logo
Loading...
Cập nhật: 07.10.2015 10:36 - Lượt xem: 2,425
(Conglydaiviet) - Giải trình về sai phạm trong vụ xây dựng tòa nhà số 8B Lê Trực – Quận Ba Đình, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2015, chính quyền TP Hà Nội cho rằng chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây lên chiều cao thực tế vượt 16 m, tương đương với 5 tầng. Để giải quyết hậu quả sai phạm, ngày 06/10/2015 UND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tự tháo dỡ phần công trình xây dựng vượt mức cấp phép và sẽ bị cưỡng chế nếu không chấp hành.

Nhìn từ Quảng trường Ba Đình người ta thấy rõ Toà nhà số 8B Lê Trực(ảnh) được cấp có thẩm quyền xác định là xây dựng vượt mức cấp phép 05 tầng. Trong khi đó, theo Quy hoạch chung Hà Nội và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình thì chiều cao tối đa các công trình kiến trúc thuộc khu vực này chỉ được xây dựng chiều cao tối đa bằng với công trình được lấy làm chuẩn tại khu vực này là Nhà làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất: Quốc hội.

Câu chuyện xây dựng trái phép của chủ đầu tư dự án ở một vị trí nhạy cảm được đưa lên đầu trang các phương tiện truyền thông, làm nóng thêm bầu không khí thủ đô và đẩy sự hoài nghi của dư luận ‘tạo thêm việc làm’ cho các cấp chính quyền Hà Nội và người đứng đầu Chính phủ vốn đặc biệt bận rộn.

Có lẽ không ở đâu lại có kiểu thực thi luật pháp như Việt Nam cả. Thủ tướng Chính phủ luôn được trông đợi phải có tiếng nói chính thức cho từng vụ việc cụ thể thì mới có hướng xử lý cho những vụ việc rắc rối mà lỗi thuộc về những nhân viên công quyền nhưng Thủ tướng lại có thể chưa khi nào gặp mặt và gọi tên. Điều đó cho thấy rõ sự yếu kém của bộ máy và nền công vụ của chúng ta đã đẻ ra tiền lệ xấu: tấu trình Thủ tướng khi lạc đường.

Câu chuyện xây dựng trái phép và biện pháp giải quyết hậu quả tòa nhà số 8B Lê Trực – Quận Ba Đình của chính quyền Hà Nội để lại nhiều hoài nghi của cử tri cả nước. Một thủ đô văn hiến tự giảm đi hình ảnh tốt đẹp vì không gương mẫu trong thi hành luật pháp. Kết luận được ban hành đổ lỗi sai cho nhà đầu tư nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền hoàn toàn đúng.  Nếu sự việc không ‘vỡ lở’ thì chỉ sau mấy tháng nữa là công trình hoàn tất,  những thiếu sót sẽ lại được hợp thức hóa để những cái sai lại có cơ hội trở thành đúng và người làm sai được ung dung hưởng lợi.

Câu hỏi được đặt ra và người ta có quyền hoài nghi là: nếu Thủ tướng không quan tâm và không có ý kiến thì chính quyền Hà Nội có quyết tâm xử lý vụ sai khạm không? Thẩm quyền nắm trong tay nhưng vì sao khi phát hiện sai phạm của chủ đầu tư không ngăn chặn và xử lý ngay mà phải báo cáo và chờ ý kiến của Thủ tướng? Những điều này thật ra không quá khó để trả lời nếu hoạt động chấp pháp là việc làm minh bạch và có trách nhiệm.

Cùng với việc qui kết chủ đầu tư cố ý vi phạm nghiêm trọng khiến công trình đến thời điểm này ảnh hưởng lớn đến không gian, kiến trúc, cảnh quan khu vực. Chính quyền thủ đô cũng “nhận lỗi” của mình là kiểm tra không thường xuyên, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, cam kết sẽ làm rõ để xử lý sai phạm của các tổ chức và cá nhân có liên quan theo đúng quy định.

Đau nhất vẫn là chủ đầu tư công trình. Họ đã cố gắng để phát huy tối đa về mặt lợi ích của quyền sử dụng đất, điều này vốn là lẽ tự nhiên. Nhưng mà cuối cùng thì một mệnh lệnh của Nhà nước đã được ban ra và với nhà đầu tư thì điều đó đồng nghĩa với sự tồi tệ, thất bại, mất tiền và mất cả sự bình yên. ‘Sai phạm nghiêm trọng đều do chủ đầu tư’ – đó là cáo buộc cay đắng từ phía chính quyền. Bản Báo cáo của chính quyền Hà Nội gửi Thủ tướng còn ‘tố cáo’ thêm nhiều điều: chủ đầu tư có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thi công, xây dựng toà nhà, cả trong giai đoạn chưa cấp phép. Cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã nhiều lần kiểm tra phát hiện vi phạm của chủ đầu tư, yêu cầu dừng thi công để khắc phục sai phạm nhưng chủ đầu tư không thực hiện mà vẫn tiếp tục thi công.

Cho nên, đôi khi sự cố gắng theo cung cách tùy tiện chính là tự tạo cho mình những rủi ro và những nỗi lo lâu dài. Và việc coi trọng, đề cao thái độ chấp hành luật pháp chính là chiếc phao an toàn luôn luôn có, thay vì phải tốn kém chi phí cho những quyết tâm tìm kiếm lợi ích dựa trên sự chở che và dựa dẫm.

conglydaiviet.com