logo
Loading...
Cập nhật: 27.11.2015 09:19 - Lượt xem: 4,242
(Conglydaiviet) - Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của mọi công dân Việt Nam và được hiến định trong Hiến pháp 2013. Trải qua 70 năm kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập sau Cách mạng tháng 8/1945, quyền tự do ngôn luận luôn được coi trọng và đang ngày một đề cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào người ta cũng hiểu đúng và vận hành chuẩn xác chế định pháp luật này. Câu chuyện xử phạt tai tiếng các cá nhân bình luận trái chiều về ông Chỉ tịch UBND tỉnh An Giang gây ồn ào truyền thông trong nước trong thời gian qua là một ví dụ đáng suy ngẫm.

Cớ sự nguồn cơn

Theo lịch trình đã thông báo, sáng ngày 26/11, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp báo, thông tin về việc xử lý các cá nhân bình luận xúc xiểm vị Chủ tịch tỉnh này trên Facebook của cô giáo Lê Thị Thùy Trang (Tổ trưởng Ngữ văn trường THPT Long Xuyên). Quyết định xử phạt đã bị thu hồi sau nhữn ngày nóng hổi tranh luận của nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau. Kết quả cuối cùng là UBND tỉnh An Giang vô can, cho nên tỉnh này sẽ không xin lỗi những người bị phạt, trách nhiệm xin lỗi sẽ thuộc về đơn vị ban hành quyết định kỷ luật sai: Sở Thông tin và Truyền thông. 

Chuyện cuối cùng thì cũng chẳng có gì to tát cho lắm, nhưng lại gây "nổi tiếng" cho ông Chủ tịch tỉnh, cô giáo dạy văn và vài người bạn. Chuyện xảy ra tất phải có nguồn cơn, nó bắt đầu từ sự kiện Văn phòng UBND tỉnh An Giang thông tin về việc Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận những thiếu sót trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Sự kiện thời sự công khai này chính là cảm hứng để cô giáo dạy văn, thân nhân và bè bạn quan tâm đưa ra những lời bình cho dù họ không hề dính dáng. 

Công an tỉnh cũng vội vàng vào cuộc và nhận định theo hướng xác định hành vi bình luận có tính chất vu khống, ảnh hưởng uy tín của vị Chủ tịch tỉnh. Để rồi từ đó, cơ quan này đề nghị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm. Dường như người ta quá coi trọng việc bảo vệ hình ảnh của ông Chủ tịch tỉnh nên mới vào cuộc để nhanh chóng điều tra và nhanh chóng xử phạt.

Cuối cùng thì các công dân của tỉnh An Giang xa xôi được một phen phiền toái nay đã lại thở phào nhẹ nhõm. Chính họ cũng không thể ngờ những phát biểu, nhìn nhận riêng của họ lại được săm soi và luận bàn trên khía cạnh pháp lý của quyền tự do ngôn luận, dù rằng khái niệm về quyền năng pháp lý này có thể là chưa quen thuộc đối với họ.

Quyết định xử phạt nôn nóng đốt cháy quyền tự do ngôn luận

Từ kết quả xác minh, người ta đã thống nhất khẳng định được 3 người  "có lỗi trong việc dùng mạng xã hội khi nói xấu người khác", "ảnh hưởng đến Chủ tịch tỉnh" để rồi Tỉnh ủy chỉ đạo cho cơ quan chức năng tiến hành xử phạt. Không được dư luận đồng tình, cuối cùng thì tỉnh này thu hồi quyết định xử phạt. Lý do rút quyết định xử phạt, theo như lời ông Chánh văn phòng UBND tỉnh là 03 người liên quan "có lỗi, tuy nhiên việc xử phạt họ là không đảm bảo theo quy định pháp luật".

