logo
Loading...
Cập nhật: 13.06.2015 08:55 - Lượt xem: 2,526
(Conglydaiviet) - Tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc là 'một dính mắc lịch sử' trong nhiều thập kỉ qua và sẽ vẫn đang là điểm tối trong quan hệ hai nước. Sự hòa hoãn và đối mặt gay gắt đã nhiều lần diễn ra với các cấp độ khác nhau trong nhiều thập kỉ qua. Tháng 5/2014 được xem là thời điểm bùng nổ, tất cả đã phơi bày và mỗi tháng ngày trôi qua lại tăng thêm sự lo lắng của người Việt. Hơn lúc nào hết, cử tri cả nước đang mong chờ một tiếng nói mạnh mẽ về chủ quyền biển đảo từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất: Quốc hội. 

Tháng 5/2014, trong thời gian Quốc hội đang họp thì Trung Quốc tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoản Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong lúc biển Đông nổi sóng bởi hành động tranh đấu quyết liệt của các lực lượng chấp pháp Việt Nam cùng các tầng lớp nhân dân trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế trước sự đàn áp hung hăng của tàu thuyền Trung Quốc, thì diễn đàn Quốc hội cũng đã được làm nóng. Tuy nhiên, kỳ họp Quốc Hội đã kết thúc trong sự lặng lẽ và dường như là câu chuyện tranh chấp biển đảo chưa phải là cái gì đó thật to tát. Vì vậy dư luận vẫn luôn râm ran những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Tháng 5 năm nay(2015), mở đầu kỳ họp Quốc hội đã có ý kiến của một số đại biểu đề nghị đưa chủ đề tranh chấp biển đảo thành một nội dung chính để quốc hội thảo luận và ra một Nghị quyết lên tiếng chính thức về vấn đề này. Nhưng rồi cái 'vấn đề nhức nhối của lịch sử' vẫn chưa thể trở thành chủ đề để Quốc hội luận bàn và biểu quyết. Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc đã rời khỏi diễn đoàn đối thoại Shangri-la sau áp lực chỉ trích, chê cười của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc - hổ hiền hay hổ dữ đều là hổ

Trung Quốc đã từng là một đế chế hùng mạnh thời Trung cổ. Nền văn minh Trung Hoa đã cấu thành một phần của văn minh nhân loại và từng làm ngạc nhiên nhiều dân tộc trên thế giới. Nhưng từ cuối thế kỉ 19 đến thế kỉ 20 thì vị trí trên trường quốc tế của Trung Hoa rơi vào sa sút và tụt hạng. Người Trung Hoa oai hùng một thời đã phải chịu nhục và thất bại trước sức mạnh của các đế quốc phương Tây và Nhật Bản đến chia cắt, chiếm cứ. Sự tự tôn mang tên Trung Hoa đã từng bị lịch sử xóa nhòa và họ phải chấp nhận kế hạ sách trong binh pháp Tôn Tử "Ẩn mình chờ thời" được khởi xướng bởi cố lãnh đạo của họ là ông Đặng Tiểu Bình.

Với Việt Nam, sự đồng hành của quá trình lập quốc và phát triển trên hai nghìn năm bên cạnh một Trung Hoa hùng mạnh và hung hăng đã để lại nhiều bằng chứng lịch sử chứng minh về nhiều thành quả đôi bên cùng gặt hái cũng như rất nhiều sứt mẻ, đổ vỡ mà hai bên cùng gánh chịu.

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia láng giềng với Trung Hoa cũng đã trải qua bao phen rầy rà bởi tiếng súng rền vang nơi biên giới: Liên Xô(cũ), Ấn Độ là những ví dụ....và tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ nhiều thập kỉ qua vẫn chưa bao giờ trở nên nguội lạnh cả.

