logo
Loading...
Cập nhật: 05.05.2015 12:18 - Lượt xem: 2,442
(Conglydaiviet) - Thụy Sỹ là đất nước xinh đẹp được người Việt Nam biết đến bởi nơi đây là một địa danh lịch sử chứng kiến việc tổ chức Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến tranh để lập lại hòa bình ở Đông Dương vào năm 1954. Đất nước này cũng là trung tâm tài chính của Châu Âu và thế giới hàng chục năm qua. Và đặc biệt là chính quyền của quốc gia này được đánh giá là một Nhà nước mà ở đó có nhiều yếu tố dân chủ trực tiếp nhất trong tất cả các nền dân chủ trên thế giới. Conglydaiviet giới thiệu lại bài viết của TS Lương Minh Tuân để bạn đọc suy ngẫm.

Thụy Sỹ được đánh giá là một Nhà nước mà ở đó có nhiều yếu tố dân chủ trực tiếp nhất trong tất cả các nền dân chủ trên thế giới. Cho đến nay, chưa có một nhà nước nào khác trên thế giới có số lượng lớn các cuộc trưng cầu ý dân ở cấp quốc gia như Thụy Sỹ. Đó là lý do chính để xem xét kỹ lưỡng về các công cụ của nền dân chủ trực tiếp (các hình thức dân chủ trực tiếp) được thiết lập ở đây và ảnh hưởng của nó đến hệ thống chính trị. Trước khi phân tích, trình bày về dân chủ trực tiếp ở Thụy Sỹ, cần tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của Nhà nước liên bang Thụy Sỹ, vì đây là các vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau.

1. Khái quát về cơ cấu tổ chức của Nhà nước liên bang Thụy Sỹ

Thụy Sỹ là một quốc gia được hình thành từ nhiều nhóm dân tộc với các tôn giáo và các ngôn ngữ khác nhau. Nhân dân Thụy Sỹ được Hiến pháp liên bang quy định là chủ nhân của đất nước, chủ thể chính trị cao nhất. Công dân dưới 18 tuổi và công dân nước ngoài ở cấp liên bang tại Thụy Sỹ không có các quyền chính trị.

Từ năm 1848, Thụy Sỹ là Nhà nước liên bang (ra đời sớm thứ hai sau Hoa Kỳ trong số 23 Nhà nước liên bang trên thế giới). Cơ cấu tổ chức của Nhà nước Thụy Sỹ là Nhà nước liên bang với 20 tiểu bang và 6 bán tiểu bang; được chia thành ba cấp chính trị: cấp liên bang, cấp tiểu bang và cấp địa phương. Mỗi tiểu bang cũng như bán tiểu bang có Hiến pháp riêng, Chính phủ riêng, Nghị viện riêng, có Tòa án và Công an riêng của mình.

Nghị viện liên bang gồm hai Viện: Hội đồng quốc gia (còn được gọi là Viện lớn - tiếng Đức “Nationalrat”, tiếng Anh “The National Council”) và Hội đồng bang (còn được gọi là Viện nhỏ - tiếng Đức “Ständerat”, tiếng Anh “The Council of States”).

Hội đồng quốc gia đại diện cho nhân dân theo tỷ lệ dân số. Trước đây, cứ 20.000 cư dân có một ghế ở Hội đồng quốc gia. Sau đó, số lượng ghế đã được giới hạn đến 200. Ngày nay, khoảng 35.000 cư dân có một đại diện ở Hội đồng quốc gia. Mỗi tiểu bang và bán tiểu bang thành lập một Hội đồng bầu cử và bầu ít nhất là một đại biểu. Nhiệm kỳ của Nghị viện kéo dài 4 năm.

Một điểm đặc thù của Nghị viện Thụy Sỹ là các nghị sĩ thực hiện chức danh nghị sĩ chỉ là nghề phụ được trả thù lao và dành phần lớn thời gian để thực hiện công việc thông thường của mình (hệ thống “Milizsystem”)[6]. Tuy nhiên, thời gian cần thiết dành cho công việc của Nghị viện là rất nhiều. Vì vậy, các nghị sĩ có xu hướng là quá tải. Mặc dù vậy, ý tưởng chuyển sang hệ thống nghị viện chuyên nghiệp là khó có thể hiện thực hóa. Quan điểm ủng hộ hệ thống “Milizsystem” cho rằng, hệ thống “Milizsystem” là gần dân hơn để có thể đại diện cho ý nguyện của người dân.

