logo
Loading...
Cập nhật: 05.02.2018 10:59 - Lượt xem: 2,259

(Conglydaiviet) - Nắm giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, quyết định sự thành bại của cách mạng trong suốt chiều dài lịch sử nhưng tình trạng suy thoái trong Đảng, trong xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng, đại nạn xà xẻo chia thành các nhóm lợi ích để lèo lái lũng đoạn vềỉ kinh tế, làm hư hỏng  biến chất bộ máy, nguy cơ đổ vỡ hệ thống chính trị…là những rủi ro vô cùng to lớn, cần phải chấn chỉnh tháo gỡ ngay lập tức. Đó là những nhận định của nguyên Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng - ông Phan Diễn.
Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng năm nay diễn ra vào những ngày đầu xuân mới của năm bản lề, giữa nhiệm kỳ khóa XII. Với ý nghĩa ấy, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.

Hy vọng trở lại, niềm tin dần hồi phục

Phóng viên: Thưa ông, là người chứng kiến bao thăng trầm của đất nước suốt bao năm qua, ông có thể khái quát, khái lược tình hình vận động của đất nước trước và sau Đại hội XII tới giờ? 

+ Ông Phan Diễn: Quan sát sự vận động, phát triển của đất nước, một cách thẳng thắn, nhìn vào sự thật thì giai đoạn 10 năm trước Đại hội XII là khoảng thời gian xuất hiện nhiều yếu kém, bất cập, tích tụ nhiều hư hỏng. Thành tích cũng có đấy nhưng bị hạn chế nhiều.


Nhờ liên tục phát triển trong nhiều năm, nước ta ra khỏi danh sách nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình dù còn là trung bình thấp… Kinh tế đang đà tăng trưởng như vậy mà rồi hụt hẫng, mất đà, chậm dần.

Hàng loạt chỉ tiêu vĩ mô xấu đi nghiêm trọng: Lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách… Bộ máy thì phình to, chi thường xuyên, chi trả nợ tăng đến mức ngân sách không còn bao nhiêu để mà đầu tư phát triển.

Nợ công tăng chóng mặt trong khi hiệu quả đầu tư công rất thấp. Kinh tế nhà nước được coi là trụ cột thì gây ra bao nhiêu thất thoát, thua lỗ, đụng đâu vỡ đó, đến giờ đang phải giải quyết hậu quả.

Rồi tình trạng suy thoái trong Đảng, trong xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng, lần đầu tiên phải cảnh báo về sự hình thành các nhóm lợi ích lũng đoạn không chỉ kinh tế mà còn làm hư hỏng bộ máy, can thiệp cả vào sinh hoạt chính trị…

Thời điểm trước Đại hội XII phải nói là rất lo lắng. Nhưng rồi với bản lĩnh của Đảng ta, Đại hội bầu ra được ban lãnh đạo mới với những nhân tố mới tích cực thì hy vọng đã trở lại. Năm đầu nhiệm kỳ người ta vẫn hoài nghi, quan sát, chờ xem. Nhưng đến hết năm 2017 thì niềm tin dần phục hồi. Có thể nói đến hiện tại người ta thấy Đảng này, Nhà nước này có thể xoay chuyển được tình thế.

Lần đầu sau nhiều năm, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Các cân đối vĩ mô lớn đi vào ổn định. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kinh tế tăng trưởng khá mà không phải dựa vào khai thác, bán rẻ tài nguyên. Cổ phần hóa, thoái vốn, chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước thực sự được đẩy mạnh. Lần đầu tiên Đảng có nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy việc tiếp tục đổi mới kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng không chỉ dừng ở lời nói, nhận thức mới bắt đầu chuyển thành hành động.

Tất nhiên, hạn chế vẫn còn rất nhiều. Phát triển vẫn chưa vào thế ổn định, vững chắc.

Kết quả đạt được ấy phải chăng là có phần nào do “cùng tắc biến”. Tức là khó khăn quá, xuống quá rồi thì tự phải tìm đường thoát, đi lên?