Những người xử phạt và kẻ bị phạt đã thu được một bài học sâu sắc về ứng xử pháp lý khi rồi đây câu chuyện buồn và khôi hài này dần lùi vào dĩ vãng. Nhưng sự đời thì sẽ để  không dễ quên vì nó quá ấn tượng cho cả hai bên và bên công quyền cần phải sửa đổi đầu tiên về lề lối và tư duy làm việc. Theo lời ông Nguyễn Hạnh - Phó Ban nội chính tỉnh An Giang thì "hồ sơ xử lý vụ việc chưa đảm bảo đầy đủ theo các quy định của pháp luật dẫn đến sai sót, người ra quyết định xử phạt các cá nhân đã đánh giá vội, không phù hợp".

Ngay cả khổ chủ - ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã phải thừa nhận ông rất khổ sở vì trở thành tâm điểm của ồn ào dư luận. Nhưng suy cho cùng thì chính ông cũng chưa dành sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm đúng mức để xử lý phù hợp vụ việc liên quan đến mình, để rồi khi tính chất vụ việc bị công luận đẩy lên cao và phức tạp hóa, thì hình ảnh của ông đã không còn thú vị trong mắt các cử tri - những người đã và có thể lại lần nữa bỏ phiếu cho ông. 

Đại diện cho cơ quan thực hiện việc xử phạt, ông Trần Thanh Tâm - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cũng nhìn nhận "quy trình xử lý vụ việc có sai sót, chưa chặt chẽ. Đoàn thanh tra Sở đã xin lỗi cô Trang vì thông tin và xử lý sai về hành vi vi phạm, gây phiền hà đến người này". Từ những điều này có thể xác định rõ ai đáng bị chê trách nhiều hơn.

Dù vụ việc xem như tạm lắng nhưng dư luận thì vẫn chưa hết nghi ngờ và sẽ vẫn trăn trở về những việc làm thiếu tính công chính của các cơ quan chức năng tỉnh An Giang. Liệu rằng công quyền có bị lạm dụng không, việc sử dụng quyền lực nhà nước như thế có lãng phí lắm không. Và đâu là ranh giới của quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân?

Trong khi nền hành chính với nhiều căn bệnh trầm kha mà người dân kêu ca nhiều năm qua đang được Chính phủ gồng mình để nỗ lực giải quyết thì câu chuyện xảy ra tại An Giang dường như là đang đi ngược dòng và tạo ra những rào cản. Một nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tuyên bố là "của dân, do dân và vì dân", "cán bộ, đảng viên là đầy tớ của nhân dân" chỉ có cơ may trở thành hiện thực chừng nào những câu chuyện tương tự xảy ra tại tỉnh An Giang sẽ được ngăn chặn và không lặp lại ở bất cứ miền đất nào nữa của tổ quốc.

Quyền tự do ngôn luận - cần sự bảo vệ, khuyến khích

Cuối buổi họp báo, người đại diện của UBND tỉnh An Giang đã công nhận rằng "Nếu không có thông tin rộng rãi của báo chí thì chưa chắc vụ việc được lật lại vì các ngành đều cho rằng mình làm đúng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải kiểm điểm rút kinh nghiệm". Quan điểm chốt chặn sau cùng này dường như là sự vỡ lẽ nhiều điều lâu nay người ta tưởng công quyền muốn làm gì thì làm vậy. 

Tại sao các ngành các cấp tỉnh An Giang lại cho mình quyền hoàn toàn được đúng khi họ không được phép có một khoảng không gian pháp lý riêng cho việc giám sát công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận? Rõ ràng là cơ chế pháp lý của chúng ta đang có những lỗ hổng và khiếm khuyết về nhận thức và áp dụng pháp luật. 

Kể từ sau cuộc cách mạng mùa thu lịch sử(Tháng 8/1945), với sự ra đời của một nước Việt Nam kiểu mới chúng ta mới có điều kiện để thật sự tiếp cận, ghi nhận, đề cao các giá trị dân chủ. Trong các giá trị dân chủ, quyền tự do ngôn luận chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Và ngày nay, tuyên ngôn về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN được khởi xướng bởi Đảng Cộng sản chính là sự cam kết về quyết tâm kiến tạo một chế độ chính trị dân chủ, minh bạch, trong sạch dựa trên nguyên tắc thượng tôn luật pháp.