Hội đồng bang đại diện cho các tiểu bang của Thụy Sỹ. Nhân dân ở mỗi tiểu bang có hai đại diện, mỗi bán tiểu bang có một đại diện ở Hội đồng bang. Thành viên của Hội đồng bang được bầu theo pháp luật bang. Nhiệm kỳ của Hội đồng bang có thể, nhưng không bắt buộc thống nhất với nhiệm kỳ của Hội đồng quốc gia.

Chính phủ liên bang (Bundesrat) bao gồm các thành viên (7 thành viên và Thủ tướng liên bang) không phải do nhân dân trực tiếp bầu ra mà do Nghị viện bầu ra. Để bầu các thành viên của Chính phủ liên bang thì Hội đồng quốc gia và Hội đồng bang tiến hành phiên họp chung (còn được gọi là Nghị viện liên bang chung). Thủ tướng liên bang được Nghị viện liên bang chung bầu ra cho nhiệm kỳ 4 năm. Kinh nghiệm cho thấy, trong một nền dân chủ trực tiếp thì các quyết định của Nghị viện và Chính phủ cần phải có sự hậu thuẫn rộng rãi nếu như không muốn rơi vào nguy cơ bị người dân “phủ quyết” bởi trưng cầu ý dân.

Tổng thống liên bang được bầu mới hàng năm. Theo quy tắc bất thành văn thì tất cả các thành viên của Chính phủ liên bang (7 thành viên) sẽ luân phiên nhau giữ chức vụ Tổng thống liên bang. Các thành viên của Chính phủ liên bang làm việc tập thể để cùng nhau ban hành các quyết định quan trọng của Chính phủ liên bang. Tổng thống liên bang điều hành các phiên họp của Chính phủ liên bang và thực hiện nhiều nhiệm vụ đại diện. Tổng thống liên bang bắt buộc phải có bài phát biểu nhân dịp đầu năm mới, nhân dịp ngày quốc khánh, v.v. Khách nước ngoài của Nhà nước được đón tiếp không chỉ bởi Tổng thống liên bang mà thông thường bởi toàn thể Chính phủ liên bang.

Quyền tư pháp tối cao ở Thụy Sỹ được thực hiện bởi Tòa án liên bang. Tòa án liên bang gồm 38 thành viên cũng như 19 Thẩm phán thay thế (part-time judges).

Nhà nước liên bang Thụy Sỹ có các thẩm quyền do Hiến pháp liên bang quy định, ví dụ như thẩm quyền về chính sách an ninh và đối ngoại, về tài chính, tiền tệ và hải quan, về lập pháp của Liên bang và về quốc phòng. Các nhiệm vụ mà không được quy định cụ thể giao cho Liên bang thì thuộc thẩm quyền của cấp thấp hơn: các tiểu bang.

Các Nghị viện bang ở Thụy Sỹ chỉ có một viện lớn với khoảng 100 đến 200 nghị sĩ.

Tất cả các tiểu bang ở Thụy Sỹ được chia thành các đô thị (xã). Hiện nay, Thụy Sỹ có gần 3.000 đô thị (xã). Khoảng một phần năm các đô thị này có một Nghị viện riêng, nhưng bốn phần năm biết đến các quyết định dân chủ trực tiếp ở Hội nghị đô thị. Bên cạnh các nhiệm vụ do Liên bang và các tiểu bang giao cho như tiến hành đăng ký cư trú cho người dân hoặc công tác dân phòng thì các đô thị còn đảm nhận các thẩm quyền riêng, chẳng hạn như trong lĩnh vực giáo dục và các dịch vụ xã hội, cung cấp năng lượng, xây dựng đường giao thông, thuế v.v.. Phạm vi thẩm quyền tự quản của các đô thị do từng tiểu bang quy định và do đó có sự khác nhau giữa các đô thị.

Các Nghị viện đô thị với tên gọi khác nhau (như Hội đồng đô thị hay Hội đồng thành phố) cũng chỉ gồm một viện với dưới 50 nghị sĩ.

