logo
Loading...
Cập nhật: 22.02.2016 10:04 - Lượt xem: 2,256
(Conglydaiviet) - Kinh doanh đa cấp là một phương thức kiếm tiền mà thế giới đã biết đến từ lâu. Đã có nhiều hình thức, mức độ và ngành nghề khác nhau về kinh doanh đa cấp đã bung nở ở Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu biết đầu đủ về hình thức kinh doanh này. Dư luận từng xôn xao và hoài nghi về kinh doanh đa cấp. Mới đây, thông tin Ban lãnh đạo (BLĐ) Công ty Liên kết Việt bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 20.2 không làm nhiều người bất ngờ.

Trong suy nghĩ của nhiều người, cái kết này đã được báo trước kể từ khi Liên Kết Việt bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên liều lĩnh trong hoạt động đa cấp của mình.

Bộ sậu “sa lưới”

Sau khi tiến hành điều tra các hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chính thức khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của công ty này.

Theo đó, những bị can bị tạm giam gồm Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà) - Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy – Phó Tổng Giám đốc; Lê Văn Tú - Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn, thuộc các nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh; Trịnh Xuân Sáng - phụ trách công nghệ thông tin của Liên Kết Việt.

Công ty Liên Kết Việt được thành lập cách đây khoảng 1 năm, người đứng đầu là Lê Xuân Giang (bị can này cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP).

Công ty Liên Kết Việt thực hiện kinh doanh với những mặt hàng rất đơn giản như máy làm sạch, máy chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng dưới hình thức đa cấp để lừa đảo khách hàng.

Qua quá trình xác minh, điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra xác định công ty này đã phát triển hệ thống đa cấp khổng lồ với hơn 45.000 người tham gia, tổng số tiền thu được từ hoạt động này gần 2.000 tỷ đồng.

Từ đây, những hào quang ảo, những giấc mộng hão huyền của hơn 45.000 khách hàng đã bị đổ vỡ. Ban lãnh đạo Liên Kết Việt đã bị khởi tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không dừng lại ở việc lừa đảo khách hàng kinh doanh sản phẩm đa cấp trong hệ thống, Công ty Liên Kết Việt thậm chí còn làm giả lễ đón nhận bằng khen Thủ tướng, xây dựng hệ thống kinh doanh lãi suất khủng thu hút người tham gia.

Những chiêu trò lừa đảo

Để thực hiện được ý đồ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Công ty Liên Kết Việt đã bán các sản phẩm của công ty cho khách hàng với một giá trị nhất định. Theo điều tra, mỗi sản phẩm đều có một mã hàng, khách hàng hầu như không nhận hàng mà chỉ tích điểm trong hệ thống của công ty để nhận phần trăm hoa hồng theo hứa hẹn.

Và hàng ngày, các khách hàng trong hệ thống bỏ tiền thật ra để mua hàng nhưng họ chỉ nhận được những mã hàng ảo trong hệ thống cùng lời hứa hẹn đầy hào nhoáng của lãnh đạo công ty.

Về mức độ xử phạt cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị can là lãnh đạo của Công ty Liên Kết Việt, luật sư Triệu Dũng cho biết họ đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. “Theo Điều 139 Bộ luật Hình sự được bổ sung năm 2009, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 2.000 tỷ đồng của các bị can trong vụ án này, họ sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc bị tù chung thân” – luật sư Dũng dẫn chứng.

Không dừng lại ở đó, công ty này còn thực hiện truyền thông, quảng bá rất rầm rộ và liên tục mở ra các chương trình khuyến mại cực khủng dành cho các khách hàng của mình.

Các chương trình khuyến mại, thi đua như: Hoa hồng đại thắng, Hoa hồng nhân văn, Mã đáo thành công liên tục được nhóm truyền thông của công ty viết kịch bản và quảng cáo. Hơn thế, công ty này sẵn sàng thưởng các phần thưởng rất giá trị như nhà, ô tô cho các đại lý có thành tích tốt

Theo anh Trần Quang Chiến (Hà Nội), một người đã từng là khách hàng trong hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, những chiêu trò lừa đảo của công ty này đối với khách hàng khi họ tham gia rất khó bị phát hiện. Chỉ đến khi khách hàng bị “tán gia, bại sản” thì họ mới ngã ngửa.

“Doanh số của một nhà phân phối trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp được tính bằng tổng lượng hàng của cả hệ thống từ khi người đó mua vào trong một tháng. Trên cơ sở đó, công ty sẽ xét danh hiệu, thu nhập, cùng các phần thưởng. Trong trường hợp tháng kế tiếp không đạt được mốc doanh số như tháng trước, nhà phân phối sẽ bị đánh tụt hạng. Thu nhập và cơ hội đạt các phần thưởng cũng vì đó mà giảm đi. Chính vì thế nên chúng tôi phải ôm hàng để trụ hạng. Khi đạt được các chức danh cụ thể (ví dụ như Nhà phân phối Bạch Kim), chúng tôi càng không thể để xuống hạng. Và cứ thế, khi phải bỏ tiền túi ra quá nhiều để mua hàng và trụ hạng, đến khi nhìn lại, những gì chúng tôi có chỉ là những núi sản phẩm tồn đọng và một số tiền ảo, chức danh ảo” – anh Chiến chia sẻ.

Cũng theo anh Chiến, khi thấy các chương trình khuyến mại của công ty quá béo bở, anh vay tiền để mua thật nhiều hàng để được thưởng, nhanh “lên chức” nhưng cuối cùng, thứ anh nhận được là những khoản nợ khổng lồ từ việc kinh doanh đa cấp.

Trao đổi với PV NTNN về vấn đề này, luật sư Triệu Dũng, Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự (Hà Nội) cho biết: Vấn đề kinh doanh đa cấp lừa đảo đã xảy ra rất nhiều và cũng rất nhiều công ty kinh doanh đa cấp lừa đảo khách hàng.

“Trước những chiêu trò khuyến mãi và lợi nhuận cực khủng từ các công ty kinh doanh đa cấp, người dân bị ru ngủ và lao vào vòng xoáy của đồng tiền. Mặc dù đã có nhiều người thức tỉnh và rời khỏi mô hình kinh doanh đa cấp nhưng số người ra thì ít, vào thì ngày càng nhiều.

Điều này là bởi vì các công ty đó liên tục đưa ra những lời mời chào đầy hứa hẹn khiến chúng ta không thể phân biệt đúng sai. Bên cạnh đó, việc các công ty kinh doanh này có đăng ký kinh doanh hay không cũng là điều khiến người dân dễ bị lầm tưởng dẫn đến chuyện bị lừa đảo” – luật sư Dũng phân tích.

Nguồn: bizLIVE