(Conglydaiviet) - Dưới tác động của kinh tế thị trường và chủ trương phân cấp quản lý, tình trạng công hữu vô chủ diễn ra ngày càng phong phú với việc phân lô đất cho các dự án hay đấu thầu những khu đất vàng ở các đô thị. Nhờ vậy một số cá nhân có thế lực đã trục lợi qua việc biến tài sản chung thành sở hữu riêng. Trên bình diện lợi ích quốc gia thì điều này chính là những nguy cơ và hệ quả xấu đã và đang rất khó lường về sau, nếu không sớm xem xét, điều tiết kịp thời.
Vào buổi bình minh của kinh tế thị trường ở nước ta, một số nhà phân tích tình hình đã đưa ra khái niệm "công hữu vô chủ" để mô tả tình trạng tài sản thuộc về sở hữu chung (sở hữu toàn dân) nhưng xem ra không có ai làm chủ. Hay nói cách khác, khi tài sản công đã vào tay một cơ quan, một cá nhân có quyền lực thì người ta tự cho mình quyền xử lý nó một cách vô nguyên tắc.
Tình trạng này được thể hiện dưới nhiều cấp độ khác nhau, ngày càng thiên biến vạn hóa, nhưng có cùng điểm xuất phát là khái niệm làm chủ chung chung tồn tại từ thời kỳ bao cấp, dẫn đến những lạm dụng trong việc sung dụng tài nguyên mà đích đến cuối cùng là biến của chung thành của riêng. Người hưởng lợi từ tình trạng công hữu vô chủ ban đầu chỉ là những cá nhân đơn lẻ hoặc vài cơ quan nhà nước, đến nay thì đã trở thành đặc quyền của các nhóm lợi ích.
Nhiều năm trước, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng trong việc quản lý tài sản công, không ít đơn vị được nhà nước giao quyền quản lý công sở, nhà xưởng, mặt bằng đã tự ý cho thuê, hay chuyển một phần diện tích sang làm nhà ở hoặc bỏ hoang. Một báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội năm 2006 cho thấy có tới 422 điểm nhà đất với hơn hai triệu mét vuông do các doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý sử dụng sai mục đích, trong đó đa số là cho thuê kiếm chênh lệch hoặc bỏ hoang, chưa sử dụng.
Thời kỳ tiếp theo, công hữu vô chủ biểu hiện qua việc lợi dụng những chủ trương đúng đắn của nhà nước như hoá giá nhà hay cổ phần hóa doanh nghiệp để trục lợi, biến tài sản chung thành sở hữu riêng. Biết bao nhiêu căn nhà đã được "bán rẻ như cho", biết bao nhiêu công ty quốc doanh được định giá thấp đến mức bất ngờ, gây thất thoát lớn tài sản quốc gia và làm giàu cho những kẻ cơ hội.
Những năm gần đây, dưới tác động của kinh tế thị trường và chủ trương phân cấp quản lý, tình trạng công hữu vô chủ diễn ra ngày càng phong phú với việc phân lô đất cho các dự án hay đấu thầu những khu đất vàng ở các đô thị. Phân lô là hành vi thể hiện quyền lực và chỉ những tổ chức quyền lực mới có thể biến công hữu thành tư hữu; còn đấu thầu khu đất vàng có khi lại là biểu hiện sức mạnh của đồng tiền cùng các mối quan hệ thân quen.
Tình trạng công hữu vô chủ hiện nay phát triển tỷ lệ thuận với việc hình thành các nhóm lợi ích. Có ai dám bảo đảm rằng tập đoàn này tập đoàn nọ lấy được khu đất vàng hay tranh thủ cho được dự án lớn mà không có những mối quan hệ với các cơ quan quyền lực. Cũng như không dễ gì lấy được hàng chục hecta đất nông nghiệp một cách ngang ngược để làm sân golf nếu không có chỗ dựa lưng. Người ta nhân danh những điều đúng nhất để làm những việc sai nhất là biến của chung thành của riêng.
Mới đây, chuyên gia kinh tế Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, ông Martin Mara, đã có lời cảnh báo về nhóm lợi ích khi cho rằng "nếu các tập đoàn kinh tế lớn có vai trò mà ta gọi là vị thế nhà nước, họ có thể có nhiều quyền lực đến độ có thể tạo ra ảnh hưởng cho những chính sách của chính phủ. Rồi sau đó chính phủ có thể sẽ đứng về các nhóm lợi ích thay vì lợi ích của nhân dân". Lời cảnh báo này không thừa khi mà ngày càng nhiều các nhóm lợi ích được sự hỗ trợ của các quan chức, mà kịch bản tồi tệ có thể diễn ra là một số tài sản khổng lồ của toàn dân sẽ không còn thuộc về nhà nước.
Không dừng lại ở đây, các nhóm lợi ích đang và sẽ còn lấn sâu vào quá trình hình thành chính sách để tận dụng được tất cả lợi thế từ tình trạng công hữu vô chủ.
Thật ra, không phải tất cả các nhóm lợi ích đều được nhìn dưới lăng kính xấu xa, bởi trong thực tế có những nhóm lợi ích phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng dân cư và đất nước. Nhóm lợi ích chỉ xấu đi khi quyền lợi chung hoàn toàn bị thúc thủ trước quyền lợi của phe nhóm. Ngăn chặn tình trạng này, chỉ dùng công cụ quản lý - tức luật pháp - là chưa đủ, bởi quyền lực được sự hỗ trợ của đồng tiền thì có thể làm bất cứ điều gì. Tình hình thực tế hiện nay là không ít trường hợp thay vì đầu tư vào nền kinh tế, nhiều nhóm lợi ích đã "đầu tư" vào một số quan chức để tìm lợi thế làm ăn cho mình.
Vậy thì vấn đề ở đây là con người trong bộ máy quyền lực và tính minh bạch trong tất cả các chính sách để tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các nhóm lợi ích, để hạn chế sức tấn công của họ vào việc hình thành chính sách. Chuyện không dễ dàng nếu đất nước vắng bóng những người lãnh đạo có tấm lòng trong sáng.
Trần Trọng Thức
Nguồn: tamnhin.net