logo
Loading...
Cập nhật: 17.09.2015 08:40 - Lượt xem: 2,601
(Conglydaiviet) - Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi) đã cho phép người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam. Đây là vấn đề rất mở so với Luật Nhà ở năm 2005 và “thoáng” so với thế giới, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến người nước ngoài, Việt kiều vẫn thấp thỏm mong chờ. Để tháo gỡ tình trạng này, đòi hỏi chính sách và luật pháp của Việt Nam phải khẩn trương cụ thể hóa theo hướng cởi mở hơn nữa nếu không muốn tụt hậu so với chính sách của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực.

Tại buổi Tọa đàm BizTALK “Làm sao để Việt kiều, người nước ngoài mua nhà dễ dàng tại Việt Nam” do báo BizLIVE tổ chức chiều ngày 16/9 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia về bất động sản cho biết, Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã “cởi trói” cho phép người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

BizTALK “Làm sao để Việt kiều, người nước ngoài mua nhà dễ dàng tại Việt Nam” do báo BizLIVE tổ chức chiều ngày 16/9 tại TP.HCM 

Tính đến tháng 8/2015, đã có 403 người nước ngoài được cấp “sổ đỏ”, tăng thêm 203 người được cấp “sổ đỏ” so với trước khi Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi) có hiệu lực. Ngoài ra, cũng đã có hơn 500 Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (theo Cục Quản lý Nhà ở, Bộ Xây Dựng).

Nhưng so với con số cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài hơn 4 triệu người tại các quốc gia trên thế giới thì con số này quá nhỏ bé.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản tham dự Tọa đàm cho biết, qua thực tế bán các dự án và gặp gỡ khách hàng mua nhà thì lượng khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều rất đông.

 Ông Đào Ngọc Duyên, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Thế giới bất động sản

Ông Đào Ngọc Duyên, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Thế giới bất động sản chia sẻ: Nếu như trước kia chỉ lác đác vài người nước ngoài đi xem nhà và dẫn theo 1-2 người Việt thân cận để tham khảo ý kiến khi mua nhà, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đã có hàng đoàn người nước ngoài kéo nhau đi xem nhà vì tin tưởng tương lai về “căn nhà ước mơ” tại Việt Nam.

Vậy chúng ta phải đón những “luồng sóng” mua nhà này từ Việt kiều và người nước ngoài để thị trường bất động sản trong nước sôi động lên.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch CTCP Bất động sản Sơn Kim (SonKimLand), dự án Gateway (Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) của công ty này có tới 60% người mua nhà có yếu tố liên quan đến nước ngoài, còn người nước ngoài thuần túy cũng lên tới 25%.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch CTCP Bất động sản Sơn Kim (SonKimLand)

“Tôi thấy người nước ngoài mới qua Việt Nam thì bỡ ngỡ và họ muốn tìm cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung để hòa nhập. Đa số người Phương Tây chọn Thảo Điền, quận 2, TP.HCM vì họ rất quan trọng về môi trường sống, và đây là nơi có khu cây xanh lớn nhất TP.HCM, có sông nước trài dài bao bọc", ông Tuấn chia sẻ.

Do vậy, theo các chuyên gia bất động sản, vấn đề Luật quy định chỉ 30% người nước ngoài được mua nhà tại một phường, hoặc chỉ được mua 250 căn tại một dự án là chưa hợp lý.

Yếu tố quan ngại cho quy định này, theo luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Luật, đã có nhiều quan ngại khi người nước ngoài, Việt kiều ồ ạt mua nhà tại Việt Nam sẽ đẩy giá nhà lên cao.

Luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Luật 

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam phải chứng minh nguồn gốc người Việt cũng nhằm tránh đầu cơ, đẩy giá nhà lên cao. Tuy nhiên, ông Cảnh cho biết, hiện giá nhà tại Mỹ đang rất rẻ, vay vốn lãi suất rất thấp và ổn định, nếu Việt kiều muốn mua nhà để đầu tư thì họ không chọn Việt Nam vì lợi tức đầu tư thấp. Việt kiều muốn mua nhà sống ở Việt Nam vì mong nhớ quê hương.

Còn vấn đề người nước ngoài chỉ được sở hữu nhà 50 năm theo quy định trong Luật Nhà ở 2014 theo nhiều doanh nghiệp bất động sản cần giải thích rõ?

Ông Lê Hoàng Châu (giữa), Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA).

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), thế giới có 3 mức về sở hữu nhà ở, đất đai: 50 năm, 70 năm và 99 năm. Việt Nam chọn mức thấp 50 năm là phổ biến trên thế giới.

Cùng phản đối quy định chỉ cho người nước ngoài mua 250 căn hộ trong một khu dân cư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM có cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống rất nhiều, hay những khu vùng ven khác tại TP.HCM cộng đồng người nước ngoài đến sinh sống rất đông vì hợp với họ. Do vậy, quy định này rất bó buộc.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Bên cạnh đó, ông Đực cho rằng, đừng nên chỉ nhắm đối tượng Việt kiều với phân khúc nhà ở giá cao, nhu cầu của Việt kiều đa dạng. Họ cũng cần nhà giá thấp, chẳng hạn họ có 100.000 USD, họ chỉ mua căn nhà 50.000 – 60.000 USD, còn đâu để chi tiêu.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, giới hạn 250 căn cho người nước ngoài mua trong một khu dân cư hoặc 30% trong một dự án như vậy rất khó, sắp tới SonKimLand có lẽ phải ra một quy định về quyền ưu tiên mua nhà đối với các đối tượng khách hàng trong một dự án liên doanh của công ty. 

Nếu cởi bỏ được điều kiện về hạn chế số căn hộ trong một dự án bán cho người nước ngoài thì sẽ rất tốt khi hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN sắp tới. Chẳng hạn, Thái Lan, Malaysia có lượng người nước ngoài sinh sống rất động đã tạo ra nhiều cộng hưởng thêm cho người dân nước này.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc này, theo ông Lê Hoàng Châu, người Nhật đặc biệt thích ở theo cộng đồng của họ, nếu chỉ bán 30% căn hộ trong một dự án, vậy thì số 70% còn lại nên cho thuê đối với cộng đồng người Nhật, như thế mới tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

“Tôi mong cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn nữa để người nước ngoài có quyền sở hữu nhà”, ông Châu nhấn mạnh.


Nguồn: bizLIVE