(Conglydaiviet) - Trong bối cảnh Việt Nam đang thay đổi công tác quản lý cán bộ công chức bằng việc thí điểm bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương, trong đó các chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thuế, Thanh tra, Hải quan được chọn thực hiện trước và không quá 2 nhiệm kỳ. Conglydaiviet có bài trình bày và so sánh chính sách thí điểm này với một chính sách tương đồng từng gây ngạc nhiên cho các sử gia nhưng đã có cách nay hơn 500 năm...
Chế định pháp luật phong kiến “Hồi tỵ” – một điểm sáng về quan chế.
Dưới chế độ phong kiến, quan chế được hiểu là một hệ thống các qui định của luật pháp do triều đình phong kiến đứng đầu là Hoàng đế ban hành dưới dạng các Đạo, Lệnh, Chiếu, Chỉ, Dụ, Sắc ….mà nội dung là qui định về các vấn đề như điều kiện để tuyển chọn, tiến cử, tự tiến cử, bổ nhiệm, thăng giáng, điều động đội ngũ quan lại; việc kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử lý quan lại; chế độ bổng lộc, chức danh, phẩm hàm, áo mũ cân đai…
Một điểm sáng của quan chế phong kiến Việt Nam còn được sử sách ghi chép và lưu truyền trong nhân dân từ mấy trăm năm qua là chế định pháp luật Hồi tỵ.
“Hồi tỵ” là một từ Hán - Việt cổ, “hồi” nghĩa là trở về, “tỵ” nghĩa là tránh ra, tránh đi. Hồi tỵ nghĩa là tránh ra, hay lánh đi. Quan điểm sơ khai về “Hồi tỵ” chủ trương rằng những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè, bà con bên vợ hoặc chồng đều không được cùng làm quan hay làm việc ở một địa phương, công sở. Người làm quan không được lấy vợ ở nơi mình cai quản; không bổ nhiệm quan lại cai trị tại chính quê hương của họ; quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc... Nếu phát hiện được một trong những trường hợp này thì phải báo lên cấp có thẩm quyền để điều động, chuyển đổi những người có quan hệ thân thuộc ấy đến các nơi làm việc khác nhau.
Mục đích của chính sách Hồi tỵ là nhằm để triều đình quản lý quan lại, ngăn ngừa và triệt tiêu cơ hội lợi dụng quan hệ thân quen, thân tộc để tụ họp bè phái, thâu tóm quyền lực, đồng thời răn đe nạn bao che hành động sai trái của đội ngũ quan lại ở các cấp.
Chế định pháp luật “hồi tỵ” được xem là sáng kiến trị nước của vua Lê Thánh Tông – vị Hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vào năm 1460, sau khi lên ngôi vua, Lê Thánh Tông triển khai một cuộc cải cách toàn diện để xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đích thân nhà vua nắm trọn vẹn quyền điều khiển đất nước. Với nhãn quan của bậc minh quân, Lê Thánh Tông đặt ra chế độ “hồi tỵ” làm nguyên tắc căn bản cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm đội ngũ quan lại đương thời. Nội dung cơ bản của chế độ “hồi tỵ” ban đầu gây kinh ngạc thời bấy giờ là:
- Không được bổ nhiệm quan cai trị huyện hoặc tỉnh, nơi người đó xuất thân.
- Không được bổ nhiệm quan cai trị nơi người đó có người họ hàng đang làm quan.
- Trong thời cai trị tại một tỉnh hoặc một huyện, vị quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa phương đó.
- Một quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.
Đến đầu thế kỷ 19, kết thúc cuộc nội chiến, chính quyền về tay triều Nguyễn, vị vua thứ hai Minh Mệnh đã mạnh mẽ cải cách công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, điều động và quản lý đội ngũ quan lại. Hoàng đế Minh Mạng tiếp thu tư tưởng, kinh nghiệm và thành quả của quan chế triều Lê Thánh Tông, đã ban hành luật Hồi tỵ vào năm 1831 và sau đó nhiều lần sửa đổi theo hướng xiết chặt hơn so với chế độ “Hồi tỵ” của triều Lê. Các nội dung chính của Luật Hồi tỵ nhà Nguyễn thể hiện ở những điểm sau đây:
+ Cấm quan lại mua đất, vườn, ruộng, nhà ở tại địa phương mình quản lý.
+ Cấm quan lại tuyển người cùng quê hương làm tham mưu giúp việc.
