Luận về lịch sử các Vua triều Nguyễn xác lập và duy trì chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. PGS. TS Vũ Dương Huân có bài viết đánh giá, thể hiện một góc nhìn về chính sách đối ngoại và ngoại giao thời nhà Nguyễn, chỉ rõ một chiến công lớn của các vua triều Nguyễn là khẳng định chủ quyền đất nước, trong đó có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Lịch sử nhà Nguyễn có hai giai đoạn khác biệt nhau. Giai đoạn thứ nhất là lịch sử của các chúa Nguyễn với 204 năm bắt đầu từ chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh bại Tây Sơn và xưng đế năm 1802. Mặc dù 5 vị tổ tiên đầu tiên của nhà Nguyễn vẫn nhận quan tước nhà Lê và Nguyễn Phúc Chu năm 1702 mới xưng chúa, song ý đồ cát cứ đã bắt đầu từ Nguyễn Hoàng nên cả 9 vị đều có thể gọi là các chúa Nguyễn.
Giai đoạn thứ hai là triều Nguyễn với 143 năm từ khi Nguyễn Ánh đăng quang kéo dài đến năm 1945, khi Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị trong Cách mạng tháng Tám. Lịch sử các chúa Nguyễn và triều Nguyễn là thời kỳ rất đặc biệt, vô cùng phức tạp, đầy mâu thuẫn trong lịch sử nước nhà. Chính sách đối ngoại và ngoại giao của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn cũng nằm trong cái phức tạp, mâu thuẫn đó. Cùng một vấn đề, cùng một sự kiện, nhưng đánh giá của giới nghiên cứu rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Có người thì khẳng định là công, song có người lại cho là tội. Đánh giá như thế nào cho khách quan, khoa học, thỏa đáng, đúng tinh thần “công minh sử học”?
Trong chính sách của quốc gia, chính sách đối nội gắn bó hữu cơ với chính sách đối ngoại. Mặc dù, chính sách đối ngoại có sự độc lập nhất định, tác động trở lại chính sách đối nội, song chính sách đối ngoại là sự tiếp tục và phục vụ chính sách đối nội. Ngoại giao là công cụ hòa bình, công cụ quan trọng nhất thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia. Chính sách đối ngoại và ngoại giao của bất cứ quốc gia nào dù to dù nhỏ, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều phải thực hiện ba nhiệm vụ bao trùm là: góp phần bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền quốc gia, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần phát huy ảnh hưởng của nước mình trong khu vực và quốc tế.
Với cách hiểu về chính sách đối ngoại, ngoại giao như vậy, tác giả bài viết xin góp thêm vài ý kiến đánh giá chính sách đối ngoại, ngoại giao của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn với tư cách là người nghiên cứu quan hệ quốc tế và ngoại giao.
1. Điểm lại một số đánh giá về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn
Từ sau khi hòa bình lập lại, việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử của các chúa Nguyễn ở Đàng trong và các vua Nguyễn đã được triển khai ở miền Bắc. Các công trình được đăng trên các tạp chí nghiên cứu như Văn sử địa (Đại học Sư phạm), tạp chí Nghiên cứu Lịch sử và trong các bộ sử, lịch sử văn học Việt Nam, sách giáo khoa, giáo trình về lịch sử Việt Nam. Các tác giả đều có chung một đánh giá là phê phán các chúa Nguyễn chia cắt đất nước, cầu viện nhà Xiêm chống lại Tây Sơn, có chính sách sai lầm “bế quan tỏa cảng”, nhu nhược, đầu hàng thực dân Pháp… Ví dụ: Trong lời giới thiệu “Đại Nam thực lục” của Viện Sử học, các tác giả viết “Bọn sử thần nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam thực lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn… nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật lịch sử vẫn phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những đã “cõng rắn cắn gà nhà” mà chúng còn cố kìm hãm, đầy đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tăm tối đầy áp bức”.
Một bộ sử lớn khác dành cho nhà Nguyễn những đánh giá rất cay nghiệt khi viết “vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn”, “tên chúa phong kiến bán nước số một là Nguyễn Ánh… Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực ngoại bang giúp hắn thỏa mãn sự phục thù giai cấp”. Ngay cả trong các bộ sử gần đây, khuynh hướng đánh giá các chúa Nguyễn, nhà Nguyễn vẫn hết sức nặng nề, không khác các đánh giá trước đây là mấy. “Mọi chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội triều Nguyễn ban hành đều nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn”.
