logo
Loading...
Cập nhật: 22.06.2015 12:58 - Lượt xem: 3,138

Nhà cải cách xã hội Frederick Douglass từng nói: “Đàn áp tự do ngôn luận là hai lần sai trái. Nó vi phạm quyền tự do của người nói, đồng thời cũng vi phạm quyền tự do của  người nghe”.

Trong pháp luật Hoa Kỳ, tư tưởng tự do ngôn luận, tự do báo chí quan trọng với các nhà lập hiến đến mức họ ghi nhận quyền này ngay trong bản Tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ vào năm 1791:

“Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”.

Từ đó, Tu chính án thứ Nhất trở thành nền tảng cho các án lệ mở rộng khả năng bảo vệ nền báo chí tại quốc gia này. Trong số đó, phải kể đến bốn án lệ đặc biệt quan trọng định hình các nguyên tắc căn bản và thế giới quan về tự do báo chí tại Hoa Kỳ. Số lượng đầu báo, số lượng phóng viên hay số lượng bài báo chắc chắn không bao giờ được xem là những tiêu chí để xác định sự tự do của báo chí. Vậy đó là những án lệ và những nguyên tắc nào?

“Sự hạn chế trước” – prior restraint –  Án lệ Near v. Minnesota (1931)

the-first-amendment-53-728

Bài báo gây tranh cãi của tờ Saturday Press.

Án lệ này phát sinh từ tranh chấp giữa phóng viên Jay M. Near thuộc tòa soạn báo Saturday Press và chính quyền tiểu bang Minnesota khi ông cho viết, đăng tải hàng loạt các bài báo công kích và cáo buộc các cảnh sát tại Minnesota. Cụ thể, ông cho rằng cảnh sát trưởng Frank W. Brunskill là “một mảnh ghép” của các băng đảng đang hoành hành tại Minnesota. Mục tiêu của Near còn bao gồm Thị trưởng George E. Leach, viên Chưởng lý của hạt Hennepin (chưa rõ tên) hay cả vị Thống đốc đã tại nhiệm ba nhiệm kỳ – Floyd B. Olson của Minnesota.

Chính quyền Minnesota ngay lập tức ngăn chặn việc tiếp tục phát hành các ấn bản của Saturday Press và đưa vụ việc ra tòa án tiểu bang với cơ sở pháp lý dựa trên luật Mối nguy hại công 1925 ban hành bởi tiểu bang (“Public Nuisane Law”). Đạo luật này ghi nhận rằng, bất kỳ tòa soạn nào đăng tải những bài báo “độc hại, tai tiếng và mang tính chất bôi nhọ” đều có thể bị trì hoãn hoặc cấm phát hành vĩnh viễn.

Sau thất bại của Near tại Tòa án Tối cao tiểu bang Minnesota, ông đưa tranh chấp lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Các thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện cho rằng, dù việc chính phủ hạn chế và kiểm duyệt thông tin trong những thời điểm nhạy cảm như chiến tranh và xung đột là cần thiết, và dù trong trường hợp cụ thể này, các thông tin mà tờ báo đưa ra có thể sai trái, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng việc chính quyền tiểu bang Minnesota tự cho mình quyền áp đặt sự kiểm duyệt đối với báo chí là hoàn toàn vi hiến. Pháp viện sau đó xác lập nguyên tắc pháp lý rằng – bất kỳ quy định pháp luật nào hạn chế việc công bố hoặc phát hành một loại thông tin nhất định sẽ bị xem là “sự hạn chế trước” và là sự vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Thông tin công cộng – information of public interest – Án lệ Nebraska Press Association v. Stuart (1976)

10Enewspaper_simants

Một tờ báo địa phương đưa tin về vụ giết người. Ảnh: nebraskahistory.org

Vào năm 1975, sáu thi thể của các thành viên gia đình nhà Kellie được tìm thấy tại Sutherland, tiểu bang Nebraska, nơi chỉ có 850 cư dân sinh sống. Sau khi nghi phạm Erwin Charles Simants đầu thú và bị tạm giam, vụ việc trở thành tâm điểm của giới truyền thông bởi tính nghiêm trọng của nó. Cơn phẫn nộ của công chúng dành cho nghi phạm bùng phát trên báo chí, dựa trên những thông tin mà cảnh sát và các công tố viên tiết lộ.

Luật sư của bị cáo liền đề nghị tòa ra lệnh giảm thiểu mức độ thông tin vụ án được cung cấp cho báo chí vì lo ngại sức ép từ công chúng sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của bồi thẩm đoàn (jury). Do bồi thẩm đoàn là nơi có quyền tuyên bị cáo là có tội hay không có tội, việc họ bị ảnh hưởng tâm lý có thể dẫn tới một phiên tòa không công bằng cho bị cáo. Thẩm phán Hugh Stuart đã chuẩn thuận đề nghị này.

Vụ việc được Hiệp hội báo chí Nebraska đưa ra trước Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.  Tối cao Pháp viện nhìn nhận vụ việc mang tính chất đặt trưng về quyền trao đổi thông tin và thảo luận về một vấn đề công đang diễn ra. Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện lý giải, trừ khi việc cung cấp những thông tin về vụ án hình sự sẽ dẫn đến một mối nguy hiểm “chắc chắn xảy ra và ngay lập tức”, thông tin từ hệ thống truyền thông cung cấp cho cộng đồng là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho việc giám sát và hoạt động hiệu quả của tiến trình tố tụng, đặc biệt là trong các vụ án hình sự.

