logo
Loading...
Cập nhật: 13.06.2015 08:18 - Lượt xem: 2,366
(Conglydaiviet) - Cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước là một chính sách thể hiện cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Câu chuyện này đã diễn ra từ năm 1998 qua nhiều giai đoạn lúc trầm lúc nóng. Tuy nhiên chính sách và giải pháp thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Khi cổ phần hóa, một phần rất nhỏ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam được bán ra cho các nhà đầu tư chiến lược cũng như trên thị trường chứng khoán. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thất vọng, và đó cũng là nhận định của Bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch HĐQT Phòng Thương mại Hoa Kỳ.

Mục tiêu có khả thi?  

Trao đổi với báo chí trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF), bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch HĐQT Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đồng Chủ tịch VBF 2015 tỏ ra “khá thất vọng” về cổ phần hóa ở Việt Nam. Bởi lẽ, hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp diễn ra khá chậm chạp, ngay cả khi đã thực hiện xong cũng không có nhiều thay đổi, hiệu quả không cao. Tại nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thực tế chỉ là thay đổi cơ chế huy động vốn chứ chưa phải là cổ phần hóa thực sự.

Chỉ tính riêng năm 2015, theo kế hoạch, sẽ phải tiến hành cổ phần hóa xong 289 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, mới chỉ có 27 doanh nghiệp nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 sở giao dịch chứng khoán. Như vậy, còn tới 262 doanh nghiệp phải cổ phần hóa chỉ trong 9 tháng còn lại của năm 2015, đây là một mục tiêu không hề dễ trong bối cảnh như hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, rào cản lớn nhất khiến cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là do tỷ trọng cổ phần bán ra bên ngoài khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn thấp, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Bà Foote cho biết, trên thực tế, một phần rất nhỏ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam được bán ra cho các nhà đầu tư chiến lược cũng như trên thị trường chứng khoán. Có trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm 95% cổ phần, cho nên mặc dù đã cổ phần hóa xong nhưng các doanh nghiệp loại này vẫn không có nhiều sự thay đổi lớn mang tính đột biến cả về: Quản trị công ty, nhân sự, kinh doanh…

Theo nhìn nhận của một vị lãnh đạo doanh nghiệp, không nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài lại chịu bỏ một số tiền lớn ra đầu tư mua cổ phần để rồi cuối cùng bộ máy cũ vẫn nắm quyền quyết định công ty đó. “Điều đó khiến cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thất vọng. Không những thế, việc hạn chế tỷ lệ bán ra cho nhà đầu tư nước ngoài khiến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp khó có hiệu quả hay tạo ra sự thay đổi đột biến”, bà Foote nhìn nhận.

Giải pháp "cổ phần vàng"

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, nếu vẫn giữ quan điểm tỷ trọng vốn nhà nước nắm phần chi phối tại các doanh nghiệp thì sẽ rất khó tạo ra sự thay đổi về mặt quản trị. “Giải pháp dùng cổ phần vàng có thể áp dụng và mang lại hiệu quả cho hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp. Nhà nước nắm giữ cổ phần vàng để có quyền chi phối các quyết định quan trọng ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, dân sinh… Các vấn đề khác liên quan đến kinh doanh, quản trị hãy trả lại cho doanh nghiệp và các cổ đông”, ông Lộc khuyến nghị.

Dẫn dụ một trường hợp cần cổ phần hóa doanh nghiệp thủy điện, vốn là một lĩnh vực khá hạn chế trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, ông Lộc cho rằng, nếu thay đổi cách tiếp cận hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ như hoạt động xả lũ, để tránh việc doanh nghiệp tự ý xả lũ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và dân sinh, khi đó chúng ta áp dụng quy định “cổ phần vàng”, chỉ có nhà nước mới được ra quyết định có xả lũ hay không để tránh thiệt hại.

Còn các vấn đề khác liên quan đến kinh doanh sẽ trả lại cho các nhà đầu tư quyết định như hoạt động quản trị doanh nghiệp, chuyển nhượng….Bởi lẽ, theo ông Lộc, khi nhà đầu tư được trao quyền quyết định trong kinh doanh, họ sẽ tìm mọi cách để tăng cường quản trị doanh nghiệp một cách có hiệu quả cao nhất, nhà nước không cần can thiệp.

Mặt khác, theo vị lãnh đạo VCCI, việc tạo ra thị trường cho khu vực tư nhân tham gia sâu cũng là một giải pháp hiệu quả thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cắt giảm đầu tư công. Ví dụ, việc xây dựng công sở của các địa phương, thay vì bỏ tiền ngân sách ra làm, nhà nước có thể đưa ra quy định cụ thể về một trụ sở, kêu gọi tư nhân vào đầu tư xây dựng sau đó thuê lại.

“Thay vì phải ngay lập tức bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, nhà nước có thể cho tư nhân đầu tư, sau đó trả dần trong 30 năm thậm chí 50 năm… Đây là cách có thể học tập được, vừa tạo cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân, vừa tiết kiệm vốn đầu tư công dành cho những nhiệm vụ khác quan trọng hơn”, ông Lộc phân tích.

Nguồn bizLIVE