logo
Loading...
Cập nhật: 20.10.2016 10:51 - Lượt xem: 4,769

(Conglydaiviet) - Điều gì khiến cho một trong những thẩm phán đáng kính nhất Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phải xin lỗi công chúng vì lỡ lời bình luận về một trong những ứng cử viên tổng thống được xem là tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ? Trong khi đó, tại đất nước này có qui định rằng các thẩm phán “không được phát biểu về các ứng cử viên chính trị, công khai tán thành hay phản đối các ứng cử viên ở những môi trường công cộng, hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào khác”

Từ cuộc khẩu chiến tầm phào…

Vừa qua, thẩm phán Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, bà Ruth Bader Ginsburg đã phải có lời xin lỗi về phát biểu của mình trên tờ New York Times khi đã bày tỏ quan điểm về ứng cử viên tổng thống Donald Trump:“Tôi không thể tưởng tượng nổi viễn cảnh khi Trump lên làm tổng thống. Với đất nước này, có thể chỉ là bốn năm, nhưng với tòa, tôi thực sự không dám tưởng tượng.”

Theo luật pháp Hoa Kỳ, tổng thống có thể bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp viện với nhiệm kỳ trọn đời. Ý của bà Ginsburg ám chỉ việc Trump bổ nhiệm không đúng người cho vị trí này và ngay cả khi hết nhiệm kỳ tổng thống của Trump, cá nhân này vẫn ở lại Tối cao Pháp viện và gây ra những ảnh hưởng không lường trước được cho tòa. Đây là điều vị nữ thẩm phán lo ngại và bà đã bày tỏ thẳng thắn trước báo giới.

fasfas

Còn trên CNN, bà nhận xét:“Ông ta (Trump) là một kẻ giả tạo, trước sau bất nhất. Ông ta nói ra bất kỳ điều gì xuất hiện trong đầu vào lúc đó…”

Lập tức, đã có những luồng ý kiến trái chiều về các phát ngôn của bà Ginsburg. Chính Trump cũng nhanh chóng phản pháo trên trang Twitter của mình:“Thẩm phán Ginsburg của Tối cao Pháp viện phải cảm thấy xấu hổ vì những phát ngôn chính trị ngớ ngẩn về tôi. Đầu óc bà ta đúng là có vấn đề – hãy nghỉ hưu đi là vừa!”

…đến những nguyên tắc lập pháp Hoa Kỳ

Mới nghe thì yêu cầu của Trumps có vẻ cảm tính, nhưng không phải là không có cơ sở. Ở Mỹ, để đảm bảo các thẩm phán cho ra những phán quyết độc lập và không bị ảnh hưởng bởi định kiến chính trị của mình, Bộ Quy tắc Ứng xử dành cho Thẩm phán Hoa Kỳ (The Code of Conduct for U.S. Judges) đã được ban hành.

Theo đó, các thẩm phán “không được phát biểu về các ứng cử viên chính trị, công khai tán thành hay phản đối các ứng cử viên ở những môi trường công cộng, hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào khác”.

Về cơ bản, đối tượng áp dụng của bộ quy tắc không bao gồm các thẩm phán của Tối cao Pháp viện. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, về mặt đạo đức, họ vẫn phải tuân theo các quy tắc này như là sự đảm bảo cho tính độc lập tuyệt đối của hệ thống tòa án, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Chánh án đương nhiệm của Tối cao Pháp viện John G. Roberts trong báo cáo cuối năm 2011 đã viết: trên thực tế các thẩm phán Tối cao Pháp viện đã tham khảo “bộ quy tắc ứng xử” và những quy tắc này có “vai trò tương tự đối với họ như với các thẩm phán liên bang”.

Theo giáo sư luật của Đại học New York, ông Stephen Gillers, ngay cả khi bộ quy tắc không áp dụng với các thẩm phán Tối cao Pháp viện, quan điểm giữ các thẩm phán ở ngoài vòng xoáy chính trị sẽ giúp bảo vệ sự thượng tôn pháp luật.

Ông viết: “Phán quyết của tòa án chỉ nên được xem là sản phẩm của pháp luật và các lập luận pháp lý không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề chính trị. Nếu công chúng tin rằng các quyết định của tòa có động cơ chính trị thì việc chấp hành các phán quyết sẽ không được đảm bảo. Các thẩm phán có thể không đồng ý với nhau. Nhưng các bất đồng phải dựa trên những nguyên tắc pháp lý, chứ không phải bị ảnh hưởng bởi một ứng cử viên chính trị hoặc một đảng phái nào đó ngoài kia”.

Ông cho rằng khi đọc những nhận xét của bà Ginsburg, ta không thể không chính trị hóa những thông điệp đó. Rõ ràng bà Ginsbug muốn truyền tải thông điệp: Trump sẽ là tác nhân gây hại cho nước Mỹ và tòa án. Được xem là đại diện cho Tối cao Pháp viện, bà không nên nói ra điều này, vì nó ảnh hưởng đến hình ảnh của tòa án tối cao này như một cơ quan xét xử độc lập và phi chính trị.

