Gặp lại người phi công anh hùng ném bom Dinh Độc lập trên đất Pleiku, trong bữa ăn sáng, ông Nguyễn Thành Trung giọng vẫn đầy ấm ức khi bàn đến việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
“Khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bắn chìm chiến hạm Nhựt Tảo và làm bị thương chiến hạm Lý Thường Kiệt, chúng tôi (lực lượng không quân) đã lên kế hoạch tái chiếm nhưng giờ chót lại bị hủy”.
“Lúc đó, lực lượng không quân đã tập trung 5 phi đoàn ở sân bay Đà Nẵng, chuẩn bị đợi lệnh sẵn sàng không kích tái chiếm Hoàng Sa. Anh em cho máy bay thăm dò và chụp hình hết rồi, lúc đó Trung Quốc có khoảng hơn 40 tàu lớn nhỏ. Lúc đó hải quân Trung Quốc làm gì mạnh như bây giờ. 5 phi đoàn của chúng tôi bao gồm hơn 100 chiến đấu cơ các loại, đủ sức không kích tái chiếm quần đảo mà không sợ bị chiến đấu cơ Trung Quốc ngăn cản”.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, lúc đó không quân Trung Quốc chỉ sở hữu chiến đấu cơ Mig 21, tầm bay ngắn. Nếu bay từ Hải Nam xuống Hoàng Sa thì chỉ bay được nửa đường là phải bay về vì không đủ nhiên liệu.
“Trong khi đó, tôi cứ cho là từ Đà Nẵng bay ra Hoàng Sa mất nửa tiếng, bay về mất nửa tiếng nữa thì chúng tôi vẫn còn hơn 30 phút để đánh chiếm đảo. Cho dù có khó khăn, nguy hiểm đi nữa thì tôi nghĩ cũng phải đánh để lưu tiếng cho lịch sử, để không thẹn với con cháu ngày sau” – ông Trung nhận định.
Nhiều tư liệu lưu lại cho biết ngày 19.1.1974 – tức 2 ngày sau khi Hoàng Sa bị tấn công, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh điều 5 phi đoàn chiến đấu F5, bao gồm 4 phi đoàn thuộc sân bay Biên Hòa, 1 phi đoàn thuộc sân bay Đà Nẵng, tổng cộng 120 chiếc.
Địa điểm tập kết là sân bay Đà Nẵng.
Song song đó, Hải quân Việt Nam Cộng hòa cũng gấp rút hình thành một Hải đoàn đặc nhiệm mới sẽ có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch tái chiếm đảo sau khi lực lượng không quân rút đi. Hải đoàn này bao gồm tàu HQ-6, HQ-17 điều động từ Trường Sa trở về và chiến hạm HQ-5 từng tham chiến tại Hoàng Sa trước đó.
Đại tá Hà Văn Ngạc được chỉ định làm chỉ huy Hải đoàn này.
Về phía không quân, sau khi nhận được lệnh, chỉ huy các phi đoàn 520 – Nguyễn Văn Dũng, phi đoàn 536 – Đàm Thượng Vũ, phi đoàn 540 – Nguyễn Văn Thanh, phi đoàn 544 – Đặng Văn Quang, phi đoàn 538 – Nguyễn Văn Giàu đã bàn bạc và lên kế hoạch tác chiến rất kỹ lưỡng. Theo đó, bốn phi đoàn có nhiệm vụ tấn công và oanh tạc các chiến hạm của Trung Quốc, một phi đoàn có nhiệm vụ bảo vệ. Thời gian oanh kích sẽ kéo dài khoảng 30 phút.
Mỗi phi đoàn được trang bị 24 chiến đấu cơ F.5 và trên mỗi chiếc F5 được trang bị thêm 3 bình xăng phụ. Để hỗ trợ cho kế hoạch, hàng ngày các máy bay thám thính RF5 của không lực VNCH có nhiệm vụ bay và chụp ảnh toàn bộ Hoàng Sa.
Từ những bức không ảnh này, bộ phận phân tích thuộc lực lượng không quân sẽ theo dõi sự di chuyển, thay đổi đội hình của các tàu chiến Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho các phi công chuẩn bị tham chiến biết được cách bố trí đội hình phòng thủ để từ đó có cách đối phó thích hợp. Và theo những bức ảnh không thám ấy, thời điểm ngày 20.1.1974, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có tổng cộng 43 tàu chiến lớn nhỏ.
Sở dĩ lực lượng không quân VNCH tin tưởng vào kế hoạch oanh tạc và tái chiếm Hoàng Sa là do thời điểm đó, chiến đấu cơ F5 có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc. Mặc dù khoảng cách đường bay từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa tương đương khoảng cách từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa nhưng F5 được xem là ít tốn nhiên liệu hơn Mig 21 của Trung Quốc.
Khi mọi kế hoạch được bên không quân chuẩn bị đầy đủ thì bất ngờ Tổng thống Thiệu ra lệnh hủy kế hoạch oanh kích tái chiếm Hoàng Sa. Có nhiều lời phỏng đoán về quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Thiệu, trong đó có ý cho rằng “nhằm tránh một cuộc thí quân”.
“Tôi cho rằng Tổng thống Thiệu bị phía Mỹ ép phải hủy kế hoạch không kích. Lúc đó Mỹ đã có quan hệ với Trung Quốc. Và Tổng thống Thiệu vì sợ mất ghế nên không dám làm trái ý Mỹ” – ông Trung nhận định, và ngậm ngùi: “Nếu tổng thống Thiệu cứng hơn chút nữa, Hoàng Sa có lẽ đã không mất. Một quyết định sai lầm hôm nay sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu mai sau”.
Nguồn motthegioi