+ Chẳng có gì là tự nhiên cả. Đại hội XII ngăn chặn được cái diễn biến xấu, cái đà đi xuống đó, tạo ra khả năng biến chuyển, thay đổi để đi lên. Rồi năm 2016 vật lộn, trên đà Đại hội tiếp tục đổi mới tư duy, xắn tay hành động, bắt đầu củng cố tổ chức, chấn chỉnh bộ máy thì năm 2017 mới có kết quả rõ ràng, tích cực như thế.

Đấy là một quá trình khá chật vật, chuyển biến từ nhận thức tới hành động, đặc biệt là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Là quá trình tự soi, tự sửa của Đảng, qua đó những nhân tố tích cực trong mỗi con người, mỗi tổ chức, từ lãnh đạo cấp cao được khơi dậy, vun đắp, tiến lên giành lại thế chủ đạo, nắm được vị trí lãnh đạo, thực hiện nói đi đôi với làm.

Thực sự đang có những chuyển động lớn trong Đảng. Cuộc đấu tranh này đang được tiến hành một cách đúng đắn, có bước đi vững chắc, kiên quyết, có hiệu quả chứ không theo kiểu liệu pháp sốc, càng không phải là đấu đá, bè phái, cốt để trị nhau.

‘Chúng ta đã buông lỏng kỷ cương quá lâu’ - ảnh 2
Quang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Ảnh: TTXVN

“Phải kiên quyết, kiên trì dọn dẹp cái tiêu cực”

Người dân cảm nhận rõ nhất là việc từ sau Đại hội XII đến nay Đảng đã kiểm tra, xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ có sai phạm nghiêm trọng, từ nghỉ hưu tới đương chức, từ cấp vừa vừa tới cả ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị… dồn dập, mạnh mẽ. Tại sao khóa này làm được những việc như vậy?

+ Vì công cuộc xây dựng, chỉnh đốn, kỷ luật nghiêm khắc ấy là vì sự nghiệp của Đảng này chứ không vì lợi ích riêng cá nhân nào. Không phải là phe nhóm như ý kiến đâu đó bên ngoài.

Đấy là cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, mặt tích cực và tiêu cực, xấu với tốt… Mà cái đúng đang ngày càng chiếm ưu thế; khi tình hình tốt lên thì nhân tố tích cực được động viên, được phát huy. Những cái tốt đẹp, tử tế được nảy nở tốt tươi, còn cái xấu, cái hư hỏng thì bị phê phán, trừng phạt, từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

Trong không khí quyết liệt chỉnh đốn Đảng lần này, có những dư luận băn khoăn là suốt ngày thanh tra, kiểm tra như vậy thì thời gian đâu mà làm ăn, phát triển kinh tế?

+ Tình hình này có thể xảy ra ở nơi này, nơi khác và cần dần dần điều chỉnh lại. Nhưng cho đấy là tình hình chung thì không đúng. Chúng ta đã buông lỏng kỷ cương quá lâu, để cái hư hỏng lộng hành quá nhiều, giờ phải kiên quyết, kiên trì dọn dẹp…

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chỉnh đốn Đảng mới chỉ thật sự bắt đầu. Ban đầu có người tốt, làm ăn chân chính lo ngại, rụt rè, chùn bước. Nhưng không sao, đấy là tạm thời. Còn về cơ bản, chấn chỉnh được tệ nạn tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng trong bộ máy thì mới thiết lập được nền tảng cho phát triển bền vững, người tốt mới yên tâm làm ăn, kinh doanh.

Thực tế năm 2017 kinh tế phát triển tốt, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng vọt là minh chứng.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

Tất cả cùng vào cuộc “đốt lò”, đẩy lùi tham nhũng 

‘Chúng ta đã buông lỏng kỷ cương quá lâu’ - ảnh 3
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến. Và không phải đến bây giờ công tác phòng, chống tham nhũng mới được tiến hành, mà đã tiến hành từ lâu. Nhìn lại năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực trên thực tế, kết quả rõ rệt hơn, nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn…

Với sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hầu hết những nội dung quan trọng trong chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm. 

