logo
Loading...
Cập nhật: 20.10.2014 08:22 - Lượt xem: 2,151
(Conglydaiviet) - "Im lặng là vàng" câu cách ngôn người đời thường vận dụng để mưu cầu lợi ích vào thời điểm thích hợp. Nhưng trong đời sống quốc gia, liên quan đến lợi ích chung thì "quyền im lặng" lại là một chuyện khác. Trong khi các chuyên gia, các nhà lập pháp trăn trở, băn khoăn tìm cách luật hóa quyền im lặng của nghi can thì ngược lại, một số quan chức thực thi triệt để “quyền” này khi có chuyện xảy ra trong lĩnh vực họ phụ trách.

1. Vụ án các cán bộ ở trạm cân Đắk Nông bị công an sờ gáy vì nhận hối lộ của tài xế, chủ xe, báo chí rất muốn biết Sở GTVT tỉnh này đã xử lý, kỷ luật thế nào với những người bị công an bắt trước đó mấy tháng vì nhận tiền cho xe qua trạm. Theo công an, các cán bộ thanh tra trong vụ đó bị bắt khi nhận tiền nhưng số tiền không đủ để khởi tố hình sự nên họ đề nghị Sở GTVT tỉnh Đắk Nông xử lý kỷ luật, chấn chỉnh. Không hiểu Sở GTVT tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh, xử lý thế nào mà tiếp tục có chuyện và ba cán bộ thanh tra giao thông ăn tiền ở trạm cân, bị công an “vịn”. 

Nhiều phóng viên của các báo nhiều lần đến trụ sở, gọi điện thoại cho lãnh đạo sở này để hỏi về việc xử lý, chấn chỉnh, để thực thi quyền được biết của người dân. Thế nhưng các phóng viên hoặc không gặp hoặc bị từ chối trả lời với lý do “công an đang điều tra”. Khổ nỗi, công an điều tra là đang điều tra vụ án sau, không liên quan với việc xử lý, chấn chỉnh theo kiến nghị của công an trước đó nhưng các lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đắk Nông đã cố tình đá bổng, “im như thóc”.

2. Trước đây, khi xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký, phóng viên các báo cũng xúm đen xúm đỏ tìm gặp lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương để truy việc quản lý bến bãi, bằng cấp của thuyền trưởng… Tuy nhiên, các phóng viên đều bị từ chối với câu trả lời “lãnh đạo bận họp, đi vắng…”. Khi các phóng viên biết chắc vị lãnh đạo này đang có mặt tại một cuộc họp ở Bình Dương, đã xin gặp thì nhân viên cho biết “lãnh đạo đang ở Hà Nội”, các phóng viên đành bó tay với cách “ngậm miệng” này!

Những trường hợp như trên không hiếm. Khi xảy ra chuyện, phóng viên các báo thường tìm các lãnh đạo nơi xảy ra sự việc để thực thi quyền được biết, được thông tin của người dân. Pháp luật cũng đã có hàng loạt quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, các vị ấy hoặc không biết hoặc cố tình không biết nên làm lơ, thực thi phương châm “ngậm miệng ăn tiền; im lặng là vàng” triệt để, làm nản lòng các phóng viên.

Thực thi quyền im lặng của nghi can là một cách thực thi quyền con người. Còn thực thi “quyền im lặng” của các quan chức trong các trường hợp nêu trên là vi phạm vào quyền được biết của người dân, xem thường công luận. Nhiều quan chức rất thích xài cái quyền này, dù có biết hay không biết là đang xài “lộn tiệm”.

Nguồn PLO