+ Cấm những người có quan hệ thầy - trò, bạn bè cùng làm việc chung một công sở.
+ Các cơ quan chuyên trách ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, chuyển đổi sang nơi làm việc khác.
+ Cấm quan lại làm quan ở nơi trú quán, ở quê vợ, quê ông bà - cha mẹ mình, nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi.
+ Người tham mưu giúp việc cho quan lại không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình.
+ Những người tham mưu giúp việc cho quan lại thuộc các phủ huyện nếu là người cùng thôn, làng cũng phải chuyển đổi sang nơi làm việc khác.
+ Các quan viên ở các trấn, tỉnh khi được triệu tập về kinh đô chầu vua và luận bàn việc quốc gia đại sự, nếu triều đình có các cuộc họp bàn việc liên quan đến địa phương mà mình quản lý thì không được vào tham dự.
+ Các khảo quan (người phụ trách coi thi, chấm thi) nếu có thân nhân của mình dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để từ chối tham gia coi thi, chấm thi, nếu cố ý che giấu sẽ bị xử tội.
+ Các quan lại tham gia vào việc điều tra, xét xử nếu thấy trong vụ án có người thân quen của mình (anh em, cha mẹ, ông bà, bà con nội ngoại, bạn bè, hàng xóm…) đều phải trình báo và từ chối tham gia, nếu cố ý che giấu sẽ bị xử tội.
Như vậy, cùng với các chính sách tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm, đãi ngộ và sử dụng nhân tài dưới chế độ phong kiến, đội ngũ quan chức chịu sự quản lý, giám sát bằng luật lệ rất nghiêm khắc để tránh một tệ nạn như nhân loại từ đúc kết “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Thực tiễn lịch sử cho thấy qui định của Luật hồi tỵ là chính sách hoàn toàn đúng đắn. Đó chính là cơ chế thích hợp, hiệu quả để các vị vua quản lý, giám sát, khống chế, loại bỏ sự cấu kết, lạm chức quyền, để mưu cầu lợi ích cá nhân và thân nhân, sâu xa hơn là cấu kết thành các thế lực mạnh để chống triều đình. Triển khai nghiêm chỉnh luật hồi tỵ về quan chế sẽ giúp ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, quan liêu, bè phái và địa phương cục bộ.
“Hồi tỵ” thời hiện đại: Bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương
Đổi mới công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Với quan điểm mạnh mẽ về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 được nêu là “thực hiện bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện và từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã, phường, thị trấn”.
Dư luận chung của các tầng lớp nhân dân là rất đồng tình, kết quả điều tra thăm dò cho thấy có trên 65% người được hỏi đều nhất trí rằng, một khi việc thay đổi và bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương vừa khắc phục hiện tượng bè phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa mà còn ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân.
Đa số cán bộ, đảng viên cũng đều ủng hộ chủ trương chung thí điểm này và đề nghị mở rộng tới tất cả các chức danh chủ chốt khác. Các chức danh có thể triển khai sớm được nhắm đến đầu tiên là Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng các ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thuế, Thanh tra, Hải quan. Đồng thời thực hiện việc bố trí các chức danh này không quá 2 nhiệm kỳ, bởi vì đây là những vị trí quan trọng, công việc có tính chất nhạy cảm, dễ tiêu cực.
Có thể nói rằng chủ trương “thay đổi và bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương” hiện nay là một yêu cầu khách quan, phù hợp với mong đợi của đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên khắp cả nước. Đây tuy mới chỉ là chính sách thí điểm trong công tác cán bộ, có thể xem như là một bước đột phá mới mẻ trong tình hình hiện nay. Nhưng nếu soi về quá khứ trong lịch sử dựng nước của cha ông ta từ bao đời nay, chính sách này là sự tái hiện lại những qui định của “Luật hồi tỵ” xưa kia vậy.
Theo lẽ tự nhiên, cái gì tốt đẹp thì mãi trường tồn. Sự tái hiện nét đẹp của pháp luật Hồi tỵ đã và luôn là điều nên làm, vì đó là một chân lý đã được lịch sử kiểm chứng về mặt giá trị. Nhân dân luôn hy vọng rằng chính sách thí điểm bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương cần sớm triển khai mạnh mẽ và kiên quyết, để sẽ thành một chính sách chính thức, phổ biến, nhất quán và sớm giã từ hai chữ “thí điểm”.