Ngay trong những ngày đầu năm 2018 này, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ... cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công-tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó. 

Năm vừa qua, tám đoàn công tác của trung ương được thành lập, đi đến 20 tỉnh, TP để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, qua đó đã thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Đi nhiều nơi, tiếp xúc qua nhiều kênh, hiểu rõ lòng dân thì thấy mừng vì nhân dân đồng thuận rất cao, luôn đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng. 

(Trích bài phỏng vấn Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng trên TTXVN ngày 25-1-2018)

Đảng luôn dũng cảm vượt qua thử thách

Chỉnh đốn Đảng thời gian qua có thể hiểu là nhằm dọn dẹp những bề bộn trước đây để lại và nay đã đạt được kết quả rõ nét. Vậy có nên tính toán để chuyển hướng, ưu tiên hơn cho việc ổn định tổ chức để mà phát triển?

+ Chưa. Xây dựng, chỉnh đốn là công việc lâu dài. Năm 2018 đấu tranh chống tiêu cực vẫn phải là trọng tâm lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm rồi có báo cáo cử tri như vậy: “Chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, cần phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, không được nóng vội mà phải đi từng bước chắc chắn, đã nói là phải làm, đồng thời giữ được ổn định để phát triển…”.

Có thể lúc nào đó tình hình tốt lên, vấn đề tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến cơ bản, vững chắc thì có thể điều chỉnh ưu tiên. Nhưng không phải năm này. Năm 2018 vẫn phải duy trì nhịp độ công tác chỉnh đốn Đảng.

Ông dự báo thế nào về đất nước trong năm 2018 này. Liệu có tạo được bước ngoặt mang tính bản lề để phát triển vững chắc?

+ Năm rồi được tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, tôi phát biểu: Mấy mươi năm đứng dưới lá cờ của Đảng, công tác dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử, đến giờ phút này tôi luôn rất tự hào là người đảng viên.

Tự hào không chỉ vì Đảng đã làm được những việc rất vĩ đại. Tự hào còn vì trong quá trình ấy, Đảng có lúc sai lầm, khuyết điểm nhưng Đảng luôn dũng cảm vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục hoàn thiện mình để lãnh đạo nhân dân giành những thắng lợi mới.

Tình hình đang trên đà biến chuyển tích cực, lòng tin trong dân, trong Đảng đang phục hồi. Tôi cảm nhận lúc này chúng ta đang bước vào thời điểm mà “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cùng lúc hội tụ. Năm 2018 đang hứa hẹn có những biến chuyển tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đất nước sẽ khởi sắc hơn nữa.

Xin cám ơn ông.

“Không thể xử lý vài người, vài vụ mà ổn thỏa”

Phóng viênQuá trình khởi tố, truy tố, xét xử ông Đinh La Thăng và xử lý nhiều cán bộ cấp cao khác đã cho thấy điều gì bên trong và từ nhận diện đó chúng ta phải có những hành động cấp thiết nào, thưa ông?

+ Ông Phan Diễn: Phải đi từ đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực đã rõ, ngay trước mắt, nâng dần yếu tố tích cực lên rồi mới từng bước đổi mới thể chế được.

Tôi tin lãnh đạo Đảng ta không ai nghĩ rằng chỉ xử lý vài người, vài vụ là mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Chúng ta đang đi từng bước chắc chắn: Vừa tăng cường kỷ luật đảng, xử lý sai phạm cụ thể, vừa nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện thể chế; từ thể chế cụ thể đến những vấn đề tổng quát hơn. Từng bước nâng cao, mà chắc cũng còn phải hoàn thiện nhiều lần…

Theo cách ấy, các hội nghị Trung ương vừa qua đã bàn vào từng chuyên đề cụ thể và tới đây còn bàn tiếp để chấn chỉnh, đổi mới công tác tổ chức cán bộ. Bước đi như thế là rất hợp lý.