Trên cơ sở này, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết rằng việc ngăn cản giới truyền thông tiếp cận nguồn thông tin các vụ án là vi phạm Tu chính án thứ Nhất và khẳng định: “Báo chí không chỉ đơn thuần công bố thông tin vụ việc hay gây bất lợi cho nghi phạm, báo chí đồng thời có thể bảo vệ nghi phạm chống lại sai lầm từ phía cơ quan điều tra, công tố viên và các thủ tục pháp lý nhờ chính sự tham gia và phê bình rộng rãi của công dân”.

Nhân viên công quyền – public officials – New York Times Co. v. Sullivan (1964)

Năm 1960, New York Times xuất bản một phụ trương quảng cáo tràn trang của một nhóm các nhà hoạt động quyền dân sự, có tiêu đề “Heed their rising voices” (Hãy lắng nghe những tiếng nói đang lên của họ). Họ công khai chỉ trích cảnh sát thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama vì đã đối xử tệ hại với những người biểu tình ôn hòa, trong đó có mục sư Martin Luther King – biểu tượng của phong trào đấu tranh vì quyền dân sự thời bấy giờ. Phần lớn nội dung của phụ trương này là đúng sự thật, nhưng có một số thông tin sai.

lead_large

Trang phụ trương đã đi vào lịch sử báo chí của tờ New York Times. Ảnh: theatlantic.com

Phụ trương này hoàn toàn không nêu tên L. B. Sullivan – Ủy viên Hội đồng An ninh Công cộng thành phố Montgomery và là người chịu trách nhiệm giám sát lực lượng cảnh sát ở khu vực này. Tuy nhiên, những chỉ trích dựa trên các thông tin sai kể trên được cho là nhằm triệt hạ uy tín và bôi nhọ ông. Sullivan quyết định khởi kiện New York Times ra tòa án tiểu bang Alabama. Ông giành chiến thắng ở cả hai cấp xét xử ở tiểu bang và tòa quyết định ông được bồi thường 500 nghìn USD. New York Times sau đó kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, lật ngược lại thế cờ và giành chiến thắng chung cuộc.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện trong án lệ này giúp hình thành nên một nguyên tắc pháp lý chung: Tu chính án thứ Nhất bảo vệ quyền phát hành, công khai, công bố bất kỳ nhận định nào về hành vi thực hiện quyền lực nhà nước của nhân viên công quyền, kể cả khi nhận định đó được chứng minh là sai. Một nguyên tắc pháp lý khác cũng được xác lập là nhân viên công quyền có nghĩa vụ chứng minh ý định trực tiếp của tòa soạn, người viết báo là nhằm phỉ báng hay bôi nhọ danh dự của mình, nếu không, họ sẽ không thể thắng kiện. Đây là một nguyên tắc cực kỳ có ý nghĩa bảo vệ hệ thống báo chí trong việc đánh giá và phản ánh hiệu quả hoạt động của nhà nước hay sự lạm dụng quyền lực của bất kỳ cá nhân nào.

An ninh quốc gia –  Án lệ New York Times Co. vs. United States (1971)

Đây được xem là án lệ lớn có nguyên tắc pháp lý gây tranh cãi nhưng quan trọng nhất đối với giới báo chí của Hoa Kỳ. Vào năm 1971, New York Times và Washington Post đã nhận được bản sao một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng nước này thảo luận định hướng cho chiến tranh Việt Nam – nổi tiếng với tên gọi Mật liệu Pentagon – the Pentagon Papers.

Với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, chính quyền liên bang yêu cầu tòa án tiểu bang ban hành lệnh tạm hoãn phát hành đối với tất cả các ấn bản công bố nội dung của tài liệu trên, làm phát sinh đơn kiện của New York Times lên Tối cao Pháp viện.

Phía chính quyền đã không chứng minh được tính cần thiết của việc bảo mật tài liệu này và lệnh tạm hoãn phát hành bị Tối cao Pháp viện bác bỏ với một quyết định áp đảo 6 – 3 nghiêng về New York Times.

New York Times loan báo kết quả phiên tòa. Ảnh: nyt.com.

New York Times loan báo kết quả phiên tòa. Ảnh: nyt.com.

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện cho rằng, khái niệm “an ninh quốc gia” quá mơ hồ và không thể được sử dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Tu chính án thứ Nhất. Chừng nào không thể chứng minh được rằng việc công bố những thông tin này có thể tạo ra những hậu quả trực tiếp, tức thì và không thể tránh khỏi, thì việc cấm phát hành chúng là không thỏa đáng.

Tối cao pháp viện cũng ghi nhận, họ không đánh giá cao sự sáng suốt của truyền thông khi quyết định công bố các tài liệu mật vốn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hiệu quả của hệ thống chính phủ phức tạp và hiện đại trong thời đại mới; nhưng quyền tự do được ghi nhận trong Tu chính án thứ Nhất không thể bị loại trừ.

***

Khác với nhiều quốc gia, báo chí Hoa Kỳ – với hậu thuẫn của bản Tu chính án thứ Nhất và hệ thống án lệ – được mệnh danh là nhánh quyền lực thứ tư trong thể chế tam quyền phân lập. Đây chính là điều khiến cho hình mẫu pháp lý về tự do báo chí tại Hoa Kỳ trở thành một trong những hình mẫu đáng tham khảo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các phóng viên tại Hoa Kỳ sử dụng quyền tự do được Hiến pháp trao cho một cách thông minh để làm đúng vai trò người gác cửa cho quyền lợi thông tin công cộng.

Nguồn luatkhoa.org