Một nhà nước "của dân, do dân và vì dân" sẽ chẳng có ý nghĩa hiện thực nếu các giá trị của dân chủ không được coi trọng, quyền tự do ngôn luận không được quan tâm bảo vệ và khuyến khích. Tất nhiên, tự do ngôn luận phải dựa trên lợi ích chính đáng, phù hợp luật pháp và đạo đức, phải có động cơ tốt đẹp cho lợi ích chung. Nghĩa là đã loại trừ các yếu tố ích kỷ, tư thù, tư lợi khi thực hành quyền tự do ngôn luận đã được pháp luận thừa nhận. 

Nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước, họ phải được quyền có chính kiến trước công quyền ngay cả một qui định hay là hành động thực thi qui định. Quan điểm góp ý dù bằng những ý tưởng tốt đẹp hay bằng những lời phàn nàn kêu ca, thì vẫn phải được tôn trọng như nhau. Công chức nhà nước là công bộc của dân, dân đóng thuế để trả lương cho họ và họ có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Bằng lá phiếu của mình, nhân dân giao phó cho những người mà mình tin cậy để đảm đương công việc nhà nước. Quyền lực của ông Chủ tịch nước hay các vị Chủ tịch tỉnh đều có cội rễ từ hành động giao quyền của nhân dân.

Tôn trọng các quyền tự do dân chủ của công dân, đòi hỏi công quyền phải thay đổi những nhận thức cũ rích và lạc hậu. Phải sáng tạo, cởi mở để phát huy, làm mới những nội dung và phương thức thực hiện quyền tự do ngôn luận theo kịp với sự phát triển của đời sống hội nhập. Để làm điều này đòi hỏi quá trình nâng cao dân trí phải luôn đồng thời với nâng cao quan trí. 

Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước - lực lượng vận hành công quyền và luật pháp, cần phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân nhiều hơn, sâu sát hơn, bất kỳ người đó là ai. Khi dân là chủ, cán bộ là đầy tớ, lẽ nào chủ phê bình thì bị đầy tớ phạt và như vậy ai mới là chủ thật sự. Nếu không khắc phục điều này thì sự hoài nghi sẽ ngày một tăng cao, người dân sẽ không còn tin vào đội ngũ cán bộ. Vì rằng, sự thẳng thắn không được hoan nghênh mà còn bị trấn áp, điều này có khác gì việc xử phạt hành động "khi quân phạm thượng" mà chỉ trong chế độ phong kiến mới tồn tại.

Từ việc các công dân tại tỉnh An Giang thực hiện quyền tự do ngôn luận dẫn đến câu chuyện thời sự ồn ào như vừa qua, thêm một lần nữa cảnh báo những vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn về xác lập cơ chế vận hành quyền tự do ngôn luận. Làm được điều này chúng ta mới thật sự đi trên con đường phát huy dân chủ để nhắm đến những mục đích tốt đẹp. Tất cả các nhánh công quyền đều cần phải lắng nghe nhân dân nhiều hơn, cần phải thừa nhận quyền có quan điểm riêng và cách thức lên tiếng của công dân về bất cứ vấn đề nào của đất nước. Tư duy vận hành công quyền và luật pháp cần được cách mạng hóa để luôn mới mẻ về cách nhìn cầu tiến. 

Sẽ không khó khăn gì để nghe những lời phàn nàn của công chúng khi chính quyền bình tâm và cởi mở. Vì đó là cơ hội tiếp nhận, sử dụng ngay tấm gương soi có giá trị sửa chữa những lầm tưởng mà công chúng trân trọng gửi đến. Và khi ấy, mối quan hệ Nhà nước và công dân sẽ dần trở nên tốt đẹp, công quyền sẽ lại trở thành đối tượng được yêu mến như chưa từng có sứt mẻ.

LS Ths Nguyễn Phúc Lưu