(Conglydaiviet) - Trước ngày đưa quân xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Mao Trạch Đông đã triệu tập Tư lệnh và Chính ủy các đại quân khu về dự những cuộc họp quan trọng với nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình ngay tại thư phòng của mình ở Trung Nam Hải. Mao Trạch Đông với cương vị Chủ tịch đảng, kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương là người có quyền hạn cao nhất và quyết định tối hậu trong việc đưa quân đội (cả hải quân lẫn không quân) đi tham chiến ở nước ngoài như trường hợp đánh lấn Hoàng Sa của Việt Nam đầu năm 1974…
Ngày 20.12.1973, bầu trời “râm mát, từng đám mây lớn vần vũ trên không, che khuất ánh nắng mặt trời, khiến ta thấy lành lạnh”. Có cái gì bất thường phảng phất quanh căn phòng Mao đang họp.
Thường các cuộc tương tự nhóm “vào buổi chiều hoặc buổi tối tại Đại lễ đường”, lần này “tổ chức vào 9 giờ sáng” tại thư phòng của Mao là điều khá bất thường gây “cảm giác đặc biệt”cho vệ sĩ Trần Trường Giang - người luôn có mặt bên cạnh Mao Trạch Đông suốt 27 năm cho đến lúc Mao qua đời (sđd Kỳ 8, tr. 304-311) - Trần Trường Giang tường thuật tiếp (tóm lược):
“Theo thói quen, Mao ngồi trên chiếc ghế fauteuil đặt ở góc Tây Nam ngoảnh mặt ra cửa” để nhìn rõ từng đại biểu đang bước vào: hai nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn và Từ Hướng Tiền, Tư lệnh quân khu Tế Nam: Dương Đắc Chí và các tư lệnh: Tăng Tư Ngọc, Lý Đức Sinh, Đinh Thịnh, Bì Định Quân, Hàn Tiên Sở... Ngồi bên phải Mao là nguyên soái Chu Đức. Còn phía bên trái “không phải là vị trí của Chu Ân Lai, cũng không phải là của Giang Thanh, mà là chỗ ngồi của Đặng Tiểu Bình mới được khôi phục công tác không bao lâu” (3.1973). Mao và Đặng “ghé sát vào nhau” cười nói thân mật như tuồng giữa họ chưa từng xảy ra chuyện Đặng bị Mao phê đấu, đưa đi “cải tạo lao động” gần bốn năm trời (1969-1972). Giữa cuộc họp, Mao công bố chấp nhận sáng kiến của Đặng “điều động chéo” tư lệnh của tám đại quân khu, trong đó:
* Trần Tích Liên(nguyên Tư lệnh quân khu Thẩm Dương) điều về làm Tư lệnh quân khu Bắc Kinh (thành viên Ban chuyên trách “phản ứng nhanh” cục diện Hoàng Sa)
* Hứa Thế Hữu(nguyên Tư lệnh quân khu Nam Kinh) điều về làm Tư lệnh quân khu Quảng Châu (nơi xuất phát các lực lượng Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa).
Sau cuộc họp trên hai ngày, lệnh điều động được Chu Ân Lai khởi thảo và ra quyết định vào 22.12.1973. Mao nói: “Tôi vẫn có thể đánh trận. Cần đánh thì đánh, thiên hạ đại loạn, trong đó có cả Trung Quốc. Tôi còn ăn được, ngủ được, nên nếu cần đánh, tôi rất sẵn sàng”.
Trước đó liên tục trong các ngày từ 12 đến 15.12, Mao chủ trì hội nghị Bộ Chính trị và mở các cuộc họp về tình hình quốc phòng và chấn chỉnh quân đội. Ở tuổi 81, Mao vẫn hiếu chiến, hô hào:
- “Chuẩn bị ra trận, nội chiến, ngoại chiến đều xảy ra, tôi có thể đánh vài trận !”. Và ở thời điểm đó (12.1973), “ngoại chiến” với ai nếu không phải là xua quân đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1.1974) ?
Để bạn đọc tiện theo dõi diễn tiến của “sự kiện Hoàng Sa 1974”, trước tiên chúng tôi tóm lược dưới đây tài liệu chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) in ronéo và phổ biến tháng 3.1974 tại Sài Gòn (tiếp đó là các tài liệu khác). Mở đầu:
Ngày 11.1.1974: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố và lạm xưng chủ quyền nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của nước CHND Trung Hoa
Ngay hôm sau 12.1.1974: Từ Sài Gòn, chính phủ VNCH phát đi bản tin đặc biệt, nội dung:“Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của Trung Cộng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Và Bộ Tư lệnh Hải quân của Quân đội Sài Gòn đã chỉ thị cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16 đến Hoàng Sa tuần phòng.
