logo
Loading...
Cập nhật: 18.02.2015 02:58 - Lượt xem: 1,864
(Conglydaiviet) - Tệ nạn mại dâm đã tồn tại hàng thế kỷ. Do có những quan niệm khác nhau nên về mặt pháp lý có quốc gia công nhận như một nghề hợp pháp nhưng có nhiều quốc gia lại ban hành luật ngăn cấm. Trên toàn cầu, các nỗ lực để xóa bỏ hoặc kiểm soat mại dâm đa số đều thất bại. Người bán dâm thường là nạn nhân không mong muốn của các biện pháp quản lý theo pháp luật.

Theo UNAIDS, hiện nay trên thế giới tồn tại các chính sách phòng chống mại dâm như hình sự hóa; hình sự hóa khách hàng; hợp pháp nhưng không có quy định; hợp pháp và có quy định.

Đối với việc hình sự hóa mại dâm, chính sách này làm gia tăng tình trạng tội phạm liên quan đến mại dâm; gia tăng tình trạng bóc lột, bạo lực và lạm dụng. Nó cũng là rào cản tiếp cận tới dịch vụ y tế, an sinh xã hội và làm tăng tính dễ tổn thương với HIV của người hoạt động mại dâm.

Bên cạnh đó, các thực hành pháp luật mang tính trừng phạt tạo điều kiện cho bạo lực từ phía cảnh sát đối với phụ nữ mại dâm.

Trong chính sách hợp pháp và có quy định, nhà chứa, các cơ sở massage và các cơ sở giải trí được phép hoạt động tại một số khu vực “đèn đỏ” nhất định. Các cơ sở đăng ký hoặc được cấp phép phải tuân thủ một số điều kiện bắt buộc.

Điểm mạnh của chính sác này là khi có các quy định mang tính trao quyền cho người bán dâm (ngược với việc chỉ trao quyền cho chủ cơ sở) thì có thể thực hiện được giảm hại và dự phòng HIV. Việc hợp  pháp và có quy định đang được thực hiện tại bang Victoria, Queensland, Northern Territory và Canberra ở Australia…

Còn trong chính sách xóa bỏ hình sự hóa (tức hợp pháp hóa hoàn toàn mại dâm), mọi hình thức trừng phạt và xử lý về mặt hình sự và hành chính đối với hoạt động mại dâm đều bị loại bỏ.

Năm 2003, New Zealand ban hành Luật sửa đổi về hoạt động mại dâm, theo đó việc hình sự hóa việc môi giới và quản lý mại dâm bị xóa bỏ. Hoạt động bán dâm được Chính phủ thừa nhận như một loại hình công việc hợp pháp và đi cùng với các quy định về bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động

Các cơ sở mại dâm, người bán dâm và mua dâm buộc phải chấp hành các quy định về an toàn tình dục. Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định này thay vì ngành công an

Đánh giá sau 5 năm thực hiện: Luật mang đến những kết quả tích cực về sức khỏe cộng đồng, đảm bảo điều kiện làm việc, người bán dâm có thể thương lượng tình dục an toàn tốt hơn, có thể từ chối khách hàng và tỉ lệ sử dụng bao cao su cao hơn.

Cuối cùng là chính sách hình sự hóa khách hàng theo “Mô hình của Thụy Điển”. Điểm mạnh của chính sách này là làm giảm buôn bán người. Số người bán dâm đường phố có vẻ giảm nhưng nhiều người bán dâm đã chuyển sang hoạt động tại nhà hoặc qua Internet

Khách hàng tìm đến mại dâm ít hơn nhưng xuất hiện nhiều đối tượng khách hàng nguy hiểm hơn. Việc người bán dâm có ít thời gian đánh giá khách hàng cũng làm gia tăng bạo lực đối với họ.

Việc hình sự hóa khách hàng khiến giá dịch vụ mua dâm giảm; giảm khả năng thương thuyết của người bán dâm về việc tình dục an toàn. Trong chính sách này, bao cao su có thể được sử dụng như bằng chứng của mua dâm, chính vì vậy, khách hàng không chịu sử dụng bao cao su. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội ít hơn, đặc biệt là dịch vụ HIV do gia tăng kỳ thị phân biệt đối xử.

Mỗi chính sách trên đều có ưu và nhược điểm, chính vì vậy để lựa chọn một chính sách phù hợp cho mỗi quốc gia không phải điều dễ dàng. Việc cần thiết là làm thế nào cho việc mại dâm an toàn nhất có thể, đối với người bán dâm, người mua dâm và với toàn xã hội

Người hoạt động mại dâm hiện nay đang rơi vào vòng luẩn quẩn: bị phân biệt đối xử, sống trong môi trường rủi ro, dễ bị tổn thương, chất lượng cuộc sống suy giảm, bị bạo lực, dễ dính vào ma túy, lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và lại tiếp tục bị kỳ thị.

Vậy phải làm gì để giảm hại trong mại dâm. Theo UNAIDS, cần thừa nhận quyền và trợ giúp pháp lý cho người hoạt động mại dâm; phòng chống bạo lực, chăm sóc sức khỏe, dự phòng HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho họ; giúp họ tiếp cận các nguồn sinh kế.

Cũng theo UNAIDS, giảm hại nằm chính trong các chiến lược giảm nghèo; giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo việc làm…Chẳng hạn như, luật pháp New Zealand và một số tòa án của Australia bảo vệ pháp lý cho người bán dâm khi bị đối xử phân biệt và không công bằng tại nơi làm việc

Các tổ chức của người bán dâm ở Ấn Độ đã được huy động để nêu lên vấn đề vi phạm quyền con người và vận động thay đổi luật pháp và cùng tham gia với cảnh sát để cải thiện việc thực thi pháp luật

Mạng lưới người bán dâm Myanmar thực hiện dự án trả tiền cho những người tư vấn và trợ giúp pháp luật để họ tư vấn pháp luật và thông tin sức khỏe cho người bán dâm cũng như tham gia trong vận động chính sách

Ở Hong Kong, các tổ chức của người bán dâm đã phối hợp với cảnh sát để giải quyết vấn đề vi phạm quyền của người bán dâm

Theo UNAIDS, còn nhiều quan điểm khác nhau về mại dâm, mỗi quốc gia cần xác định ưu tiên của mình trong cải cách hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật để giảm hại trong mại dâm một cách hiệu quả nhất.

Theo tiengchuong.vn