logo
Loading...
Cập nhật: 01.11.2014 10:03 - Lượt xem: 2,363
(Conglydaiviet) - Trong nhà nước pháp quyền, Tòa án là trung tâm của hệ thống tư pháp, do đó cải cách tư pháp phải xuất phát từ nguyên lý vận hành quyền lực tư pháp. Mấy ngày vừa qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân(sửa đổi). Trên diễn đàn lý luận, có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu rất quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp và việc sửa đổi luật. Conglydaiviet giới thiệu bài viết của tác giả Võ Trí Hảo bàn về sự khác nhau giữa chế độ hội thẩm nhân dân ở Việt Nam với bồi thẩm đoàn theo mô hình Hoa Kỳ, đồng thời chỉ ra một số hệ lụy, làm giảm tính độc lập trong xét xử của chế độ hội thẩm nhân dân hiện hành.

Những khác biệt căn bản

Thoạt nhìn, tưởng rằng bồi thẩm đoàn (jury) hay hội  thẩm nhân dân (lay judge/schoeffen) được thiết kế ra nhằm mang sự phán xét của người bình dân vào tòa án. Nhưng phân tích kỹ, chế độ bồi thẩm đoàn ở các nước theo hệ thống “common law” khác căn bản với chế độ hội thẩm nhân dân hiện hành ở Việt Nam ở ba điểm căn bản:

(1) Một bên lựa chọn đậm chất bình dân phổ thông và ngẫu nhiên vào danh sách ứng viên làm bồi thẩm, một bên mang tính cơ cấu để tham gia danh sách hội thẩm nhân dân;

(2) Một bên tham gia một vụ án cụ thể bằng cách rút thăm, một bên được chánh án lựa chọn theo ý chí của chánh án;

(3) Một bên chỉ được quyền tham gia bày tỏ cảm nhận của người bình dân vào công đoạn đầu của quá trình xét xử, một bên được tham gia toàn bộ quá trình xét xử như một thẩm phán thực thụ.

So với bồi thẩm đoàn, tính ngẫu nhiên của hội thẩm nhân dân bị loại trừ, có nghĩa tính bị chi phối tăng lên. Chế độ hội thẩm nhân dân như vậy gặp phải ba vấn đề, làm ảnh hưởng đến sự độc lập và vì công lý của quá trình xét xử:

Thứ nhất, do việc quá đề cao tiêu chuẩn, cộng với sự cơ cấu, hội thẩm nhân dân mất đi tính chất “dân dã”, “bình dân” của người hội thẩm. Trong khi đó, chức năng của hội thẩm hay bồi thẩm đoàn phải là đại diện cho tiếng nói của người bình dân, của quần chúng.

Thứ hai, việc hội thẩm do hội đồng nhân dân bầu sẽ làm tăng tính cơ cấu, giảm tính ngẫu nhiên của hội thẩm; tăng sự chi phối của các cơ quan chính trị (thông qua Mặt trận Tổ quốc và hội đồng nhân dân) đối với hội thẩm, giảm sự độc lập của hội thẩm.

Thứ ba, hội thẩm là người không được đào tạo luật học, lại có quyền biểu quyết bình đẳng hoàn toàn và chiếm đa số đối với thẩm phán là điều cực kỳ phi logic và đa phần là hình thức.

Chọn... bồi thẩm đoàn

Chế độ hội thẩm nhân dân tạo điều kiện dễ dàng cho sự can thiệp, chỉ đạo, biến tòa án thực sự trở thành “công cụ bạo lực của giai cấp này đối với giai cấp khác” theo học thuyết đấu tranh giai cấp truyền thống. Nhưng với điều 102, khoản 3 Hiến pháp 2013 không còn coi tòa án là “công cụ bạo lực” để đàn áp giai cấp nữa, mà bảo vệ công lý mới là nhiệm vụ hàng đầu của tòa án. Vì vậy, nên xem xét chuyển từ chế độ hội thẩm sang chế độ bồi thẩm đoàn, để tăng tính ngẫu nhiên, giảm sự chi phối, can thiệp, giảm bớt oan sai trong xét xử.

Theo đó, chương VIII dự thảo 9 Luật Tổ chức Tòa án cần điều chỉnh theo hướng sau:

Thứ nhất, bồi thẩm đoàn chỉ cần là người có tư cách đạo đức tốt, chưa hề phạm tội cố ý, tốt nghiệp phổ thông trung học, tự nguyện đăng ký làm bồi thẩm. Số lượng bồi thẩm cần ít nhất là gấp năm lần số lượng bồi thẩm thực tế sử dụng mỗi năm theo đề nghị của tòa án.

Khi danh sách tự nguyện đăng ký ít hơn hai lần số lượng bồi thẩm đoàn cần có, thì tòa án sẽ chỉ định trong số các cử tri bảo đảm tiêu chuẩn đang cư trú trên địa bàn. 

Nguyên tắc tự nguyện ghi danh và việc tăng số dư lên năm lần sẽ giúp pha loãng áp lực của các tổ chức chính trị lên bồi thẩm.

Thứ hai, để tránh việc chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa chi phối hội thẩm nhân dân như một số trường hợp xảy ra hiện nay, việc lựa chọn bồi thẩm tham gia vụ án cụ thể không nên giao cho chánh án, mà nên theo quy tắc rút thăm ngẫu nhiên.

Thứ ba, chức năng của bồi thẩm đoàn chỉ dựa vào lương tri của mình, sự tranh luận rõ ràng, thuyết phục, dễ hiểu của các bên, đặc biệt giữa luật sư gỡ tội và luật sư buộc tội, kiểm sát viên, để đưa ra kết luận có tội hay không có tội, đúng hay sai và kết thúc vai trò ở công đoạn này.

Còn việc luận tội danh nào, khung hình phạt nào, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ là việc chuyên sâu về chuyên môn, chỉ dành cho thẩm phán, chứ không phải mọi vấn đề bồi thẩm đều làm việc, biểu quyết như thẩm phán.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online