logo
Loading...
Cập nhật: 29.06.2014 11:07 - Lượt xem: 2,272
NỘI DUNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
CỦA VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT


Thực hiện qui định của LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ năm 2006 do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khóa 11, thông qua ngày 29 tháng 06 năm 2006; căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ năm 2006, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT công bố nội dung chương trình hoạt động tổ chức thực hiện việc trợ giúp pháp lý như sau:

1. Mục đích và ý nghĩa của Trợ giúp pháp lý

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

2. Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý

- Không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý.

- Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

- Sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trợ giúp pháp lý. 

3. Đối tượng được trợ giúp pháp lý

+ Người nghèo được trợ giúp pháp lý là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật.

+ Người có công với cách mạng bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

- Bệnh binh;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;

- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng;

- Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

+ Người già được trợ giúp pháp lý là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa.

+ Người tàn tật được trợ giúp pháp lý là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa.

+ Trẻ em được trợ giúp pháp lý là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa.

+ Người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý là người thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

+ Học sinh và sinh viên đang học tập tại các bậc học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

+ Công nhân, người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế.

+ Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Quyền và Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý; Yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp: Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hoà giải, giải đáp pháp luật;  Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó;  Có căn cứ khác cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý.

- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó.

- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về một vụ việc đang được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp.

- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

5. Trường hợp từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý

+ Người thực hiện trợ giúp pháp lý từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp:

- Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hoà giải, giải đáp pháp luật;  

- Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; 

- Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó;
 

+ Từ chối theo quy định của pháp luật về tố tụng.

6. Các lĩnh vực trợ giúp pháp lý

- Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.

- Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự.

- Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em.

- Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính.

- Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng.

- Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm.

- Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác.

- Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

7. Các hình thức trợ giúp pháp lý

+ Tư vấn pháp luật:

- Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật và các phương thức khác.

- Đối với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ tư vấn ngay và ghi chép những nội dung chính trong phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý. Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý được lập thành hai bản, một bản giao cho người được trợ giúp pháp lý, một bản được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.

- Đối với vụ việc phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu, xác minh hoặc vụ việc thiếu những giấy tờ, tài liệu có liên quan thì người thực hiện trợ giúp pháp lý viết phiếu hẹn hoặc yêu cầu bổ sung các giấy tờ, tài liệu còn thiếu.

- Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; trong trường hợp vụ việc cần có thời gian để xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

- Đối với vụ việc yêu cầu tư vấn được chuyển đến bằng thư tín, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý.  

+ Tham gia tố tụng: 

- Luật sư của Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; Luật sư tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

- Khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu cử người tham gia tố tụng, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng 

+ Đại diện ngoài tố tụng: 

- Luật sư của Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc đại diện ngoài tố tụng được thực hiện trong phạm vi yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý.

- Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý, Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý làm đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý.

+ Các hình thức trợ giúp pháp lý khác: 

- Luật sư của Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc giúp đỡ họ hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ t�c hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

8. Thời gian, Địa điểm và thủ tục trợ giúp pháp lý

- Thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý theo ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần

- Địa điểm thực hiện trợ giúp pháp lý bố trí tại Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT, ngoại trừ trường hợp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động. Trường hợp trợ giúp pháp lý thực hiện ngoài văn phòng thì các bên thỏa thuận thống nhất địa điểm bảo đảm các điều kiện để thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.

- Người được trợ giúp pháp lý phải có đơn yêu cầu hoặc gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý trình bày và có giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. 

9. Tổ chức việc Hoà giải trong quá trình trợ giúp pháp lý

- Khi có yêu cầu hoặc được sự đồng ý của một hoặc các bên, Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT cử Luật sư/người thực hiện trợ giúp pháp lý làm trung gian để phân tích các tình tiết của vụ việc, giải thích quy định của pháp luật, hướng dẫn để các bên tự thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc mà không phải đưa vụ việc ra Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện rút đơn kiện, tự giải quyết các tranh chấp và tự nguyện chấp hành kết quả giải quyết vụ việc.    

- Việc hoà giải cũng được tiến hành trong trường hợp cần thiết để giữ gìn đoàn kết cộng đồng, duy trì trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, trừ trường hợp pháp luật quy định không được hoà giải.

- Việc hoà giải được lập thành biên bản, thể hiện đầy đủ kết quả của quá trình hoà giải, ý kiến của người thực hiện trợ giúp pháp lý và của các bên về nội dung vụ việc, có chữ ký của các bên tham gia để thi hành kết quả hoà giải. Biên bản hoà giải phải được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý tại Văn phòng luật sư CÔNG LÝ ĐẠI VIỆT.

Xin liên hệ theo số điện thoại 0989952069 - 0613.817351 để được hướng dẫn.

TRƯỞNG VĂN PHÒNG
LS ThS Nguyễn Phúc Lưu