2. Các công cụ của dân chủ trực tiếp ở Thụy Sỹ

Ở Thụy Sỹ, nền dân chủ trực tiếp cùng tồn tại song hành với nền dân chủ nghị viện. Ở đó, người dân có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị của đất nước. Thụy Sỹ biết đến các công cụ của dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp chính trị (cấp địa phương, cấp tiểu bang, cấp nhà nước liên bang). Các công cụ này đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị của đất nước. Trung bình có từ 35% đến 45% số người có quyền biểu quyết tham gia vào các cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành từ ba đến năm lần trong năm ở Thụy Sỹ; mỗi lần thì toàn bộ một gói dự án của quốc gia, tiểu bang và của địa phương được đưa ra biểu quyết. Tùy thuộc vào ý nghĩa của vấn đề theo đánh giá chủ quan của người dân và mức độ quan trọng của việc bỏ phiếu mà số lượng người tham gia có thể cao hơn mức trung bình này.

Ba loại quy trình quan trọng nhất của dân chủ trực tiếp ở Thụy Sỹ là:
1) trưng cầu ý dân bắt buộc,
2) trưng cầu ý dân không bắt buộc (tùy nghi)
3) nhân dân đưa ra sáng kiến (sáng quyền nhân dân).

2.1. Trưng cầu ý dân bắt buộc

Hiến pháp liên bang cũng như Hiến pháp bang quy định về những loại luật nào và những vấn đề khác bắt buộc phải tiến hành trưng cầu ý dân.   

-  Trưng cầu ý dân bắt buộc về sửa đổi Hiến pháp

Theo các quy định về trưng cầu ý dân bắt buộc đối với Hiến pháp có hiệu lực từ năm 1848 (Điều 140 Hiến pháp liên bang) thì mỗi văn bản sửa đổi Hiến pháp đã được Nghị viện thông qua - không phụ thuộc vào việc sửa đổi từng điều khoản hoặc sửa đổi toàn bộ Hiến pháp - phải được chấp thuận bởi một cuộc trưng cầu ý dân (toàn dân phúc quyết). Trưng cầu ý dân bắt buộc về sửa đổi Hiến pháp liên bang còn trong các trường hợp sau: a) yêu cầu sửa đổi toàn bộ Hiến pháp liên bang theo sáng kiến (đề xuất) của người dân; b) yêu cầu sửa đổi toàn bộ Hiến pháp liên bang theo sáng kiến (đề xuất) của Viện lớn (Hội đồng quốc gia) hoặc Viện nhỏ (Hội đồng bang) nhưng không được Viện kia ủng hộ; c) yêu cầu sửa đổi một phần (một số điều) của Hiến pháp liên bang theo sáng kiến (đề xuất) của người dân dưới hình thức đề xuất chung nhưng đã bị Nghị viện liên bang chung bác bỏ.

-  Trưng cầu ý dân bắt buộc về việc gia nhập cộng đồng siêu quốc gia

Trưng cầu ý dân bắt buộc cũng được áp dụng đối với việc gia nhập vào các cộng đồng siêu quốc gia, ví dụ như Liên minh châu Âu hoặc các tổ chức an ninh tập thể.

- Trưng cầu ý dân bắt buộc về các đạo luật liên bang được tuyên bố khẩn cấp nhưng chưa có cơ sở hiến định

Các đạo luật liên bang được tuyên bố khẩn cấp nhưng chưa có cơ sở hiến định mà thời hạn áp dụng trên một năm đều phải tiến hành trưng cầu ý dân trong vòng một năm sau khi Nghị viện liên bang chung chấp nhận để đưa ra trưng cầu ý dân.

Việc sửa đổi Hiến pháp, các đạo luật liên bang và việc gia nhập vào các cộng đồng siêu quốc gia nêu trên được coi là chấp nhận, nếu nó đạt được cái gọi là đa số kép:
1) đa số người dân (đa số cử tri, đa số phiếu hợp lệ trong cả nước)
2) đa số các bang (đa số trong tổng số các bang) mà ở đó người dân có quyền biểu quyết đã chấp thuận dự án liên quan.

2.2. Trưng cầu ý dân không bắt buộc (tùy nghi)

Công cụ trưng cầu ý dân không bắt buộc đã được đưa vào áp dụng từ năm 1874 ở Thụy Sỹ. Theo quy định tại Điều 141 Hiến pháp liên bang thì bốn loại văn bản sau đây thuộc đối tượng có thể được đưa ra trưng cầu ý dân: 1) các đạo luật liên bang (các đạo luật mới hoặc các đạo luật sửa đổi); 2) các đạo luật liên bang được tuyên bố khẩn cấp mà nó có thời hạn áp dụng trên một năm; 3) các nghị quyết liên bang nếu nó được Hiến pháp hoặc luật quy định; 4) các điều ước quốc tế mà các điều ước này: a) là vô thời hạn và không được rút; b) quy định về gia nhập vào một tổ chức quốc tế; c) chứa đựng các quy định lập pháp quan trọng hoặc việc thực hiện nó đòi hỏi phải ban hành đạo luật liên bang.

