(Conglydaiviet) - Trung Quốc từng tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông - vùng biển bao gồm những tuyến vận tải biển lớn nhất trên thế giới. Để thực hiện mưu đồ này, Trung Quốc đang nhanh chóng cải tạo các đảo đá với tốc độ chưa từng có, hành động này càng làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông...Ngày 21.4, ông Antony Blinken - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đang trong chuyến thăm Việt Nam đã đưa ra câu hỏi thẳng thắn về ý định thực sự của Trung Quốc trên Biển Đông...
"Mỹ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Quốc cũng cần phải như thế. Tuy nhiên, việc cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện quân sự ở các tiền đồn đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và tạo ra câu hỏi nghiêm túc về ý định thực sự của Trung Quốc tại khu vực này", ông Blinken nói, trong một bài phát biểu trước hàng trăm sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội của Việt Nam.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông - vùng biển được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên như là dầu mỏ và khí đốt, dựa trên yêu sách "đường chín đoạn". Biển Đông cũng là một trong những tuyến vận tải biển lớn nhất trên thế giới. Trong thời gian qua, Trung Quốc không ngừng thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông như xây các đảo nhân tạo phi pháp trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép.
"Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và hỗ trợ các đồng minh cũng như các đối tác trong khu vực. Chúng tôi không muốn xây dựng các căn cứ quân sự nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra hàng hải, hàng không và hoạt động bất cứ nơi nào mà công pháp quốc tế cho phép", ông Blinken nói thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ "muốn Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình, tuân thủ hệ thống trật tự quốc tế" bởi vì điều này không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà còn có lợi cho các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Ông Blinken khẳng định việc Trung Quốc bỏ qua những quy tắc và luật pháp quốc tế sẽ khiến các nước trên thế giới xa lánh và giảm tầm ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Blinken tới Việt Nam là để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 5. Dự kiến, Tổng thống Mỹ sẽ bàn với các lãnh đạo Việt Nam về các vấn đề như Biển Đông và quyền con người trong chuyến thăm của mình.
Trung Quốc 'bực tức' khi Anh đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của trọng tài
Trước đó ngày 18.4, Ông Hugo Swire - quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Đông Á, khẳng định Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa án trọng tài The Hague. Ông Swire còn cho rằng phán quyết của tòa trọng tài thường trực là cơ hội để Trung Quốc và Philippines nối lại đối thoại về tranh chấp trên Biển Đông. “Dưới hệ thống dựa trên công pháp quốc tế mà cả thế giới tuân theo, chúng tôi kỳ vọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực phải được các bên liên quan tuân thủ”, ông Swire nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và từ chối tham gia cũng như thực hiện theo phán quyết của tòa án trọng tài, khiến tình hình căng thẳng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng cao.
"Những lời bình luận của ông Swire bỏ qua các sự kiện, theo một cách phiến diện và đi ngược lại lời hứa không đứng về phía nào của Anh", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh tuyên bố trong cuộc họp báo hàng ngày. "Chúng tôi vô cùng bất bình", bà Hoa nói. Sau khi tỏ ra bực tức với Anh, bà Hoa quay sang đổ lỗi Mỹ và Philippines đã gây ra căng thẳng trên Biển Đông, khi ngày càng nhiều tàu chiến và máy bay Mỹ xuất hiện trong khu vực.
"Thực thế chứng minh rằng chính Mỹ mới là nước thúc đẩy gia tăng căng thẳng trên Biển Đông", bà Hoa đổ lỗi cho Mỹ. Người phát ngôn Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định rằng nước này sẽ "bất hợp tác" với tòa án trọng tài và cho rằng mình đang bị "xử ép".
Hồi tháng 2.2016, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của tòa án trọng tài The Hague. Tuy nhiên, trên thực tế tòa án trọng tài không có khả năng bắt buộc các nước thi hành án và nhiều phán quyết của tòa này trước đây cũng bị các nước không tôn trọng.
conglydaiviet tổng hợp từ nguồn Motthegioi