Bộ máy chính trị triều Nguyễn ngay từ đầu đã mang tính chất quan liêu, độc đoán và sâu mọt. Đó là một nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối, tập trung cao độ với một chế độ chính trị lạc hậu, phản động. “Về đối ngoại, chúng ra sức đẩy mạnh thủ đoạn xâm lược đối với các nước láng giềng như Cao Miên, Lào làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân dân bị khánh kiệt”. Từ những năm 1990 trở lại đây đã có gần 20 cuộc hội thảo khoa học, kể cả hội thảo tổ chức gần đây tại Thanh Hóa (18-19/10/2008) về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục và cũng không kém phần gay gắt..
2. Mặt tích cực trong chính sách đối ngoại, ngoại giao của các chúa Nguyễn, triều Nguyễn
Các chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn, nhất là các chúa Nguyễn có những đóng góp đáng kể về đối ngoại. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, lãnh thổ là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên quốc gia và sức mạnh quốc gia. Các chúa Nguyễn đã có công góp phần mở mang bờ cõi nước ta. Đất nước lớn hơn, quốc gia mạnh hơn, ảnh hưởng đối với khu vực và quốc tế sẽ mạnh hơn. Lúc Nguyễn Hoàng vào làm Tổng trấn Thuận Hóa năm 1558, cương vực nước ta mới đến Quảng Nam. Các chúa Nguyễn đã có công mở rộng cương vực nước ta từ Quảng Ngãi đến Cà Mau. Diện tích của khu vực mở rộng này là 136.131 km2, chiếm hơn 40% diện tích nước ta hiện nay. Thật là một kỳ tích!
Có nhận xét cho rằng, không có các chúa Nguyễn, công cuộc Nam tiến của chúng ta đã vẫn sẽ diễn ra, thậm chí nhanh chóng hơn, hòa bình hơn, nhân đạo hơn trong một quốc gia thống nhất… Nhận xét đó đúng một phần. Thời Đinh - Tiền Lê, biên giới cực Nam nước Đại Cồ Việt là Nhật Nam.
Năm 982, sau khi chiến thắng quân Tống, Hoàng đế Lê Đại Hành hành quân vào Chiêm Thành trừng trị tội bắt giam sứ giả Đại Cồ Việt, song Nghệ Tĩnh vẫn là biên giới cực Nam của nước ta. Năm 1044, do Chiêm Thành không chịu thông sứ và cho quân quấy nhiễu nhiều vùng biển, vua Lý Thái Tông đích thân đem quân đi đánh. Vua Thái Tông tiến đến tận kinh đô Phật Thệ (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế), tướng Chiêm Thành là Quách Gia Di chém quốc vương Sạ Đẩu, đem quân xin hàng. Đến thế kỷ 11, thời Lý Thánh Tông (năm 1069), lãnh thổ Đại Việt mở thêm được ba châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (Quảng Bình - Quảng Trị ngày nay) do vua Chiêm là Chế Củ dâng để tạ tội và xin được trả tự do, sau khi thua Đại Việt và bị bắt làm tù binh.
Đến thế kỷ 14, đời Trần năm 1305, triều Trần Anh Tông vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng thêm hai châu Ô, châu Lý (Nam Quảng Trị và Thuận Hóa) để xin cưới công chúa Huyền Trân. Dưới thời Hồ Quý Ly, năm 1402, biên giới của Đại Việt mở rộng đến Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành vì vua Chiêm sai sứ sang cầu viện nhà Minh và xâm phạm biên giới nước ta đồng thời đánh chiếm vùng Thị Nại (Bình Định). Biên giới nước ta mở đến đèo Cù Mông, phía bắc tỉnh Phú Yên. Đây là biên giới nước ta vào thời điểm Nguyễn Hoàng làm Tổng trấn Thuận - Quảng năm 1558.
Các vùng Bình - Trị -Thiên, Thuận Hóa - Quảng Nam, những đất lấy được của Chiêm Thành thực sự chưa được khai khẩn vì thiếu chính quyền và thiếu dân. Chỉ đến thời các chúa Nguyễn mới có điều kiện để khai phá thực sự các vùng này. Nếu tính cả các vùng này, diện tích đất đai mà các chúa Nguyễn mở rộng là 179.000 km2, chiếm khoảng 54,4 % lãnh thổ nước ta hiện nay. Trong hai thế kỷ 17 - 18, các chúa Nguyễn từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613) đến chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), cương vực nước ta đã được mở rộng từ Quảng Nam đến Châu Đốc - Hà Tiên. Các triều đại trước chúa Nguyễn phải mất sáu thế kỷ mới mở rộng được thêm 42.229 km2 từ Nghệ Tĩnh đến Quảng Nam, trong khi các chúa Nguyễn chỉ mất không đầy hai thế kỷ đã mở được 136.131 km2..
