logo
Loading...
Cập nhật: 17.10.2015 10:00 - Lượt xem: 2,296
(Conglydaiviet) - Những bất cập của Bộ luật tố tụng dân sự từ nhiều năm qua gây khó khăn không ít cho việc giải quyết tranh chấp dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình, kinh doanh và thương mại và các yêu cầu khác yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Việc sửa đổi toàn diện Bộ luật TTDS là một trong những ưu tiên hàng đầu về hoạt động lập pháp của Quốc hội nhằm đáp ứng và theo kịp yêu cầu của đời sống pháp lý.

Sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến lần cuối vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Ngày 25/8/2015, UBTVQH đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 7 để thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của dự thảo này. Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong tháng 9 UBTVQH đã gửi dự thảo Bộ luật xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật.

Tòa không được từ chối giải quyết vì chưa có luật

Trong quá trình xây dựng và thảo luận dự thảo, đa số ý kiến nhất trí với quan điểm mới được đưa ra trong dự thảo lần này là Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cũng cho rằng việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân (TAND) như quy định tại dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ  để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ án và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật.

Công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án

Liên quan đến nội dung này, có hai loại ý kiến trái ngược nhau. Nhiều ý kiến tán thành với quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể những loại hòa giải nào thì được Tòa án công nhận và quy định chi tiết trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của quyết định công nhận kết quả hòa giải.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo.
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH cho rằng cần thiết quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình.

Tuy nhiên, Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tiến hành hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Luật Thương mại, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Nguồn: chinhphu.vn