Ba ngày sau 15.1.1974: Trung Quốc đưa một chiếc tàu giả dạng làm thuyền đánh cá của ngư dân để“bất thần chở người đến đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, cắm cờ và dựng lều trên đảo. Chiến hạm VNCH dùng quang hiệu đuổi họ rời khỏi đảo, nhưng vô hiệu. Địch quân cũng đổ bộ lên các đảo Vĩnh Lạc, Quang Hòa, Duy Mộng và tăng cường chiến hạm vào vùng quần đảo. Chiến hạm ta cũng đã dùng loa và đèn hiệu yêu cầu những người Trung Cộng rời khỏi đảo, nhưng cũng vô hiệu”.
Ngày 16.1.1974: Chính phủ VNCH ra tuyên bố với những dẫn chứng rõ ràng về pháp lý, địa lý, lịch sử để xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời ra lệnh hải quân phải lấy lại các đảo đã bị Trung Quốc lấn chiếm trái phép.
Ngày 17.1.1974, Hồi 7g45: một tiểu đội xung kích của hải quân Sài Gòn đã “đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc không gặp sự kháng cự nào, chỉ tìm thấy trên đảo có 6 ngôi mộ mới, có bia viết chữ Tàu - Có lẽ đây là bằng chứng ngụy tạo của Trung Cộng nhằm chứng tỏ người Tàu đã chiếm giữ đảo này từ lâu. Toán xung kích đã được lệnh nhổ cờ Trung Cộng cắm trên đảo và phá hủy hết mọi dấu tích ngoại bang”.
Cùng ngày, Trung Quốc đưa 3 tàu vào neo cạnh đảo Cam Tuyền với các xuồng nhỏ ra vào nhằm liên lạc với một toán quân xâm chiếm khác đang có mặt trên bờ. Đáp lại, hai chiến hạm HQ16 và HQ4 của VNCH đã đưa một toán quân thuộc lực lượng đặc biệt của Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn (biệt hải) đổ bộ lên đảo lúc 15g30, đẩy toán quân Trung Quốc cả người lẫn xuồng rút lui ra xa: “lục soát trên bờ tìm thấy một lá cờ Trung Cộng và một bảng gỗ thông sơn đỏ ghi chữ “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - lãnh thổ bất khả xâm phạm”. Những vật đó Trung Cộng mới đưa tới hai ngày trước. Còn những vết tích của Việt Nam trên đảo vẫn tồn tại gồm một bia ghi ngày 5.12.1963 của Thủy quân lục chiến, 2 bể đựng nước bằng xi măng và 1 ngôi miếu nhỏ đề ngày (tạo dựng) 24.11.1963”.
Ngày 18.1.1974: Phía Trung Quốc tăng cường thêm chiến hạm trang bị đại pháo 100 ly và 37 ly chạy tốc độ tối đa, yểm trợ tàu chuyển vận chở thêm quân tới, muốn đổ bộ “tái chiếm lại đảo Cam Tuyền”. Phía hải quân Sài Gòn cũng tung lực lượng đặc nhiệm để “tái chiếm lại đảo Quang Hòa và Duy Mộng”. Chiến hạm của hai bên áp sát gần hơn và nằm trong tầm súng của nhau, chờ khai hỏa.
Để bạn đọc tham khảo và đối chiếu với các nguồn khác, chúng tôi trích tài liệu chính thức do phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) phổ biến về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam dày 96 trang (ký số 7404 - Sài Gòn 3.1974) với lời dẫn nhập:
“Vụ Trung Cộng đột nhiên xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trở thành một trong những vấn đề quan trọng và gây sôi động nhất vào đầu năm 1974. Có nhiều điểm đáng chú ý trong vụ nầy. Trước hết sự việc một nước lớn sử dụng lực lượng quân sự hùng mạnh để cưỡng chiếm lãnh thổ của một láng giềng nhỏ bé là một hành động mà nhân loại phải lên án”. Về chi tiết trận hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974, tài liệu trên thông tin:
1. So sánh lực lượng: Phía hải quân VNCH “có 4 chiến hạm”. Phía Trung Quốc “có 4 chiến hạm lớn, 2 tàu vũ trang nhỏ, 1 tàu chuyển vận loại trung và 1 pháo hạm không rõ loại”.
2. Tuy hỏa lực VNCH có “trội hơn đôi chút và các tàu của ta có sức chịu đựng cao hơn tàu địch”nhưng lại “kém hơn về số lượng và vận tốc”. Lại thêm: “điểm bất lợi lớn lao nhất là chiến hạm ta ở ngoài tầm yểm trợ của không quân Việt Nam, trong khi Trung Cộng có thể huy động phản lực cơ Mig, đưa thêm chiến hạm có gắn hỏa tiễn và cả tiềm thủy đỉnh tới trợ chiến”.
