logo
Loading...
Cập nhật: 07.04.2016 07:55 - Lượt xem: 2,360
(Conglydaiviet) - Cùng với việc tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế, Việt Nam đang đứng trước bước hội nhập kinh tế sâu rộng chưa từng có. Đây là cơ hội thúc đẩy kinh tế của Việt Nam nâng lên những tầm cao mới. TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất trong bối cảnh mới, cần tái cấu trúc mô hình cấp quốc gia tập hợp doanh nghiệp và xúc tiến thương mại để chủ động định hướng và phát triển sản xuất và công nghiệp.

Bối cảnh mới cần cách làm mới

Việt Nam đang đứng trước bước hội nhập kinh tế sâu rộng chưa từng có với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ở trong nước, tiềm lực kinh tế của Việt Nam cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong 3 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đứng chót bảng về năng lực cạnh tranh trong 12 nước tham gia TPP.

So với thời điểm trước đây, một số ngành (dệt may, da giầy...) của Việt Nam đã từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng số lượng các doanh nghiệp chưa nhiều, một số khâu trong sản xuất khó có sự đột phá như thiết kế, nguyên liệu...

Các số liệu thống kê cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có quy mô nhỏ và vừa, đa số là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%. Cơ cấu này dẫn đến hệ quả là Việt Nam thiếu doanh nghiệp đủ lớn để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh.

Đối với việc tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định tự do thương mại với các khu vực, nền kinh tế lớn gần đây, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về những thách thức cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội. Doanh nghiệp chưa chuẩn bị để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, nhất là trong thị trường lao động và hàng hóa dịch vụ trong nước.

Hạn chế về nhận thức sẽ khiến doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm phần lớn tỷ trọng doanh nghiệp của Việt Nam) gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ việc hội nhập quốc tế, dẫn đến chi phí cơ hội tăng dần theo tiến trình hội nhập...

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2015 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 24/3/2015, có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này là khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Việt Nam cũng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế giới ngày một biến đổi không ngừng do động lực phát triển của nền kinh tế thị trường. Cùng với nó là sự tiến bộ mạnh mẽ của khoa học và công nghệ nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, tin học… dẫn đến chi phí thương mại giảm. Có 3 hệ quả của quá trình thay đổi đó:

Một là, các chương trình hội nhập kinh tế, liên kết thị trường diễn ra sâu rộng khắp nơi trên thế giới. Lợi thế cạnh tranh của mỗi nền kinh tế cũng chuyển dịch.

Hai là, bản chất thương mại truyền thống và chuỗi cung ứng của thế giới ngày càng biến đổi, càng đi vào chuyên sâu, tiêu chuẩn sản phẩm. Hàng rào thương mại truyền thống dần được xoá bỏ. Tốc độ, quy mô và phát triển bền vững sẽ là những tiêu chí cạnh tranh quan trọng nhất của các nền kinh tế

Ba là, cạnh tranh không chỉ ở cấp độ sản phẩm mà còn ở các chuỗi cung ứng, thậm chí ngay cấp độ công ăn việc làm.

Trong tiến trình đó, các nền kinh tế cần xem xét 3 vấn đề: (i) Xác định ngành sản xuất và công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; (ii) Xác định sản phẩm, chuỗi cung ứng và công việc có lợi thế cạnh tranh; (iii) Nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất và công nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ là trung tâm

Cách đây hơn một năm tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015, Chính phủ đã giao VCCI phối hợp với các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao và các Bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp xây dựng một số đề án đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương với một số nước là đối tác chiến lược, báo cáo Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để triển khai nhiệm vụ này, thì cần một quan điểm tiếp cận mới về công tác xúc tiến. Vấn đề hiện nay đặt ra cho các cơ quan đại diện và xúc tiến thương mại, đầu tư là cần xây dựng và tái cấu trúc mô hình cấp quốc gia tập hợp và xúc tiến cho các lực lượng doanh nghiệp, lấy xúc tiến sản xuất và công nghiệp làm nòng cốt và kích cầu cho nền kinh tế.

Bởi lẽ, Việt Nam đã bước vào giai đoạn quyết định liệu có rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” (middle income trap) hay không, mà chỉ có thể thoát ra bằng bằng chiến lược phát triển nền sản xuất và công nghiệp có khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới và dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức, sáng tạo thay vì dựa vào cơ chế bao cấp, tài nguyên thiên nhiên và lao động tay nghề thấp...

Nếu như trước đây cơ quan nhà nước là trung tâm, doanh nghiệp bị động, thì với mô hình mới, doanh nghiệp là trung tâm, còn Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ theo các chương trình dự án lớn cụ thể có tính đột phá, lan toả cho cả nền kinh tế. Nhà nước sẽ vẫn xây dựng cơ chế, chính sách, đàm phán mở cửa thị trường…, nhưng công tác xúc tiến sẽ làm theo cách của doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ động đề xuất và thực hiện.

Trong mô hình mới, cơ quan cấp quốc gia sẽ tập hợp chủ yếu các nhà sản xuất và công nghiệp hàng đầu, với nhiệm vụ:

- Tư vấn và đối thoại với Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, chiến lược phát triển cụm ngành sản xuất và công nghiệp, sản phẩm, chuỗi giá trị có lợi thế cạnh tranh, về các chính sách đàm phán thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh, ví dụ như Fintech - các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ.

- Tổ chức diễn đàn sản xuất và công nghiệp thường niên.

- Xây dựng và định hướng các tiêu chuẩn sản phẩm và định hướng tiêu dùng

- Cử đại diện tham gia vào các hội đồng tư vấn kinh doanh của các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế, như giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, hợp tác trong khuôn khổ APEC, ASEAN, TPP và các FTA khác…

- Tham gia phát triển thị trường và quan hệ lao động.

- Đề xuất biện pháp phòng chống rủi ro (quỹ phát triển công nghiệp) và giải quyết tranh chấp.

Như vậy, so với các mô hình tập hợp doanh nghiệp hiện tại, mô hình mới có thêm nhiều điểm mới. Trong đó, nổi bật là nhiệm vụ tiến hành các chương trình xúc tiến sản xuất và công nghiệp – hiện còn không ít hạn chế và đang chủ yếu được giao cho các cơ quan nhà nước. Cách làm này có thể thay đổi căn bản cách thức xúc tiến thương mại theo hướng bền vững hơn, hiệu quả hơn, trả lời câu hỏi “doanh nghiệp có thể làm gì cho đất nước".

Nguồn: chinhphu.vn