Hoàn thiện thể chế là quá trình liên tục, liên tục, gắn với thực tiễn. Không thể may đo một cái áo thật đẹp rồi dùng mãi cho một cơ thể đang phát triển được. 

Chống tình trạng “sân sau” để tạo công bằng

‘Chúng ta đã buông lỏng kỷ cương quá lâu’ - ảnh 4
TS VŨ TIẾN LỘC

Tình trạng “sân sau” là biểu hiện điển hình của không công bằng trong môi trường đầu tư, làm ăn hiện nay đối với các doanh nghiệp (DN). Bởi khi các DN “đại gia” có quan hệ chặt chẽ với chính quyền, lấy hết cơ hội kinh doanh một cách không minh bạch sẽ hạn chế cơ hội cho các DN có năng lực khác. Trong trường hợp đó, năng lực thực chất là quan hệ chứ không là cạnh tranh.

Vì vậy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng đang khởi xướng và đẩy mạnh sẽ tạo nên niềm tin về một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, mở đường cho DN có năng lực cạnh tranh thực sự vượt lên. Trong bối cảnh hiện nay, ba yếu tố nền tảng là Đảng tiên phong, chính phủ kiến tạo, toàn dân khởi nghiệp là nền tảng quan trọng của kinh tế Việt Nam và là cơ sở cho những cải cách.

Đặc biệt việc Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017 là một làn gió thúc đẩy hai ngọn lửa cải cách của Việt Nam bùng cháy hơn. Mặc dù chặng đường còn gian nan nhưng cái được nhất hiện nay là niềm tin của DN, người dân đối với công cuộc đổi mới, phòng chống tham nhũng đã tăng lên.

Bởi vậy tôi cho rằng: Đảng tiên phong, chính quyền kiến tạo và nhân dân khởi nghiệp hợp lại sẽ là cỗ xe tam mã của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

TS VŨ TIẾN LỘCChủ tịch  Phòng Thương mại và Công nghiệpViệt Nam

Phải kiểm soát được quyền lực, tăng trách nhiệm giải trình

‘Chúng ta đã buông lỏng kỷ cương quá lâu’ - ảnh 5
TS LÊ ĐĂNG DOANH

Cơ hội cho năm 2018 là có nhưng thử thách rất lớn. Bởi những gì trước đây chúng ta ít cải cách thì giờ phải cải cách nhiều hơn. Minh bạch, giải trình, chống tham nhũng… là những vấn đề cần đặt ra. Tổng Bí thư nói đến “then chốt của then chốt”, vấn đề “nhốt” quyền lực vì thế cần phải được đẩy mạnh.

Các DN nói với tôi đầu tư công thì vẫn phải có bôi trơn. Các DN nói với tôi chi phí bôi trơn của họ không giảm bớt, thậm chí còn tăng lên vì trước kia chỉ chi một bên thì giờ phải chi hai bên.

Chi tiêu thường xuyên lên tới 71%, tuy giảm xuống còn 66% nhưng cần cải thiện hơn nữa vì vẫn chưa minh bạch và thiếu giải trình. Ví dụ Trịnh Xuân Thanh đi xe biển xanh được biếu, hay Nguyễn Xuân Anh sử dụng hai cái nhà của Vũ “nhôm”. Nếu minh bạch và có trách nhiệm giải trình thì không xảy ra chuyện đó.

Nợ công cũng là vấn đề rất lớn khi nhiều “quả đấm thép” đem lại những khoản đầu tư thua lỗ và hết sức khó khăn. Chính vì vậy, nợ công cũng là yếu tố đặt ra yêu cầu cấp bách về tái cơ cấu ngân sách và giảm chi thường xuyên, quay về sống với thực tế ngân sách. Chúng ta không thể chi tiêu rộng rãi, hoang phí nữa.

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Nguồn: PLO
Conglydaiviet sửa lại tiêu đề