logo
Loading...
Cập nhật: 25.08.2015 11:44 - Lượt xem: 8,626
(Conglydaiviet) - Tòa án tối cao Hoa Kỳ là nhánh quyền lực tư pháp mà quyền năng được giao trọn cho 9 đại thẩm phán với nhiệm kỳ suốt đời. Đa số người dân Mỹ tin rằng chín vị thẩm phán qua mọi thời kỳ đều là những người giúp đất nước của họ thoát ra khỏi các bế tắc về pháp lý và chính trị. Điều này vừa cần thiết, nhưng lại vừa đáng lo ngại.

Khi những biến chuyển xã hội xảy ra tại Hoa Kỳ, phần đông mọi người sống bên ngoài những hành lang của điện Capitol (trụ sở của Quốc hội Hoa Kỳ – ND) thường tự hỏi không biết phản ứng của các thiết chế liên bang sẽ là gì. Trái lại, đám chính trị gia ở Washington D.C. nhanh chóng nghĩ ra hàng tá lý do tại sao luật lệ mới không nên được thông qua. Thế rồi, với một tốc độ đáng ngạc nhiên, một sự thay đổi tưởng chừng bất khả trước đó lại trở thành luật. Phán quyết mới đây vào ngày 26 tháng 06 của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ về hôn nhân đồng giới là một ví dụ gần đây nhất của thực tế nói trên.

 ‘Không Cộng hòa, cũng chẳng Dân chủ’

Hoa Kỳ là một đất nước thay đổi mau lẹ, nhưng được quản lý bởi một hệ thống các thiết chế quốc gia có thiên hướng ì ạch. Một người phụ nữ Mỹ 50 tuổi của ngày hôm nay đã ra đời trong một thế giới mà một số bang có luật cấm cô ta kết hôn với một người đàn ông da đen. Bây giờ cô chợt thấy mình đang sống trong một thế giới mà mà cô có thể kết hôn với một người đàn bà. Năm 2004, các tư vấn gia chính trị băn khoăn không biết việc 

Thượng nghị sỹ John Kerry ủng hộ hôn nhân đồng giới có gây hại gì đến cơ hội trở thành tổng thống của ông hay không; 11 năm sau, bóng cầu vồng sáu sắc được chiếu đèn lên mặt trước Nhà Trắng để ăn mừng quyết định của tòa án, và bây giờ thì các chuyên gia đang băn khoăn không biết thái đồ thù nghịch với hôn nhân đồng giới có tác hại đến cơ hội tranh cử tổng thống sắp tới của các thành viên đảng Cộng hòa hay không.

Quan điểm về hôn nhân đồng giới đã xoay chuyển nhanh chóng một cách bất thường, nhưng nó không phải là một ví dụ duy nhất. Năm 2002, chỉ 45% người Mỹ cho là có con ngoài giá thú là một hành vi có thể được chấp nhận về mặt đạo đức, theo kết quả thăm dò của Gallup. Hiện nay, 61% chấp nhận việc có con ngoài giá thú. Nghiên cứu tế bào gốc, vốn từng là một trong những vấn đề đạo đức đáng tranh cãi nhất trong thời Tổng thống George W. Bush (2001 đến 2009 – ND), hiện nay nhận được sự ủng hộ của 64% người dân Mỹ. Trong vấn đề thay đổi khí hậu, một vấn đề mà Hoa Kỳ đã từ lâu có thái độ khác với các nước phát triển khác của thế giới, Hoa Kỳ hiện nay trông không khác biệt là mấy: 64% người ở độ tuổi trưởng thành tại Mỹ ủng hộ các hạn mức nghiêm ngặt hơn dành cho khí thải carbon từ các nhà máy điện, theo kết quả thăm dò của Pew. Hơn nửa con số 64% này tự nhân mình là người thuộc đảng Cộng Hòa hoặc ngả theo đảng này.

Trong một hệ thống chính trị khác, những thay đổi này có thể dẫn đến việc ban hành luật lệ mới. Nhưng điều này không thể xảy ra trong hệ thống của Hoa Kỳ – nơi có sự kết hợp của một phong trào bảo thủ mạnh mẽ nhất trong các nước giàu trên thế giới và một sự tồn tại phong phú các phương cách phủ quyết dành cho luật pháp liên bang. Việc này dẫn đến ứ đọng sức ép trong các đường ống liên kết người Mỹ tới chính phủ của họ. Sức ép này càng ngày càng hay tìm lối thoát thông qua Pháp viện Tối cao, như nhiệm kỳ mới đây nhất của Tòa này cho thấy.

