Cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, do lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ra lệnh "dạy cho Việt Nam một bài học", để trả đũa việc Việt Nam đưa quân tình nguyện qua Campuchia ngăn chặn những hành vi diệt chủng của đồng minh Khơme Đỏ của Trung Quốc. Cuộc chiến bạo tàn này làm tối đi cái nhìn của Việt Nam về quan hệ với Trung Quốc (Shadow of Brutal '79 War Darkens Vietnam's View of China Relations) là một bài phóng sự của báo Mỹ New York Times, viết từ Lạng Sơn.
Quân xâm lược được lệnh tiêu diệt không thương tiếc
Hà Thị Hiền chỉ mới 14 tuổi, khi pháo Trung Quốc (TQ) nã rền vượt các ngọn đồi xuống quanh nhà em ở miền bắc Việt Nam và hàng trăm quân TQ tràn qua biên giới. Hiền còn nhớ em cùng cha mẹ chạy nhanh qua những cây mận, mái tóc dài đến eo của em tung bay trong gió khi họ chạy trốn bọn xâm lược. Nhưng họ chạy đúng vào hướng quân thù tiến đến. Vài phút sau, người mẹ bị bắn chết ngay trước mặt Hiền, cha em bị thương nặng. Bà Hiền nay 49 tuổi, kể: "Tôi rất sợ, lúc ấy không thể nghĩ mình sẽ sống sót. Đạn vãi quanh tôi, tôi nghe được tiếng đạn bay và ngửi thấy mùi thuốc súng". Bà Hiền đưa tay sát đầu để mô tả đạn bay sát, vào ngày đầu tiên của cuộc chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc.
Chiến tranh biên giới 1979, do lãnh tụ Đặng Tiểu Bình ra lệnh "dạy cho Việt Nam một bài học", để trả đũa việc Việt Nam đưa quân tình nguyện qua Campuchia ngăn chặn những hành vi diệt chủng của đồng minh Khơme Đỏ của TQ.
Hai bên đều tuyên bố chiến thắng nhưng đều chịu tổn thất nặng nề. Những hoài niệm về cuộc chiến ấy hằn mãi dọc vùng biên giới, không chỉ về số binh sĩ hai bên tử trận, mà còn vì quân TQ đốt phá xóm làng khi rút quân, phá hủy bệnh viện và trường học. Sau này, quân đội TQ gọi đó là "nụ hôn tạm biệt".
Lạng Sơn nay đã được tái thiết, những tòa nhà cao tầng sáng đèn tạo cảm giác về một điểm thương mại thịnh vượng. Nhưng người ở đây vẫn còn nhớ một dòng sông toàn xác chết, vẫn nhớ phải mất bao lâu mới bay tan hết mùi tử khí.
Ước tính tổng số lính hai bên bị giết là 50.000 quân, cộng thêm 10.000 dân thường Việt Nam bị giết. Lính TQ được chỉ đạo phải tàn nhẫn "thể hiện những cảm xúc cực đoan", theo một cựu sĩ quan tình báo TQ:
Xu Meihong đã qua Mỹ định cư và là người góp phần kể nhiều chuyện trong cuốn sách sử về cuộc chiến tranh biên giới mang tựa "Chiến lược quân sự TQ trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba" của tác giả Edward C. O’Dowd.
Dũng sĩ diệt quân xâm lược
Việc Trung Quốc quyết định san bằng Lạng Sơn để lại ấn tượng sâu sắc nơi một học sinh trung học, anh Lương Văn Lang nay là một bảo vệ. Anh kể: "Tim tôi tràn hận thù, toàn thành phố bị phá hủy, mọi thứ đều là đống đổ nát".
Hai năm sau khi lính TQ rút, Lang được tuyển làm tay súng bắn tỉa ở đơn vị dân phòng, nhằm chống TQ thực hiện các cuộc đánh lén suốt những năm 1980. Lang kể: "Tôi thường thức giấc lúc 2 giờ sáng, từ một cao điểm trông thấy lính TQ đào hầm. Đồi của chúng thấp hơn đồi của chúng tôi, đôi lúc chúng chuyển lên cao hơn. Chúng tôi chờ khi chúng chuyển đi thì bắn chúng".
