logo
Loading...
Cập nhật: 03.12.2015 05:45 - Lượt xem: 1,987
(Conglydaiviet) - Cuối cùng thì công lý cũng được làm sáng tỏ. Công dân Huỳnh Văn Nén sau 17 năm tù oan đã chính thức được giải oan. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân địa phương. Ông Biện Văn Hoan, phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận cho biết, ngoài xin lỗi, cơ quan chức năng còn xem xét bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ông Nén chỉ là một trong nhiều người bị oan sai

-Thưa luật sư! Được biết ông là một trong những luật sư đã nhận lời bào chữa cho ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Lê Thị Bông trước đây, xin ông cho biết điều gì đã thu hút cả tập thể 7 luật sư tham gia cùng lúc để minh oan cho ông Nén?

Luật sư Phạm Công Út: Từ lời kêu gọi của luật sư (LS) Trần Vũ Hải, là người từng bảo vệ thành công cho ông Huỳnh Văn Nén và cả gia đình bên vợ ông Nén trong vụ án oan mang tên “vụ án Vườn điều” trước đây, nay lại tiếp tục kêu gọi các LS bảo vệ cho ông Huỳnh Văn Nén, là một vụ án giết người đã bị cấp giám đốc thẩm của TAND tối cao hủy bản án sơ thẩm đã có hiệu lực từ 15 năm trước, tôi nhận lời bào chữa cùng các LS Trần Vũ Hải, Nguyễn Văn Quynh, Lê Thị Minh Nhân, Trần Văn Đạt… Chúng tôi là các LS từ 3 miền Nam, Trung, Bắc kết hợp để tạo sức mạnh đoàn kết của giới LS trong nước để đòi lại sự công bằng cho ông Nén và làm sáng tỏ cái chết của nạn nhân Lê Thị Bông.

Khi bắt tay vào nghiên cứu hồ sơ thì tôi cũng đồng tình với bản án giám đốc thẩm với những nghi vấn rằng việc ông Nén bị oan là có cơ sở rất vững chắc, nhất là có yếu tố người khác là nghi can giết bà Bông chứ không phải ông Nén.Từ đó, các LS chúng tôi đã làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bào chữa và luân phiên nhau tham gia dự cung, hỏi cung và làm hàng loạt các văn bản kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận yêu cầu trả tự do ngay cho ông Nén…

-Sau khi ông Nén được trả tự do, rồi được đình chỉ và kết luận là ông Nén vô tội, tiếp đến là cuộc xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận đối với ông Nén thì ông đã có cảm giác thế nào trong mỗi giai đoạn đó?

-Luật sư Phạm Công Út: Ngay từ đầu, khi tiếp nhận hồ sơ chúng tôi đã có nhận định sự việc sẽ diễn ra như vậy nên hầu như các LS chúng tôi chẳng ai ngạc nhiên về các diễn biến dồn dập ấy. Nhưng thực ra, tôi cũng có cảm giác mình được nhẹ nhõm với một vụ án, chỉ một vụ án oan trong hàng chục vụ án oan mà tôi đang đảm nhận việc sẽ phải minh oan cho hơn chục người nữa có dấu hiệu bị hàm oan, từ cách dụ cung, mớm cung, bức cung của đâu đó các điều tra viên, vốn lặp đi lặp lại khá quen thuộc với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hành nghề LS của chúng tôi. Do đó, tôi thấy rằng ông Nén được may mắn hơn nhiều người khác là được minh oan, chứ không phải ông Nén là trường hợp cá biệt là bị oan.

-Theo ông, vì lý do nào mà gần đây có nhiều vụ án oan dồn dập? Phải chăng Nhà nước đã có những động thái tích cực trong quá trình cải cách tư pháp?

-Luật sư Phạm Công Út: Tôi cho rằng cải cách tư pháp là chiến lược quốc gia, là hoạt động lập pháp của Quốc hội, như những đạo luật được chỉnh sửa dồn dập vừa qua để phù hợp với sự phát triển tất yếu của xã hội. Còn việc phát hiện nhiều vụ án oan dồn dập trong thời gian gần đây do công đầu thuộc về giới báo chí, cộng với những sự quan tâm đặc biệt của một số đại biểu quốc hội trong quá trình giám sát hoạt động tư pháp, của các LS trong nước... Ngoài ra, thái độ của người dân trước những thông tin về những vụ án oan đã kích thích tinh thần của những “hiệp sĩ” nói trên trong cuộc chiến pháp lý ấy trở nên mạnh mẽ hơn trong các cuộc hành trình của mình nhằm góp phần giải oan cho những người lương thiện chẳng may bị vướng vào vòng lao lý.

Luật sư thường bị làm khó khi hành nghề

-Để tham gia những vụ án có dấu hiệu oan sai như vụ ông Huỳnh Văn Nén thì các LS thường gặp phải những khó khăn nào nhất?

-Luật sư Phạm Công Út: Những khó khăn trước mắt là các rào cản pháp lý, nó gần như cách ly LS với việc bảo vệ công lý bằng những điều khoản “gây khó” hoặc mù mờ dành cho phía các LS, chẳng hạn như việc cấp giấy chứng nhận bào chữa trở thành một thứ giấy phép con, mà người cấp thì thường áp dụng những điều suy diễn bất lợi cho LS để họ được dễ dàng trong công việc buộc tội, cho dù đó là cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án.

Rồi khi tranh tụng tại tòa, trước việc diễn ra tranh tụng giữa LS và đại diện viện kiểm sát, thay vì chỉ việc lắng nghe giữa các bên buộc và gỡ tội tranh luận, thì phía hội đồng xét xử, thậm chí, cả bộ máy tư pháp tại địa phương nào đó lại liên kết nhau “trả thù” phía LS bằng cách đề nghị rút thẻ hành nghề LS của phía đối tụng, thậm chí tìm mọi lý do… trời ơi để đề nghị truy tố các LS đối tụng ấy, nhằm cản trở công lý cho những người bị hàm oan.

-Theo ông, sắp tới Nhà nước sẽ phải bồi thường cho ông Nén bao nhiêu tiền và bồi thường những thiệt hại gì?

-Luật sư Phạm Công Út: Việc bồi thường bao nhiêu, trước hết sẽ do yêu cầu của ông Nén, sau đó sẽ là những cuộc thương lượng “ngã giá” giữa cơ quan phải bồi thường với người được bồi thường. Kết quả thương lượng là bao nhiêu sẽ do hai bên cùng chấp nhận nên cá nhân tôi không thể nói trước được điều gì.

Còn việc bồi thường những thiệt hại gì thì cũng thế. Ông Nén có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, thiệt hại thu nhập, bồi thường cho chi phí thăm nuôi ông trong suốt hơn 17 năm trong tù, cho chi phí kêu oan của gia đình và của những người không phải là gia đình, như ông Nguyễn Thận, cựu chủ tịch xã; của anh Nguyễn Phúc Thành, là người tố cáo người giết bà Bông là người khác, đồng thời góp phần minh oan cho ông Nén, rồi cũng có thể được bồi thường thiệt hại về tài sản...

Nguồn motthegioi