Trong năm thứ mười làm Chánh án Pháp viện Tối cao, Thẩm phán John Roberts phải làm chủ tọa cho một loạt những vụ việc quan trọng vốn nhiều một cách bất thường. Bên cạnh việc ủng hộ hôn nhân đồng giới, các thẩm phán đã giải cứu Obamacare (hỗn danh của đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp Túi tiền – The Patient Protection and Affordable Care Act [PPACA] do Tổng thống Obama đưa ra – ND) khỏi một sai sót ngữ nghĩa suýt nữa đã giết chết đạo luật này. Các thẩm phán còn bác bỏ một thách thức dành cho một chất độc gây chết người dùng trong việc tử hình vốn được cho là dẫn đến những cuộc tử hình thất bại, nạt nộ Cục Bảo vệ Môi trường (the Environmental Protection Agency) vì đã không xem xét chi phí trước khi tiến hành chỉnh lý các nhà máy năng lượng, làm rõ nghĩa hành vi phân biệt chủng tộc dưới đạo luật Nhà ở Công bằng (Fair Housing Act), và cho phép người dân Arizona được khởi kiện các hành vi gian lận khu vực bỏ phiếu bầu cử.

Và đó mới chỉ là năm ngày cuối của nhiệm kỳ vừa qua. Trước đó, các thẩm phán đã mở rộng quyền của phụ nữ đang mang thai tại công sở, ra hai phán quyết có lợi cho người theo đạo Hồi trong việc thực hành giáo lý của họ, ngăn chặn nhà chức trách liên bang để họ không thể chạm tay đến nho khô của một người nông dân bang California, làm rõ các quy định dành cho việc cảnh sát dừng xe người dân khi lưu thông trên quốc lộ, và lật ngược bản án dành cho một người đàn ông đã dọa giết vợ mình trên Facebook.

Vai trò của một thẩm phán, ông Roberts nói với các thượng nghị sỹ trong các phiên điều trần trước khi nhậm chức vào năm 2005, giống như vai trò của một trọng tài ra quyết định trong các tình huống trên sân bóng. So sánh này đúng, ông Roberts khẳng định, bất chấp cảm giác của quần chúng là các vị thẩm phán có lẽ chỉ hơn những nhà chính trị mặc áo choàng một tí. “Tôi lo ngại việc quần chúng có cái nhìn như thế vì nó không chính xác,” ông Roberts nói vậy với khán giả tại trường đại học Nebraska mùa thu năm ngoái. “Nó không phản ánh cách chúng tôi làm việc, và quan trọng là chúng tôi phải làm rõ với quần chúng điều đó. Chúng tôi không phải là những người Cộng hòa hay những người Dân chủ.”

Vượt lên trên phe phái

Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ dưới thời Roberts thật sự đã cho thấy là các thẩm phán sẵn sàng phiêu lưu ra khỏi các vùng tư tưởng an toàn của họ. Tháng Hai vừa rồi, hai vị thẩm phán theo khuynh hướng tự do (liberal – ND) Ruth Bader Ginsburg và Elena Kagan đối nghịch nhau trong một tranh cãi về John Yates, một ngư dân đã đổ bỏ một số cá ông bắt được vốn nhỏ hơn kích cỡ cá được bắt theo quy định. Thẩm phán Ginsburg cho rằng: vì cá không được tính là hiện vật thực tế (tangible objects) thể theo một đạo luật chống phá hoại bằng chứng được ban hành sau vụ scandal Enron, ông Tates không đáng nhận án 20 năm tù. Thẩm phán Kagan bất đồng vì bà cho rằng “một hiện vật thực tế là một hiện vật mà nó có thực” (“a ‘tangible object’ is an object that’s tangible”).

Còn có nhiều ví dụ khác về những tách rẽ bất thường này. Trong vụ Zivotofsky kiện Kerry, Clarence Thomas, vị thẩm phán bảo thủ nhất của Tòa, ủng hộ thẩm phán Anthony Kenndy và bốn vị thẩm phán mang tư tưởng tự do trong việc mở rộng quyền của tổng thống trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế. Trong vụ Walker kiện Tổ chức các con của các cựu binh Liên minh Miền Nam (Sons of Confederate Veterans), thẩm phán Thomas một lần nữa đi ngược lại các đồng nghiệp mang tư tưởng bảo thủ giống mình và cho phép bang Texas từ chối cho in hình cờ Liên minh Miền Nam lên trên biển số xe hơi. Quyết định này, cùng với vụ việc chín người da đen bị sát hại tại một nhà thờ tại thành phố Charleston bang South Carolina vào ngày 17 tháng 6 vừa rồi, dẫn tới việc từ bỏ mau chóng lá cờ Liên minh Miền Nam – vốn đã tồn tại dai dẳng do tình cảm qua nhiều thập kỷ – không chỉ ở các địa điểm công cộng mà còn tại Walmart và trên Ebay.