Điều kiện đặt ra đối với yêu cầu trưng cầu ý dân không bắt buộc là phải có sự ủng hộ (yêu cầu) của 50.000 người dân có quyền biểu quyết (cử tri) hoặc của 8 tiểu bang trở lên. Danh sách chữ ký của những người dân có quyền biểu quyết được đưa ra làm bằng chứng phải được đệ trình trong thời hạn 100 ngày sau khi công bố đạo luật hoặc văn bản (ví dụ như văn bản phê chuẩn điều ước quốc tế của Nghị viện) có liên quan. Điều đó có nghĩa là quyết định về việc tiến hành trưng cầu ý dân không bắt buộc về luật bị tước khỏi sự “kiểm soát” của các cơ quan nhà nước.

Khác với trưng cầu ý dân bắt buộc, trong trường hợp trưng cầu ý dân không bắt buộc thì không cần đa số kép mà chỉ cần có đa số người dân yêu cầu bãi bỏ thì đạo luật liên quan sẽ không có hiệu lực pháp luật. Về số lượng, một cuộc trưng cầu ý dân trên thực tế nhằm phản đối một số lượng nhỏ các đạo luật về nguyên tắc có khả năng trưng cầu ý dân cũng là rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu dẫn đến trưng cầu ý dân thì quá nửa tất cả các trường hợp sau đó bị bác bỏ, và vũ khí trưng cầu ý dân chứng tỏ hoàn toàn sắc bén.

Ngày xưa thì việc thu thập chữ ký là tương đối đơn giản, người ta chỉ phải xếp hàng trước địa điểm bỏ phiếu (tòa thị chính, trường học) vào cuối tuần bỏ phiếu và bắt chuyện để lấy chữ ký của những người có quyền biểu quyết tích cực. Trong những thập kỷ gần đây ở Thụy Sỹ, việc bỏ phiếu cho phép qua đường bưu điện nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia bỏ phiếu, hạn chế gây ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của người dân. Từ đây thì việc thực hiện nghĩa vụ công dân hiếm khi diễn ra tại địa điểm bỏ phiếu ở địa phương. Vì vậy, mỗi ủy ban trưng cầu ý dân phải tiếp thị nhiều hơn và cũng phải đi sâu hơn vào việc thanh toán cước phí bưu điện.

Việc trưng cầu ý dân đối với các loại văn bản nêu trên được coi là không bắt buộc (tùy nghi), nhưng nếu tổ chức thì kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực pháp lý bắt buộc.

2.3. Nhân dân đưa ra sáng kiến (sáng quyền nhân dân)

Với công cụ nhân dân đưa ra sáng kiến (sáng quyền nhân dân) được đưa vào áp dụng từ năm 1891, người dân Thụy Sỹ có thể đưa ra sáng kiến yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi toàn bộ hay một phần của Hiến pháp liên bang theo mong muốn của mình. Công cụ nhân dân đưa ra sáng kiến được coi là yếu tố động lực của nền dân chủ trực tiếp.

Để sáng kiến có hiệu lực (giá trị) thì điều kiện đặt ra đối với người đưa ra sáng kiến là phải thu được tối thiểu 100.000 chữ ký yêu cầu (ủng hộ) của những người dân có quyền biểu quyết trong thời hạn là 18 tháng. Sáng kiến do người dân đưa ra có thể chỉ là những đề xuất chung hoặc trong phần lớn các trường hợp là một văn bản được biên soạn kỹ lưỡng mà những từ ngữ trong văn bản có thể không bị Nghị viện và Chính phủ sửa đổi gì nữa.

Tương tự như đối với trưng cầu ý dân không bắt buộc về luật, một sáng kiến trái với ý chí của các cơ quan nhà nước cũng có thể được đệ trình. Trường hợp sáng kiến có hiệu lực qua việc thu thập số lượng chữ ký cần thiết trong thời hạn đã định thì Nghị viện và Chính phủ - kể cả trái với ý chí của họ - phải thảo luận về nội dung của sáng kiến và có thể xây dựng đề xuất phản bác với hy vọng rằng đề xuất này sẽ được chấp nhận trong cuộc biểu quyết. Cả hai đề xuất này được gửi cho những người có quyền biểu quyết để tiến hành biểu quyết. Để chấp nhận sáng kiến hiến pháp thì sự ủng hộ của đa số nhân dân và đa số các tiểu bang là cần thiết.

