logo
Loading...
Cập nhật: 31.10.2016 10:52 - Lượt xem: 4,294
(Conglydaiviet) - Sau những sai sót để rồi phải đình chỉ việc thi hành, Bộ luật hình sự 2015 đang là điểm nóng tranh luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra từ nhiều ngày qua tại Thủ đô Hà Nội. Trả lời đề nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc rà soát tổng thể Bộ luật Hình sự năm 2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trừng phạt các tội phạm kinh tế là cần thiết để duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tuy nhiên cần phi hình sự hóa một số tội danh trong Bộ luật Hình sự.

Tất nhiên, VCCI cũng nêu rõ, những trường hợp phi hình sự hóa phải thỏa mãn các điều kiện như có sự đồng thuận chung cả các bên tham gia; không bên nào bị đe dọa, cưỡng ép; các bên tham gia trên cơ sở thông tin đầy đủ, chính xác, không bên nào bị lừa dối, che giấu thông tin; không làm thiệt hại đến quyền lợi của bên thứ ba. 

Trên tinh thần đó, VCCI kiến nghị cần sửa và bỏ một số tội danh trong bộ luật này.

VCCI cho rằng, Điều 45 của Bộ luật quy định về hình phạt tịch thu tài sản chưa được làm rõ, nhất là việc trùng lặp với hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung (Điều 32.2). Hai hình phạt này đều yêu cầu người phạm tội phải nộp một số tiền hoặc tài sản vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hình phạt tiền có định lượng rõ ràng đối với từng hành vi, mức độ vị phạm, còn tịch thu tài sản thì không có định lượng, cũng không tương ứng với mức độ vi phạm. 

Việc xử lý hình sự cần tôn trọng nguyên tắc "vi phạm đến đâu, xử lý đến đó" và mức phạt phải được thể hiện rõ trong quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc tịch thu tài sản của người phạm tội, chuyển toàn bộ sang hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung. 

VCCI cũng kiến nghị bỏ Điều 179 và Điều 180 về các Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.

Theo cơ quan này, người vô ý gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật dân sự và nếu việc bồi thường đã được thực hiện, bên bị thiệt hại cũng không có yêu cầu gì thêm thì việc xử lý hình sự đúng là hiện tượng "hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế".

Trong một số trường hợp, thiệt hại có thể trở nên rất lớn nằm ngoài khả năng bồi thường của người gây thiệt hại. Tuy nhiên, việc quy định xử lý hình sự đối với các hành vi vô ý này cũng không mang lại lợi ích nào rõ ràng cho xã hội, người vi phạm cũng không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. 

Về tội danh lập quỹ trái phép có quy định yếu tố hành vi "lập quỹ trái quy định của pháp luật". Miêu tả hành vi này rất khó xác định, không rõ quy định của pháp luật về việc lập quỹ được thể hiện trong văn bản nào để người dân biết và thực hiện theo.

Hơn nữa, hiện nay các tội phạm tham nhũng, tội phạm liên quan đến tài sản Nhà nước đã được quy định rõ ràng, phù hợp hơn trước đây nên việc duy trì Tội lập quỹ trái phép trong Bộ luật Hình sự không còn phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ tội danh này. 

VCCI cũng đề nghị nên bỏ tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221) hoặc cần phải quy định rõ về yếu tố “cố ý” hoặc “vô ý” để tránh việc chồng lấn với các tội danh khác. 

Cơ quan này phân tích, tội danh này không phân biệt lỗi cố ý và vô ý. Nếu chỉ xử lý theo lỗi cố ý thì sẽ thành trùng lặp với các tội danh khác. Nếu xử lý cả lỗi cố ý và vô ý thì lại không phù hợp vì mức độ nguy hiểm cho xã hội của các trường hợp cố ý và vô ý khác nhau rất lớn. 

Bên cạnh đó, các hành vi cố ý vi phạm quy định về kế toán luôn nhằm một mục đích xác định, ví dụ như để tham ô tài sản, để lừa đảo, để trốn thuế… Mà nếu hành vi vi phạm này nhằm các mục đích trục lợi như trên đã liệt kê thì đã có các tội danh khác xử lý. Do đó, việc quy định thêm tội danh này là thừa, không cần thiết.

Đặc biệt, VCCI cũng kiến nghị về Điều 201 quy định về Tội cho vay lãi nặng. Tội này xác định hành vi dựa trên hai căn cứ chính là lãi suất cao gấp 5 lần lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự; và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì lãi suất để bắt đầu truy cứu trách nhiệm hình sự là 100%/năm.

Về bản chất, dù lãi suất cao nhưng đây vẫn là quan hệ hợp đồng tự do thỏa thuận, thỏa mãn các điều kiện để không hình sự hóa như phân tích ở trên. Nhà nước chỉ nên hình sự hóa hành vi khi bên cho vay đe dọa, cưỡng ép để đòi nợ. Nhiều nước trên thế giới cũng đã thu hẹp đáng kể cách xử lý hành vi cho vay lãi nặng.

Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi xử lý tội cho vay lãi nặng. Cụ thể, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng khi người cho vay với lãi suất cao thực hiện hoạt động cho vay một cách thường xuyên, liên tục, vì mục đích thu lợi mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề tổ chức tài chính vi mô; người cho vay với lãi suất cao sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay tiền để đòi nợ.

Đi kèm với việc sửa đổi tội cho vay lãi nặng như vậy, cần tiến hành xây dựng, sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính vĩ mô theo Luật các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, kiến nghị của VCCI cũng đề cập nên sửa đổi hoặc bỏ đối với nhiều tội danh khác như: Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 206); Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (Điều 296)

Nguồn: motthegioi