logo
Chủ nhật, ngày 12/1/2025 4:11:17
Cập nhật: 11.02.2017 01:52 - Lượt xem: 3,161
(Conglydaiviet) - Từ năm 1972 đến 1974, Trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã chi khoản tiền trên cho chính phủ Lon Nol ở Campuchia vay để mua gạo, bông, nhưng sau đó, món nợ đã tăng gần gấp đôi vì Campuchia từ chối trả nợ. Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Hun Sen đã công khai vận động hành lang đề nghị Mỹ xóa món nợ chiến tranh, vốn bắt đầu là khoản vay 274 triệu USD, phần lớn để cung cấp lương thực cho chế độ Lon Nol thân Mỹ.

Từ năm 1972 đến 1974, Bộ Nông nghiệp Mỹ chi khoản tiền trên cho chế độ Lon Nol vay để mua gạo, bông, nhưng sau đó, món nợ đã tăng gần gấp đôi vì Campuchia từ chối trả nợ. Thời ấy, Mỹ liên tục ném bom rải thảm ở nhiều vùng đất Campuchia giáp biên giới Việt Nam, từ giữa những năm 1960 đến 1970, góp phần vào cuộc chiến tranh giữa quân đội Lon Nol với lực lượng Khmer Đỏ ở nước này.

Đầu tháng 2.2017, Đại sứ Mỹ ở Phnom Penh lên tiếng đòi nợ. Đến ngày 8.2, khi dự lễ khánh thành một ngôi chùa, Thủ tướng Hun Sen "cự lại" Tổng thống Mỹ Donald Trump, lưu ý “hiện nay chúng ta không chỉ tìm thấy bom đinh, mà có cả bom hóa học”, ám chỉ việc Campuchia gần đây phát hiện những bình đựng hơi cay do Mỹ sản xuất.

Ông Hun Sen cũng kêu gọi Mỹ xóa món nợ mà chế độ Lon Nol từng vay Mỹ hồi những năm 1970, đề nghị các đảng phái chính trị Campuchia ủng hộ lời kêu gọi này, nhưng ông nói thêm “đảng đối lập sẽ không ủng hộ, tôi nghĩ thế, vì họ là bù nhìn của Mỹ”.

Người phát ngôn Yim Sovann của đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP, đối lập) nhấn mạnh đảng ông cũng sẽ tìm cách vận động Mỹ hủy món nợ, và lưu ý “Campuchia còn phải nghĩ đến món nợ Nga cùng những món nợ khác".

Ông Song Chang, cựu Bộ trưởng Thông tin thời Lon Nol, hiện sống tại California (Mỹ) viết trên Facebook của ông ngày 5.2, kể chiến dịch rải bom của Mỹ khiến đồng minh Lon Nol rất cần sự giúp đỡ tài chính để chống lại Khmer Đỏ.

Ông viết “tôi e rằng cuộc đàm phán với chính phủ Trump sẽ khó khăn… Mặt khác, Campuchia thời Lon Nol vay nợ và đã thua trận trước Khmer Đỏ. Tổng thống Trump không ưa những kẻ thất bại. Ông ấy thích đạt những vụ thỏa thuận, nhưng Campuchia chẳng có gì để mặc cả, không có đường ống dẫn dầu, không có ngành sản xuất xe hơi, mỏ thép, bệ phóng tên lửa để đổi chác với Trump, ngoại trừ một khoản thuế đánh lên mỗi áo sơ mi, mỗi chiếc quần jean mà Campuchia xuất khẩu qua Mỹ. Điều đó có thể có ích, nếu như có những nhà thương lượng giỏi”.  

Mỹ dọa Campuchia phải trả giá nếu không trả nợ

Ngày 3.2, Đại sứ Mỹ William Heidt nói chuyện với các nhà báo Campuchia, khẳng định Mỹ “không bao giờ tính đến chuyện bàn luận hoặc xem xét hủy món nợ” dù Mỹ sẵn sàng tìm một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.

Vị đại sứ nói hiện có 4 quốc gia mắc nợ Mỹ là Sudan, Somalia, Zimbabwe và Campuchia. Chính phủ Campuchia thay vì nói chuyện quá khứ, nên bắt đầu tính kế hoạch trả món nợ vay hồi những năm 1970 mà đến nay trị giá lên tới 500 triệu USD.

Ông Heidt nói: “Chưa tính chuyện trả nợ Mỹ và các chủ nợ khác, Campuchia sẽ không thể có mối quan hệ bình thường với Quỹ Tiền tệ quốc  tế hoặc tranh thủ được các cơ hội vay tiền của những thị trường quốc tế”.

Ông Heidt khẳng định tình hình vẫn không thay đổi, tính từ những ngày ông là một nhân viên ngoại giao phụ trách mảng kinh tế ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào cuối những năm 1990. Lúc đó, ông tham gia một nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm cho phép Campuchia trả món nợ trong 40 năm và không bị tính lãi trong 16 năm.

