logo
Loading...
Cập nhật: 27.01.2015 01:41 - Lượt xem: 1,989
(Conglydaiviet) - Phát biểu tại hội nghị nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995 - 2015), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, cho rằng giáo dục là một trong những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư Mỹ quan tâm nhất và Mỹ mong muốn sẽ hình thành các trường đại học đẳng cấp quốc tế của Mỹ tại Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa hai nước.

Đây là thông tin được ông Ted Osius đưa ra tại một hội nghị diễn ra ngày 26-1 do Học viện Ngoại giao Việt Nam kết hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995 - 2015).

Ông Michael Michalak, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng có nhiều cơ hội hợp tác Việt-Mỹ để phát triển giáo dục ở Việt Nam.

"Nền giáo dục Việt Nam phải cải thiện chất lượng để tiếp cận các sản phẩm, công nghệ mới. Chúng tôi có các đối tác ở Việt Nam: chương trình liên kết giữa các đại học Mỹ - Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, xây dựng và một số ngành khác mà Mỹ có thế mạnh. Chúng ta đang đi đúng hướng," ông Michael Michalak nói.

Theo ông Michael Michalak Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và Việt Nam có tham gia đàm phán, một khi được ký kết, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thương mại và kinh tế. Tuy nhiên lĩnh vực giáo dục cũng rất quan trọng. Chính vì vậy, cũng như các nước khác, Việt Nam phải cải cách lại ngành giáo dục và đào tạo, chú trọng giảm thiểu thủ tục hành chính, giấy tờ, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục vì đây là lĩnh vực mà Mỹ và Việt Nam có nhiều tiềm năng để hợp tác.

Đánh giá về mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong 20 năm qua, ông Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian qua phát triển rất nhanh trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng.

Cũng tại Hội nghị, bà Virginia Foote, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, chuyên về tư vấn và quản lý kinh tế, cho rằng hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, hải sản, nhiên liệu thô, giúp Việt Nam tăng trưởng thương mại rất cao.

Tuy nhiên theo bà Virginia Foote, Việt Nam phải cải thiện giá trị gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra Việt Nam cũng phải cải thiện lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ,… “Đây là những lĩnh vực thu hút đầu tư thương mại rất lớn từ Mỹ,” bà Virginia Foote nói.

Về đàm phán TPP, bà Virginia Foote cho biết Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều bất đồng trên bàn đàm phán. Tuy nhiên bà cũng lạc quan cho rằng các quốc gia sẽ vượt qua những bất đồng đó để kết thúc đàm phán trong năm nay.

Trả lời quan ngại của những đại biểu Mỹ về những khác biệt về môi trường kinh doanh, đầu tư và thủ tục hành chính, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, nói rằng để chuẩn bị gia nhập TPP, Việt Nam gặp áp lực rất lớn về cải cách, thúc đẩy hệ thống pháp lý. “Cho đến nay Việt Nam đã thay đổi 30 bộ luật và trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách lĩnh vực đầu tư công,” ông Thành nói.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online