logo
Loading...
Cập nhật: 22.02.2016 10:34 - Lượt xem: 2,464
(Conglydaiviet) - Trung Quốc đã bố trí tên lửa tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm giữ trái phép. Hành động quân sự hóa đảo lấn chiếm của Trung Quốc nằm trong dự đoán của thế giới giờ đây đã trở thành hiện thực. Việt Nam và cộng đồng thế giới lại có những việc khó khăn hơn để giải quyết. Rõ ràng là mưu đồ dài hạn của Trung Quốc nhằm chiếm Biển Đông đang tiếp tục leo thang. Điều đáng quan ngại về hành vi hung hăng có thể là sau đảo Phú Lâm, Bắc Kinh sẽ bố trí tên lửa trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Trong bài viết trên tạp chí The Australian Financial Review (Úc) ngày 21-2, Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc Peter Jennings nhận định hành động triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) của Trung Quốc (TQ) có ba yếu tố lưu ý:

- Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát bất chấp bị phản ứng. Mỹ đã sai lầm khi hy vọng vấn đề tranh chấp biển Đông không làm phương hại quan hệ lớn hơn giữa Mỹ với TQ vì TQ đã lợi dụng thái độ thận trọng của Mỹ để kiểm soát khu vực.

- Chiến lược gây hấn của TQ sẽ thúc đẩy các nước láng giềng hợp tác chặt chẽ hơn. 10 nước ASEAN cần làm nhiều hơn nữa để hợp tác thực sự về an ninh. Lợi ích của TQ sẽ bị thiệt hại, dù vậy TQ vẫn bất chấp vì các xung lực sâu xa như chủ quyền lịch sử vô lý, chủ nghĩa dân tộc dân túy và vai trò của tiềm năng quân sự.

- Về quân sự, tên lửa HQ-9 triển khai trên đảo Phú Lâm là tên lửa đạt tầm bắn đến 200 km. hành động này đã làm cho các nước đề cao quyền bay qua trên biển Đông sẽ phải thay đổi tính toán.

Reuters ngày 20-2 cũng đã đăng bài tổng hợp ý kiến của các chuyên gia nhận định hành động bố trí tên lửa trên đảo Phú Lâm là dấu hiệu về kế hoạch dài hạn củng cố sự hiện diện quân sự trên biển Đông của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao và các chuyên gia an ninh phương Tây tiếp xúc với các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc cho biết sau đảo Phú Lâm, Bắc Kinh sẽ tiếp tục bố trí tên lửa trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Chuyên gia Ian Storey ở Viện Nghiên cứu Yusof Ishak (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore) dự báo việc này sẽ xảy ra trong một hay hai năm nữa. Ý đồ của Trung Quốc là cuối cùng Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được sử dụng để máy bay chiến đấu hoạt động thường xuyên song song với bố trí số lượng lớn dân chúng để củng cố yêu sách chủ quyền trên biển Đông.

Chuyên gia Tạ Yến Mỹ thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (TQ) xác nhận TQ bố trí các cơ sở ở Trường Sa như radar, đường băng đều có hai công dụng (dân sự và quân sự). Tuy nhiên, TQ đang còn dè dặt bố trí vũ khí ở Trường Sa bởi có nhiều nước tranh chấp Trường Sa. 

Giám đốc Viện chính sách chiến lược Úc Peter Jennings đã đề nghị phải yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa khỏi đảo Phú Lâm và xem như vừa qua chỉ là diễn tập. Các bên tranh chấp cũng cam kết không triển khai tên lửa tại các khu vực tranh chấp.

Kế tiếp, ông đề nghị cần cảnh báo TQ về ý đồ của Trung Quốc muốn thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Cuối cùng, ông đề nghị các nước có lợi ích chiến lược về tự do hàng hải và bay qua ở biển Đông cần bảo vệ lợi ích bằng hành động cụ thể. Đó là đưa tàu chiến và máy bay đến khu vực.

Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc PETER JENNINGS cho rằng: Chọn lựa của chúng ta rất đơn giản, chúng ta có thể thực hiện luật pháp quốc tế chính đáng hoặc chúng ta có thể mất khả năng hoạt động trong khu vực của chúng ta trước sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Ngoại trưởng Úc JULIE BISHOP nhìn nhận: Quan điểm của tôi là có tên lửa đất đối không trong khu vực có máy bay thương mại bay qua, thế thì sẽ có nguy cơ sai lầm trong tính toán.

Nguồn PLO
conglydaiviet sửa lại tiêu đề