Chưa theo kịp thương mại điện tử
Theo kết quả khảo sát DN trên cả nước năm 2015, hầu hết DN đã sử dụng hình thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng. Hình thức này được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch giữa DN với nhau và với các cơ quan nhà nước.
“Mức độ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử trong các giao dịch trực tuyến giữa DN với khách hàng cá nhân còn rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng lên” – VECOM nhận xét trong bản báo cáo. Thực tế, đây cũng là tình trạng chung trong suốt bốn năm liên tiếp mà VECOM đã thực hiện khảo sát về thị trường thương mại điện tử của cả nước.
Năm 2015, tỷ lệ DN chấp nhận thẻ thanh toán chỉ ở mức 16%. Tỷ lệ này không có sự khác biệt lớn so với các năm trước. Hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ được 4% DN sử dụng và chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng. Tỷ lệ thanh toán cho các giao dịch trực tuyến thông qua thẻ cào tiếp tục ở mức rất thấp là 2% và có xu hướng giảm dần. Trong khi các hình thức thanh toán tiên tiến, chẳng hạn qua các thiết bị di động, đang hình thành ở Việt Nam thì hình thức giao hàng thu tiền vẫn là kênh thanh toán phổ biến nhất.
“Có mối quan hệ mật thiết giữa thanh toán điện tử với thương mại điện tử. Một mặt, thương mại điện tử ở Việt Nam chưa hậu thuẫn cho thanh toán điện tử. Có thể liệt kê một số nguyên nhân như thói quen sử dụng tiền mặt đã bám sâu vào người dân, tâm lý muốn kiểm tra sản phẩm trước khi trả tiền… Mặt khác, hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử chưa đáp ứng sự phát triển của thương mại điện tử” – bản báo cáo của VECOM viết.
Có thể thấy rõ xu hướng này trong “Ngày mua sắm trực tuyến” được tổ chức vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 trong hai năm qua. Năm 2014, phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, giao hàng nhận tiền và chuyển khoản, chiếm hơn 2/3 số các giao dịch, trong khi đó các phương thức thanh toán điện tử như ví điện tử, thẻ thanh toán hay Internet banking chỉ chiếm 11%. Tỷ lệ này gần như vẫn giữ nguyên trong năm 2015, khi các giao dịch thanh toán trực tuyến trong ngày chỉ vẻn vẹn 10%.
Được đánh giá là rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng cần lưu ý là đã và đang có sự sụp đổ của nhiều DN trong lĩnh vực này.
Cản trở từ thói quen?
Thực tế đã chứng minh thanh toán điện tử phát triển sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại điện tử. Có nghiên cứu cho rằng với việc sử dụng mạnh mẽ thanh toán trực tuyến đã gia tăng 983 tỷ USD trong nền kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 – 2012 và đóng góp tới 0,8% GDP ở các thị trường mới nổi. Đó là trên quy mô toàn cầu, còn ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng tiền mặt lại đang là cản trở lớn với thị trường thương mại điện tử, cho dù nhiều chuyên gia trong ngành vẫn nhìn nhận tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho rằng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã qua giai đoạn phổ cập kéo dài từ năm 2006 đến năm 2015. Với cái nhìn lạc quan, ông Hưng nhận định thị trường thương mại điện tử sẽ phát triển với tốc độ trên 30% trong vòng 5 năm tới.
Cũng phải nói rằng sự xuất hiện của nhiều trang website chuyên về thương mại điện tử trong những năm qua như Lazada, Zalora, Vatgia hay Carmudi cũng đã cho thấy tín hiệu tích cực về xu hướng mới của thị trường thương mại điện tử. Tuy vậy, quay trở lại những yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường, bà Virginia B. Foote – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong lần trả lời báo chí gần đây đã khẳng định lại tầm quan trọng của việc thúc đẩy thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.
Có một điều rằng, dù thị trường thương mại điện tử đang được đánh giá là có tiềm năng lớn, nhưng cũng đã có những bằng chứng về sự sụp đổ của nhiều công ty trong lĩnh vực này, và đó là dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn còn đầy rẫy những khó khăn. Mới đây nhất, Foodpanda, một website chuyên về gọi món ăn ở Việt Nam do công ty Rocket Internet (Đức) đầu tư đã tuyên bố đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam . Trước đó nữa là sự ra đi của nhiều hệ thống thương mại điện tử có tiếng như beyeu, deca hay 123mua.
Nguồn: bizLIVE
conglydaiviet sửa lại tiêu đề