Khi bàn về tính phi chính trị của tòa án, cần chú ý là không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho các thẩm phán nhiệm kì trọn đời, không cần trải qua các cuộc bầu cử như nghị sĩ quốc hội hay tổng thống. Quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm giữ cho các thẩm phán độc lập với chính trị. Một khi họ có nhiệm kỳ trọn đời, điều đó có nghĩa là không một thế lực nào có thể gây sức ép hay đe dọa bãi nhiệm họ: những vị quan tòa này không cần phải lấy lòng thế lực nào để tiếp tục đắc cử ngồi vào ghế thẩm phán, và họ chỉ cần đưa ra phán xét của mình khách quan và công bằng nhất có thể.

Thẩm phán cũng chỉ là con người

Dù bị chỉ trích về mặt đạo đức nhưng xét về khía cạnh pháp lý, có thể thấy bà Ginsbug không hề vi phạm quy tắc hay điều luật nào. Bà không thuộc đối tượng điều chỉnh của bộ quy tắc ứng xử dành cho Thẩm phán (chỉ áp dụng cho cấp liên bang trở xuống).

Mặt khác, Hiến pháp Hoa Kỳ cũng không có bất cứ yêu cầu nào bắt buộc một thẩm phán Tối cao Pháp viện phải “phi đảng phái”. Ngay cả cha đẻ của hiến pháp Mỹ John Marshall cũng từng làm Chánh án Tối cao Pháp viện và là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống John Adam trong cùng một thời điểm.

Như vậy, dù bà Ginsbug công khai chỉ trích Trump và ủng hộ ứng cử viên Hillary hay không, đó là quyền tự do bày tỏ của bà. Các thẩm phán là những người am hiểu luật pháp và tình hình chính trị-xã hội. Vì thế, mỗi người đều có những khuynh hướng chính trị của riêng mình và không thể tránh khỏi việc họ có xu hướng ủng hộ đảng này hay đảng kia trong các cuộc bầu cử. Việc họ bày tỏ quan ngại của bản thân về tình hình đất nước xem ra không có gì là xấu so với việc chỉ giữ im lặng và vờ như không quan tâm.

many-supreme-court-justices_537745ac6b112e8e

Các thẩm phán Tối cao Pháp viện trong một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama. Ảnh: The White House/Getty Images News/Getty Images

Theo Trưởng khoa Luật Erwin Chemerinsky thuộc Đại học California tại Irvine, những hạn chế của bộ quy tắc ứng xử  đối với phát ngôn chính trị không hẳn là “hợp hiến hoặc như mong đợi” trong mọi trường hợp.

Ông cho rằng: “Tu chính án thứ Nhất được xây dựng trên giả định rằng càng có nhiều phát ngôn thì càng có lợi bởi điều đó có nghĩa là chúng ta được biết nhiều thông tin hơn. Tôi nghĩ sẽ có lợi cho người dân khi nghe các thẩm phán Tối cao Pháp viện nói về những vấn đề quan trọng. Là một luật sư cũng như một công dân, tôi biết rõ những gì các thẩm phán tối cao và thẩm phán liên bang suy nghĩ chứ không xem họ là những cỗ máy im lặng không có quan điểm. Chúng ta đang ở trong thời đại tương đối mới lạ khi các thẩm phán công khai phát biểu chính kiến, và tôi hoan nghênh điều đó.”

Đối với bà Ginsburg, tuy không bị ràng buộc bởi bộ quy tắc thẩm phán hay bất kỳ điều luật nào, những phát ngôn của bà vẫn bị xem là sai lầm. Bà đã công khai chỉ trích một ứng cử viên tổng thống đang trong chiến dịch tranh cử, một động thái của một nhân vật có uy tín và tầm ảnh hưởng trong thời điểm hết sức phức tạp sẽ gây nên nhiều tranh cãi trái chiều. Ginsburg và các đồng nghiệp của mình không phải thẩm phán thông thường. Trong nhiều tình huống, họ có thể tái định hình nhiều lĩnh vực của xã hội Mỹ theo hướng tốt đẹp hơn hoặc xấu đi. Cơ chế Tối cao Pháp viện cũng là bức tường cuối cùng chống lại sự vi phạm các quyền hiến định. Và theo các nhà lập quốc, những thẩm phán của Tối cao Pháp viện “không có thế lực hay mong muốn riêng, chỉ có luật pháp”.

Dù còn nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức và tính phi chính trị của Tối cao Pháp viện, bà Ruth Bader Ginsburg cũng đã thừa nhận sai lầm trong các phát ngôn của mình về ứng viên tổng thống Donald Trump với tờ New York Times và hãng tin AP:

“Như đã phản ánh, nhận xét gần đây của tôi trên các mặt báo là thiếu khôn ngoan, và tôi lấy làm tiếc về những phát ngôn này.”

Nguồn: 
luatkhoa.org