Từ năm 1987, người dân có thể đưa ra ý kiến đồng ý kép: có thể vừa đồng ý sáng kiến và vừa đồng ý đề xuất phản bác. Với câu hỏi ngẫu nhiên tiếp theo thì sẽ xác định xem văn bản nào trong hai văn bản này là ưu tiên có hiệu lực (giá trị), nếu cả hai văn bản đều dành được đa số kép.

Phần lớn các sáng kiến do người dân đề xuất đều thất bại trong các cuộc trưng cầu ý dân, nếu nó không có được sự ủng hộ của đa số người dân cũng như không có được sự ủng hộ của đa số các tiểu bang. Các điều kiện đa số này đã trở thành các rào cản lớn trên thực tế trong việc thực hiện công cụ dân chủ trực tiếp “nhân dân đưa ra sáng kiến”. Mặc dù vậy, cũng có một số thay đổi chính trị cơ bản do việc sử dụng công cụ dân chủ trực tiếp “nhân dân đưa ra sáng kiến” mang lại. Ví dụ như bảo hiểm hưu trí nhà nước (hưu trí và tiền tuất) hoặc pháp luật bầu cử đại diện tỷ lệ.

Với việc đưa vào áp dụng công cụ “nhân dân đưa ra sáng kiến” thì cũng chưa hoàn toàn thành công vì pháp luật hiến pháp Thụy Sỹ không áp dụng trực tiếp, ngoại trừ các quyền cơ bản có thể được khởi kiện ra Tòa án Liên minh châu Âu về quyền con người. Ví dụ như từ năm 1945 đã có một điều khoản của Hiến pháp yêu cầu đưa vào áp dụng bảo hiểm thai sản (tiếp tục trả lương sau khi sinh con), nhưng nhiều dự án luật cụ thể đã được đưa ra để đấu tranh bằng công cụ trưng cầu ý dân và đã bị bác bỏ trong các cuộc trưng cầu ý dân.

Khác với sáng kiến hiến pháp, người dân Thụy Sỹ có quyền biểu quyết ở cấp liên bang không có quyền đưa ra sáng kiến luật.

2.4. Trưng cầu ý dân ở cấp bang và cấp địa phương

Trưng cầu ý dân không chỉ được áp dụng ở cấp liên bang mà còn được áp dụng đối với các nghị quyết của Nghị viện tiểu bang và Nghị viện đô thị (xã). Ở các đô thị nhỏ không có Nghị viện đô thị thì người dân có quyền biểu quyết sẽ thảo luận và biểu quyết nhiều lần trong năm tại các Hội nghị đô thị về các vấn đề quan trọng.

Người dân ở cấp tiểu bang và cấp địa phương có thể thực hiện sáng quyền lập pháp và trưng cầu ý dân về các quyết định hành chính.

Trưng cầu ý dân về luật và các quyết định hành chính cho phép người dân thể hiện ý kiến về các văn bản luật và các quyết định hành chính của chính quyền bang và đô thị. Hầu hết các tiểu bang đều áp dụng hình thức trưng cầu ý dân bắt buộc hoặc trưng cầu ý dân không bắt buộc về luật hoặc kết hợp cả hai hình thức này. Ví dụ như các nghị quyết về chi tiêu trên một mức tiền nhất định hoặc về những loại thuế mới ở nhiều tiểu bang được quy định phải tiến hành trưng cầu ý dân bắt buộc; ở các tiểu bang còn lại thì trưng cầu ý dân không bắt buộc là có thể. Bằng cách này thì người dân Thụy Sỹ có thể tham gia quyết định về nhiều công trình hạ tầng công cộng, về nhiều dự án xây dựng được tài trợ từ ngân sách công hoặc việc chi tài chính cho các trường học, bệnh viện.

Việc trưng cầu ý dân không bắt buộc về quyết định hành chính có thể được áp dụng đối với các quyết định của chính quyền đô thị hoặc chỉ đối với những quyết định trong lĩnh vực tài chính.

