Mười mấy năm trước đây, một trong những loạt phim truyền hình được rất nhiều khán giả Việt Nam yêu thích chính là “Bao Thanh Thiên”. Phim chiếu ròng rã một thời gian dài, chiếu đi chiếu lại mà vẫn có khán giả. Lý do là bởi trong loạt phim ấy, nhân vật Bao Công mặt sắt đen sì đã thực sự làm thỏa mãn cái ước mơ về một công đường và công lý đúng nghĩa của người dân. Ở các phiên xử của Bao Công, trước quốc pháp, vua cũng bình đẳng như dân. Ai gây tội người đó phải chịu. Trong toàn bộ gần 100 tập phim ấy, Bao Công lúc nào cũng dũng khí ngất trời và đặc biệt hơn, khán giả không khi nào thấy ông... ngủ gật.
Tất nhiên phim là phim, đời là đời. Trên phim thì không khi nào Bao Công ngủ gật khi xử án cả, nhưng ngoài đời thì có đấy. Ấy là chuyện đang gây...buồn cười cho độc giả gần đây, khi báo chí phát hiện có ông thẩm phán Nguyễn Văn Giới ở Trà Vinh có biểu hiện “nhắm mắt, ngoẹo đầu” trong phiên xử.
Tất nhiên thẩm phán cũng là người, có lúc mệt mỏi, có lúc thức khuya, nên “nhắm mắt, ngoẹo đầu” vài giây như lời ông nói cũng có thể cảm thông được. Và đồng nghiệp của ông Giới là ông Ngô Đê - một thẩm phán khác đã thanh minh cho bạn: “Tôi nghĩ anh Giới không thể ngủ suốt phiên tòa được, bởi lúc xét hỏi xong anh Năm hỏi có ý kiến gì không, anh Giới còn trả lời “Không” mà”. Ơn Giời ơn Phật, cũng may mà ông Giới không ngủ suốt phiên tòa. Nếu quan tâm đến tin tức về kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, hẳn nhiều người cũng biết về phiên tham gia góp ý cho dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), các đại biểu đã có những tranh luận sôi nổi về dự thảo quy định “quyền im lặng” trong hỏi cung.
Đại biểu Đỗ Văn Đương phản đổi quy định về quyền im lặng này và cho rằng: “Cứ khăng khăng im mồm như thế, nếu cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân…”
Bên cạnh đó, một số đại biểu đang công tác trong ngành công an cũng cho rằng, quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. Nếu quy định quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, tính nghiêm minh pháp luật không cao...
Cuộc tranh cãi này từ diễn đàn quốc hội đã lan ra mạng xã hội và đa phần các ý kiến người dân đều thể hiện sự không ủng hộ quan điểm coi “quyền im lặng là vô nghĩa”.
Quyền im lặng là một quyền đặc biệt, thể hiện tính nhân văn của luật pháp, nó bảo vệ nghi phạm trước những nguy cơ bị ép cung do nhục hình, và rất nhiều nước đã áp dụng quyền này từ cách đây vài thế kỷ, với điều kiện dân trí khác xa ngày nay. Nếu có quyền im lặng, chắc chắn sẽ không có trường hợp của tử tù Nguyễn Thanh Chấn, không giết người mà vẫn phải nhận mình giết người. Nếu có quyền im lặng, chắc chắn cậu bé Đỗ Quang Thiện ở Đăk Lăk đã không bị tống vào tù với nỗi oan khiên khi cứu người lại mang vạ vào thân.
Tính nhân văn của luật pháp thể hiện ở chỗ, nó phải làm sao để khi áp dụng, sẽ đảm bảo ở mức thấp nhất tỷ lệ án oan sai và nâng cao nhất khả năng bảo vệ người vô tội. Vậy tại sao một quyền nhân văn như “quyền im lặng” lại bị phũ phàng chối bỏ?
Nếu hiểu rằng, quyền im lặng là nghi phạm “cứ khăng khăng im mồm” là một cách hiểu chưa đầy đủ. Nghi phạm chỉ được quyền im lặng khi chưa có luật sư hoặc người thứ 3 làm chứng cho lời khai của họ trước cán bộ điều tra.
Vậy thì để đảm bảo quyền lợi được bảo vệ chính đáng của mỗi cá nhân, “quyền im lặng” chính là chiếc áo giáp vô hình giúp người dân được tự vệ trước những việc ép cung, nhục hình dẫn đến án oan sai gây bức xúc thời gian vừa qua.
Nếu một khi “quyền im lặng” được thông qua và đi vào đời sống, chắc chắn người dân sẽ yên tâm hơn cho chính họ mỗi khi chẳng may lâm sự, dính dáng đến pháp luật. Và khi ấy, chắc chắn các vị thẩm phán sẽ không thể tranh thủ “nhắm mắt, ngoẹo cổ” trong phiên xử nữa. Họ sẽ buộc phải tỉnh táo, sáng suốt trong suốt thời gian mặc áo quan tòa, thi hành công lý.
Hãy để luật pháp được thể hiện tính công bằng và nhân văn của mình.
Mi An - Nguồn: motthegioi