhận sựu ưu ái.

Và những hệ lụy của việc xin – cho

Chúng ta đang nỗ lực từng bước xóa bỏ cơ chế xin – cho, điều đó có nghĩa rằng cái sự xin - cho vẫn còn là rào cản nặng nề của cạnh tranh và phát triển. Việc ‘xin’ của Bộ trưởng Thanh một mặt chính là sự bênh vực cho doanh nghiệp ngành mình, mặt khác vẫn còn nặng về tư duy quản lý cũ.  

Tất nhiên, mục đích kiến nghị, đề xuất của Bộ trưởng Thanh là hoàn toàn vô tư và trong sáng: khoản tiền nếu được giảm của Viettel để dùng đầu tư cho một số đơn vị mua sắm trang thiết bị, vũ khí, số còn lại để đầu tư ra nước ngoài. Nhưng hệ lụy của nó lại là những vấn đề khó dự liệu và khó kiểm soát.

Thứ nhất, nếu từ đề xuất của Bộ trưởng Thanh mà Chính phủ đồng ý thì điều đó sẽ tạo ra một sự vi phạm của Việt Nam đối với các cam kết quốc tế: tiếp tục bảo bọc và ưu ái quá mức đối với một doanh nghiệp nhà nước, vì đó là ‘sự tiếp sức’ của Chính phủ để Viettel thuận lợi trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

Thứ hai, đề xuất tạo tiền lệ không hay và có nguy cơ phá vỡ kỷ luật tài chính quốc gia. Hiện nay Bộ quốc phòng đang quản lý rất nhiều doanh nghiệp, hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác sẽ nghĩ gì khi Viettel nhận ưu ái? Một khi đề xuất được chấp nhận, thì có gì để đảm bảo chắc chắn rằng các Bộ trưởng khác sẽ không theo chân Bộ trưởng Thanh để ‘bênh vực’ cho Doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của mình?

Thứ ba, chi tiêu quốc phòng luôn là việc hệ trọng và là một phần của chi tiêu cấp quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội và Chính phủ. Nguồn tiền phải được lấy từ ngân sách nhà nước theo định mức, kế hoạch đã được phê duyệt và đặt dưới chế độ giám sát theo Luật Ngân sách nhà nước chứ không thể ‘chuyển ngang’ nguồn tiền từ một doanh nghiệp. Thông lệ này nếu được tạo ra thì có thể phải vất vả khi xử lý những hệ lụy khó lường.

Chính phủ nên bác bỏ và Viettel không nên nhận ưu ái

Trên quan điểm nhìn nhận vấn đề như đã phân tích, CONGLYDAIVIET cho rằng, để giữ vững kỷ luật tài chính quốc gia, vì lợi ích chung, thì Chính phủ phải là ‘bà mẹ công tâm và công bằng’. Đề xuất của Bộ trưởng Thanh dù là vô tư, trong sáng nhưng cần phải bác bỏ nếu Chính phủ không muốn ‘mai sau vướng bận’.

Về phía lãnh đạo tập đoàn Viettel, quí vị đang lớn mạnh, đang nổi bật, đang được quí mến. Cho nên, hãy để cho khách hàng, đối tác và đối thủ của quí vị trân trọng vì giá trị sự đóng góp và phụng sự tổ quốc của Viettel vẫn tiếp tục tăng đều sau mỗi năm. Quí vị từng luôn nhắc khách hàng 'hãy nói theo cách của bạn', vậy quí vị cũng hãy có một cách hành xử xứng đáng với đẳng cấp của mình vậy./.

CONGLYDAIVIET