logo
Loading...
Cập nhật: 13.03.2016 10:17 - Lượt xem: 2,307
(Conglydaiviet) - Những đối tượng không phải nộp lệ phí môn bài là hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân thực hiện đăng ký hộ kinh doanh hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Đó là thông tin mới đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí môn bài do Bộ Tài chính vừa công bố.

Bộ Tài chính cho biết, về bản chất, lệ phí môn bài là khoản thu nhằm kiểm đếm số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hằng năm. Lệ phí này khác với lệ phí đăng ký doanh nghiệp đang thực hiện theo quy định tại NĐ 43/2010/NĐ-CP. Mỗi năm, NSNN từ thuế môn bài khoảng 1.700 tỉ đồng.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thu lệ phí môn bài theo đối tượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, có 4 mức: Vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng (doanh nghiệp lớn): 10 triệu đồng; vốn đăng ký từ 10 tỉ đến 100 tỉ đồng (doanh nghiệp vừa và nhỏ): 5 triệu đồng; vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng: 3 triệu đồng (bằng mức cao nhất hiện nay); đối với các chi nhánh, các cửa hàng trực thuộc: 2 triệu đồng.

Đối với cá nhân kinh doanh, hộ cá thể kinh doanh (2 mức): doanh thu trên 300 triệu đồng/năm: 1 triệu đồng. Doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng. Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, không thuộc đối tượng nộp lệ phí

Theo Bộ Tài chính, mức thu trên sẽ bảo đảm công bằng và phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp. Đối với doanh nghiệp, mức thu sẽ cao đối với doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn và mức thu thấp hơn đối với doanh nghiệp có vốn đăng ký nhỏ. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh, phân biệt theo doanh thu, phù hợp với khả năng đóng góp. 

Cũng theo Bộ Tài chính, số thu dự kiến khoảng 2.685 tỉ đồng, bảo đảm tăng thu NSNN so với hiện hành. Cơ quan thu lệ phí môn bài nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào NSNN theo Mục lục NSNN.
Theo Bộ Tài chính, trước kia, theo quy định, thuế môn bài hiện được thu theo 2 đối tượng với mức thu khác nhau. Tổ chức kinh doanh nộp thuế môn bài theo 4 bậc, căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư. Hộ cá nhân kinh doanh cá thể nộp thuế môn bài theo 6 bậc căn cứ vào mức thu nhập trên tháng.

Còn theo quy định về quản lý thuế hiện nay, thuế môn bài là loại thuế kê khai và nộp theo năm, thời gian kê khai chậm nhất là ngày 30.1 hàng năm. Đối với các hộ kinh doanh không thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, không xác định được chính xác thu nhập trên tháng thì trong những tháng cuối năm Cục thuế các tỉnh, thành phố phải rà soát nắm lại toàn bộ cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, điều tra thu nhập thực tế để phân loại và xếp bậc môn bài theo quy định.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách thuế môn bài vẫn có một số tồn tại, vướng mắc. Đó là đối với hộ kinh doanh cá thể, nộp thuế theo phương pháp khoán, không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách, hóa đơn chứng từ… thì mức thu thuế môn bài lại quy định gồm 6 mức căn cứ vào thu nhập trên tháng. Do đó cơ quan thuế phải rà soát rất vất vả và tốn kém, mất thời gian, bỏ sót thuế…
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu có 2 người phụ thuộc thì thu nhập dưới 16,2 triệu đồng/tháng cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Trong khi đó theo bậc môn bài hiện hành hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng cũng phải nộp thuế môn bài. Như vậy quy định về mức thu nhập để phân bậc môn bài hiện hành của hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Một điểm bất hợp lý nữa là mức môn bài hiện nay căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng nên việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.

Nguồn: motthegioi