logo
Loading...
Cập nhật: 13.12.2014 09:11 - Lượt xem: 2,171
(Conglydaiviet) - Vấn nạn tham nhũng đang hoành hành tại Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các định chế tài chính quốc tế. Một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày hôm nay 12-12 tại Hà Nội cho thấy, ở Việt Nam tham nhũng liên quan đến đất đai chỉ đứng sau cảnh sát giao thông.

Quản lý đất đai là một trong những ngành tham nhũng nhất

Báo cáo "Công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam" cho thấy, quản lý đất đai được coi là một trong những ngành tham nhũng nhất tại Việt Nam. Nó đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng những ngành có nhiều tham nhũng, chỉ sau cảnh sát giao thông (CSGT).

Theo báo cáo, các ngành có tỉ lệ tham nhũng cao tiếp theo tại Việt Nam là: xây dựng, hải quan, y tế, thuế, giao thông, quản lý khoáng sản, kế hoạch và đầu tư, giáo dục, công an kinh tế, ngân hàng, tòa án, tài chính…

Từ kết quả của báo cáo, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị nhà nước, Ngân hàng Thế giới cho hay, việc công khai thông tin về lĩnh vực nhà đất trên mạng của Việt Nam nhiều mảng tối hơn sáng. Trong đó, Cần Thơ là ví dụ tốt trong các tỉnh về công khai thông tin ở trên mạng về lĩnh vực đất đai. Sau đó đến các tỉnh thành phố như Hà Nội, Bến Tre, Bà Rịa, Bình Thuận, Quảng Nam, Trà Vinh, Thanh Hóa, Kiên Giang, Long An, Quảng Bình…

Ở bảng xếp hạng các tỉnh theo mức độ tiếp cận thông tin đất đai tại chỗ, Thanh Hóa dẫn đầu, sau đó đến các tỉnh thành Quảng Trị, Phú Yên, Sóc Trăng, Bến Tre, Ninh Bình, Phú Thọ, Bình Thuận, Kiên Giang, Tây Ninh, Binh Đình, Lai Châu, Nghệ An…

Lý giải vì sao lại nghiên cứu về lĩnh vực đất đai chứ không phải lĩnh vực khác bà Hương nói: “Vì đây là nguồn tài nguyên quý nhưng hữu hạn.”

Khuyến nghị để nâng cao tính minh bạch

Tại buổi công bố báo cáo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, báo cáo trên cho thấy việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam đã được cải thiện trong vài năm gần đây, nhưng thực tế vẫn còn chưa đầy đủ so với yêu cầu của luật pháp. Dù đã có những cải thiện, những thay đổi vẫn chưa đáp ứng được những quy định minh bạch khá khiêm tốn trong các bộ luật hiện hành, vẫn còn nhiều việc cần làm. Ở một vài nơi, công chức có trách nhiệm vẫn không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.

Do vậy, nghiên cứu kêu gọi Việt Nam thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin dưới hình thức một luật quy định nguyên tắc mọi thông tin là công khai trừ những thông tin nằm trong danh mục ngoại lệ.

Được biết, để tiến hành nghiên cứu nhằm xây dựng báo cáo trên, các chuyên gia của WB đã kiểm tra tình hình công khai thông tin liên quan đến đất đai trên các trang web của 63 tỉnh thành cũng như tại các cơ quan chức năng của từng tỉnh, 126 huyện và 321 xã vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị cho tất cả các địa phương được khảo sát về cách thức cải thiện tình hình công khai thông tin. Bà Hương cho hay, qua các khuyến nghị này, mỗi tỉnh, huyện hay xã biết chính xác mình cần làm để có thể nâng cao tính minh bạch. Nghiên cứu này cũng cung cấp cho mỗi tỉnh một báo cáo riêng, trong đó nêu rõ các quy định về công khai thông tin đất đai là gì, và tỉnh  có thể làm gì để cải thiện tình hình.

Nghiên cứu Công khai Thông tin Quản lý Đất đai là một phần của Dự án Minh bạch Việt Nam do Văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh  tài trợ và Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Ông Jim Carpy, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam – đơn vị đồng thực hiện báo cáo này, hy vọng những khuyến nghị thiết thực của báo cáo sẽ giúp các cơ quan trung ương và địa phương cải thiện tình hình tiếp cận thông tin của người dân trong quản lý đất đai.

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu: “Báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam.”

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online