(Conglydaiviet) - Kết thúc năm 2014, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã công bố mức tiền thưởng ‘khủng và chóng mặt’, mang lại niềm vui tột độ nhưng cũng gây choáng và sốc cho những người ngoài cuộc. Như đã thành thông lệ, nhiều năm qua cứ mỗi dịp tết đến là người lao động trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp lại luận bàn, phán đoán, hy vọng và hồi hộp trông đợi món tiền thưởng tết mà mình sẽ được nhận...
Thưởng tết – trách nhiệm và quyền lợi chính đáng
Trong quản trị nhân sự ngày nay, phần đa các tổ chức và doanh nghiệp đều thừa nhận và duy trì động lực vật chất thúc đẩy tinh thần làm việc, sự tận tụy và gắn bó lâu dài, làm gia tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến của người lao động...bằng tiền thưởng. Mỗi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đều xác lập chế độ tiền thưởng như một định chế nội bộ theo tính chất ngành nghề, hiệu quả hoạt động của từng thời kỳ với từng tiêu chí minh bạch.
Sự đa dạng về thưởng đã trở nên thường xuyên và phong phú: thưởng chuyên cần hàng tháng, thưởng vì có sáng kiến, thưởng vì thành tích đột xuất, thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quí – sáu tháng đầu năm, thưởng theo ngày nghỉ lễ, thưởng tham quan du lịch...và nhiều chế độ lợi ích khác nhưng vẫn mang tinh thần của ‘thưởng’. Khoảng 10 năm trở lại đây, trong nhiều món thưởng thì ‘thưởng tết’ là khoản được người lao động trong tổ chức, doanh nghiệp trông mong nhất.
Thưởng tết ngày nay đã trở thành một định chế nội bộ của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, được ghi nhận thành văn trong qui chế hoạt động nội bộ một cách chi tiết. Đây là điều đáng hoan nghênh của mọi tổ chức, nó là sự cụ thể hóa định chế tiền thưởng qui định của pháp luật lao động vào trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Sự cam kết ấy đã trở thành một thứ trách nhiệm nhân văn đặt lên vai các nhà quản lý, lãnh đạo. Đòn bẩy vật chất này không dễ gánh vác nhưng tự nó đã mang khả năng giúp cho các nhà quản lý công cụ để thúc đẩy, gia tăng nhịp độ công việc và rút ngắn thời gian hoàn thành. Thật khó để đòi hỏi nhân viên trung thành, sáng tạo, tích cực và gắn bó lâu dài khi những đảm bảo đối với họ chỉ là những lợi ích nhất thời, nửa vời, hạn hẹp, thiếu rõ ràng và không nhất quán.
Về phía người lao động, ngoài khoản tiền lương - trợ cấp chính đáng và hợp pháp, thì khoản tiền thưởng tết cũng là một thứ hoàn toàn chính đáng. Sau một năm đồng hành cùng cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, người lao động chính là lực lượng dự phần cực nhọc đầu tiên để biến các kế hoạch, chỉ tiêu, mục đích của tổ chức, doanh nghiệp thành hiện thực. Sẽ là rất bất công khi người lao động cực nhọc trực tiếp không được thưởng trong khi người tiêu dùng thì được thoải mái tận hưởng sự ngọt ngào từ khoản khuyến mại vào dịp tết đến.
Thưởng tết - cần một sự hài hòa, nhẹ nhàng và tinh tế
Trong đời sống xã hội, có rất nhiều các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Do sự khác nhau về lĩnh vực và địa bàn hoạt động, qui mô và năng lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng điều hành cùng với tác động của hoàn cảnh bên ngoài, dẫn đến sau mỗi kết thúc năm thì các tổ chức, doanh nghiệp cũng khác nhau về thành quả hoạt động.
Thưởng tết là khoản lợi ích được nhà quản lý tổ chức phân phối lại dựa vào thành quả vật chất thu được của tổ chức, doanh nghiệp mình sau một năm miệt mài nỗ lực. Thực tế đó đã tạo nên bức tranh đa màu: sự khác nhau về mức thưởng tết giữa các tổ chức, doanh nghiệp; sự khác nhau về mức thưởng của từng cá nhân trong cùng tập thể lao động của cùng một tổ chức, doanh nghiệp.
Người được thưởng nhiều tất sẽ hài lòng, hoan hỉ. Kẻ nhận phần bé nhỏ tất sẽ nặng lòng vì oán thán và so đo. Đó là cách tự nhiên ai cũng có thể bộc lộ trước mức độ các lợi ích mà mình được dự phần thụ hưởng. Sẽ thật khó để loại trừ hệ quả không hay ho từ câu chuyện thưởng tết, nhưng vẫn có cách để câu chuyện thưởng tết trở thành một sự kiện hài hòa, nhẹ nhàng và tinh tế.
Trước hết, nên chăng thưởng tết nên chỉ là câu chuyện nội bộ của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Sự công khai(nếu có) chỉ dành cho cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của bên thưởng và bên nhận thưởng là đủ. Nếu điều này đạt được thì con số tiền thưởng sẽ không xuất hiện và trình diễn trên phương tiện truyền thông, sẽ không làm ‘nóng – lạnh’ đến tình cảm của những tổ chức, cá nhân mà việc thưởng tết của họ là câu chuyện không mấy thú vị.
Thứ hai, khi mà thông tin về thu nhập cá nhân đã thuộc về đời tư, điều này cần được tôn trọng vì được luật pháp công nhận và bảo vệ, thì sự công khai thu nhập(lương, thưởng…) liên quan đến cá nhân nào hãy để cho cá nhân đó toàn quyền tự quyết.
Thưởng tết mức cao dành cho người lao động là niềm tự hào của các nhà quản trị tổ chức, doanh nghiệp thành công, điều này rất đáng khuyến khích và tôn vinh. Nhưng sự tôn vinh như những gì thể hiện trên phương tiện truyền thông thời gian qua ít nhiều đều ảnh hưởng và gây xáo trộn về tâm tư, tình cảm của các cộng đồng người lao động ở các ngành nghề khác nhau. Trong khi đó vẫn còn nhiều cách khác để tôn vinh mà vẫn hạn chế được những điều không ai mong muốn.
Để làm được điều này, rất cần sự nhận thức đồng thuận của toàn xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước. Trước hết, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp – những đơn vị chủ trì câu chuyện thưởng tết, hãy cân nhắc thật kỹ càng trước khi tổ chức việc thưởng để biến nó thành câu chuyện vui vẻ, hài hòa, nhẹ nhàng và tinh tế./.
LS Nguyễn Phúc Lưu