3. Về bố trí chiến thuật của hai bên: Hải đội Trung Quốc “dàn thành hai vòng cung phía tây đảo Quang Hòa: phía ngoài là 4 hộ tống hạm gồm 2 chiếc loại Kronstadt và 2 chiếc loại T43, phía trong là 2 tàu võ trang và 1 tàu chuyển vận”. Hải đội VNCH “làm một vòng bao phía ngoài tàu địch cách xa bờ từ 4 - 6 cây số gồm có khu trục hạm HQ.4, tuần dương hạm HQ.5, hộ tống hạm HQ.10 và tuần dương hạm HQ.16”.
Diễn tiến trận đánh (nguyên văn):
- Hồi 6 giờ 30: “Ta bắt đầu đổ bộ biệt hải và hải kích lên Quang Hòa, trong khi đó Trung Cộng cũng đổ bộ lên đảo. Một giờ sau, ta hoàn tất việc đổ bộ, toán xung kích của ta ở trong tình trạng rất nguy hiểm: phía trước mặt có khoảng 1 trung đội địch chưa kể các binh sĩ núp trong công sự chiến đấu, mới dựng mấy ngày trước, phía sau lưng có một đại đội địch vừa đổ bộ”.
- 8 giờ 30: “lực lượng địch trên đảo nổ súng gây cho ta 2 chết và 2 bị thương. Phía ta bình tĩnh chưa nổ súng lại và đợi lệnh. Trong lúc đó ngoài biển chiến hạm địch húc mũi vào chiến hạm ta, nhưng ta né tránh được và chuyển vận húc trả đũa”.
- 8 giờ 52: “lực lượng hành quân của ta tại Hoàng Sa được lệnh phản pháo tự vệ - toán đổ bộ được lệnh triệt thoái xuống tàu”.
- 10 giờ 25: “trận hải chiến Việt Nam - Trung Cộng khai diễn rất dữ dội, hai bên sử dụng toàn thể hỏa lực nặng nhẹ để tiêu diệt nhau, nên chiến hạm nào cũng bị trúng nhiều phát đạn. Ngay trong ít phút đầu, một tàu Kronstadt bị trúng đạn bốc cháy, nhiều thủy thủ của ta sau đó cho biết tàu đã bị nổ và chìm, tuy nhiên chưa xác nhận rõ được kết quả, 2 chiếc T-43 thì một cháy và một bị trúng đạn ngay phòng lái không điều khiển được. Chiếc Kronstadt thứ nhì của địch bị trúng đạn nặng, nghiêng và ủi mạnh vào bờ san hô gần đó, phần lái bị chìm, tàu coi như bị phá hủy hoàn toàn. Về phía ta, các chiến hạm HQ.4 và HQ.5 đều trúng đạn, hư hại dụng cụ liên lạc vô tuyến và bị nhiều lỗ thủng trên sàn tàu.
Tuy nhiên những thiệt hại đó đều nhẹ và chiến hạm tiếp tục chiến đấu được. HQ.16 bị trúng đạn hư hại một phần máy và lườn tàu bị thủng nước tràn vào, chiến hạm vừa tác chiến vừa rút dần khỏi tầm đạn địch về phía Tây. Riêng chiến hạm HQ.10 bị thiệt hại nặng nhất, chiến hạm này là chiếc nhỏ nhất trong 4 chiến hạm của ta tham chiến, võ khí chỉ có một đại bác 76 ly, 2 khẩu 40 ly và vận tốc kém nhất. Bị địch dồn hỏa lực nặng vào đài chỉ huy và hầm máy, HQ.10 chịu nhiều thiệt hại nhân mạng, hạm trưởng tử trận, những đoàn viên còn lại anh dũng cầm cự đến phút chót và chỉ bỏ tàu lúc 11 giờ 00 khi toàn thể chiến hạm bốc cháy dữ dội”.
- 11 giờ 10: “Trung Cộng tăng cường thêm 2 tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn và vận tốc nhanh gần gấp hai tàu của ta. Sợ bị lâm vào thế thất lợi, các chiến hạm của ta được lệnh rời chiến trường. Đến 11 giờ 21 thì trận hải chiến kết thúc. Sau một giờ giao tranh chiến hạm Việt Nam và chiến hạm Trung Cộng ở ngoài tầm súng của nhau”.
- Buổi chiều: “Các chiến hạm của ta trở về bảo vệ các đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, đồng thời tìm cách tiếp cứu cho HQ.10”
- Buổi tối: “Ba chiến hạm hải quân được lệnh trở về Đà Nẵng, chiến hạm HQ.11 và 3 tiểu đỉnh đến Hoàng Sa thay thế nhiệm vụ”.
Từ Bộ chỉ huy tối cao ở Bắc Kinh, qua điện báo khẩn của đại quân khu Quảng Châu và báo cáo tổng hợp trong ngày (19.1) của Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Mao Trạch Đông - Chu Ân Lai - Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình biết tình hình chiến sự ở Hoàng Sa chưa “dứt điểm” hẳn theo dự kiến, liền phát lệnh máy bay Mig xuất kích. Đây là con “chủ bài” quyết định thế trận Hoàng Sa.
(Còn nữa)
Nguồn motthegioi