Ông nói: “Lúc đó, chúng tôi nói đến số tiền chưa tới 200 triệu USD. Và nay, 19 năm sau, tôi trở lại, vấn đề vẫn chưa được giải quyết, và số tiền đã tăng lên 500 triệu USD. Theo tôi, đấy là một điều đáng tiếc. Tôi cho rằng Campuchia chớ nên để món nợ ấy cứ tăng lên mãi. Theo tôi, Campuchia không đáng là một quốc gia bị nợ. Nhiều tòa nhà đang mọc lên ở Phnom Penh, nguồn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào, nguồn thu của chính phủ tăng nhanh chóng”.

Trong cuộc trò chuyện 40 phút, ông Heidt còn tỏ ra thất vọng bởi Campuchia quyết định hủy các cuộc huấn luyện quân sự với Mỹ, nên nước này mất cơ hội học hỏi những chiến binh giỏi nhất thế giới. Ông nói: “Tôi thất vọng, nhưng tôi nghĩ cuối cùng nhân dân và quân đội Campuchia phải trả giá từ quyết định này, chứ không phải Mỹ”.

Ông đại sứ cũng  trách ông Hun Sen đề xuất Luật các đảng phái chính trị, nhằm “gạt sang bên lề” thủ lĩnh đảng đối lập Sam Rainsy và nhằm giải tán CNRP. Theo ông, "sự hòa hợp dân tộc là cho phép các đảng phái hoạt động trong lãnh thổ Campuchia, nhưng những việc như đẩy người ta ra, dẹp các đảng…tôi không nghĩ đấy là điều nhân dân Campuchia muốn”.

Người phát ngôn Sok Eysan của đảng Nhân dân Campuchia (CPP, cầm quyền) nói không hài lòng với những lời lẽ của Đại sứ Heidt: “Theo tôi, nên xóa khoản nợ, vì số tiền vay không để phát triển đất nước, mà vay để đánh đối thủ, mua bom và rải để giết hàng chục ngàn người dân, phá tan nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Mỹ tàn phá chúng tôi, nay lại đòi chúng tôi trả nợ”.

Nhiều người khuyên ông Hun Sen đừng trả nợ 

Các nhà quan sát nói ông Hun Sen đúng khi muốn Mỹ xóa món nợ chiến tranh, và nói Mỹ đạo đức giả. Nhà báo nữ Elizabeth Becker (người Mỹ, từng bám chiến tranh ở Đông Dương) nói: “Chính phủ Mỹ chưa bao giờ nhận trách nhiệm pháp lý về những tổn thất lớn lao mà họ gây ra đối với người dân và đất nước Campuchia thời chiến. Việc tiếp tục quy trách nhiệm cho chính phủ Campuchia về một món nợ cũ là đạo đức giả và phi nhân”.

Bà Becker gợi ý nếu Campuchia có trả nợ, thì Mỹ nên phát lại khoản tiền trả này cho các cộng đồng Campuchia bị tổn thất từ những cuộc đánh bom của Mỹ: “Mỹ nợ Campuchia nhiều hơn đến mức không thể thể trả bằng tiền mặt”.

Ông Kenton Clymer, tác giả cuốn sách Mỹ và Campuchia, 1969-2000: Mối quan hệ rắc rối, nói việc Đại sứ Heidt khuyên “Campuchia nên ngưng đào bới quá khứ” là không đúng, dù việc đòi nợ phù hợp với những thông điệp của  ông Trump: nhiều quốc gia đã lợi dụng Mỹ.

Ông Miguel Chanco, nhà phân tích hàng đầu về khu vực ASEAN của tổ chức Economist Intelligence Unit, đồng ý rằng việc Campuchia từ chối trả nợ cho Mỹ có thể “cản trở Campuchia vay được vốn rẻ của các thị trường vốn của thế giới". Ông cho rằng dù Mỹ không nhất thiết ép Campuchia bắt đầu trả nợ, chính phủ Tổng thống Trump có thể “gây sức ép ở nhiều lĩnh vực khác trong mối quan hệ song phương”, đồng thời cảnh báo ông Hun Sen có thể sẽ càng nghiêng qua Trung Quốc nhiều hơn.

Ông David Chandler, nhà sử học hàng đầu về Campuchia, nói dù Mỹ nói cứng nhưng sẽ là phi thực tế nếu cho rằng ông Hun Sen chịu trả nợ: “Đại sứ Heidt gây sức ép vì nhận được lệnh phải làm thế. Nhưng tôi nghĩ sẽ là một sai lầm cho bất kỳ ai trong chính phủ Mỹ nghĩ chính phủ ông Hun Sen sẽ trả món nợ 500 triệu USD, khi mà ông Hun Sen từng chống lại những người đi vay số tiền đó”.

Nguồn: motthegioi