Lang đã tiêu diệt 6 tên lính TQ trong 10 ngày, anh tự hào kể và vì lòng can đảm cùng việc bắn hạ địch chính xác, Lang được trao tặng 3 huy chương mà nay anh trân trọng cất giữ trong một chiếc hộp lót vải satin.
Sau khi Việt Nam và TQ bình thường hóa quan hệ năm 1991, quan hệ hữu nghị anh em ấm lại, thương mại vùng biên nở hoa, những hoài niệm về chiến tranh tàn phai.
Nhưng các hoài niệm ấy ồ ạt trở lại hồi cách đây 2 tháng, khi TQ đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày nào cũng có chuyện tàu TQ đâm va, rượt đuổi tàu Việt Nam.
Bà Hiền nay mở một khách sạn ở Lạng Sơn đón khách du lịch TQ, nói bà vẫn nhớ nỗi kinh hoàng thời niên thiếu. Sau khi mẹ bà bị lính TQ giết, bộ đội biên phòng Việt Nam nhờ một người phụ nữ lớn tuổi trông nom người thiếu nữ. Họ khuyên hai người mất gia đình cùng những người đồng cảnh ngộ đến trú ẩn trong một cái hang.
Bà Hiền kể: "Hàng trăm người đã bị giết ở đó. Tôi nhìn thấy một chị bị chặt hết hai đùi, nằm trên khoảnh đất. Nhìn mắt chị, biết chị còn sống và xin cứu, nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì. Tôi sẽ không bao giờ quên được...".
Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam?
Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 giữa TQ với Việt Nam chỉ kéo dài chưa tới 1 tháng, nhưng kinh hoàng đến độ di sản của cuộc chiến này thấm lan sang mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và TQ, vì cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Việt Nam đã phải triển khai nghệ thuật sống cạnh một láng giềng quyền lực, một kỹ năng đã được khổ luyện suốt hàng ngàn năm bị TQ đô hộ và trải qua hơn chục cuộc chiến tranh với TQ.
Nhưng với TQ ngày càng giàu hơn, quân đội mạnh hơn và nhiều tham vọng hơn bao giờ hết, tinh thần ghét TQ của người Việt dâng cao.
Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy, ông Leon E. Panetta thăm vịnh Cam Ranh, nơi Mỹ từng có căn cứ lớn thời chiến tranh Việt Nam, nhưng quân đội Việt Nam vẫn giữ khoảng cách với Mỹ.
Một phần lý do của sự xa cách: Mỹ cấm bán vũ khí Mỹ cho Việt Nam, nhưng Washington đang ngày càng quan tâm gỡ bỏ lệnh cấm này và ứng viên Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Ted Osius, khi điều trần trước Thượng viện hồi tháng 6, đã đề nghị Mỹ nên xem xét gỡ bỏ lệnh cấm này.
Hiện Việt Nam chủ yếu mua vũ khí Nga, Ấn Độ và Israel. Việt Nam đã nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và đặt mua 4 chiếc nữa.
Nhật cũng hứa cung cấp tàu tuần duyên. Và nhằm khuyến khích Việt Nam đón nhận nhiều thêm từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố gói 18 triệu USD giúp phương tiện phi sát thương cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, khi ông thăm Việt Nam hồi tháng 12.2013.
Việt Nam không muốn Mỹ can thiệp, theo ông Đặng Đình Quý, chủ tịch Viện Ngoại giao Việt Nam. Ông nói: "Chúng tôi không kỳ vọng có sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Chúng tôi tin tưởng có thể tự giải quyết được vấn đề. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược hiện nay nhằm tránh va chạm và nếu điều đó có xảy ra, chúng tôi sẽ cố gắng xử lý. Chúng tôi hoan nghênh những ai sử dụng biển Đông nếu họ bảo đảm hòa bình, ổn định và trật tự trên khu vực này".
Nguồn motthegioi