Có nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc các chúa Nguyễn thúc đẩy mở mang bờ cõi xuống phía Nam. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa có mưu đồ tranh bá đồ vương nhằm độc chiếm quyền thống trị phương Nam, chống lại chúa Trịnh. Chính điều đó cũng gây ra cuộc cát cứ, nội chiến phân tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài hai thế kỷ. Chúa Trịnh cũng chịu trách nhiệm đó. Dù với mục đích nào, với việc mở rộng cương vực nước ta, các chúa Nguyễn đã có công lớn. Do có mục đích cát cứ, chống lại nhà Trịnh mà công cuộc mở rộng và khai phá phương Nam đã diễn ra khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn vì đó là yêu cầu sống còn của các chúa Nguyễn.
Các cuộc mở mang bờ cõi đều phải trả bằng xương máu dù dưới thời các chúa Nguyễn cũng như dưới thời các vua chúa khác trước đó. Các cuộc hành quân của Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Thánh Tông, Trần Duệ Tông… cũng đều phải trả bằng xương máu để mở mang bờ cõi. Đương nhiên đó là công sức của nhân dân miền Bắc cũng như miền Nam. Song vai trò cá nhân của các chúa Nguyễn với tư cách là những người tổ chức, lãnh đạo việc mở rộng bờ cõi vô cùng quan trọng.
Ở đây cũng cần nhấn mạnh vai trò của Công chúa Ngọc Vạn, con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên, người được gả cho Vua Chân Lạp Chey Chettha II. Với tư cách là Hoàng hậu Chân Lạp, trong 11 năm (1618-1629), bà đã có vai trò không nhỏ để có nhiều cuộc di dân hòa bình của người Việt vào đến tận Đồng bằng sông Cửu Long. Chiến tích của Ngọc Vạn công chúa khác gì chiến công của Huyền Trân công chúa thời Trần.
Thứ hai, nếu như Quang Trung - Nguyễn Huệ có công lao to lớn mở đường cho sự thống nhất đất nước sau nhiều năm nội chiến, chia cắt thì quá trình hoàn tất và củng cố sự nghiệp thống nhất đất nước được tiếp nối từ Gia Long đến Minh Mệnh… Đi đôi với việc thống nhất đất nước là sự củng cố chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền biển đảo. Một trong các chiến công lớn của các vua triều Nguyễn là khẳng định chủ quyền đất nước, trong đó có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngay từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã lập ra đội Hoàng Sa và Bắc Hải. Việt Nam dưới triều Nguyễn đã cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, xây dựng miếu Hoàng Sa với tên gọi chung là Vạn Lý Trường Sa, thực hiện chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình[6] cho mãi đến những năm đầu thế kỷ 19 chưa hề vấp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.
Năm 1909, chính quyền Quảng Đông của nhà Thanh, Trung Quốc cho Tây Sa (Hoàng Sa) là “vô chủ” nên tìm cách tổ chức chiếm hữu. Họ đã nhầm, thực tế Hoàng Sa đã có chủ từ rất lâu là nhà Nguyễn. Chúng ta có không ít tài liệu, tư liệu hùng hồn khẳng định việc triều Nguyễn thực hiện chủ quyền liên tục ở hai quần đảo này.
Thứ ba, có ý kiến cho rằng chính sách đối ngoại của nhà Nguyễn là mù quáng, thiển cận như thần phục nhà Thanh, xâm lược, bắt nạt Cao Miên, Ai Lao. Song tác giả bài viết này có suy nghĩ khác.
Ứng xử với người láng giềng, vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia. Người ta chỉ có thể thay đổi được bạn thù, song không ai thay đổi được láng giềng. Nhà sử học Phan Huy Chú rất đúng khi nhận xét rằng “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, cho nên nghĩa tu hiếu (việc giao hiếu) chép ở Kinh Xuân Thu, đạo giao lân (giao thiệp với các nước láng giềng) chép ở Hiền truyện (sách Mạnh Tử), chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận”.
