(Conglydaiviet) - Những biến tướng lừa đảo của mô hình kinh doanh đa cấp đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và những hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Sau khi vụ việc lừa đảo thiệt hại tới 1.900 tỷ đồng của Công ty Liên kết Việt vỡ lở, Bộ Công Thương mới chính thức có ý kiến khuyến cáo người dân xem xét kỹ mô hình này trước khi tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu khuyến cáo này được đưa ra sớm hơn, có thể nhiều người đã không mắc bẫy đa cấp.
Sau khi vụ việc lừa đảo thiệt hại tới 1.900 tỷ đồng của Công ty Liên kết Việt vỡ lở, Bộ Công Thương mới chính thức có ý kiến khuyến cáo người dân xem xét kỹ mô hình này trước khi tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu khuyến cáo này được đưa ra sớm hơn, có thể nhiều người đã không mắc bẫy đa cấp.
Ngay sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) – Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt, hàng nghìn người từng tham gia mạng lưới của Công ty này mới tỉnh ngộ. Giấc mộng làm giàu nhanh chóng đã phải trả giá đắt.
Trong số 60.000 người tham gia vào hệ thống đa cấp Liên kết Việt có không ít những người nông dân, người lao động nghèo, sinh viên mới ra trường…gom góp tiền của tham gia vào mạng lưới đa cấp trước những chiêu lừa đảo tinh vi, núp bóng dưới các “đại hội hoa hồng”, các phần thưởng nhà, xe; các mức chi trả mức hoa hồng lên đến 65% doanh thu.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu những khuyến cáo này được đưa ra sớm hơn, có thể nhiều người đã nhận biết được những dấu hiệu vi phạm, tránh được các bẫy lừa đảo kinh doanh đa cấp.
“Những cảnh báo này mặc dù muộn, nhưng còn hơn là không. Người dân khi đầu tư phải hết sức thận trọng, cần hiểu rằng tỷ suất lợi nhuận chỉ có thể có được ở mức hợp lý, không có kênh đầu tư nào cho phép làm giàu nhanh một cách phi lý. Phải tìm hiểu kỹ các công ty trước khi bỏ tiền ra. Những công ty thu lợi nhuận cao là bởi họ có tỷ suất lợi nhuận cao do có khoa học công nghệ hiện đại, trong khi kinh doanh đa cấp lấy chỗ nọ bù chỗ kia thì làm sao có tỷ suất lợi nhuận cao được. Nhiều khi người dân nghe người quen biết đã bỏ tiền ra đầu tư, đến nỗi khuynh gia bại sản. Đó là những bài học đau xót cần phải khắc phục”, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.
Trên thực tế, bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa, không phải là một hình thức đầu tư. Thế nhưng, thời gian qua, không ít các công ty đã lợi dụng mô hình này, lôi kéo người dân tham gia với những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính này thực tế không chú trọng phát triển sản phẩm, mà chỉ tập trung lôi kéo nhiều người tham gia, tồn tại được nhờ vào số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và dùng để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.
Trước khi vụ lừa đảo của công ty Liên kết Việt, đã từng có hàng loạt các vụ lừa đảo đa cấp bị phát hiện. Chẳng hạn, công ty MB24, lôi kéo 17.000 người tham gia mua bán gian hàng ảo trên mạng. Với chiêu bài kêu gọi hội viên giới thiệu nhiều người tham gia sẽ được tích điểm, nâng cấp độ, hưởng hoa hồng “khủng”, Công ty này lừa đảo hơn 630 tỷ đồng. Tương tự, 39.000 người tham gia mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp của Công ty Tâm Mặt trời cũng khó lấy lại được số tiền 122 tỷ đồng…
Theo Luật sư Ngô Văn Hiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh, người tham gia bán hàng đa cấp cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đặc biệt là nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp. “Người tham gia kinh doanh đa cấp cần tìm hiểu công ty đó có thẩm quyền kinh doanh đa cấp không, rồi sản phẩm có đảm bảo không. Công ty kinh doanh đa cấp biến tướng là những công ty thông qua nhân viên của mình tổ chức các hội thảo thổi phồng công dụng của sản phẩm, và kèm theo những lời hứa hẹn về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng lớn, thực chất phần trăm hoa hồng đó chính là tiền của người tham gia lại trả cho chính người tham gia”, Luật sư Ngô Văn Hiệp khuyến cáo.
Theo Bộ Công Thương, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp. Mô hình này đã có từ lâu trên thế giới và xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng từ cuối năm 2004, Luật cạnh tranh và 2005 là Nghị định 110 mới được ban hành để đưa kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ.
Cả nước hiện có 65 đơn vị được cấp phép kinh doanh đa cấp, có trên 1,2 triệu người tham gia, với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm đến 90%. Trong những năm gần đây, kinh doanh đa cấp phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Những biến tướng lừa đảo của mô hình này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và những hệ lụy không nhỏ cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, tới đây cơ quan chức năng sẽ rà soát lại Nghị định 42 về kinh doanh đa cấp, để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, nhằm siết chặt hơn hoạt động này. Nghị định 42 mới ban hành được khoảng hơn 1 năm. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ rà soát lại, xem còn khe hở nào của pháp luật không, cụ thể là trong Nghị định 42, có quy định nào mà doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có thể vin vào để lách hay không.
“Qua sự việc này, Bộ Công Thương cũng mong cơ quan chức năng tại mỗi địa phương phải nâng cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ quản lý của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các hành vi lừa đảo xảy ra trên địa bàn. Thậm chí, ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động kinh doanh này cũng phải tìm hiểu thật kỹ. Hành vi kinh doanh nào chưa đúng quy định pháp luật thì đề nghị, thông báo cho chính quyền địa phương, hoặc Bộ Công Thương để ngăn chặn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Mới đây, đại diện Bộ Công Thương cũng đã nhận trách nhiệm trong việc quản lý lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, câu hỏi mà dư luận cũng như hàng chục nghìn người tham gia vào mạng lưới của Liên kết Việt quan tâm là liệu có lấy lại được số tiền hàng nghìn tỷ đồng đã rót vào mạng lưới đa cấp? Vụ việc lừa đảo kinh doanh đa cấp lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam chưa khép lại. Đây sẽ là những bài học đắt giá đối với những người đã và đang có ý định làm giàu với mô hình đa cấp.
Nguồn bizLIVE