Lần thứ hai trong ba năm qua, ông Roberts cũng làm giới bảo thủ thất vọng lớn lao khi ông ủng hộ việc cứu đạo luật Obamacare, thành quả lập pháp lớn nhất của Tổng thống Obama và là mục tiêu của hơn 50 nỗ lực bác bỏ tại Hạ viện Mỹ. Điểm mấu chốt pháp lý của vụ này, King kiện Burwell, chỉ là bốn từ trong đạo luật 900 trang này vốn liên quan đến việc phân phát các khoản miễn thuế cho người có thu nhập trung bình và thấp ở Mỹ. Luật ghi là những khoản trợ cấp này dành cho người dân mua bảo hiểm thông qua “các sàn giao dịch tạo lập bởi bang/nhà nước (?)” (“exchanges established by the state”.). Nhưng đã có 34 bang giao việc thiết lập các thị trường bảo hiểm y tế cho chính phủ liên bang. Liệu hàng triệu người Mỹ có mất quyền nhận trợ giúp vì các bang của họ không thiết lập các sàn giao dịch trong các bang này?

Không, ông Roberts viết như thế. Mặc dù diễn giải của bên nguyên về bốn chữ nói trên có thể xem là một cách đọc “tự nhiên nhất” (the “most natural” reading), việc bãi bỏ trợ cấp sẽ làm bảo hiểm y tế trở thành không hợp túi tiền cho ít nhất 8 triệu người Mỹ, dẫn tới việc ít người đăng ký bảo hiểm và tiền phí bảo hiểm tăng cao. Kết quả theo đó, ngài chánh án viết, sẽ là một “vòng xoáy chết chóc” (death spiral) kéo đạo luật này tới một kết thúc “thảm họa” (calamitous). Ông kết luận rằng: “Quốc hội thông qua đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp Túi Tiền để cải thiện các thị trường bảo hiểm y tế chứ không phải hủy diệt chúng”.

Ngài Chánh án Roberts, một người thực dụng bẩm sinh, không có lợi ích gì trong việc làm cho tòa án của ông trông có vẻ nghiêng về một phe phái nào. Tuy nhiên, những quyết định nói trên vẫn được nhìn nhận theo cách đó. Ted Cruz, từng là một viên thư ký Pháp viện Tối cao và hiện nay là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, cáo buộc tòa này có những hành vi bất hợp pháp “làm phá hoại […] các nền tảng căn cơ nhất của hình thức chính quyền đại diện của chúng ta”. Kevin Williamson, viết trên tờ tạp chí cánh hữu National Review, tuyên bố là các quyết định nói trên đánh dấu một thời điểm “cực tả” (peak leftism). Sự sỉ nhục lớn nhất lại đến từ quyết định Obergefell kiện Hodges, một quyết định mang tính bước ngoặt với tỷ lệ 5 phiếu ủng hộ và 4 phiếu chống. Quyết định này cho phép hôn nhân đồng giới trên toàn đất nước. “Việc cho phép vấn đề chính sách (policy question) về hôn nhân đồng giới được xem xét và quyết định bởi một ban chín người được tuyển chọn, thuộc tầng lớp thượng lưu, không mang tính đại diện, là vi phạm một nguyên tắc còn cơ bản hơn nguyên tắc không sưu thuế mà không thông qua đại diện: nguyên tắc không biến chuyển xã hội mà không thông qua đại diện”, thẩm phán Antonin Scalia, người cầm đầu phe bảo thủ trong Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ viết như vậy.

