logo
Loading...
Cập nhật: 17.10.2015 12:54 - Lượt xem: 2,055
(Conglydaiviet) - Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 16-10 diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, trong phần luận tội, vị đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo trong đường dây lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ do Nguyễn Văn Thúy(biệt danh “cậu Thủy”) cầm đầu. Phiên tòa đến hồi kết thúc nhưng còn đó những lo lắng trăn trở về nhiều kiểu cách trách nhiệm của nhiều bên liên quan.

Thủ đoạn và mục đích phạm tội

Nắm bắt được phong trào người thân tìm hài cốt liệt sĩ tử nạn trong chiến tranh rộn lên khắp cả nước trong nhiều năm qua và ngày một gia tăng. Trong đó có hàng trăm người sẵn sàng bỏ công sức và không tiếc tiền của cho việc tìm lại hài cốt người thân để người sống được thanh thản. Nguyễn Văn Thúy nhìn thấy đây là cơ hội hốt bạc dễ dàng. Bằng thủ đoạn tung tin, mánh lới tự tạo cho mình các khả năng "ngoại cảm" có thể “nói chuyện” với thần thánh và ma quỉ, Thủy đã khiến thân nhân các liệt sĩ cả tin để rồi phó thác cho Thúy tìm ra hài cốt liệt sĩ thân nhân mà không chút phân vân gì về sự tốn kém. 

Nhóm người bất lương được hình thành bởi quan hệ gia đình và bè bạn. Họ được dẫn dắt bởi lòng tham cho nên sẵng sàng giẫm đạp lên trên lòng tốt của người lương thiện. Thúy tự tạo và ly kỳ hóa qua chiêu trò “áp vong” vào bản thân Thúy hoặc người thân liệt sĩ rồi đưa đường đến địa điểm đào bới lúc nhá nhem chiều tối kiểu “linh thiêng, mờ ảo” và thu tiền. Kết quả thu được qua hàng chục phi vụ, Thúy cùng cả nhóm gom về hơn 8 tỉ đồng. Nếu hành vi sai phạm không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời, chắc chắn rằng những câu chuyện bi hài và đau lòng sẽ không dừng lại về con số.  

Trả lời câu hỏi của chủ toạ phiên toà "Xương cốt người là thứ thiêng liêng, xương cốt liệt sĩ lại càng là điều thiêng liêng hơn nữa. Tại sao bị cáo có thể cho phép mình làm cái việc vô đạo ấy?" bị cáo Nguyễn Văn Thuý(ảnh bên) chỉ cúi đầu, im lặng.

Trả giá cho hành vi phạm tội

Căn cứ vào tính chất và hậu quả của hành vi phạm tội, mức hình phạt do phía công tố đề nghị đối với từng bị cáo là:

- Nguyễn Văn Thuý (tức "cậu Thủy"): Tù chung thân về 02 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

- các bị cáo là người thân trong gia đình của Thúy gồm: Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy) từ 18-20 năm tù giam; Mẫn Đức Phương (em vợ Thúy) từ 14-16 năm tù giam.

- Nguyễn Trường Sơn: từ 12-13 năm tù giam về hai tội 02 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

- Nguyễn Văn Hoành : từ 12-13 năm tù về 3 tội 02 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Trộm cắp tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

- Vũ Đức Chung : từ 18-20 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

Nhìn lại câu chuyện tìm mộ liệt sĩ và trách nhiệm

Việt Nam ta với nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 vừa qua biết bao người con của các gia đình đã bỏ mình vi tổ quốc. Có nhiều lý do khác nhau mà trong số các liệt sĩ nằm xuống đã có rất nhiều người không thể tìm thấy thân xác sau kết thúc tiếng súng cho dù nhân dân và đồng đội của họ đã rất cố gắng.

Chết chưa bao giờ là hết ngay cả khi người chết đã được vinh danh tột đỉnh. Cái chết của người lính trên chiến trường vì tổ quốc luôn được xếp đầu trong bảng vàng vinh quang. Nhiều năm tháng qua, chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan, đoàn thể và cá nhân có trách nhiệm đã dành không ít thời gian, chi phí, công sức và tấm lòng cho công tác tìm và qui tập mộ liệt sĩ. Công việc thiêng liêng, cao cả này chưa được tuyên bố thời điểm kết thúc vì rằng trách nhiệm xoa dịu nỗi đau và bày tỏ lòng biết ơn luôn là vô hạn định.

Nhìn sang các quốc gia khác như Căm-pu-chia, Lào, Pháp và Hoa Kỳ ta thấy Chính phủ của họ cũng đang cùng gia đình các quân nhân hy sinh tích cực làm điều tương tự. Điều đó giải thích vì sao người Mỹ lại rất sốt sắng trong việc tìm hài cốt quân nhân Mỹ hy sinh tại Việt Nam. 

Vụ án “Cậu Thủy” dù có nghiêm trọng đến mấy rồi cũng có hồi kết khi kẻ gây nên tội phải đền tội. Luật pháp là thế và luật nhân quả ở đời cũng luôn luôn thế. Nhưng điều cần nhìn rộng hơn, sâu hơn và có hy vọng hơn là qua vụ án này cần phải xem lại về vấn đề trách nhiệm.

Trước hết phải đề cao trách nhiệm của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương. Tại sao khi hành vi phạm luật mới manh nha mà có thể dễ dàng lọt lưới khỏi tai mắt của cộng đồng và hệ thống quản lý nhiều tầng nấc được. Rõ ràng là đã có những yếu kém trong quản lý nhà nước, thiếu sự chủ động và những kết nối có trách nhiệm. Chuyện buồn tương tự rồi sẽ vẫn xảy ra chừng nào nhà nước chưa có được những chính sách, giải pháp và biện pháp tăng tốc cụ thể, kịp thời và hiệu quả để giải quyết những việc mà nhà nước không có quyền để lâu.

Thứ đến là trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Hạnh phúc và văn minh sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nỗi đau của mỗi cá nhân, mỗi gia đình chưa được công nhận là nỗi đau chung. Chúng ta chẳng phải đã đề cao nguyên tắc sống văn minh “mình vì mọi người và mọi người vì mình” đó sao? 

Sau cùng, trách nhiệm của thân nhân liệt sĩ. Phải thừa nhận rằng thân nhân liệt sĩ luôn là người đau khổ nhất trong câu chuyện. Mất người thân, vô phương tìm kiếm, càng đau buồn hơn khi phát sinh những vấn đề về tâm linh và những bế tắc, lo lắng trong đời sống. Cho nên, cảm giác bồn chồn, nôn nóng luôn là thường trực và đây lại là chỗ yếu cho những kẻ trục lợi lợi dụng để kiếm chác. Vì vậy khi xác định thứ trọng trách này, người trong cuộc cần phải tự mình hết sức tỉnh thức, bình tâm để chọn lựa phương thức hành động chính đáng, khoa học và đủ độ tin cậy./.
  
conglydaiviet