Trung Quốc không hề muốn ai mạnh hơn mình, trong thâm tâm đây là điều họ căm ghét, nhất là những quốc gia, dân tộc dám cản đường công cuộc bành trướng của họ. Việc 'ẩn mình chờ thời' sau hai thập niên cuối thế kỉ 20 thật ra là một kế sách với nhiều mưu mô khó đoán. Nhưng nay thời cuộc đã thay đổi, thế hệ lãnh đạo thứ 5 của người Trung Hoa tự cho rằng đây là lúc thích hợp để họ bày tỏ và mong muốn thực hiện 'giấc mơ Trung Hoa' đầy tham vọng trước toàn thể thế giới.

Giờ đây khi Trung Quốc đã trở thành cường quốc về nhiều mặt, có thể nói 'con hổ Trung Hoa' đang muốn gầm gào và dọa nạt những kẻ không làm mình hài lòng. Hòa bình và luật pháp quốc tế sẽ là gì trước một kẻ mạnh, hung bạo và bướng bỉnh. Hổ đã ra khỏi hang tức là đã thức giấc, đã hiện hình và không còn thời ẩn mình nữa. Với loài mãnh thú, bằng nhiều biện pháp sáng tạo, loài người văn minh đã từng thuần hóa để cho hổ cùng tồn tại, nhưng qui luật cho thấy rõ hổ có khi dữ, có khi hiền nhưng chúng luôn luôn là hổ, đi với hổ thì phải cảnh giác.

Tiếng nói của Quốc Hội là tuyên ngôn về sức mạnh dân tộc

Từ nhiều năm qua, mỗi kỳ họp của Quốc hội Việt Nam luôn được cử tri cả nước trông đợi. Cử tri trông mong Quốc hội phải thật sự là cơ quan đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của toàn dân để gánh vác, quản trị quốc gia làm sao để mang lại nhiều lợi ích nhất. Cử tri vẫn biết rằng các chương trình, kế hoạch làm việc của Quốc hội phải được chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước, không thể tùy tiện chen ngang những chủ đề chưa chín muồi hoặc chưa chuẩn bị kỹ.

Sự kiện tranh chấp biển Đông đã rất nóng từ hơn một năm qua và là một vấn đề có tính lịch sử, đặc biệt quan trọng gần như là được tuyệt đại đa số người Việt trong và ngoài nước quan tâm. Giải quyết vấn đề này cần kiên trì và bình tĩnh, nhưng sự bình tĩnh phải thể hiện bằng những hành động công chính, công khai, rõ ràng chứ không phải bằng sự im lặng quá lâu - điều mà số đông cử tri đang thắc mắc, trông đợi.

Chúng ta đã có những giải pháp, bước đi và phương án thích hợp theo nguyên tắc 'dĩ bất biến, ứng vạn biến' trên các mặt trận pháp lý, chính trị, ngoại giao và quốc phòng ở nhiều cấp độ của nhiều phong trào, nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nhưng một động thái mạnh mẽ từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thì vẫn chưa được thể hiện.

Phải xác định rằng việc Quốc hội thể hiện quan điểm về tranh chấp biển đảo với Trung Quốc bằng một Nghị quyết là vấn đề vô cùng hệ trọng, phải cân nhắc thật thận trọng và lường trước những hệ lụy có thể khởi phát bởi người Trung Hoa luôn là những bậc thầy về mưu lược. Nhưng nếu là sự thận trọng quá mức thì e là có thể bỏ lỡ cơ hội trước những diễn biến khách quan đang diễn biến theo chiều hướng có lợi.

Cho nên, điều cử tri cả nước đang trông đợi tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát từ Quốc hội về câu chuyện tranh chấp biển đảo là rất tự nhiên, chính đáng và đúng lúc. Quốc hội là do cử tri thành lập và giao quyền thông qua lá phiếu, có nghĩa vụ và trách nhiệm thể hiện nguyện vọng của cử tri. Khi sức mạnh của Quốc hội được kết tinh, bảo đảm, hậu thuẫn từ sức mạnh và sự đồng lòng của cử tri cả nước, thì chẳng việc gì mà phải kéo dài sự đắn đo và do dự cả.                     

Luật sư Nguyễn Phúc Lưu
Conglydaiviet.com