Trung Quốc luôn là người láng giềng lớn mạnh của Việt Nam. Trung Quốc phong kiến lại có tư tưởng bành trướng, bá quyền đối với nước ta và nhiều lần xâm lược Việt Nam. Cũng như các triều đại trước đó, ứng xử với Trung Quốc luôn là sợi chỉ đỏ trong chính sách đối ngoại quốc gia. Nhà Nguyễn cũng vẫn phải thực hiện chính sách thần phục Mãn Thanh, nhận phong tước của nhà Thanh, thậm chí thời kỳ đầu phải ra Thăng Long để thụ phong, vì sứ thiên triều không chịu vào Huế. Mặt khác, nhà Nguyễn vẫn có ý thức đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững biên giới quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ thương mại Đại Nam - Trung Quốc. Đó là chính sách ngoại giao đúng đắn, mềm mỏng nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Trong quan hệ với các nước láng giềng như Cao Miên, Lào, chính sách của triều Nguyễn là luôn tìm cách phát huy ảnh hưởng, buộc họ thần phục, cống nạp, khi có cơ hội thì sát nhập vào lãnh thổ nước mình, khi không có cơ hội thì gây ảnh hưởng để tạo thành “phên dậu” của mình. Chính sách trên có điều kiện thuận lợi để triển khai do nội bộ các nước đó luôn có chia rẽ, xung đột và thường có lực lượng tìm đến Đại Nam, cũng như nước Xiêm láng giềng để nhờ cậy với mục đích thoán đoạt quyền lực và được bảo hộ. Đó cũng là bản chất của giai cấp phong kiến nói chung, trong đó có phong kiến Việt Nam, là đặc điểm “cá lớn nuốt cá bé” của quan hệ quốc tế lúc bấy giờ. Đó chính là lý do giải thích tại sao nước Đại Nam hùng mạnh của Minh Mệnh vào các năm 1827 và 1835 đem quân sang Ai Lao và Cao Miên…
Thứ tư, các chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã có chính sách giao thương với nước ngoài đúng đắn, nhất là các chúa Nguyễn ở Đàng trong. Bắt đầu từ chúa Nguyễn Hoàng đã thực thi chính sách thúc đẩy thương mại với các nước trước hết là Nhật Bản, Trung Quốc. Số thương thuyền buôn bán với Đàng trong vào đầu thế kỷ 17 đã vượt xa số thương thuyền đến Xiêm, Cao Miên. Đàng trong đứng đầu danh sách các nước Đông Nam Á trong buôn bán với Nhật Bản nhờ chính sách thông thoáng và vị trí địa lý thuận lợi. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng giúp kinh tế Đàng trong phát triển mạnh.
Đi liền với ngoại thương, việc bang giao với nước ngoài của Đàng trong cũng khá sôi động. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái cho thương gia Nhật, nhận một thương gia Nhật làm con nuôi, thường xuyên trao đổi thư từ, tiếp xúc với Nhật Bản. Người phương Tây được đối xử tốt nhất: Thiên chúa giáo không bị cấm đoán, thừa sai được sử dụng ngay trong Phủ Chúa, làm bác sĩ riêng, làm thầy giáo dạy toán, thiên văn, cố vấn cho các chúa Nguyễn…
Triều Nguyễn cũng có chính sách thúc đẩy thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản. Quan hệ buôn bán khá phát triển với vai trò thương nhân người Hoa.
3. Tiêu cực, thiếu sót trong chính sách đối ngoại, ngoại giao của triều Nguyễn
Đâu là thiếu sót, tiêu cực trong chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn? Vấn đề này đã được nhiều học giả phân tích. Có lẽ những sai lầm trong chính sách ngoại giao bắt đầu từ khi chúa Nguyễn đánh bại Tây Sơn lập ra nhà Nguyễn. Các thiếu sót có thể khái quát như sau.
Thứ nhất, một trong các sai lầm nghiêm trọng có thể coi là tội ác là việc Nguyễn Ánh sang Xiêm xin vua Xiêm đem quân giúp đánh Tây Sơn vì lợi ích dòng họ của mình. Đó là hành động “cõng rắn cắn gà nhà”. Dù với mục đích gì cũng không thể biện minh cho việc rước quân xâm lược giầy xéo quê hương. Đó là tội ác lớn đối với dân tộc. Cuối tháng 7/1784, tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn thủy quân, 300 chiến thuyền và tướng Chiêu Thù Biên đem 3 vạn bộ binh cùng Nguyễn Ánh đánh Gia Định. Cuối năm đó, gần một nửa đất Gia Định đã thuộc về Xiêm - Nguyễn Ánh. Quân Xiêm đã cướp của, giết người tàn bạo, gây ra bao tội ác đối với nhân dân ta. Nguyễn Huệ đã đánh tan quân xâm lược và quân Nguyễn Ánh tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút lịch sử vào ngày 19/1/1785, rửa hận cho dân tộc. Chính sử nhà Nguyễn sau này cũng phải thừa nhận: “Người Xiêm sau trận thua năm Giáp Thìn (1785) ngoài miệng tuy nói khoác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.
