logo
Loading...
Cập nhật: 11.02.2017 01:37 - Lượt xem: 4,208
(Conglydaiviet) - Sáng ngày 10/02/2017, Toà Phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ - Khu vực 9, đã ra phán quyết giữ nguyên kết quả mà toà án liên bang ở Seattle đã đưa ra ngày 03/02/2017. Bản án này mang lại cho chính quyền Trump một thảm bại tai tiếng trước đơn kiện của chính quyền các bang Washington và Minnesota, dù rằng trước ngày tòa phúc thẩm phán quyết, Trump đã chỉ trích tòa án liên bang "mang nặng tư tưởng chính trị" và tự tin rằng "ngay cả học sinh kém nhất" cũng nhận thấy rõ lý lẽ thuộc về ông.

Vào ngày 20/01/2017, ông Donald Trump chính thức ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ sau một cuộc bầu cử gây nhiều sự cố bất ngờ đầy ngạc nhiên và kỳ lạ từ một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới với một nền chính trị luôn là tâm điểm của dư luận quốc tế.

Đến ngày 28/1/2017, Donald Trump ký ban hành Sắc lệnh cấm nhập cư(vốn được Trump ấp ủ như một cam kết với một bộ phận cử tri Mỹ khi tranh cử) có nội dung chính là: không nhận người tị nạn từ Syria vĩnh viễn; cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với công dân của 07 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria trong vòng 90 ngày.

Ngay lập tức, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối xảy ra chĩa mũi nhọn về Tổng thống Mỹ với các cáo buộc: vi hiến, lạm quyền, phân biệt đối xử, thiếu cơ sở pháp lý, hạ thấp giá trị tự do và dân chủ Mỹ. Đỉnh điểm là một cuộc chiến pháp lý được khơi mào do chính quyền các bang Washington và Minnesota phát đơn khởi kiện ra tòa địa hạt liên bang vì cho rằng Sắc lệnh của Tổng thống vi hiến(vi phạm Hiến pháp). 

Vào ngày 03/02/2017, Thẩm phán liên bang Mỹ James Robart ở Seattle, bang Washington, ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của Sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Donald Trump ban hành. Cú đánh trực diện của một Thẩm phán "vô danh" vào một Tổng thống nổi danh như Trump làm nước Mỹ choáng váng và cả thế giới trở nên ồn ào từ các quan điểm luận bàn.

Nền dân chủ của Hoa Kỳ mấy trăm năm qua vẫn luôn gây ngỡ ngàng cho cả thiên hạ. Từ thuở lập quốc, các bộ óc ưu tú đã khai mở và thiết kế nên một hệ thống công quyền kiểu tam quyền phân lập tuyệt đối. Theo đó, quyền lập pháp được trao vào tay Quốc hội, quyền hành pháp được trao cho Tổng thống và quyền tư pháp(phán xử) do Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới thực thi. Mô hình tổ chức thực thi quyền lực nhà nước theo cách này tạo nên hệ thống kiểm soát và cân bằng nhằm mục đích để cho quyền lực nhà nước không bị lạm dụng quá mức. Mỗi nhánh có thể kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn quyền lực của nhánh kia để không một nhánh quyền nào trở nên quá áp đảo muốn làm sao thì làm.

Hệ thống tòa án liên bang Mỹ được tổ chức theo ba cấp: các Tòa án địa phương đóng vai trò là Tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án phúc thẩm liên bang gồm 13 khu vực với thẩm quyền là Tòa án xét xử phúc thẩm đầu tiên, và Tòa án tối cao liên bang là cấp xét xử Giám đốc thẩm và tái thẩm cao nhất. Các tòa này có quyền phán xử và kết luận đối với bất kỳ đạo luật hay quy định nào của chính quyền các bang và liên bang là vi phạm hiến pháp hay xâm phạm quyền lợi của người dân hay không.

Sau khi thua kiện, Tổng thống Trump rất cay cú, ông mạnh mồm công kích thẩm phán bằng lời lẽ hoài nghi có tính phỉ báng - một điều rất đại kị trong hệ thống tư pháp Mỹ. 
Trump đã chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm liên bang Mỹ Khu vực 9 với nội dung đề nghị đảo ngược phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm để ngay lập tức khôi phục lệnh cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm đã không vội chấp nhận mà còn yêu cầu bên khởi kiện và bên kháng cáo(Bộ Tư pháp Mỹ) trình thêm bằng chứng để chứng minh yêu cầu của mình là chính đáng và hợp pháp.