Mạch đập công luận

Không như Quốc hội Mỹ, Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ bắt buộc phải chọn một chỗ đứng khi đối mặt với một sự thay đổi trong xã hội. Ngay cả những ý kiến bất đồng trong quyết định về hôn nhân đồng giới cho thấy một sự nhạy cảm với ý kiến công luận mà nhiều chính trị gia không có được. Trong ý kiến bất đồng của mình trong vụ Obergefell, Chánh án Roberts nói thẳng với người dân Hoa Kỳ với một giọng hòa hoãn. “Nếu bạn là một trong nhiều người Mỹ – bất kể thiên hướng tình dục – mong muốn mở rộng phạm vi hôn nhân đồng giới, thì xin cứ tự nhiên nhất có thể mà ăn mừng quyết định ngày hôm nay”, ông viết. “Ăn mừng việc đạt được một kết quả mong muốn. Ăn mừng một cơ hội cho một sự thể hiện mới sự gắn bó với bạn đời. Ăn mừng việc có được những lợi ích mới”. Nếu ông ta là một nhà lập pháp, Roberts viết tiếp, ông ta “chắc chắn sẽ xem xét” các ích lợi của bình đẳng hôn nhân “như là một vấn đề chính sách xã hội” (as a matter of social policy). Nhưng bản thân là quan tòa, ông phải bảo lưu ý kiến là hiến pháp Mỹ không đòi hỏi việc đó (cho phép hôn nhân đồng giới – ND). “Tôi không có lựa chọn nào khác,” ông viết, gần như là hối lỗi, “ngoài việc thể hiện bất đồng.”

Pháp viện Tối cao ít khi nào thích đi xa hơn ý kiến công luận. Trước khi đưa ra những quyết định dẫn đến những thay đổi xã hội sâu rộng như loại bỏ sự phân biệt chủng tộc trong các trường công (quyết định Brown kiện Ủy ban Giáo dục [Brown kiện Board of Education] năm 1954), hợp pháp hóa hôn nhân dị chủng (Loving kiện bang Virginia năm 1967) hoặc phá thai (Roe kiện Wade năm 1973) các thẩm phán thường chờ ít nhất một nửa quần chúng Mỹ đồng ý với mình. Theo đó, giọng điệu của các thẩm phán trong vụ Obergefell chịu ảnh hưởng nhiều từ môi trường mà quyết định này được đưa ra.

Khi đưa ra quyết định bất đồng với đa số ủng hộ quyền người đồng giới trong vụ Nước Mỹ kiện Windsor năm 2013, vụ việc vốn đưa ra quyết định bác bỏ trọng tâm của đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (đạo luật này ngăn cấm hôn nhân đồng giới – ND), Chánh án Roberts không có lời nào ủng hộ những người bênh vực quyền người đồng giới. Hôn nhân đồng giới khi ấy mới chỉ hợp pháp ở 12 bang. Nhưng thời thế đã thay đổi sắc nét trong hai năm vừa qua. Khi Roberts viết ý kiến bất đồng của ông trong vụ Obergefell, số bang có hôn nhân đồng giới đã tăng lên 37 và ý kiến quần chúng ủng hộ hôn nhân đồng giới đã lên mức 60%.

Mùa thu năm sau, hai vụ việc liên quan đến chủng tộc sẽ được các thẩm phán xem xét. Trong vụ Fisher kiện Đại học Texas (II), tòa sẽ xử lại một đơn kiện của một phụ nữ da trắng cáo buộc trường Đại học Texas vi phạm Tu chính án thứ 14 khi trường này từ chối nhận cô ta vì các tiêu chuẩn nhận vào trường dựa trên chủng tộc. Các thẩm phán cũng sẽ xem xét vụ Evenwell kiện Abbott, một vụ việc quan trọng quyết định xem phiếu bầu của người Mỹ Latinh có bị “đặt nặng” (over-weighted) trong hệ thống lập pháp các quận bang Texas hay không. Trong hai vụ này, có thể sẽ tới phiên những người bên đảng Dân chủ quay ra công kích tòa vì tội lăng xăng pháp lý (judicial meddling).

Mô hình của việc Quốc hội ‘đá’ qua cho tòa án việc quyết định liên quan đến những thay đổi xã hội mà Quốc hội không thể tự thức tỉnh bản thân nó để đối mặt là một mô hình đáng lo ngại cho nền dân chủ Mỹ. Nhưng nếu việc không áp dụng mô hình này chỉ dẫn đến việc chẳng có thay đổi xã hội gì – mà với sự cực đoan hóa của các tư tưởng chính trị hiện có trong đất nước thì việc này rất có thể xảy ra – thì không có lý do gì để nuối tiếc việc có nó trong thực tế. Nguy cơ là việc các chính trị gia được bầu chọn, khi cảm thấy được trút bỏ trách nhiệm lập pháp liên quan đến những vấn đề xã hội nóng bỏng, sẽ được tự do làm dáng mà không phải đối mặt với hậu quả của những quan điểm chính sách của họ, và sự cực đoan hóa của các tư tưởng chính trị theo đó chỉ trở nên tệ hơn.

Trâm Huyền - Dịch từ The Supreme Court: Change is gonna come
Nguồn luatkhoa.org