Thứ hai, các vua Nguyễn đã để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, khiến nhân dân ta lâm vào vòng nô lệ hơn 80 năm. Nguyên nhân thất bại trong việc chống xâm lược nằm ở đường lối, chính sách của vua quan nhà Nguyễn, trước hết là vua Tự Đức. Họ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác như quá cảnh giác với bọn thực dân nên đã tiến hành chính sách cấm đạo, bế quan tỏa cảng, không tổ chức toàn dân chống giặc, mà còn quá nhu nhược, ngoài ra lại dựa vào nhà Thanh để chống Pháp. Song nhà Thanh đã thỏa hiệp với thực dân Pháp trên số phận của Đại Nam, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác (Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, Hòa ước Giáp Tuất năm 1874 và cuối cùng là Hòa ước Patơnốt năm 1884). Với Hòa ước 1884, Đại Nam hoàn toàn mất độc lập, bị xóa tên trên bản đồ thế giới, trở thành thuộc địa của Pháp, bị Pháp đô hộ.
Trước đó, do bị Tây Sơn đánh tả tơi, Nguyễn Ánh đã đi cầu viện nước Pháp. Ngày 28/11/1787, tại Paris, đại diện của Nguyễn Ánh và chính phủ Pháp đã ký Hiệp ước 10 điểm, theo đó Pháp cam kết giúp binh thuyền, quân đội và chiến cụ theo yêu cầu của chúa Nguyễn. Còn Nguyễn Ánh cam kết sẽ nhường chủ quyền cửa Hàn (Đà Nẵng) và đảo Côn Lôn cho Pháp. Nước Pháp được lập xưởng trên đất liền để sửa chữa tàu thuyền… Mặc dù Hiệp ước không được thực hiện song chính là cái cớ để Pháp xâm lược nước ta. Đó thực sự là tội tày trời của triều Nguyễn. Đánh giá về triều Nguyễn, trong “Lịch sử nước ta” (năm 1941), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết:
“Bị Tây Sơn đuổi chạy ra nước ngoài.
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng là vua Nguyễn rước Tây vào nhà.
Khác gì cõng rắn cắn gà,
...
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”.
Nước ta có thể tránh được cuộc xâm lăng của thực dân Pháp không? Có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất là chúng ta không thể tránh khỏi việc rơi vào vòng đô hộ của chủ nghĩa thực dân vì thực dân hóa là xu thế lúc bấy giờ, nhiều dân tộc ở Á, Phi đều không tránh nổi. Quan điểm thứ hai là Việt Nam có thể tránh được việc bị Pháp xâm lược, có thể chống xâm lược thắng lợi bởi dân ta có truyền thống đoàn kết, yêu nước chống ngoại xâm. Hơn nữa, Đại Nam là nước có tầm cỡ trung bình, tương đối phát triển trong khu vực còn nước Pháp ở xa và có không ít khó khăn…
Thứ ba, về việc chia cắt đất nước, đây là vấn đề đối nội song có liên quan đến đối ngoại vì chủ quyền quốc gia bị chia cắt đã làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Trong phân tranh Trịnh - Nguyễn và trong cuộc nội chiến giữa Đàng trong và Đàng ngoài có trách nhiệm của cả họ Trịnh cũng như họ Nguyễn. Ích kỷ, vì lợi ích dòng tộc là bản chất của giai cấp phong kiến đồng thời cũng là xu thế trên thế giới từ trước khi hình thành các quốc gia dân tộc. Tất cả những hành động trên đều đáng phê phán, song đó là hạn chế của giai cấp và lịch sử.
Giai đoạn các chúa Nguyễn, triều Nguyễn cùng với các vấn đề về đối ngoại, ngoại giao là giai đoạn phức tạp trong lịch sử dân tộc. Chúng ta cần có quan điểm khách quan, “công minh lịch sử” trong việc đánh giá mặt tích cực, cũng như mặt tiêu cực của các chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Trong đánh giá phải có quan điểm lịch sử và quan điểm giai cấp. Trên đây là vài suy nghĩ cá nhân, do vấn đề rất phức tạp nên cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ.
PGS.TS. Vũ Dương Huân
Theo nghiencuubiendong