Mỗi bang quy định những điều kiện riêng về việc tiến hành trưng cầu ý dân: điều kiện về số lượng cử tri yêu cầu hoặc số đô thị yêu cầu. Hiến pháp mỗi bang quy định thời hạn tiến hành trưng cầu và chỉ định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (có thể là Tòa án hành chính hoặc Tòa án hiến pháp).

3. Các công cụ của dân chủ trực tiếp tác động như thế nào đến hệ thống chính trị ở Thụy Sỹ?

Ba hình thức hành xử thích ứng với các công cụ của dân chủ trực tiếp hiện có ở Thụy Sỹ cần được phân định ở đây. Ba hình thức này được rút ra từ việc giới tinh hoa chính trị nỗ lực gây ảnh hưởng đến các kết quả của các quy trình dân chủ trực tiếp và đến sự bất ổn trong tiến trình của quy trình chính trị bằng cách họ hoặc là cản trở việc sử dụng các công cụ dân chủ trực tiếp hoặc là cố gắng kiểm soát cách thức sử dụng các công cụ này.

Thứ nhất, dân chủ trực tiếp ở Thụy Sỹ đóng góp vào việc hình thành và củng cố thực tiễn dân chủ đồng thuận (concordance democracy) trong hệ thống chính phủ và để tạo sự liên kết hợp tác của các nhóm xã hội và các lợi ích. Ở đây, các nhóm và các lợi ích này có xu hướng gắn kết vào quá trình chính trị để thông qua sự liên kết của mình trong quá trình đưa ra quyết định cản trở việc sử dụng các công cụ dân chủ trực tiếp. Ví dụ như cơ cấu thành phần đảng phái chính trị của Chính phủ Thụy Sỹ là Liên minh lớn lâu dài của bốn đảng lớn ở Nghị viện.

Thứ hai, chiến lược thích ứng từ phía giới tinh hoa chính trị là tác động đến các dự án luật đang trong quy trình lập pháp thông qua việc đàm phán với những người khởi xướng cuộc trưng cầu ý dân “Lễ hội trưng cầu ý dân” và cản trở việc sử dụng các công cụ dân chủ trực tiếp thông qua thỏa hiệp và nhượng bộ về mặt nội dung.

Thứ ba, với sự trợ giúp của chiến lược thích ứng thì giới tinh hoa chính trị còn cố gắng trước hết là đối với sáng kiến hiến pháp trong khoảng thời gian từ khi sáng kiến có hiệu lực đến khi biểu quyết thì thông qua đàm phán với những người khởi xướng để xây dựng dự thảo có khả năng thỏa hiệp chống lại hoặc tiếp nhận các yêu cầu của sáng kiến nhằm có thêm sức mạnh hoặc tác động đến những người đưa ra sáng kiến để họ rút sáng kiến trước cuộc biểu quyết, điều mà đến gần một phần ba các trường hợp cũng đã thành công.

4. Kinh nghiệm của Thụy Sỹ về dân chủ trực tiếp là gì?

- Với sự hỗ trợ của công cụ trưng cầu ý dân, người dân Thụy Sỹ có thể tiếp nối vào quá trình xây dựng quyết định của Nghị viện để gây ảnh hưởng đến nội dung của các quyết định, đầu ra của quá trình chính sách. Trưng cầu ý dân ở đây tác động như quyền phủ quyết của người dân chống lại các dự án chính trị không được người dân mong đợi, nó tạo điều kiện cho những người dân có quyền biểu quyết đưa ra phản đối và vì vậy cũng được coi là cái van an toàn trong tay người dân.

- Hoàn toàn khác với công cụ trưng cầu ý dân nêu trên, với sự hỗ trợ của công cụ nhân dân đưa ra sáng kiến (sáng quyền nhân dân) thì người dân có thể tạo động lực về mặt nội dung để hình thành chính sách, đưa các đối tượng lập pháp mới vào chương trình nghị sự và qua đó gây ảnh hưởng đến đầu vào của quá trình chính sách. Sáng kiến ở đây không bắt nguồn từ Nghị viện hoặc Chính phủ mà là từ người dân. Như vậy, nó có thể được coi là yếu tố động lực hoặc là gia tốc của dân chủ trực tiếp ở Thụy Sỹ. Tuy nhiên, việc mở ra của hệ thống chính trị cho việc đưa ra sáng kiến từ “dưới”, từ người dân, gắn liền với hàng loạt rào cản, chẳng hạn như cần thiết phải có nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực lớn để tổ chức các hoạt động thu thập chữ ký cũng như cho chiến dịch bỏ phiếu thành công. Qua đó, phạm vi các tổ chức và lợi ích của những đối tượng được tính đến là người đưa ra sáng kiến bị thu hẹp rất lớn. Hơn nữa, cũng không được phép bỏ qua rằng, nhân dân đưa ra sáng kiến không bắt buộc phải thành công trong mọi trường hợp nhằm có được ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình chính sách. Triển vọng thành công tiềm năng có thể đạt được là làm cho Nghị viện và Chính phủ đi đến nhượng bộ về mặt nội dung theo nghĩa là người đưa ra sáng kiến; điều đó hoàn toàn có thể dẫn đến việc thu hồi (rút) sáng kiến.