Theo chỉ đạo của Trump, Bộ Tư pháp Mỹ phải cố sức để biện luận Sắc lệnh của ông Trump là việc thực thi đúng quyền hành đã được Hiến pháp trao cho tổng thống, lệnh cấm nhằm một mục đích tốt đẹp là mang lại an toàn cho nước Mỹ và hoàn toàn không có tính chất kì thị Hồi giáo.

Kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/02/2017, sau khi nghe trình bày của các bên, các thẩm phán nhất trí công nhận các quan ngại của chính quyền liên bang về an ninh quốc gia trước tình hình nhập cư, tuy nhiên do bên kháng cáo không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy các quan ngại này là có đủ cơ sở hợp lý, rõ ràng và xác đáng để ban hành một lệnh cấm nhập cư công dân của 07 nước; đồng thời cũng không có bằng chứng khẳng định công dân từ 07 nước ghi trong lệnh nhập cảnh vào Mỹ với âm mưu tấn công khủng bố. Vì vậy, Tòa phúc thẩm đã phán quyết bác bỏ kháng cáo yêu cầu khôi phục sắc lệnh cấm nhập cư theo đề nghị của chính quyền Trump. 

Trong khi Trump và bộ sậu cay cú thì bên thắng kiện và những người ủng hộ việc xóa bỏ lệnh cấm mặc sức ăn mừng, còn công dân của 07 nước Hồi giáo đủ điều kiện nhập cảnh hợp pháp nay lại được tiếp tục đến Mỹ như trước khi có lệnh cấm. Mất mặt và buồn bã như bao kẻ thu kiện vẫn thường phải đối mặt, viết trên Twitter theo cung cách ngông nghênh, xấc láo và ngạo mạn vốn có, Trump tự tin thách thức "hẹn gặp các người tại tòa án". Đội ngũ tham mưu của chính quyền Trump hiện đang tập trung nghiên cứu phán quyết của toà án và cân nhắc giải pháp đề nghị Toà án Tối cao liên bang xem xét lại phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang - Khu vực 9.

Theo truyền thống và lịch sử xét xử mấy thập kỉ qua của Tòa án tối cao liên bang Hoa Kỳ, thì mỗi năm có khoảng trên dưới 15.000 vụ việc trong toàn quốc được đưa đến cấp này để xem xét theo các thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm, tuy nhiên tỉ lệ vụ việc được chấp nhận chỉ xoay quanh con số khoảng 1%, nghĩa là mỗi năm chỉ có khoảng 150/15.000 vụ được Tòa án tối cao liên bang xem xét lại, còn lại đều Tòa bị bác bỏ mà không cần phải đưa ra lý do.

Như vậy, cuộc chiến pháp lý mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Đó là chưa kể cơ cấu nhân sự của Tòa án tối cao liên bang(gồm 09 thẩm phán) hiện đang khuyết 01 thẩm phán đã qua đời năm 2016. Theo qui định của pháp luật Hoa Kỳ, việc xem xét một vụ việc tại Tòa án tối cao liên bang bắt buộc phải có đủ 09 thẩm phán. Trong khi đó công việc bổ nhiệm vị trí thẩm phán còn khuyết này đang phải chờ nhiều thủ tục nhiêu khê và các tranh luận về chọn lựa ứng viên chưa ngã ngũ của hai đảng và lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ. 

Donald Trump chắc chắn sẽ không buông vụ kiện làm ông bị mất mặt, dù rằng việc lật lại một vụ kiện đã được chấp nhận bởi Tòa án hai cấp(sơ thẩm và phúc thẩm) sẽ không phải là điều dễ dàng. Vì rằng, trong lịch sử Tòa án Mỹ cơ quan này chưa bao giờ bị khống chế, chỉ huy hay chi phối bởi bất kỳ cấp chính quyền nào cả. Công luận và các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước Mỹ sẽ lại có thêm thời gian luận bàn và suy đoán về đoạn kết của việc thay đổi số phận lệnh cấm mà Trump đã ban ra./.

CONGLYDAIVIET