- Ngoài ra, kinh nghiệm của Thụy Sỹ còn cho thấy, một nền dân chủ trực tiếp mạnh mẽ cũng có thể trong một hệ thống xã hội hiện đại và có một sự kết nối giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đồng thuận. Ngay cả khi nếu sự kết nối này được cho là không tự động thì sự tồn tại của các công cụ dân chủ trực tiếp từ quan điểm của giới tinh hoa chính trị cho thấy có sự tham gia hợp tác của các tổ chức và lợi ích có khả năng trưng cầu ý dân trong quá trình chính trị và do đó có một sự suy yếu tương ứng của các hướng dân chủ cạnh tranh. Đồng thời, việc thiết lập thêm các yếu tố của dân chủ trực tiếp có nghĩa là tăng cường quyền lực trực tiếp của người dân, làm giảm vai trò của Nghị viện và của giới tinh hoa chính trị đang nắm giữ quyền cai trị. Theo quan điểm của giới tinh hoa chính trị thì việc đưa vào áp dụng các yếu tố của dân chủ trực tiếp được hiểu là sự mất mát quyền lực của họ.

5. Kinh nghiệm cho thấy các thành tựu của dân chủ trực tiếp nằm ở đâu?

- Các công cụ của dân chủ trực tiếp và việc sử dụng nó tạo cơ hội cho người dân tham gia vào các nội dung chính sách chuyên ngành. Nó cũng có thể kích hoạt các tầng lớp nhân dân thuộc các thế hệ khác nhau tham gia chính trị. Các thế hệ này thực ra muốn đảm nhận trọng trách chính trị, nhưng về những vấn đề liên quan đến cá nhân thì họ cũng muốn thể hiện quan điểm của mình một cách trực tiếp và không qua sàng lọc bởi các đảng chính trị.

- Các công cụ của dân chủ trực tiếp góp phần mở cửa cấu trúc quyền lực của nền dân chủ bằng cách nó bắt buộc Chính phủ và Nghị viện dưới áp lực biện minh ngày càng cao phải tiến hành đối thoại với người dân về những vấn đề chuyên môn liên quan và thu hút người dân vào các cuộc đối thoại về các quyết định chính trị nhằm thuyết phục họ về các giải pháp được đề xuất; giới tinh hoa chính trị không muốn có nguy cơ thất bại trong cuộc biểu quyết.

- Các công cụ của dân chủ trực tiếp thúc đẩy một quy trình chính trị mở và minh bạch cũng như cạnh tranh chính trị. Bởi vì, tất cả những người tham gia vào nền dân chủ trực tiếp phải lưu giữ thêm các thông tin và các luận cứ trong quá trình đưa ra quyết định và nhờ đó sẽ tạo lập cơ sở cho việc kiểm soát chính trị toàn diện trong cuộc đối thoại chuyên sâu giữa giới tinh hoa chính trị và người dân.

- Qua quá trình đối thoại sâu rộng trước khi tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân và sự tham gia trực tiếp của người dân vào các quyết định thì các yếu tố của dân chủ trực tiếp thúc đẩy sự hội nhập chính trị của người dân.

- Việc sử dụng các công cụ của dân chủ trực tiếp cùng với việc thu thập các thông tin cần thiết liên quan, việc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá và việc cân nhắc đánh giá các luận cứ tạo thuận lợi cho các quá trình học tập chính trị công khai và việc hình thành trách nhiệm công dân đối với lợi ích chung[38].

Trên đây là các kinh nghiệm của Thụy Sỹ về dân chủ trực tiếp mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân chủ trực tiếp./.

TS Lương Minh Tuân
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp